Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

27 Quốc gia tham gia liên minh bảo vệ tự do tôn giáo

27 Quốc gia tham gia liên minh bảo vệ tự do tôn giáo
Những người thoát khỏi sự bách hại tôn giáo tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng 2019 để thúc đẩy Tự do Tôn giáo do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức

27 Quốc gia tham gia liên minh bảo vệ tự do tôn giáo

Căn cứ vào Tuyên ngôn Nhân quyền

07 tháng Hai, 2020 09:53

Ngày 5 tháng Hai năm 2020, Albania, Áo, Bosnia và Herzegovina, Brazil, Bulgaria, Colombia, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Gambia, Georgia, Hy Lạp, Hungary, Israel, Kosovo, Latvia, Lithuania, Malta, Hà Lan, Ba Lan, Senegal, Slovakia, Slovenia, Togo, Ukraine, và Anh, cùng với Hoa Kỳ thành lập Liên minh Tự do Tôn giáo đầu tiên. Các quốc gia cùng nhau cam kết bảo vệ Tuyên ngôn về các nguyên tắc, củng cố cam kết chung để phản đối và chống lại, công khai và riêng tư, mọi sự lạm dụng hoặc vi phạm tự do tôn giáo.

Việc thành lập Liên minh đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử một khối liên kết quốc tế nhóm họp với nhau ở cấp lãnh đạo quốc gia nhằm thúc đẩy vấn đề tự do tôn giáo trên toàn thế giới. Những thủ phạm lớn của sự đàn áp tôn giáo đã hoạt động từ lâu mà không bị trừng phạt. Liên minh sẽ hợp nhất các quốc gia hùng mạnh và tận dụng các nguồn lực của họ để ngăn chặn các phần tử xấu và biện hộ cho những người bị đàn áp, không có khả năng kháng cự, và những người dễ bị xúc phạm. Mối đe dọa đối với tự do tôn giáo là trên toàn cầu. Chúng đòi hỏi sự tham gia toàn cầu và những giải pháp toàn cầu.

Liên minh lấy nền tảng trong Tuyên ngôn Nhân quyền, hoạt động vì quyền của mọi người nam và nữ được tin vào bất cứ điều gì họ muốn, thay đổi tôn giáo hoặc không theo tôn giáo nào nếu lương tâm của họ đòi hỏi.

Mọi người đều có vai trò trong cuộc chiến để thúc đẩy tự do tôn giáo. Cùng với mục đích chung và tầm nhìn rõ ràng, chúng ta có thể chiến đấu để bảo đảm rằng các thế hệ tương lai ở khắp mọi nơi được hưởng một thế giới nơi tự do tôn giáo được bảo vệ và thúc đẩy.


Những nguyên tắc hành động của Liên minh


Liên minh được thành lập theo nguyên tắc quốc tế về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng (FoRB), được rút ra từ Tuyên ngôn Nhân quyền, Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), Tuyên bố 1981 của Liên Hợp quốc về Xóa bỏ mọi Hình thức không Khoan dung và Kỳ thị Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng (Tuyên bố 1981 của LHQ), và các tài liệu khác như những Hướng dẫn của EU về FoRB và Hướng dẫn của OSCE về FoRB và an ninh. Do đó, hành động để thúc đẩy tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng dựa trên nguyên tắc rằng nhân quyền là phổ quát, là tương thuộc và liên quan đến nhau. Các hành động của Liên minh nhằm bổ sung cho công việc hiện đang được thực hiện để thúc đẩy tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng trong Liên Hợp quốc và các tổ chức đa phương và khu vực có thẩm quyền khác.


Cam kết của Liên minh

  1. Các thành viên cam kết duy trì những nghĩa vụ nhà nước của mình theo luật pháp quốc tế nói chung và ICCPR liên quan cụ thể đến tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo hoặc tín ngưỡng, bao gồm quyền được giữ bất kỳ tôn giáo hoặc niềm tin nào, hoặc không theo bất kỳ tôn giáo hoặc tín ngưỡng nào, có quyền tự do thay đổi tôn giáo.
  2. Các thành viên cam kết theo đuổi cách tiếp cận toàn diện, bao gồm sự tham gia xuyên khu vực.
  3. Các thành viên cam kết tư vấn, phối hợp và tự nguyện.
  4. Các thành viên cam kết theo đuổi tính mạch lạc trong-ngoài về các vấn đề liên quan đến tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.
  5. Các thành viên cam kết thực hiện cách tiếp cận đặt nền tảng trên nhân quyền để thúc đẩy FoRB, và thúc đẩy những quyền con người khác tuyệt đối cần thiết để hưởng trọn vẹn quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.

Những lĩnh vực hành động ưu tiên


I. Các biện pháp phản ứng


a. Các thành viên thuộc Liên minh cam kết lên án bạo lực (và kích động bạo lực) nhằm vào người thuộc các tôn giáo hoặc tín ngưỡng, và chống lại những địa điểm tôn giáo, bất kể bởi các phần tử thuộc nhà nước hoặc phi nhà nước, và buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm.

b. Các thành viên thuộc Liên minh cam kết phản đối các hành vi liên tục vi phạm và lạm dụng quyền thể hiện niềm tin hoặc tôn giáo của một người, bao gồm lạm dụng các quyền được liệt kê trong Tuyên bố 1981 của LHQ, sử dụng luật báng bổ và từ chối việc đăng ký vào các nhóm tôn giáo hoặc phi tôn giáo, và cam kết tìm cách thuyết phục các quốc gia tuân thủ những nghĩa vụ và cam kết quốc tế.

c. Các thành viên của Liên minh cam kết chống lại những hạn chế về quyền tự do thay đổi một tôn giáo hoặc tín ngưỡng, hoặc không theo tôn giáo nào, và thể hiện tình liên đới với người hoặc những người là nạn nhân của những hạn chế đó.

d. Các thành viên của Liên minh cam kết biện hộ cho các cá nhân bị giam cầm hoặc bị đàn áp theo những cách khác vì tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ và đẩy mạnh tính trách nhiệm chống lại những kẻ vi phạm.

e. Các thành viên của Liên minh cam kết loại bỏ sự kỳ thị vì tôn giáo hoặc tín ngưỡng khi tiếp cận với tư pháp, giáo dục, nhà ở, hoặc việc làm, và thúc đẩy các biện pháp để giải quyết sự kỳ thị đó.


II. Các biện pháp chủ động


a. Các thành viên của Liên minh cam kết thúc đẩy sự tôn trọng tính đa dạng, khoan dung và bao gồm phù hợp với Quy trình Istanbul.

b. Các thành viên Liên minh cam kết hỗ trợ bảo vệ cho các địa điểm tôn giáo hoặc tín ngưỡng thoát khỏi bạo lực.

c. Các thành viên Liên minh cam kết hỗ trợ và hợp tác với xã hội dân sự, bao gồm các cộng đồng tôn giáo và tín ngưỡng, và các nhà lãnh đạo tôn giáo, và thúc đẩy mạng lưới xuyên biên giới và đa ngành của các nhóm và cá nhân đó.

d. Các thành viên liên minh cam kết thúc đẩy sự hiểu biết về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng và các khuôn khổ nhân quyền có liên quan.

e. Các thành viên Liên minh cam kết thúc đẩy tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng cùng với các quyền con người khác, chẳng hạn như tự do ngôn luận.


III. Những công cụ hành động tiềm năng


a. Giám sát, báo cáo, chia sẻ thông tin và tiếp cận thường xuyên với các cá nhân và cộng đồng tín ngưỡng bị ảnh hưởng.

b. Các biện pháp chung hoặc phối hợp và ngoại giao công chúng.

c. Thúc đẩy đối thoại liên tôn để giải quyết các vấn đề và thúc đẩy sự hiểu biết nhiều hơn giữa các tôn giáo và trong nội bộ tôn giáo.

d. Hỗ trợ cho các nạn nhân, chẳng hạn thông qua việc đền bù, tái định cư, hoặc những hành động thích hợp khác.

e. Biện pháp trừng phạt chống lại thủ phạm khi thích hợp.

f. Hành động phối hợp sử dụng các diễn đàn đa phương (ví dụ: các tuyên bố chung, những nghị quyết quốc gia thuộc LHQ và các cơ chế của LHQ như Đánh giá Định kỳ Toàn cầu) và hỗ trợ cho Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng.

g. Hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng tôn giáo, và những mạng lưới quốc hội cam kết thúc đẩy tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.

h. Đào tạo các viên chức cơ quan chấp pháp, xây dựng năng lực của các tổ chức nhân quyền quốc gia, và hợp tác với xã hội dân sự.

i. Đầu tư vào các dự án để bảo vệ không gian cho sự tham gia của công dân bằng cách hỗ trợ các nhà bảo vệ nhân quyền và những nạn nhân bị đàn áp, cũng như xây dựng tính linh hoạt xã hội (ví dụ: giáo dục về lợi ích của sự đa dạng và khoan dung tôn giáo, cũng như các dự án phát triển liên tôn).



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/2/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét