Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2022

Phát biểu của Đức Hồng y Pietro Parolin tại Cuộc họp Cấp cao Liên Hợp Quốc

Phát biểu của Đức Hồng y Pietro Parolin tại Cuộc họp Cấp cao Liên Hợp Quốc

Đức Hồng y Pietro Parolin tại LHQ. Photo: America Digital

Phát biểu của Đức Hồng y Pietro Parolin tại Cuộc họp Cấp cao Liên Hợp Quốc

*******

Tại Cuộc họp cấp cao của Liên hợp quốc kỷ niệm 30 năm ngày thông qua Tuyên ngôn về Quyền Con người thuộc Quốc gia hoặc Dân tộc, Tôn giáo và các Ngôn ngữ Thiểu số.

SEPTEMBER 24, 2022 00:31

REDACCIÓN


(ZENIT News / Nueva York, 23.09.2022).- Ngày 21 tháng Chín năm 2022, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, có bài phát biểu tại Cuộc họp Cấp cao của Liên hợp quốc kỷ niệm 30 năm ngày thông qua Tuyên ngôn về Quyền Con người thuộc Quốc gia, Dân tộc, Tôn giáo và các Ngôn ngữ thiểu số. Là một phần của hoạt động kéo dài một năm kỷ niệm 30 năm Tuyên ngôn, Cuộc họp Cấp cao này được triệu tập để đánh giá những hạn chế và thành tựu, chia sẻ các ví dụ về những cách thực hiện tốt nhất và thiết lập các ưu tiên trong tương lai.

Trong bài phát biểu, Đức Hồng Y Parolin tuyên bố rằng các thuật ngữ ‘thiểu số’ và ‘đa số’ là những nhãn hiệu mang tính mô tả, và việc sử dụng chúng không được làm xói mòn nguyên tắc rằng mọi người đều bình đẳng về phẩm giá và do đó có quyền bình đẳng. Ngài rất lo lắng nhấn mạnh rằng người Kitô hữu tiếp tục là nhóm bị đàn áp nhiều nhất trên thế giới. Ước tính có khoảng 360 triệu người Kitô hữu trên 76 quốc gia phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, bạo lực và ngược đãi, trong khi các nhóm tôn giáo thiểu số khác cũng bị đối xử tương tự.

Đức Hồng y Parolin kết luận bằng lời tuyên bố rằng việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người cơ bản của những người thuộc các quốc gia, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ thiểu số cần được thiết lập trên cơ sở đối thoại, hợp tác với nhau và hiểu biết lẫn nhau.

Sau đây là bản văn của bài phát biểu:

____________________________________________

Bài phát biểu của Đức Hồng y Pietro Parolin

tại Cuộc Họp Cấp cao của LHQ nhân kỷ niệm

năm thứ 30 thông qua

Tuyên ngôn về Quyền Con người thuộc

các Quốc gia, Dân tộc, Tôn giáo và Ngôn ngữ Thiểu số

Phát biểu của Đức Hồng y Pietro Parolin tại Cuộc họp Cấp cao Liên Hợp Quốc

New York, 21 tháng Chín, 2022

Thưa ngài Chủ tịch,

Tòa thánh vui mừng tham gia Cuộc họp cấp cao này đánh dấu kỷ niệm 30 năm ngày thông qua Tuyên bố về Quyền Con người thuộc quốc gia hoặc dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ Thiểu số.

Khi sử dụng thuật ngữ ‘thiểu số’ và ‘đa số’, chúng ta nên nhớ rằng những nhãn hiệu mô tả này không được làm xói mòn nguyên tắc làm nền tảng cho nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của con người: mọi người đều bình đẳng về phẩm giá và do đó có quyền bình đẳng. Vì vậy, điều quan trọng là phải “từ chối việc sử dụng thuật ngữ ‘thiểu số’ theo cách phân biệt đối xử vốn gây ra cảm giác cô lập và tự ti.” [1] Đồng thời, quan điểm đối lập thúc đẩy sự đồng hóa có nguy cơ xóa bỏ những nét đặc thù và giá trị của quốc gia, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ riêng biệt, “làm mờ nhạt những điểm khác biệt về nguồn gốc và xuất thân và biến [con người] thành một loại hàng hóa mới dễ uốn nắn.” [2]

Trên khắp thế giới, các nhóm quốc gia, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ thiểu số đều có chung nguyện vọng khẳng định bản sắc của họ và chung sống hòa bình với những người khác. Do đó, việc bảo vệ họ là không thể đạt được nếu không tôn trọng các nguyên tắc then chốt, đó là bảo vệ sự sống, không loại trừ, không phân biệt đối xử và không đồng hóa [3] – không làm cho sự hội nhập biến thành đồng hóa.

Đối với các nhóm thiểu số tôn giáo, Tòa Thánh rất lo lắng rằng người Kitô hữu tiếp tục là nhóm bị đàn áp nhiều nhất trên thế giới, và không chỉ ở các quốc gia nơi họ là nhóm thiểu số. Ước tính có khoảng 360 triệu người Kitô hữu trên 76 quốc gia phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, bạo lực và ngược đãi vì đức tin của họ. Rõ ràng, các nhóm tôn giáo thiểu số khác cũng chịu cảnh bị đối xử tương tự. Đây là một sự vi phạm trắng trợn quyền căn bản về tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. [4] Điều này cũng đe dọa đến các quyền liên quan, chẳng hạn như quyền thực hành tôn giáo ở nơi công cộng và riêng tư, cả với các cá nhân và tập thể; quyền sở hữu, xây dựng, duy trì và sử dụng các công trình và tài sản tôn giáo; quyền của các nhà thờ và cộng đoàn tôn giáo được tự tổ chức theo cơ cấu tổ chức riêng của họ; và quyền đào tạo, lựa chọn và đề cử các giáo sĩ của riêng họ.

Thưa ngài chủ tịch,

Việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền căn bản của những người thuộc các quốc gia, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ thiểu số cần được đặt nền tảng trên cơ sở “đón nhận văn hóa đối thoại làm đường lối; hợp tác với nhau làm quy tắc ứng xử; hiểu biết lẫn nhau làm phương pháp và tiêu chuẩn.” [5] Bản sắc và đối thoại không phải là hai thái cực mâu thuẫn. Bản sắc riêng của chúng ta “được củng cố và phong phú nhờ kết quả của việc đối thoại với những người không giống chúng ta. Và bản sắc đích thực của chúng ta cũng không được bảo tồn bởi một sự cô lập nghèo nàn”. [6]

Cảm ơn ngài Chủ tịch.

________________________________________

[1] Pope Francis and Grand Imam of Al-Azhar Ahmad Al-Tayyeb, A Document on Human Fraternity for World Peace and Living Together.

[2] Pope Francis, Post-Synodal Apostolic Exhortation, Christus Vivit, 186.

[3] Commentary of the Working Group on Minorities to the United Nations Declaration on the Rights of Persons belonging to National or Ethnic, Religious and Linguistic Minorities.

[4] Universal Declaration of Human Rights, Article 18.

[5] A Document on Human Fraternity for World Peace and Living Together.

[6] Pope Francis, Post-Synodal Apostolic Exhortation, Querida Amazonia, 37.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/9/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét