Phỏng vấn của Đức Thánh Cha với Tuần báo ‘Tertio’ của Bỉ
Phần 2
‘Tôi tin là truyền thông phải rất sạch, rất sạch và rất trong sáng. Và không được rơi vào – làm ơn, không có ý xúc phạm – rơi vào căn bệnh ‘buôn chuyện xấu’: luôn tìm cách để lan truyền những vụ bê bối, lan truyền những điều xấu xa, cho dù nó có thật như vậy đi nữa. Và vì người ta có khuynh hướng ‘thích nghe chuyện xấu,’ mọi điều xấu có thể xảy ra nhiều hơn.’
8 tháng 12, 2016
WIKIMEDIA COMMONS - Jeffrey Bruno
Dưới đây là bản dịch của ZENIT buổi phỏng vấn gần đây nhất của Đức Thánh Cha Phanxico cho tờ tuần báo “Tertio” của Bỉ. Buổi phỏng vấn được thực hiện nhân dịp kết thúc Năm Thánh Đặc Biệt Lòng Thương xót, và được đăng hôm qua:
***
– H: Chúng ta đang kết thúc Năm Thương xót. Đức Thánh Cha có thể nói cha đã trải qua một năm như thế nào và cha mong chờ gì khi năm kết thúc?
– ĐTC: Năm Thương xót không phải là một ý tưởng tôi chợt nghĩ ra. Nó đã có từ thời Chân Phước Phaolo VI. Ngài Phaolo VI đã bắt đầu một vài bước để tái khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa. Sau đó là Thánh Gioan Phaolo II đã kiện toàn thành ba sự kiện: Tông huấn Dives in Misericordia, tuyên phong hiển thánh Thánh Faustina, và Lễ Lòng Chúa Thương xót trong Tuần Bát Nhật Phục sinh, và ngài qua đời ngay đêm vọng của Lễ này.
Và như vậy ngài đã đặt Giáo hội vào hành trình đó. Và tôi cảm nhận đây là điều Thiên Chúa muốn. Nó là, nó là … tôi không biết là ý tưởng đã được hình thành trong đầu tôi thế nào, nhưng vào một ngày tốt lành tôi có nói chuyện với Đức ông Fisichella, ngài đến gặp tôi vì những vấn đề trong Bộ của ngài. Tôi mới nói với ngài: “Tôi muốn tổ chức một Năm thánh quá, một Năm Thánh Lòng Thương xót.” Và Đức ông nói với tôi: “Tại sao lại không chứ?” Và thế là Năm Thánh Lòng Thương xót được bắt đầu. Nó có sự chắc chắn rằng đấy không phải là một ý tưởng của loài người nhưng nó đến từ trên cao. Tôi tin rằng Thiên Chúa đã khơi gợi cảm hứng cho nó. Và rõ ràng, nó đã có được nhiều kết quả tốt lành. Về mặt khác, sự thật là Năm Thánh không chỉ diễn ra ở Roma nhưng trên toàn thế giới, ở tất cả mọi giáo phận và hoạt động trong từng giáo phận. Nó hoạt động và người ta được thúc đẩy rất nhiều. Họ được thúc đẩy rất nhiều và cảm nhận được tiếng gọi để hòa giải với Thiên Chúa, để gặp gỡ lại với Thiên Chúa, để cảm nhận được sự chăm sóc của Thiên Chúa.
– H: Nhà thần học người Đức Dietrich Bonhoeffer đưa ra sự phân biệt giữa ân sủng đắt và rẻ. Đối với Đức Thánh Cha ân sủng đắt hay rẻ có ý nghĩa thế nào?
– ĐTC: Lòng thương xót rất quý báu và rẻ. Tôi không biết văn bản của Bonhoeffer nói gì, tôi không biết ông lý giải thế nào. Nhưng … nhưng nó rẻ vì người ta chẳng phải trả một đồng xu nào cho nó; những ơn đại xá không được mua và bán; đó là một ân tứ tinh tuyền, một ân tứ tinh tuyền, và nó quý báu vì đó là ân tứ quý giá nhất. Có một quyển sách được viết dưới dạng hỏi đáp với tôi có tiêu đề “Danh Thánh của Thiên Chúa là Lòng Thương xót,” và ân sủng đó rất quý báu vì đó là Danh Thánh Của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Lòng thương xót.
Nó nhắc tôi nhớ đến vị linh mục kia tôi gặp ở Buenos Aires – ngài vẫn dâng lễ và làm việc ở tuổi 92! — lúc bắt đầu Thánh Lễ ngài luôn cho vài lời khuyên. Ngài còn mạnh sức lắm, ở tuổi 92; ngài giảng hay; mọi người đến nghe ngài giảng. “Làm ơn, tắt điện thoại giúp đi” … và Thánh Lễ lại tiếp tục và Hát lễ chuẩn bị được bắt đầu thì điện thoại lại reo. Ngài dừng lại và bảo: “Làm ơn, tắt ngay cái điện thoại đi.” Và người phụ lễ đứng bên cạnh ngài nói: “Cha à, của cha đấy.” Và rồi ngài lấy điện thoại ra và: “Alô” (Họ cười).
– H: Với chúng con dường như cha đang thể hiện Vatican II trong thời đại hôm nay. Cha đang chỉ ra những con đường canh tân trong Giáo hội. Giáo hội Thượng Hội Đồng … Trong Thượng Hội Đồng cha giải thích tầm nhìn của cha về Giáo hội trong tương lai. Cha có thể giải thích nó cho độc giả của chúng con được không?
– ĐTC: “Giáo hội Thượng Hội đồng,” – Tôi thích cụm từ này. Giáo hội sinh ra từ những cộng đoàn, Giáo hội được sinh ra từ những người dân của cộng đoàn, Giáo hội được sinh ra từ Phép Thánh Tẩy và được tổ chức sắp xếp xung quanh một Đức Giám mục, Người tập hợp Giáo hội lại, cho nó sức mạnh – vị Giám mục, là đấng Kế nhiệm các thánh Tông đồ. Đây là Giáo hội. Tuy nhiên, có rất nhiều Giám mục trên toàn thế giới, rất nhiều Giáo hội có tổ chức rõ ràng, và như vậy phải có Phê-rô. Rồi, có Giáo hội theo hình chóp, là Giáo hội thực hiện những điều Phê-rô nói, và với Giáo hội Thượng Hội đồng, ở đây Phê-rô là Phê-rô, nhưng ngài đồng hành cùng Giáo hội và làm cho giáo hội lớn lên, ngài lắng nghe Giáo hội; còn hơn thế nữa, ngài học từ Giáo hội và cùng bước đi hài hòa, nhận thức rõ những gì đến từ các Giáo hội, và ngài trao trả lại. Kinh nghiệm phong phú nhất của việc này là hai Thượng Hội đồng mới đây. Với sự chuẩn bị, tất cả các Giám mục trên thế giới đều được lắng nghe ở đó – mọi Giáo hội trên thế giới: các giáo phận hoạt động. Tất cả các tài liệu đều được gửi đến. Rồi nó được trả lại. Và nó quay trở lại với Thượng Hội đồng thứ hai để được hoàn tất. Từ đó Amoris Laetitia được phát hành. Sự phong phú của những sắc thái khác nhau rất đáng tìm hiểu. Nó phù hợp cho Giáo hội. Nó là sự hiệp nhất trong những khác biệt. Đó là thượng hội đồng. Không phải chỉ đi từ trên xuống, nhưng là lắng nghe các Giáo hội, làm hài hòa, thấu hiểu. Rồi có Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng, đó là Amoris Laetitia, là kết quả của hai Thượng Hội đồng, tại đây toàn thể Giáo hội cùng làm việc, và tại đây Giáo hoàng đưa ra cái chung của ngài. Ngài giải thích nó theo một cách hài hòa. Nó rất đáng để biết: mọi điều có trong đó [trong Amoris Laetitia] đã được phê chuẩn trong Thượng Hội đồng bởi hơn hai phần ba các cha, và đây là một bảo đảm. Một Giáo hội Thượng Hội đồng có nghĩa là có một hoạt động từ trên xuống dưới, từ trên xuống dưới. Một điều tương tự cũng diễn ra tại các giáo phận. Tuy nhiên, có một công thức tiếng La-tinh nói rằng các Giáo hội luôn luôn là cum Petro e sub Petro (với Phê-rô và dưới Phê-rô). Phê-rô là người bảo đảm cho sự hiệp nhất của Giáo hội – người bảo đảm. Và đó là ý nghĩa. Và phải có một sự tiến bộ trong Thượng Hội đồng, đó là một trong những điều mà Giáo hội Chính Thống vẫn giữ, và cả các Giáo hội Công giáo Đông phương. Đó là một trong những sự phong phú của họ; tôi thừa nhận điều đó trong tông huấn.
– H: Đối với con dường như một đoạn của Thượng Hội đồng thứ hai đưa ra phương pháp “quan sát, đánh giá và hành động” để “lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành” là rất khác nhau. Đó là điều con thường nói với mọi người. Đoạn trong Thượng hội đồng đưa ra là “quan sát, đánh giá và hành động” là để lắng nghe thực tại của con người, để thấu hiểu thực tại đó thật tốt và đồng hành với con người trên hành trình của họ.
– ĐTC: Vì mỗi người nói những điều họ nghĩ trong đầu, không e sợ bị xét đoán. Và tất cả đều trong thái độ lắng nghe, không kết án. Sau đó các thảo luận được thực hiện trong nhóm như anh em. Tuy nhiên, một bên là như anh em còn bên kia là lên án một lối diễn giải. Có rất nhiều tự do trong cách trình bày, và đó là điều rất dễ thương.
– H: Cha đã đưa ra một sự thúc đẩy rất thú vị với giới trẻ ở Krakow. Cha có thông điệp đặc biệt nào cho giới trẻ ở đất nước của cha?
– ĐTC: Thông điệp là Đừng sợ hãi; đừng xấu hổ vì đức tin, đừng xấu hổ đi tìm những con đường mới. Có những bạn trẻ không phải là tín hữu: đừng lo; hãy đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Tôi muốn đưa ra hai lời khuyên cho các bạn trẻ: “hãy đi tìm các chân trời mới” và “đừng về hưu khi 20 tuổi.” Thật buồn khi nhìn thấy các bạn trẻ về hưu lúc 20-25 tuổi. Hãy đi tìm những chân trời. Hãy tiến bước và tiếp tục hoạt động theo trách vụ này của con người.
– Q: Một câu hỏi cuối, thưa Đức Thánh Cha, xin ngài cho ý kiến về truyền thông.
– ĐTC: Truyền thông có một trách nhiệm rất lớn. Ngày nay trong tay của họ có thể và có khả năng hình thành những công luận. Họ có thể hình thành công luận tốt hoặc xấu. Truyền thông là những nhà xây dựng một xã hội. Họ có mặt để xây dựng, để thay đổi, để kết thân, để làm người ta phải suy nghĩ, để giáo dục. Chính bản thân truyền thông là rất tích cực. Dĩ nhiên, vì tất cả chúng ta đều là những tội nhân, nên truyền thông có thể vấp ngã — những ai trong chúng ta gắn bó với truyền thông, tôi ở đây đang sử dụng một phương tiện truyền thông — có thể gây hại. Và truyền thông có những cám dỗ của nó. Nó có thể bị cám dỗ đưa ra những vu khống (đã từng vu khống là làm con người vấy bẩn), đặc biệt trong thế giới chính trị: người ta dùng nó để phỉ báng (mỗi người đều có quyền có một danh tiếng tốt, có thể trong cuộc sống của họ trước đây, hoặc trong quá khứ của họ, hay 10 năm trước, ai đó có thể có những vấn đề về công bằng, hay vấn đề về gia đình … rồi, đưa nó ra trước ánh sáng của ngày hôm nay là rất đáng buồn, nó gây hại, một con người bị vùi dập). Vu khống là một lời nói dối trá về một con người. Phỉ báng là rút ra một hồ sơ nào đấy, như cách nói ở Argentina, nó nằm trên kệ và nó có thông tin thật về một điều gì đó, nhưng chuyện đó đã qua rồi. Và có thể tội đó đã phải trả bằng tù tội, bằng hình thức phạt nào đó, hay bất cứ thứ gì. Không có quyền làm như vậy. Đó là một tội và nó gây hại. Và một điều khác trong truyền thông có thể gây hại lớn là thông tin sai sự thật, cụ thể là, đứng trước một tình huống người ta chỉ nói một phía của sự thật mà không nói phía bên kia. Không được! Đó là thông tin sai sự thật, vì người ta cho khán giả truyền hình xem thấy chỉ một nửa sự thật. Vì vậy, người ta không thể đưa ra xét đoán nghiêm túc toàn bộ sự thật. Thông tin sai sự thật có lẽ là một sự phá hại lớn nhất mà truyền thông có thể làm được, vì nó định hướng công luận theo một lối nào đó, bỏ mất đi phần bên kia của sự thật. Tôi tin là truyền thông phải rất sạch, rất sạch và rất trong sáng. Và không được rơi vào – làm ơn, không có ý xúc phạm – rơi vào căn bệnh ‘buôn chuyện xấu’: luôn tìm để lan truyền những vụ bê bối, lan truyền những điều xấu xa, cho dù nó có thật như vậy đi nữa. Và vì người ta có khuynh hướng ‘thích nghe chuyện xấu,’ mọi điều xấu có thể xảy ra nhiều hơn. Vì vậy, tôi đưa ra bốn cám dỗ. Tuy nhiên, họ là những người xây dựng công luận và có thể khai trí, và mở rộng, mở rộng điều thiện.
– H: Để kết thúc, một lời dành cho các linh mục. Không phải là một diễn từ, vì con được yêu cầu phải kết thúc ở đây … Điều quan trọng nhất cho một linh mục là gì?
– ĐTC: Câu trả lời có hơi một chút của dòng Sa-lê-diêng. Nó xuất phát từ trong tim tôi. “Anh hãy nhớ rằng anh có một người Mẹ rất yêu anh. Đừng bao giờ giảm bớt tình yêu mến Mẹ Đồng Trinh. Thứ hai: Hãy để Chúa Giê-su ngắm nhìn anh. Thứ ba: Hãy tìm kiếm da thịt đau khổ của Chúa Giê-su nơi những anh em của anh. Anh sẽ gặp Giê-su ở đó — đó là điều căn bản. Mọi việc đều bắt đầu từ đó. Nếu anh là một linh mục mồ côi, anh quên rằng anh có một người Mẹ; nếu anh là một linh mục không gắn kết với Đấng đã gọi anh, đó là Giê-su, anh sẽ không bao giờ có thể hiểu được Tin mừng. Đâu là con đường? Lòng nhân hậu. Hãy trở nên nhân hậu. Các linh mục, đừng xấu hổ khi trở nên nhân hậu. Hãy âu yếm máu thánh khổ đau của Chúa Giê-su. Một cuộc cách mạng lòng nhân hậu là vô cùng cần thiết hôm nay trong thế giới này đang phải chịu đựng căn bệnh xơ cứng tim (cardio-sclerosis).
– H: Tim …?
– ĐTC: Xơ cứng tim.
[Văn bản gốc: tiếng Tây ban nha] [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT]
***
On the NET:
[‘Tertio:’ tertio]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 09/12/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét