Thứ Năm, 19 tháng 1, 2023

Hồ Silôác sẽ mở cửa cho công chúng lần đầu tiên sau 2.000 năm

Hồ Silôác sẽ mở cửa cho công chúng lần đầu tiên sau 2.000 năm

Hồ Silôác sẽ mở cửa cho công chúng lần đầu tiên sau 2.000 năm

Robert Hoetink | Shutterstock

Daniel Esparza

17/01/23


Hồ Silôác là nơi Kinh thánh kể rằng Chúa Giêsu đã chữa lành cho một người mù, ban đầu là một thánh địa cho những người hành hương Do Thái.

Hồ Silôác là nơi theo Tin mừng theo Thánh Gioan (9:1-12), Chúa Giêsu đã chữa lành cho một người bị mù từ thuở mới sinh. Văn bản viết:

Đi ngang qua, Đức Giêsu nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” Đức Giêsu trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian.” Nói xong, Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa” (Silôác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được. (Ga 9:1-7)

Theo bài báo được xuất bản bởi tờ Business Insider, hồ “sẽ được khai quật hoàn toàn và mở cửa cho công chúng lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại”. Mặc dù đã có thể tiếp cận một phần nhỏ của hồ trong nhiều năm trước, nhưng phần lớn hồ đã bị phá hủy và bị lấp sau cuộc chiến tranh Do Thái-La Mã lần thứ nhất (vào năm 70).

Tờ Insider giải thích rằng một cuộc khai quật sắp tới “sẽ phơi bày hoàn toàn hồ bơi cổ xưa, cho phép du khách quan sát nó như một phần của tuyến du lịch, Cơ quan Cổ vật Israel, Cơ quan Công viên Quốc gia Israel và Tổ chức Thành phố David cho biết trong một thông cáo cung cấp cho Insider.”

Vua Khít-ki-gia và Hồ Silôác

Hồ là một phần của hệ thống nước cổ đại của thành Giêrusalem, và sau đó trở thành địa điểm có ý nghĩa tôn giáo đối với người Do Thái cổ đại. Những người hành hương tôn giáo đã sử dụng nó như một mikveh (một nghi thức tắm) để thanh tẩy bản thân trước khi đến viếng Đền thờ.

Một mảnh nhỏ của một bản khắc đá gần đây được tìm thấy trong Đường hầm Silôác – một con kênh dẫn nước đến Hồ Silôác. Được chạm khắc từ thời cổ đại, đường hầm hiện nằm ở khu phố Ả Rập Silwan, phía đông Giêrusalem. Tên thường gọi của nó là “Đường hầm Khít-ki-gia”, là do giả thuyết được truyền tụng nhiều nhất cho rằng nó có từ thời cai trị của Vua Khít-ki-gia của Giuđa, giữa cuối thế kỷ thứ 8 và đầu thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên.

Người ta tin rằng đường hầm này tương ứng với một “đường dẫn” được đề cập trong Sách Các Vua 2 chương 20 câu 20:

“Những truyện còn lại của vua Khít-ki-gia, mọi chiến công của vua, cũng như việc xây hồ và kênh dẫn nước vào thành, những điều ấy đã chẳng được ghi chép trong sách Sử biên niên các vua Giuđa đó sao?”

Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một phần bằng chứng (một mảnh đá vôi nhỏ) kết nối Vua Khít-ki-gia với đường hầm này.

Các câu chuyện trong Kinh thánh giải thích cách Vua Khít-ki-gia chuẩn bị Giêrusalem cho một cuộc vây hãm sắp của người Asiri sắp xảy ra. Sách Sử biên niên 32:30 giải thích cách nhà vua đã ngăn “đầu nguồn nước suối Ghi-khôn” và dẫn nước “xuôi xuống phía tây Thành Vua Đavít”, để ngăn lực lượng địch quân dưới sự chỉ huy của Xan-khê-ríp không tiếp cận được nguồn nước.

Mảnh đá vôi có niên đại thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên. Theo bản tin của NewsBreak, các nhà nghiên cứu tin rằng nó chỉ là phần nhỏ của một tượng đài lớn hơn nhiều.

Mảnh vỡ cho thấy sáu chữ cái trong hệ thống chữ viết Paleo-Hebrew được chia thành hai dòng, mỗi dòng có ba chữ cái. Dòng đầu tiên bao gồm các chữ cái qyh. Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng toàn bộ từ này sẽ là Hizqyhw – nghĩa là Hizquiyahu, Hezekiah (Khít-ki-gia).

Dòng thứ hai cho thấy hai chữ cái, một dấu chấm, và một chữ cái thứ ba. Các học giả tin rằng điều này có nghĩa hai chữ cái đầu tiên là kết thúc một từ và chữ cái thứ ba bắt đầu một từ khác. Họ đã đưa ra giả thuyết rằng từ đầu tiên, kết thúc bằng kh, có thể là brkh berecha, hồ, theo câu chuyện trong Kinh thánh giải thích rằng nước chảy qua Đường hầm Khít-ki-gia đã chảy đến Hồ (berecha) Silôác.


[Nguồn: aleteia]


[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/1/2023]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét