Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Tông đồ Công vụ 27: 15, 21-24

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Tông đồ Công vụ 27: 15, 21-24
General Audience In Paul VI - Copyright / Vatican Media

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Tông đồ Công vụ 27: 15, 21-24

Sự chăm sóc của Chúa dành cho Thánh Phaolo thể hiện sự chăm sóc của Người dành cho chúng ta

08 tháng Một, 2020 13:00

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:10 sáng trong Khán phòng Phaolo VI, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về sách Tông đồ Công vụ, trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích chủ đề: “Không ai trong các bạn phải mất mạng đâu” (Cv 27:22). Sự thử thách của vụ đắm tàu: giữa ơn cứu độ của Thiên Chúa và lòng hiếu khách của người Man-ta (Trình thuật Kinh Thánh: Trích Tông đồ Công vụ 27:15.21-24).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép lành tòa Thánh.

* * *

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Trong phần cuối, Sách Tông đồ Công vụ tường thuật rằng Tin mừng tiếp tục dòng chảy không những trên đất liền mà cả bằng đường biển, trên một con tàu đưa tù nhân Phaolo đi từ Caesarea đến Roma (x. Cv 27:1-28, 16), trung tâm của Đế quốc, để lời của Đấng Phục sinh trở thành hiện thực: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy [. . . ] cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8). Đọc Sách Tông đồ Công vụ anh chị em sẽ nhìn thấy cách thức Tin mừng đến với muôn dân, trở nên phổ quát nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Hãy cầm sách lên và đọc nó.

Ngay khi bắt đầu chuyến hải trình đã gặp những điều kiện bất lợi. Chuyến đi trở nên nguy hiểm và họ buộc phải cập bến tại Mira, đón một con tàu khác và đi dọc theo phía nam của Đảo Crete. Phaolo được khuyên không nên tiếp tục chuyến đi, nhưng viên sĩ quan không cho cho phép và trao ngài cho người lái tàu và chủ tàu. Chuyến hải trình lại tiếp tục, tuy nhiên trận cuồng phong ập đến và đoàn thủy thủ mất kiểm soát con tàu và để nó trôi giạt.

Khi cái chết dường như cận kề và sự tuyệt vọng bao trùm mọi người, Phaolo liền can thiệp. Ngài là con người của đức tin và biết rằng “bao lần suýt chết” (2 Cr 11:23) cũng không thể chia cách ngài khỏi tình yêu của Đức Ki-tô (x. Rm 8:35) và trách vụ ngài đã đón nhận. Vì vậy ngài đoan chắc với những người đi cùng tàu rằng: “Đêm vừa rồi, một thiên sứ của Thiên Chúa là Chúa Tể của tôi và là Đấng tôi phụng thờ, đã hiện ra với tôi và bảo: ‘Này ông Phao-lô, đừng sợ! Ông phải ra trước toà hoàng đế Xê-da; vì thương ông, Thiên Chúa cho tất cả những người cùng đi tàu với ông được sống’” (Cv 27:23-24). Ngay cả trong cơn thử thách, Phaolo vẫn là người bảo trợ cho sự sống của người khác và vực dậy niềm hy vọng của họ.

Lu-ca cho chúng ta biết rằng chương trình dẫn đưa Phaolo đến Roma đã cứu thoát không chỉ Thánh Tông đồ nhưng cả những người đi cùng tàu, và vụ đắm tàu, từ một tình huống thảm kịch nhưng theo sự quan phòng đã biến thành một cơ hội để loan báo Tin mừng. Sau vụ đắm tàu là việc đi lên đảo Man-ta, và người dân nơi đây thể hiện sự tiếp đón ân cần. Người dân đảo Man-ta rất tốt, họ hiền lành, từ thời điểm đó họ đã sẵn sàng chào đón. Trời mưa và lạnh, và họ đốt một đống của để bảo đảm một chút ấm áp và dễ chịu cho những người bị đắm tàu. Ngay tại đây, là người môn đệ thực thụ của Đức Ki-tô, Phaolo cũng bắt tay vào làm việc tìm những cành cây để tiếp sức cho lửa. Khi làm những việc này ngài bị một con rắn độc cắn nhưng không hề hấn gì. Nhìn thấy điều đó, người ta nói: “Chắc chắn người này là một tên sát nhân: hắn vừa được cứu khỏi chết dưới biển, cuối cùng hắn lại bị một con rắn độc cắn!” Họ chờ đợi giây phút ngài ngã lăn ra chết, nhưng ngài không hề hấn gì và cũng chẳng có gì thay đổi – từ việc bị bắt như một tên sát nhân thành một thánh nhân. Trong thực tế, ích lợi đó đến từ Chúa Phục sinh là Đấng hỗ trợ ngài, theo lời hứa của Người với các môn đệ trước khi về Trời: “Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ” (Mc 16:18). Lịch sử nói rằng từ thời điểm đó không còn con rắn nào ở Man-ta: đây là sự chúc phúc của Chúa cho sự chào đón của những người rất tốt bụng này.

Quả thật, việc tạm trú tại Man-ta trở thành một cơ hội thuận tiện cho Phaolo để trao tặng “thân xác” cho lời mà ngài công bố và thi hành thừa tác vụ ủi an trong việc chữa lành người bệnh. Và đây là luật của Tin mừng: khi một người tín hữu đã trải nghiệm được ơn cứu độ, người đó không giữ lại cho riêng mình nhưng làm cho nó luân chuyển. “Sự tốt lành bản thân nó luôn có khuynh hướng truyền tải. Mọi kinh nghiệm về sự thật và cái đẹp đều tìm cách nhân rộng, và mọi người sống trong tình trạng giải phóng sâu đậm đều có được sự nhạy cảm lớn hơn trước những nhu cầu của người khác” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 9). Một Ki-tô hữu “đã chịu thử thách” chắc chắn có thể trở nên thật gần gũi với những người đau khổ, vì người đó biết đau khổ là gì, và để cho tâm hồn mình rộng mở và nhạy cảm trong tình đoàn kết với người khác. Phaolo dạy cho chúng ta cách sống qua những thử thách bằng việc bám chặt vào Đức Ki-tô, để trưởng thành trong “niềm vững tin rằng Thiên Chúa có thể hành động trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngay cả giữa những thất bại hiển nhiên” và “chắc chắn rằng người nào dâng hiến mình cho Chúa vì yêu sẽ thật sự trổ sinh hoa trái” (nt., 279). Tình yêu luôn trổ sinh hoa trái, tình yêu Thiên Chúa luôn trổ sinh hoa trái, và nếu anh chị em để cho Chúa đón lấy anh chị em và anh chị em đón nhận nhân ân sủng của Chúa, điều này sẽ khiến anh chị em có thể trao tặng bản thân cho người khác. Tình yêu của Chúa luôn luôn vượt xa hơn.

Hôm nay chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta sống mọi cuộc thử thách nhờ năng lượng của đức tin gìn giữ; và trở nên nhạy cảm trước nhiều người bị đắm tàu lịch sử và trôi dạt lên đất liền kiệt sức tại các bờ biển, vì chúng ta cũng có thể đón nhận họ với một tình yêu huynh đệ như xuất phát từ sự gặp gỡ với Chúa Giê-su. Đây là cách giải thoát khỏi tảng băng của sự thờ ơ và vô nhân.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/1/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét