Thứ Tư, 23 tháng 10, 2024

Các thánh là những người tôi tớ: Bài giảng và hình ảnh trong lễ phong thánh

Các thánh là những người tôi tớ: Bài giảng và hình ảnh trong lễ phong thánh

Các thánh là những người tôi tớ: Bài giảng và hình ảnh trong lễ phong thánh

Antoine Mekary | ALETEIA


Kathleen N. Hattrup

20/10/24


Trong Thánh lễ Tuyên phong thánh lần thứ 2 của năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa thêm 14 vị vào sổ các thánh của Giáo hội.

Vào ngày 20 tháng 10 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ trì Thánh lễ tuyên phong Thánh cho mười một vị tử đạo bị sát hại ở Syria vào thế kỷ 19, cùng với ba vị sáng lập các dòng tu: một nữ tu người Canada và một nữ tu người Ý, và một linh mục người Ý. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng các Kitô hữu phải phục vụ không có giới hạn và không có bất kỳ ham muốn quyền lực nào.

Khoảng 65 hồng y, 200 giám mục và 530 linh mục, trong Quảng trường, đồng tế Thánh lễ phong thánh lần thứ hai trong năm nay. Vào tháng 2, Đức Thánh Cha đã công bố nữ tu Mama Antula người Argentina (1730-1799) là thánh, nâng tổng số các thánh được công nhận dưới triều đại Đức Thánh Cha Phanxicô lên 912.

Những bức ảnh chân dung lớn của các vị tân thánh được treo trên mặt tiền tuyệt mỹ của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Hàng ngàn tín hữu tập trung tại quảng trường có thể nhìn thấy khuôn mặt của 11 “Vị tử đạo của Damascus”, bị nhóm Druze sát hại vào tháng 7 năm 1860 tại thủ đô Syria; nữ tu người Canada Marie-Léonie Paradis (1840-1912), người sáng lập Dòng Tiểu muội Thánh gia; nhà truyền giáo người Ý Giuseppe Allamano (1851-1926), người sáng lập Viện Truyền giáo và Dòng Nữ tu Truyền giáo Consolata; và nữ tu người Ý Elena Guerra (1835-1914), sáng lập Dòng Nữ tu Thánh Zita, một cộng đoàn chuyên giáo dục các thiếu nhi nữ.

Các thánh là những người tôi tớ: Bài giảng và hình ảnh trong lễ phong thánh


“Những vị thánh mới đã sống theo phong cách của Chúa Giêsu”

Bắt đầu Thánh lễ, Đức Thánh Cha người Argentina đã công bố công thức phong thánh bằng tiếng Latin và đọc sắc lệnh ghi tên của các vị thánh mới vào danh sách các thánh.

Ngài nói trong bài giảng: “Những vị thánh mới này đã sống theo phong cách của Chúa Giêsu. Đức tin và hoạt động tông đồ mà các ngài thực hành không nuôi dưỡng trong lòng những ham muốn và thèm khát quyền lực thế gian, nhưng ngược lại, khiến họ trở thành những người phục vụ anh chị em của mình, sáng tạo trong việc thiện, kiên định trong khó khăn, quảng đại đến cùng.”

Phát biểu trước các tham dự viên Thượng hội đồng đang diễn ra tại Vatican, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến khái niệm phục vụ, “phong cách của Thiên Chúa, Đấng tự làm mình trở nên rốt hết để những người rốt hết được nâng lên và trở thành người trước hết”.

“Phục vụ xuất phát từ tình yêu, và tình yêu thì không có giới hạn, nó không tính toán, nó cho đi và trao tặng; nó không tạo ra để đạt được kết quả, nó không phải là một cách thể hiện năm thì mười họa, nó xuất phát từ con tim, một trái tim được đổi mới bởi tình yêu và trong tình yêu.”

Như thường lệ, Đức Thánh Cha để một hồng y, lần này là Đức Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, cử hành Thánh lễ tại bàn thờ - với vị giáo hoàng chuẩn bị mừng sinh nhật 88 tuổi ngồi trên ghế bên cạnh. Đức Thượng phụ Hội thánh Maron Béchara Boutros Raï, người tham gia vào quá trình phong chân phước cho các vị tử đạo Damascus, cũng hiện diện tại bàn thờ, cùng với Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem.

Đức Phanxicô cũng nhắc đến sự hiện diện của phó tổng thống Uganda, người đã đến Rome để kỷ niệm 60 năm ngày Đức Giáo hoàng Phaolô VI tuyên thánh cho các vị tử đạo Uganda.


Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:

Chúa Giêsu hỏi Giacôbê và Gioan: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” (Mc 10:36). Ngay sau đó, Người hỏi họ: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10:38). Chúa Giêsu đặt ra những câu hỏi và từ đó Người giúp chúng ta phân định, vì những câu hỏi cho phép chúng ta khám phá những gì ở bên trong chúng ta, làm sáng tỏ những ước muốn trong lòng chúng ta, ngay cả những ước muốn mà chúng ta không nhận thức được.

Chúng ta hãy để cho lời của Chúa chất vấn chúng ta. Chúng ta hãy tưởng tượng rằng Chúa đang hỏi mỗi người chúng ta: “Các con muốn Ta thực hiện điều gì cho các con?”; và câu hỏi thứ hai: “Các con có thể uống nổi chén của Ta không?”

Qua những câu hỏi này, Chúa Giêsu cho thấy mối liên hệ giữa Người và các môn đệ, cũng như kỳ vọng của họ về Người, với tất cả những khía cạnh điển hình của bất kỳ mối quan hệ nào. Giacôbê và Gioan quả thực gần gũi với Chúa Giêsu, nhưng họ cũng có những đòi hỏi nhất định. Họ bày tỏ mong muốn được ở gần Người, nhưng chỉ là để chiếm một vị trí danh dự, để đóng một vai trò quan trọng, “một người ngồi bên hữu và một người ngồi bên tả của Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10:37). Rõ ràng họ nghĩ về Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, một Đấng Mêsia chiến thắng và vinh quang, và mong đợi Người chia sẻ vinh quang của Người với họ. Họ nhìn thấy ở Chúa Giêsu Đấng Mêsia, nhưng nhìn Người theo phạm trù quyền lực.

Chúa Giêsu không ngắt lời các tông đồ, nhưng đào sâu hơn, lắng nghe và đọc tâm hồn của mỗi người môn đệ và cả mỗi người chúng ta. Rồi thông qua hai câu hỏi trong cuộc trao đổi, Người cố gắng làm lộ ra ước muốn trong những yêu cầu của họ. Thậm chí ngay trong Giáo hội, chúng ta cũng thấy những ý tưởng này về danh dự hoặc quyền lực.

Trước tiên, Người hỏi: “Các con muốn Ta thực hiện điều gì cho các con?”, một câu hỏi làm lộ ra những suy nghĩ trong lòng họ, làm sáng tỏ những kỳ vọng và giấc mơ về vinh quang ẩn giấu mà các môn đệ âm thầm vun đắp. Như thể Chúa Giêsu hỏi rằng: “Các con muốn Ta là ai đối với các con?”. Theo cách này, Người vạch trần mong muốn thực sự của các môn đệ: một Đấng Mêsia quyền lực và chiến thắng, Đấng sẽ ban cho họ một vị trí danh dự.

Với câu hỏi thứ hai, Chúa Giêsu bác bỏ hình ảnh này về Đấng Mêsia và từ đó giúp các ông thay đổi quan điểm của mình, tức là được hoán cải: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Như vậy, Chúa cho thấy Người không phải là Đấng Mêsia mà họ nghĩ; Người là Thiên Chúa của tình yêu, Đấng cúi xuống để với tới người đã bị chìm sâu; Đấng làm cho mình trở nên yếu đuối để nâng đỡ người yếu đuối, Đấng hoạt động cho hòa bình chứ không phải cho chiến tranh, Đấng đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Chén mà Chúa sẽ uống là hy tế cuộc đời của Người, được ban cho chúng ta vì tình yêu, thậm chí đến chết, và chết trên thập giá.

Hơn nữa, bên tả và bên hữu Chúa sẽ có hai kẻ trộm, bị treo trên thập giá giống như Người và không được ngồi trên ngai tòa quyền lực; hai tên trộm bị đóng đinh với Chúa Kitô trong đau đớn, không được tôn vinh trong vinh quang. Vị vua bị đóng đinh, người công chính bị kết án trở thành nô lệ của tất cả: người này thực là Con Thiên Chúa! (x. Mc 15:39). Những kẻ thống trị thì không chiến thắng, mà chỉ những ai phục vụ vì yêu thương. Chúng ta cũng được nhắc nhở về điều này trong Thư gửi tín hữu Do Thái: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta” (Dt 4:15).

Đến lúc này, Chúa Giêsu có thể giúp các môn đệ của Người hoán cải, thay đổi cách suy nghĩ của họ: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân” (Mc 10:42). Nhưng đó không phải là con đường của những người theo Chúa, Đấng đã tự biến mình thành tôi tớ để tiếp cận mọi người bằng tình yêu. Những ai theo Đức Kitô, nếu muốn trở nên vĩ đại, phải phục vụ qua việc học tập nơi Người.

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu cho thấy những suy nghĩ, những khao khát và ước muốn trong tâm hồn chúng ta, đôi khi vạch trần những kỳ vọng của chúng ta về vinh quang, thống trị, quyền lực và sự phù phiếm. Người giúp chúng ta không suy nghĩ theo những tiêu chuẩn của thế gian, nhưng theo phong cách của Thiên Chúa, Đấng tự làm mình trở nên rốt hết để những người rốt hết được nâng lên và trở thành người trước hết. Trong khi những câu hỏi này của Chúa Giêsu, với giáo huấn của Người về sự phục vụ, thường là khó hiểu đối với chúng ta cũng như đối với các môn đệ khi xưa, nhưng bằng cách theo Chúa, bước theo dấu chân Người và chào đón món quà tình yêu của Người làm biến đổi cách suy nghĩ của chúng ta, chúng ta có thể học được cách phục vụ của Thiên Chúa. Chúng ta đừng quên ba từ ngữ thể hiện phong cách phục vụ của Thiên Chúa: gần gũi, thương xót và dịu dàng. Thiên Chúa đến gần, động lòng thương xót và dịu dàng để phục vụ. Gần gũi, thương xót và dịu dàng.

Đây là những điều chúng ta cần phải khao khát: không phải là quyền lực, mà là sự phục vụ. Phục vụ là lối sống của người Kitô hữu. Nó không phải là một danh mục những việc cần làm, để khi xong, chúng ta có thể coi như phần việc của mình đã hoàn thành; những người phục vụ bằng tình yêu không bao giờ nói: “bây giờ đến lượt người khác”. Đây là cách suy nghĩ của những người làm công, không phải là chứng nhân. Phục vụ xuất phát từ tình yêu, và tình yêu thì không có giới hạn, nó không tính toán, nó cho đi và trao tặng; nó không tạo ra để đạt được kết quả, nó không phải là một cách thể hiện năm thì mười họa, nó xuất phát từ con tim, một trái tim được đổi mới bởi tình yêu và trong tình yêu.

Khi chúng ta học cách phục vụ, mọi cử chỉ quan tâm và chăm sóc, mọi biểu hiện dịu dàng, mọi công việc của lòng thương xót của chúng ta đều trở thành sự phản ánh tình yêu của Thiên Chúa. Vì vậy, theo cách này, tất cả chúng ta – mỗi người chúng ta – hãy tiếp tục công việc của Chúa Giêsu trên thế giới.

Dưới ánh sáng này, chúng ta nhớ đến những người môn đệ của Phúc Âm được tuyên phong thánh ngày hôm nay. Trong suốt chiều dài lịch sử đầy biến động của nhân loại, họ vẫn là những người tôi tớ trung thành, là những người nam và nữ phục vụ trong phúc tử đạo và niềm vui, giống như Cha Manuel Ruiz López và các bạn đồng hành của ngài. Họ là những linh mục và tu sĩ hăng say với lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, như Cha Joseph Allamano, Nữ tu Marie Leonie Paradis và Nữ tu Elena Guerra. Những vị thánh mới này đã sống theo phong cách của Chúa Giêsu. Đức tin và hoạt động tông đồ mà các ngài thực hành không nuôi dưỡng trong lòng những ham muốn và thèm khát quyền lực thế gian, nhưng ngược lại, khiến họ trở thành những người phục vụ anh chị em của mình, sáng tạo trong việc thiện, kiên định trong khó khăn, quảng đại đến cùng

Chúng ta tin tưởng xin sự chuyển cầu của các ngài để chúng ta cũng có thể theo Chúa Kitô, theo chân Người trong việc phục vụ và trở thành những chứng nhân hy vọng cho thế giới.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/10/2024]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét