Thứ Ba, 2 tháng 5, 2023

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ tại Quảng trường Kossuth Lajos của Budapest: "Giống như Chúa Giêsu, chúng ta hãy là những cánh cửa rộng mở”

Đức Thánh Cha Phanxicô: “Giống như Chúa Giêsu, chúng ta hãy là những cánh cửa rộng mở”

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ tại Quảng trường Kossuth Lajos của Budapest

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ tại Quảng trường Kossuth Lajos của Budapest: "Giống như Chúa Giêsu, chúng ta hãy là những cánh cửa rộng mở”
(C) Vatican Media
*******

Sáng nay, sau khi rời Tòa Khâm sứ, Đức Thánh Cha Phanxicô di chuyển bằng xe hơi đến Quảng trường Kossuth Lajos để cử hành Thánh lễ.

Khi đến nơi, sau khi đổi xe giáo hoàng và chạy xung quanh ít vòng giữa cộng đoàn các tín hữu, lúc 9:30 sáng, Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ Chúa nhật thứ tư Phục sinh.

Trong Thánh Lễ, sau phần công bố Tin Mừng, Đức Thánh Cha giảng lễ.

Cuối lễ, Đức Hồng y Péter Erdő, Tổng Giám mục Chính tòa Esztergom-Budapest, đã ngỏ lời chào và cảm tạ tới Đức Thánh Cha. Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô xướng đọc Kinh Lạy Nữ Vương với các tín hữu hiện diện. Theo chính quyền địa phương, khoảng 50.000 người đã tham dự Thánh lễ, trong đó hơn 30.000 người ở Quảng trường Kossuth Lajos.

Sau Kinh Lạy Nữ Vương và ban phép lành cuối lễ, Đức Thánh Cha trở về Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở Budapest bằng xe hơi.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ và những lời của ngài trước Kinh Kính Đức Mẹ:

____________________________________________


Bài giảng của Đức Thánh Cha

Những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe tóm tắt ý nghĩa sứ vụ của Người: “Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10). Đó là điều người mục tử nhân lành làm: hy sinh mạng sống vì đàn chiên của mình. Chúa Giêsu, là một mục tử đi tìm đàn chiên của mình, đã đến tìm chúng ta khi chúng ta lạc lối. Là một người chăn chiên, Ngài đến để kéo chúng ta ra khỏi cái chết. Giống như một người mục tử biết từng con chiên của mình và yêu thương chúng với sự dịu dàng vô bờ, Ngài đưa chúng ta trở lại đàn chiên của Chúa Cha và đưa chúng ta trở lại làm con cái của Người.

Vậy chúng ta hãy suy tư về hình ảnh của Vị Mục Tử Nhân Lành và về hai điều cụ thể mà theo Tin Mừng, Ngài làm cho đoàn chiên. Ngài gọi tên chúng, và sau đó Ngài dẫn chúng ra.

Trước hết, “Anh gọi tên từng con chiên của mình” (c. 3). Lịch sử cứu độ không bắt đầu với chúng ta, với công trạng, khả năng và cơ cấu của chúng ta. Lịch sử bắt đầu với tiếng gọi của Thiên Chúa, với mong muốn của Người đến với chúng ta, với sự quan tâm của Người dành cho mỗi người chúng ta, với lòng thương xót vô bờ của Người. Chúa muốn cứu chúng ta khỏi tội và sự chết, để ban cho chúng ta sự sống dồi dào và niềm vui vô tận. Chúa Giêsu đến như là Vị Mục Tử Nhân Lành của nhân loại, để gọi chúng ta và đưa chúng ta về nhà. Với lòng tri ân, tất cả chúng ta hãy nhớ lại tình yêu mà Ngài đã dành cho chúng ta khi chúng ta lưu lạc xa Ngài. Khi chúng ta đã “lạc lối”, giống như những con chiên, và mỗi người chúng ta “đi theo đường của mình” (Is 53:6). Chúa Giêsu đã gánh lấy những lỗi lầm và mang lấy tội của chúng ta, dẫn đưa chúng ta trở về với trái tim của Chúa Cha. Đây cũng là điều mà chúng ta nghe từ Thánh Tông đồ Phêrô trong bài đọc hai hôm nay: “Trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em” (1 Pr 2:25). Ngày nay cũng vậy, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta, trong mọi hoàn cảnh, trong những lúc chúng ta cảm thấy hoang mang và sợ hãi, bị bủa vây và đè nặng bởi nỗi buồn phiền và tủi thân. Ngài đến với chúng ta như là người Mục Tử Nhân Lành, Ngài gọi tên chúng ta và nói cho chúng ta biết chúng ta quý giá biết bao trong mắt Ngài. Ngài chữa lành những vết thương của chúng ta, gánh lấy những yếu đuối của chúng ta và quy tụ chúng ta trong sự hiệp nhất của đoàn chiên của Ngài, là những người con của Chúa Cha và là anh chị em của nhau.

Và như vậy, thưa anh chị em, sáng nay, tại nơi này, chúng ta cảm nhận được niềm vui được làm dân thánh của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta được sinh ra từ ơn gọi của Ngài. Ngài gọi chúng ta lại với nhau, và vì vậy chúng ta là dân của Ngài, đoàn chiên của Ngài, Giáo hội của Ngài. Dù chúng ta đa dạng và đến từ những cộng đồng khác nhau, nhưng Chúa đã quy tụ chúng ta lại với nhau, để tình yêu bao la của Ngài có thể bao bọc chúng ta trong một vòng tay. Thật tốt lành cho chúng ta được ở bên nhau: các giám mục và linh mục, tu sĩ và giáo dân. Và thật tuyệt vời khi được chia sẻ niềm vui này của chúng ta với các phái đoàn đại kết, các nhà lãnh đạo của cộng đồng Do Thái, những vị đại diện của các tổ chức dân sự và ngoại giao đoàn. Đây là ý nghĩa của tính công giáo: tất cả chúng ta, được gọi tên bởi Vị Mục Tử Nhân Lành, được triệu tập để đón nhận và lan truyền tình yêu của Ngài, để làm cho đoàn chiên của Ngài bao gồm tất cả mọi người và không bao giờ loại trừ người khác. Theo đó, tất cả chúng ta được mời gọi vun trồng những mối quan hệ huynh đệ và hợp tác, tránh các chia rẽ, không thu hẹp vào trong cộng đồng của mình, không quan tâm đến việc cắm cọc lãnh thổ của riêng mình, nhưng thay vào đó mở rộng tấm lòng của chúng ta để yêu thương nhau.

Sau khi gọi chiên của mình, Vị Mục Tử “dẫn chúng ra” (Ga 10:3). Trước hết, Ngài đưa chúng vào đàn, gọi tên từng con chiên; bây giờ Ngài đưa chúng ra ngoài. Chúng ta trước hết cũng được quy tụ vào gia đình của Thiên Chúa để trở thành dân của Người; rồi chúng ta cũng được sai đi vào trong thế giới để chúng ta có thể trở thành những người loan báo Tin Mừng đầy can đảm và không sợ hãi, trở thành những chứng nhân của tình yêu đã tái sinh chúng ta. Chúng ta có thể hiểu rõ quá trình “vào” và “ra” này từ một hình ảnh khác mà Chúa Giêsu sử dụng. Ngài nói, “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (c. 9). Chúng ta hãy nghe lại những lời đó: “người ấy sẽ vào và ra”. Một mặt, Chúa Giêsu là cánh cửa rộng mở giúp chúng ta bước vào mối tương giao với Chúa Cha và cảm nghiệm lòng thương xót của Người. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, cửa mở không chỉ để vào mà còn để ra. Sau khi đưa chúng ta trở lại vòng tay của Thiên Chúa và vào trong đoàn chiên của Giáo hội, Chúa Giêsu là cánh cửa dẫn chúng ta trở lại thế giới. Ngài thúc giục chúng ta ra đi để gặp gỡ anh chị em mình. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng tất cả chúng ta, không trừ một ai, đều được kêu gọi làm điều này; chúng ta được kêu gọi bước ra khỏi vùng an toàn của mình và tìm được lòng can đảm vươn tới tất cả những vùng ngoại vi cần ánh sáng Tin Mừng (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 20).

Thưa anh chị em, “ra đi” có nghĩa là chúng ta, giống như Chúa Giêsu, phải trở thành những cánh cửa rộng mở. Thật buồn và đau đớn vô cùng khi nhìn thấy những cánh cửa khóa chặt. Những cánh cửa khóa chặt trong sự ích kỷ của chúng ta đối với tha nhân; những cánh cửa khóa chặt của chủ nghĩa cá nhân của chúng ta giữa một xã hội ngày càng cô lập; những cánh cửa khóa chặt của sự thờ ơ đối với những người kém may mắn và những người đau khổ; những cánh cửa mà chúng ta đóng lại trước những người xa lạ hoặc không giống chúng ta, trước những di dân hoặc người nghèo. Những cánh cửa đóng lại ngay trong các cộng đoàn giáo hội của chúng ta: những cánh cửa đóng lại với người khác, đóng lại với thế giới, đóng lại với những người “khác thường”, đóng lại với những người khao khát sự tha thứ của Thiên Chúa. Xin anh chị em, chúng ta hãy mở những cánh cửa đó ra! Chúng ta hãy cố gắng trở nên giống như Chúa Giêsu – trong lời nói, việc làm và hoạt động hàng ngày – một cánh cửa rộng mở: một cánh cửa không bao giờ đóng trước mặt bất kỳ ai, một cánh cửa cho phép mọi người bước vào và cảm nghiệm vẻ đẹp của tình yêu và sự tha thứ của Chúa.

Tôi lặp lại điều này cách đặc biệt với bản thân tôi và với các anh em giám mục và linh mục: với những người mục tử. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng người mục tử nhân lành không phải là trộm cướp (x. Ga 10:8). Nói cách khác, người đó không tận dụng vai trò của mình; người đó không thống trị đàn chiên được giao phó cho anh chăm sóc; anh không chiếm chỗ của các anh chị em giáo dân của mình; anh không thực thi thẩm quyền cách cứng nhắc. Thưa anh em, chúng ta hãy khuyến khích nhau trở thành những cánh cửa ngày càng rộng mở: “những người thúc đẩy” ân sủng của Thiên Chúa, những bậc thầy của sự gần gũi; chúng ta hãy sẵn sàng hiến dâng mạng sống mình, như Chúa Kitô, là Chúa và là tất cả của chúng ta, dạy chúng ta bằng vòng tay dang rộng từ ngai tòa thánh giá và hằng ngày tỏ cho chúng ta thấy Bánh hằng sống được bẻ ra cho chúng ta trên bàn thờ. Tôi cũng nói điều này với các anh chị em giáo dân chúng ta, với các giáo lý viên và nhân viên mục vụ, với những người có trách nhiệm chính trị và xã hội, và với những người phải đối phó với cuộc sống hàng ngày của họ, đôi khi không dễ dàng gì. Hãy là những cánh cửa rộng mở! Hãy để Chúa của sự sống đi vào tâm hồn chúng ta, với những lời an ủi và chữa lành của Người, để sau đó về phần chúng ta có thể đi ra như những cánh cửa rộng mở trong xã hội. Hãy rộng mở và bao gồm, và bằng cách này, giúp Hungary phát triển trong tình huynh đệ, đó là con đường hòa bình.

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu Vị Mục Tử Nhân Lành gọi tên từng người chúng ta và chăm sóc chúng ta bằng tình yêu vô cùng dịu dàng. Ngài là cửa, ai qua Ngài mà vào thì được sự sống đời đời. Ngài là tương lai của chúng ta, một tương lai của “sự sống dồi dào” (Ga 10:10). Chúng ta đừng bao giờ nản lòng. Chúng ta đừng bao giờ để mình bị cướp đi niềm vui và sự bình an mà Chúa đã ban cho chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ co cụm lại trong những vấn đề của riêng mình hoặc quay lưng lại với những người khác trong sự thờ ơ. Xin Vị Mục Tử Nhân Lành luôn đồng hành với chúng ta: cùng với Người, cuộc sống của chúng ta, gia đình của chúng ta, cộng đoàn Kitô hữu của chúng ta và toàn thể đất nước Hungary sẽ triển nở với sự sống mới và dồi dào!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/5/2023]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét