Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020

Đức Thánh Cha nêu lên sự cần thiết phải đạt được ‘Khế ước Giáo dục rộng lớn’

Đức Thánh Cha nêu lên sự cần thiết phải đạt được ‘Khế ước Giáo dục rộng lớn’
© Vatican Media

Đức Thánh Cha nêu lên sự cần thiết phải đạt được ‘Khế ước Giáo dục rộng lớn’

‘Đào tạo những con người trưởng thành có thể sửa chữa lại kết cấu của những mối quan hệ con người và tạo ra một thế giới huynh đệ hơn’

07 tháng Hai, 2020 16:36

Thế giới ngày nay đứng trước những thách thức lớn và giáo dục là cốt lõi của những giải pháp cho tương lai.

Đó là thông điệp chính Đức Thánh Cha Phanxico đưa ra ngày 7 tháng Hai năm 2020, khi ngài chia sẻ trước các tham dự viên kết thúc hội nghị hai ngày tại Vatican với chủ đề “Giáo dục. Khế ước Toàn cầu.” Hội nghị là một trong chuỗi sự kiện sẽ dẫn đến việc ký kết một “Khế ước Giáo dục Toàn cầu,” được Đức Thánh Cha đề xướng, tại Vatican ngày 14 tháng Năm năm 2020.

Đức Thánh Cha nói: “Tôi rất vui vì anh chị em đang phản ánh về chủ đề này (Giáo dục. Khế ước Toàn cầu) vì ngày nay cần phải liên kết các lực lượng để đạt được một thỏa ước giáo dục rộng lớn nhằm mục đích đào tạo những con người trưởng thành có thể sửa chữa lại kết cấu của những mối quan hệ con người và tạo ra một thế giới huynh đệ hơn (x. Diễn từ trước Ngoại giao đoàn, 9 tháng Một năm 2020). 

“Một nền giáo dục toàn diện và chất lượng, và những tiêu chuẩn được thiết lập cho tốt nghiệp, tiếp tục là một thách đố toàn cầu. Cho dù có những mục tiêu được trình bày rõ ràng bởi Liên Hợp quốc và các cơ quan khác (x. Mục tiêu 4) và những nỗ lực quan trọng của một số quốc gia, nhưng sự bình đẳng giáo dục vẫn chưa đạt được trên thế giới. Sự nghèo khổ, phân biệt đối xử, biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa sự thờ ơ và bóc lột con người tất cả đều ngăn cản sự phát triển khỏe mạnh của hàng triệu trẻ em. Quả thật, đây là một bức tường hầu như không thể vượt qua ngăn chặn việc đạt được những mục tiêu phát triển bền vững và được bảo đảm do các dân tộc trên thế giới đề xuất.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến tầm quan trọng của gia đình trong giáo dục, đồng thời tỏ lòng kính trọng đối với vai trò của thầy cô giáo.


Dưới đây là toàn văn chia sẻ của Đức Thánh Cha, do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):


Các bạn thân mến,

Tôi xin gửi đến các bạn lời chào nồng ấm nhân dịp Hội nghị do Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội tổ chức về “Giáo dục: Khế ước Toàn cầu.” Tôi rất vui vì anh chị em đang phản ánh về chủ đề này (Giáo dục. Khế ước Toàn cầu) vì ngày nay cần phải liên kết các lực lượng để đạt được một thỏa ước giáo dục rộng lớn nhằm mục đích đào tạo những con người trưởng thành có thể sửa chữa lại kết cấu của những mối quan hệ con người và tạo ra một thế giới huynh đệ hơn (x. Diễn từ trước Ngoại giao đoàn, 9 tháng Một năm 2020).

Một nền giáo dục toàn diện và chất lượng, và những tiêu chuẩn được thiết lập cho tốt nghiệp, tiếp tục là một thách đố toàn cầu. Cho dù có những mục tiêu được trình bày rõ ràng bởi Liên Hợp quốc và các cơ quan khác (x. Mục tiêu 4) và những nỗ lực quan trọng của một số quốc gia, nhưng sự bình đẳng giáo dục vẫn chưa đạt được trên thế giới. Sự nghèo khổ, phân biệt đối xử, biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa sự thờ ơ và bóc lột con người tất cả đều ngăn cản sự phát triển khỏe mạnh của hàng triệu trẻ em. Quả thật, đây là một bức tường hầu như không thể vượt qua ngăn chặn việc đạt được những mục tiêu phát triển bền vững và được bảo đảm do các dân tộc trên thế giới đề xuất.

Giáo dục cơ bản ngày nay là một lý tưởng có tính quy phạm trên toàn thế giới. Dữ liệu từ thực tế mà các bạn sở hữu cho thấy đã có nhiều tiến bộ trong việc cho thanh thiếu niên và thiếu nhi nam nữ tiếp cận việc học. Ngày nay, việc tuyển sinh giới trẻ vào giáo dục tiểu học gần như trở nên phổ biến và rõ ràng là khoảng cách giới tính đã được thu hẹp. Đây là một thành tựu đáng khen ngợi. Tuy nhiên, mỗi thế hệ cần phải cân nhắc cách tốt nhất để truyền lại những kiến thức và giá trị của họ cho thế hệ tiếp theo, vì chính thông qua giáo dục, con người đạt được tiềm năng tối đa của họ và trở nên có ý thức, tự do và có trách nhiệm. Quan tâm đến giáo dục là sự quan tâm cho các thế hệ tương lai và cho tương lai của nhân loại. Đó là một mối quan tâm sâu xa xuất phát từ niềm hy vọng và nó đòi hỏi sự quảng đại và lòng can đảm.

Giáo dục không đơn thuần là việc truyền đạt những khái niệm; đó là một sự nghiệp đòi hỏi sự hợp tác từ phía tất cả mọi người liên quan – gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội, văn hóa và tôn giáo. Trong việc giáo dục, chúng ta phải có khả năng kết hợp ngôn ngữ của trí óc với ngôn ngữ của con tim và ngôn ngữ của đôi tay. Theo cách này, học sinh biết suy nghĩ về những gì mình cảm nhận và làm, có thể cảm nhận những gì mình nghĩ và làm, và có thể làm được những gì mình cảm nhận và suy nghĩ. Bằng cách khuyến khích sự đào tạo trí óc, con tim và bàn tay, giáo dục trí tuệ và cảm xúc xã hội, truyền đạt các giá trị và đức tính cá nhân và xã hội, giảng dạy trách nhiệm và nghĩa vụ công dân cam kết quan tâm đến công lý, và bằng cách truyền đạt những khả năng và kiến thức, có thể chuẩn bị cho lớp người trẻ tuổi bước vào thế giới công việc và xã hội, gia đình, trường học và các tổ chức trở thành những phương tiện thiết yếu để trao quyền cho các thế hệ tương lai.

Ngày nay, cái mà tôi gọi là “khế ước giáo dục” giữa gia đình, trường học, quốc gia và thế giới, văn hóa, và các nền văn hóa, đang gặp khủng hoảng, và quả thật đang trong tình trạng suy sụp. Sự suy sụp đó là nghiêm trọng, và chỉ có thể sửa chữa lại nó thông qua một nỗ lực chung được đổi mới của lòng quảng đại và sự hợp tác. Sự suy sụp này trong khế ước giáo dục có nghĩa là xã hội, gia đình và các tổ chức có trách nhiệm giáo dục, tất cả đều đã lảng tránh trách nhiệm rõ ràng về giáo dục cho người khác. Như vậy, các tổ chức cơ sở và chính bản thân các chính phủ đã trốn tránh trách nhiệm của họ và chùn bước trong khế ước giáo dục này.

Ngày nay, chúng ta được kêu gọi bằng cách nào đó phải đổi mới và hợp nhất sự cống hiến của tất cả – các cá nhân và tổ chức – ưu tiên cho giáo dục, để xây dựng một khế ước giáo dục mới, vì chỉ có như vậy giáo dục mới có thể thay đổi. Để đạt được điều này, cần phải có sự kết hợp hài hòa của các môn học, văn hóa, thể thao, khoa học, thư giãn và giải trí; phải xây dựng những cầu nối để vượt qua các hình thức co cụm giam hãm chúng ta trong thế giới nhỏ bé của mình và vượt ra ngoài biển khơi rộng mở toàn cầu để tôn trọng mọi truyền thống. Các thế hệ tương lai phải có một sự hiểu biết rõ ràng về truyền thống và văn hóa của chính họ, trong sự liên quan với các truyền thống khác, theo cách để họ có thể phát triển sự hiểu biết của chính mình bằng cách gặp gỡ và hội nhập sự đa dạng và thay đổi văn hóa. Điều này sẽ cho phép thúc đẩy văn hóa đối thoại, gặp gỡ và hiểu biết lẫn nhau, trên tinh thần bình an và khoan dung. Một nền giáo dục cho phép những lớp người trẻ nhận ra và nuôi dưỡng các giá trị đích thực của con người từ góc độ liên văn hóa và liên tôn giáo.

Gia đình cần được trao cho vị trí thích đáng trong khế ước giáo dục mới vì trách nhiệm của nó đã bắt đầu từ trong cung lòng người mẹ và ngay khi sinh ra. Tuy nhiên, những người mẹ, cha, ông bà, và toàn thể gia đình, trong vai trò giáo dục ban đầu của họ, cần được giúp đỡ để hiểu tầm quan trọng của giai đoạn đầu đời này và được chuẩn bị để hành động phù hợp, trong bối cảnh toàn cầu mới. Một trong những con đường căn bản để cải thiện chất lượng giáo dục ở mức độ kinh viện là phải có sự tham gia nhiều hơn của các gia đình và cộng đồng địa phương trong các dự án giáo dục. Đây là điều thiết yếu cho một nền giáo dục toàn diện, hội tụ và phổ quát.

Nhân dịp này, tôi cũng xin bày tỏ lòng kính trọng đối với các nhà giáo, để khi đứng trước những thách thức của công cuộc giáo dục, họ sẽ bền chí với lòng can đảm và kiên cường. Họ là “những nghệ nhân”, là những người định hình cho các thế hệ tương lai. Bằng kiến thức, sự kiên nhẫn và sự tận tụy của mình, họ truyền đạt cách sống và hành động thể hiện sự giàu có không thuộc vật chất nhưng thuộc tinh thần và tạo ra những người nam và nữ của ngày mai. Đây là một trách nhiệm vĩ đại. Do đó, trong khế ước giáo dục mới, chức năng của nhà giáo, là những nhà giáo dục, phải được chân nhận và hỗ trợ với mọi phương cách có thể. Nếu mục tiêu của chúng ta là cung cấp cho mỗi cá nhân và mọi cộng đồng mức độ kiến thức cần thiết để biết dùng sự tự do ý chí đúng đắn của họ và có khả năng hợp tác với những người khác, điều quan trọng là phải bảo đảm rằng các nhà giáo dục được đào tạo theo những tiêu chuẩn chất lượng cao nhất ở mọi cấp học. Để hỗ trợ và thúc đẩy tiến trình này, họ cần phải được trao cho quyền truy cập vào các nguồn tài nguyên quốc gia, quốc tế và tư nhân phù hợp, để họ có thể thực hiện các trách vụ của mình một cách hiệu quả trên toàn thế giới.

Trong Hội thảo này về “Giáo dục: Khế ước Toàn cầu,” các bạn, những nhà lãnh đạo học thuật từ một số đại học uy tín nhất trên thế giới, đã xác định được những bàn đạp mới để làm cho giáo dục trở nên nhân văn và công bằng hơn, thỏa đáng hơn và phù hợp hơn cho những nhu cầu đa dạng của các nền kinh tế và xã hội của thế kỷ hai mươi mốt. Các bạn đã nghiên cứu khoa học mới về trí tuệ, não bộ và giáo dục, và triển vọng của công nghệ, cùng nhiều vấn đề khác, để tiếp cận được những trẻ em hiện đang thiếu cơ hội học tập, cũng như vấn đề quan trọng của giáo dục cho người tị nạn trẻ và người nhập cư trên toàn thế giới. Các bạn đã suy xét đến những tác động của sự bất bình đẳng và biến đổi khí hậu ngày càng tăng đối với giáo dục và đã phản ánh trên các công cụ cần thiết để đảo ngược lại những tác động của chúng và đặt nền móng cho một xã hội nhân văn, lành mạnh, công bằng và thịnh vượng hơn.

Tôi khuyến khích các bạn trong nhiệm vụ quan trọng và thú vị của mình: hãy hợp tác trong việc giáo dục các thế hệ tương lai. Những gì các bạn tìm kiếm để kiện toàn thì hãy bắt đầu, không phải với tương lai, nhưng với hiện tại, ở đây và ngay bây giờ.

Xin Chúa chúc lành cho các bạn.

[00174-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Tây Ban nha]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/2/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét