Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội nghị Vatican Kỷ niệm 50 năm Thông điệp “Populorum Progressio” (Phát triển các dân tộc)

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội nghị Vatican Kỷ niệm 50 năm Thông điệp “Populorum Progressio” (Phát triển các dân tộc)

Sự phát triển toàn diện mang ý nghĩa gì cho hôm nay và trong tương lai gần, cụ thể là sự phát triển của mỗi con người và của toàn thể nhân loại
4 tháng Tư, 2017
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội nghị Vatican Kỷ niệm 50 năm Thông điệp “Populorum Progressio” (Phát triển các dân tộc)
PHOTO.VA - L'OSSERVATORE ROMANO
Đức Thánh Cha Phanxico đã có bài diễn từ hôm nay, 4 tháng Tư, 2017, trong Đại sảnh New Synod của Vatican, các tham dự viên trong Hội nghị của Thánh bộ Phục vụ cho Sự Phát triển Con người Toàn diện, được tổ chức tại Vatican ngày 3-4 tháng Tư, nhân dịp kỷ niệm 50 năm của Thông điệp Populorum Progressio (Phát triển các dân tộc).
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Zenit diễn từ của Đức Thánh Cha trước những người có mặt trong buổi họp.
* * *
Anh chị em thân mến,
Xin cảm ơn về lời mời và sự chào đón của anh chị em. Tôi cảm ơn anh chị em vì sự hiện diện và hoạt động của anh chị em trong công cuộc thăng tiến con người và thiện ích chung. Tôi xin cảm ơn Đức Hồng y Turkson về những lời chào đón của ngài và ngài đã bắt đầu Thánh bộ mới để Phục vụ sự Phát triển Con người Toàn diện, cho dù không thiếu những khó khăn. Đó là một mô hình để noi theo, trong bình an, sáng tạo, tham khảo bàn bạc, thực sự là một mô hình của việc xây dựng hội thánh: cảm ơn Hiền huynh.
Anh chị em tập trung trong Hội nghị Quốc tế này vì sự khai sinh của Thánh bộ mới đặc biệt trùng hợp với dịp kỷ niệm 50 năm Thông điệp Populorum Progressio (Phát triển các Dân tộc) của Chân phước Phao-lô VI. Trong Thông điệp đó, ngài đã nêu rõ chi tiết ý nghĩa của “sự phát triển toàn diện (x. s. 21), và ngài đã đề ra công thức tổng hợp và đầy ý nghĩa: “sự phát triển của mỗi con người và của toàn thể nhân loại” (s. 14).
Sự phát triển toàn diện mang ý nghĩa gì cho hôm nay và trong tương lai gần, cụ thể là sự phát triển của mỗi con người và của toàn thể nhân loại? Theo Đức Phao-lô VI, có lẽ thực sự là trong động từ hội nhập – quá thân thiết đối với tôi – chúng ta có thể nhận ra một định hướng nền tảng cho Thánh bộ mới. Chúng ta hãy cùng nhau xét đến một vài khía cạnh.
Đó là việc hội nhập những dân tộc khác nhau trên địa cầu. Trách nhiệm đoàn kết bắt buộc chúng ta tìm ra những con đường chia sẻ, để không còn sự bất quân bình quá lớn giữa những người có quá nhiều và những người chẳng có một chút gì, giữa những người loại trừ và những người bị loại trừ. Chỉ có con đường hội nhập giữa các dân tộc mới có thể cho nhân loại một tương lai của hòa bình và hy vọng.
Đó là việc đưa ra những mô hình thực tế của sự hội nhập xã hội. Mọi người đều có một sự đóng góp để tạo ra một tổng thể chung của xã hội, tất cả đều có một nét riêng có thể giúp cùng chung sống, không ai bị loại trừ khỏi việc đóng góp một điều gì đó cho ích lợi chung của tất cả. Điều này đồng thời vừa là quyền vừa là trách nhiệm. Đó là nguyên tắc của tính bổ trợ bảo đảm tính cần thiết cho sự đóng góp của tất cả mọi người, bất kể đó là các cá nhân hay các nhóm, nếu chúng ta mong muốn xây dựng một sự chung sống của con người mở ra cho tất cả.
Ngoài ra, đó là việc hội nhập trong sự phát triển tất cả những nhân tố thực sự làm cho nó phát triển. Những hệ thống khác nhau: kinh tế, tài chính, việc làm, văn hóa, đời sống gia đình, tôn giáo, mỗi nhân tố với nét đặc thù riêng của nó mang tầm quan trọng không thể thiếu được trong sự phát triển này. Không nhân tố nào trong đây được phép biến thành chuyên chế và không nhân tố nào có thể bị loại trừ khỏi nhận thức về sự phát triển con người toàn diện nếu nhìn đến sự thật rằng đời sống con người giống như một ban nhạc giao hưởng chỉ diễn tấu xuất sắc khi mọi loại nhạc cụ khác nhau đều tấu chung theo một hợp âm đã được soạn.
Nó cũng là việc hội nhập theo chiều kích cá nhân và tập thể. Điều không thể phủ nhận rằng chúng ta là con cái của một nền văn hóa, ít nhất là ở phương Tây, đã đề cao cá nhân đến mức làm cho con người trở thành một ốc đảo, gần như là người ta có thể tự một mình có hạnh phúc. Về mặt khác, không thiếu những những tầm nhìn theo ý thức hệ và những quyền lực chính trị đẩy con người ra ngoài, chúng đã tiêu chuẩn hóa con người và cướp đi sự tự do mà nếu không có sự tự do đó con người không còn cảm thấy mình là con người thực sự nữa. Những quyền lực kinh tế mong muốn lợi dụng sự toàn cầu hóa cũng rất thích kiểu tiêu chuẩn hóa như vậy, thay vì thúc đẩy sự chia sẻ lớn hơn giữa con người, nó chỉ đơn giản áp đặt một thị trường toàn cầu qua đó chỉ những quyền lực đó đặt ra các luật lệ và thu vén lợi nhuận. Cái TÔI và CỘNG ĐỒNG không cùng tồn tại giữa chúng, nhưng cái TÔI chỉ có thể trưởng thành trong sự tồn tại của những mối quan hệ ứng xử đích thực và cộng đồng trở thành một bộ máy phát năng lượng khi tất cả mọi người và từng cá nhân là thành phần cấu thành của nó. Điều này thậm chí còn đúng hơn với gia đình, đó là tế bào đầu tiên của xã hội và trong đó con người học cách sống với nhau.
Cuối cùng, nó là về việc hài hòa thể xác và linh hồn. Đức Phao-lô VI đã viết rằng sự phát triển không được biến thành việc phát triển kinh tế đơn thuần (x. s. 14); sự phát triển không chỉ nhằm tạo ra thêm nhiều của cải vật chất, chỉ nhắm đến sự thịnh vượng về vật chất. Hài hòa thể xác và linh hồn cũng có nghĩa là không một nỗ lực phát triển nào có thể thực sự đạt được mục đích của nó nếu nó không biết tôn trọng vị trí của Thiên Chúa hiện diện trong chúng ta và nói với tâm hồn chúng ta.
Thiên Chúa đã tỏ lộ Ngài một cách trọn vẹn trong Đức Giê-su Ki-tô: trong Ngài, Thiên tính và nhân tính không bị phân chia và tách biệt nhau. Thiên Chúa trở thành người phàm để dẫn đưa cuộc sống của con người, bất kể đó là cá nhân hay xã hội, vào một con đường cụ thể của ơn cứu độ. Vì thế sự mặc khải của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô – qua những hành động chữa lành, giải thoát, hòa giải của Người mà chúng ta được kêu gọi để hôm nay lại giới thiệu ra cho biết bao người bị thương nằm ở bên đường – cho thấy rõ hành trình và lối đi của sự phục vụ mà Giáo hội muốn đề nghị cho thế giới: dưới ánh sáng của mặc khải người ta có thể hiểu được ý nghĩa của sự phát triển “toàn diện,” nó không sai với cả Thiên Chúa và con người, vì nó mang tất cả tính bền vững của cả hai.
Quả thật, trong mối tương quan này, khái niệm con người, được sinh ra và trưởng thành trong Ki-tô giáo, giúp theo đuổi sự phát triển con người trọn vẹn. Cụm từ ‘con người’ luôn mang nghĩa có sự tương quan, không phải cá nhân chủ nghĩa; nó khẳng định sự bao gồm chứ không phải sự loại trừ, là giá trị duy nhất và bất khả xâm phạm chứ không phải sự bóc lột, là sự tự do chứ không phải sự kìm kẹp.
Giáo hội không ngừng đề nghị sự khôn ngoan này cùng những công cuộc của Giáo hội cho thế giới, với ý thức rằng sự phát triển toàn diện là con đường tốt lành mà toàn gia đình nhân loại được kêu gọi để bước theo. Tôi mời gọi tất cả anh chị em gánh vác công cuộc này để tiến bước với lòng trung kiên, với lòng vững tin rằng Thiên Chúa luôn đồng hành cùng anh chị em. Nguyện xin Người ban ơn lành cho anh chị em và Đức Mẹ bảo trợ anh chị em.
[Văn bản gốc: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 05/04/2017]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét