Đức Thánh Cha Phanxicô: “Được kêu gọi mở rộng ranh giới trong cái nhìn của chúng ta”
Tiếp kiến chung: Bài Giáo lý. Chuyến Tông du đến Mông Cổ
Vatican Media
*******
Buổi tiếp kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9 giờ sáng tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung suy ngẫm về chuyến tông du mới đây của ngài tới Mông Cổ.
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng những ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha gửi lời chào riêng tới các tín hữu hiện diện.
Buổi tiếp kiến chung kết thúc bằng Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa thánh.
______________________________________
Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha
Giáo lý. Chuyến Tông du đến Mông Cổ
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm thứ Hai cha từ Mông Cổ trở về. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với những anh chị em đã đồng hành cùng cha trong chuyến viếng thăm bằng lời cầu nguyện, và lặp lại lòng biết ơn đối với các giới chức chính quyền, những người đã chào đón tôi cách long trọng: đặc biệt là Ngài Tổng thống Khürelsükh, và cả ngài cựu Tổng thống Enkhbayer, người đã gửi cho tôi lời mời chính thức đến thăm đất nước. Tôi thật vui mừng khi nghĩ lại về Giáo hội địa phương và người dân Mông Cổ: một dân tộc cao quý và khôn ngoan, đã thể hiện sự ấm áp và tình cảm sâu sắc đối với tôi. Hôm nay cha muốn đưa anh chị em đến trung tâm của cuộc hành trình này.
Có thể có người đặt câu hỏi: tại sao Đức Giáo hoàng lại đến thăm một đoàn chiên nhỏ bé xa xôi? Bởi vì chính ở đó, cách xa ánh đèn sân khấu, chúng ta thường tìm thấy những dấu hiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng không nhìn vào những vẻ bề ngoài mà nhìn vào tâm hồn, như chúng ta đã nghe trong trích đoạn của tiên tri Samuel (x. 1 Sm 16:7). Chúa không tìm kiếm sân khấu trung tâm, nhưng tìm kiếm tâm hồn đơn sơ của những ai khao khát Ngài và yêu mến Ngài mà không phô trương, không muốn vượt lên trên những người khác. Và cha đã gặp được ở Mông Cổ một Giáo hội khiêm nhường và một Giáo hội vui tươi, ở trong trái tim của Thiên Chúa, và cha có thể làm chứng cho niềm vui của họ khi họ cũng ở trung tâm của Giáo hội trong ít ngày.
Cộng đồng đó có một lịch sử rất xúc động. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, nó xảy ra từ lòng nhiệt thành tông đồ – vấn đề mà chúng ta đang suy ngẫm trong thời gian này – của một số nhà truyền giáo say mê Tin Mừng đã đến đất nước mà họ không hề biết tới cách đây khoảng ba mươi năm. Họ đã học ngôn ngữ – một điều không hề dễ dàng – và cho dù đến từ những quốc gia khác nhau, đã mang đến sức sống cho một cộng đoàn thật sự Công giáo và hiệp nhất. Thật vậy, đây chính là ý nghĩa của từ “công giáo” (catholic), có nghĩa là “phổ quát”. Nhưng tính phổ quát này không phải là đồng nhất hóa, mà là tính phổ quát hội nhập văn hóa, nó là tính phổ quát được hội nhập văn hóa. Đây là tính công giáo: một tính phổ quát hội nhập, “hội nhập văn hóa”, ôm lấy những điều tốt đẹp ở nơi nó đến và phục vụ những người mà nó cùng chung sống. Đây là cách Giáo hội sống: làm chứng cho tình yêu của Chúa Giêsu một cách hiền lành, bằng đời sống hơn là bằng lời nói, hạnh phúc với sự phong phú đích thực của nó: phục vụ Chúa và anh em.
Giáo hội non trẻ đó đã được sinh ra theo cách như vậy: trong tinh thần bác ái là chứng tá tốt nhất cho đức tin. Cuối chuyến thăm, tôi thật vui khi làm phép khánh thành “Nhà của Lòng Thương xót”, công trình từ thiện đầu tiên được thành lập ở Mông Cổ như một biểu hiện cho tất cả các thành phần của Giáo hội địa phương. Một ngôi nhà là danh thiếp của người Kitô hữu ở đó, nhưng là ngôi nhà yêu cầu mỗi cộng đồng của chúng ta hãy trở thành một ngôi nhà của lòng thương xót: nghĩa là một nơi rộng mở, một nơi chào đón, nơi mà những đau khổ của mỗi người đều có thể bước vào mà không xấu hổ khi tiếp xúc với lòng thương xót của Chúa, lòng thương xót nâng lên và chữa lành. Đây là chứng tá của Giáo hội Mông Cổ, với các nhà truyền giáo từ nhiều quốc gia khác nhau đến, những người trở nên một với người dân, vui vẻ phục vụ họ và khám phá vẻ đẹp vốn có ở đó. Vì những nhà truyền giáo này không đi chiêu mộ tín đồ; điều này không thuộc Tin mừng. Họ đến sống ở đó giống như người Mông Cổ, nói ngôn ngữ của người dân, ngôn ngữ của dân tộc đó, đón lấy những giá trị của dân tộc đó và rao giảng Tin Mừng theo phong cách người Mông Cổ, bằng những lời của tiếng Mông Cổ. Họ ra đi và được “hội nhập văn hóa”: họ tiếp nhận nền văn hóa Mông Cổ để loan báo Tin Mừng trong nền văn hóa đó.
Tôi đã có thể khám phá nét đẹp này, bằng cách gặp gỡ một số người, lắng nghe những câu chuyện của họ, đánh giá cao việc tìm kiếm tôn giáo của họ. Về vấn đề này, tôi xin tri ân cuộc gặp gỡ liên tôn và đại kết vào Chúa nhật tuần trước. Mông Cổ có truyền thống Phật giáo rất lớn, với nhiều người sống tôn giáo của họ một cách chân thành và triệt để, trong lặng lẽ, qua lòng vị tha và làm chủ được đam mê của bản thân. Chúng ta hãy nghĩ đến biết bao hạt giống tốt lành âm thầm đã làm cho khu vườn thế giới nảy nở, trong khi chúng ta thường chỉ nghe thấy những tiếng cây đổ! Và đây là một… dân tộc, chúng ta cũng vậy, giống như một vụ tai tiếng: “Nhưng nhìn xem không thể chấp nhận được, một cái cây đã ngã, tiếng động của nó mới lớn làm sao!” “Nhưng bạn không thấy khu rừng đang phát triển mỗi ngày sao?” bởi vì sự phát triển thì âm thầm. Điều mang tính quyết định là khả năng phân định và nhận ra điều tốt. Tuy nhiên, thông thường chúng ta chỉ đánh giá người khác theo mức độ họ phù hợp với ý tưởng của chúng ta; và chúng ta phải nhìn thấy điều này là tốt. Và đây là lý do tại sao điều quan trọng là hướng cái nhìn của chúng ta lên trên, hướng về ánh sáng của sự thiện. Chỉ bằng cách này, bắt đầu từ việc nhìn nhận những điều tốt đẹp, chúng ta mới có thể xây dựng một tương lai chung; chỉ bằng cách coi trọng người khác, chúng ta mới có thể giúp họ tiến bộ.
Cha đã đến trung tâm của Châu Á, và việc này giúp cha rất nhiều. Thật tốt khi bước vào cuộc đối thoại với lục địa rộng lớn này, góp nhặt những thông điệp của họ, tìm biết sự khôn ngoan của họ, cách nhìn sự vật, nắm lấy thời gian và không gian của họ. Thật tốt cho cha khi được gặp người dân Mông Cổ, những người trân quý cội nguồn và truyền thống của mình, tôn trọng người già và sống hòa hợp với môi trường: họ là một dân tộc chiêm ngưỡng bầu trời và cảm nhận hơi thở của tạo vật. Nghĩ đến sự rộng lớn vô tận và sự im lặng của Mông Cổ, xin chúng ta hãy để mình bị khuấy động bởi sự cần thiết phải mở rộng tầm nhìn của mình: mở rộng các chân trời, nhìn lên và nhìn xuống, hãy nhìn xem và đừng trở thành tù nhân của những điều tầm thường. Chúng ta hãy mở rộng ranh giới trong cái nhìn của mình, để chúng ta có thể nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi người khác và có khả năng mở rộng các chân trời, và chúng ta cũng hãy mở rộng tâm hồn của mình; chúng ta cần làm cho tâm hồn chúng ta lớn lên và rộng mở để hiểu biết, để gần gũi với mọi người và mọi nền văn minh. Cảm ơn anh chị em.
____________________________________
Lời chào đặc biệt
Cha gửi lời chào thân ái đến anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh tham gia buổi tiếp kiến hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ Malta, Senegal, Úc, Indonesia và Hoa Kỳ. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tuôn đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa ban phúc lành cho tất cả anh chị em!
Cha thật vô cùng đau buồn khi nghe biết về vụ hỏa hoạn xảy ra tại một tòa nhà năm tầng ở trung tâm Johannesburg, Nam Phi, khiến hơn 70 người thiệt mạng, trong đó có một số trẻ em. Cha xin anh chị em cùng cha cầu nguyện cho những nạn nhân bất hạnh. Cha gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình họ và ban Phép lành đặc biệt cho họ cũng như tất cả những người đang làm việc để trợ giúp và hỗ trợ.
[Nguồn: exaudi]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/9/2023]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét