Thứ Ba, 4 tháng 2, 2020

Đức Thánh Cha Phanxico cử hành Ngày Đời sống Thánh hiến lần thứ 24

Đức Thánh Cha Phanxico cử hành Ngày Đời sống Thánh hiến lần thứ 24
© Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxico cử hành Ngày Đời sống Thánh hiến lần thứ 24

Thánh Lễ với thành viên của các Hội dòng Đời sống Tận hiến và các Tu hội Đời sống Tông đồ

01 tháng Hai, 2020 21:47

“Chính mắt con đã được thấy ơn cứu độ” (Lc 2:30).

Xây dựng bài giảng dựa trên những lời này, Đức Thánh Cha Phanxico dâng Thánh Lễ ngày 1 tháng Hai năm 2020, Ngày Đời sống Thánh hiến. Thánh Lễ được dâng trong Vương cung Thánh đường của Vatican với thành viên của các Hội dòng Đời sống Thánh hiến và các Tu hội Đời sống Tông đồ.

Đức Thánh Cha nói, “Đây là lời của ông Si-mê-on, mà Tin mừng trình bày là một con người đơn sơ: ‘công chính và sùng đạo,’ như văn bản mô tả (c. 25).” Nhưng giữa tất cả những người tại đền thờ hôm đó, chỉ mình ông nhìn thấy Chúa Giê-su là Đấng Cứu thế. Ông đã nhìn thấy gì? Một trẻ thơ: một hài nhi nhỏ bé, mong manh, bình thường. Nhưng trong hài nhi đó, ông nhìn thấy ơn cứu độ, vì Chúa Thánh Thần cho phép ông nhận ra trong hài nhi đó “Đấng Ki-tô của Đức Chúa” (c. 26).”

Đức Thánh Cha Phanxico tiếp tục nói với các thành viên tận hiến rằng cũng như ông Si-mê-on, họ đã nhận biết Đức Ki-tô. Họ cũng vậy, đã đón nhận món quà ân sủng từ Thiên Chúa để nhận ra Người.

Đức Phanxico tiếp tục, “Thưa anh chị em thánh hiến, anh chị em cũng vậy, anh chị em là những người nam và người nữ đơn sơ đã nhìn thấy được gia tài quý giá hơn bất kỳ điều gì trên thế gian. Và vì thế anh chị em bỏ lại đằng sau những thứ quý giá, chẳng hạn của cải, hoặc có thể xây dựng một gia đình riêng cho bản thân anh chị em. Tại sao anh chị em lại làm như vậy? Vì anh chị em đã yêu mến Chúa Giê-su, anh chị em nhìn thấy một điều gì đó nơi Người và ngây ngất bởi ánh mắt nhìn của Người, anh chị em bỏ lại tất cả đằng sau. Đời sống tu trì là tầm nhìn này. Nó có nghĩa là nhìn thấy đâu là điều quan trọng trong cuộc sống.”


Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha, của Vatican cung cấp:

“Chính mắt con đã được thấy ơn cứu độ” (Lc 2:30). Đây là lời của ông già Si-mê-on, mà Tin mừng trình bày là một con người đơn sơ: “công chính và sùng đạo,” như văn bản mô tả (c. 25). Nhưng giữa tất cả những người tại đền thờ hôm đó, chỉ mình ông nhìn thấy Chúa Giê-su là Đấng Cứu thế. Ông đã nhìn thấy gì? Một trẻ thơ: một hài nhi nhỏ bé, mong manh, bình thường. Nhưng trong hài nhi đó, ông nhìn thấy ơn cứu độ, vì Chúa Thánh Thần cho phép ông nhận ra trong hài nhi đó “Đấng Ki-tô của Đức Chúa” (c. 26). Ẵm hài nhi trong vòng tay, bằng đức tin, ông cảm nhận rằng Thiên Chúa đang thực hiện trọn vẹn lời hứa của Người trong hài nhi. Và rằng ông, Si-mê-on, bây giờ có thể đi trong bình an: ông đã nhìn thấy ân sủng còn quý hơn cả mạng sống (x. Tv 63:4), và chẳng còn gì hơn để chờ đợi nữa.

Thưa anh chị em thánh hiến, anh chị em cũng vậy, anh chị em là những người nam và người nữ đơn sơ đã nhìn thấy được gia tài quý giá hơn bất kỳ điều gì trên thế gian. Và vì thế anh chị em bỏ lại đằng sau những thứ quý giá, chẳng hạn của cải, hoặc có thể xây dựng một gia đình riêng cho bản thân anh chị em. Tại sao anh chị em lại làm như vậy? Vì anh chị em đã yêu mến Chúa Giê-su, anh chị em nhìn thấy một điều gì đó nơi Người và ngây ngất bởi ánh mắt nhìn của Người, anh chị em bỏ lại tất cả phía sau. Đời sống tu trì là tầm nhìn này. Nó có nghĩa là nhìn thấy đâu là điều quan trọng trong cuộc sống. Nó có nghĩa là chào đón ân sủng của Thiên Chúa với vòng tay rộng mở, như ông Si-mê-on đã làm. Đây là những gì đôi mắt của người thánh hiến nhìn thấy: ân sủng của Thiên Chúa rót đổ trên đôi bàn tay của họ. Người tận hiến là người hàng ngày đều nhìn vào chính bản thân mình và nói: “Mọi thứ đều là hồng ân, tất cả đều là ân sủng.” Anh chị em thân mến, chúng ta không xứng đáng với đời sống tu trì; đó là một món quà của tình yêu mà chúng ta đón nhận được.

Chính mắt con đã được thấy ơn cứu độ. Đây là những lời chúng ta lặp lại mỗi tối trong giờ Kinh Tối. Chúng ta kết thúc một ngày bằng những lời này, thưa rằng: “Lạy Chúa, ơn cứu độ của con đến từ Người, đôi bàn tay con không còn trắng trơn, nhưng đầy ân sủng của Người.” Biết cách nhìn thấy ân sủng là điểm khởi đầu. Nhìn lại, đọc lại lịch sử riêng của mình và nhìn thấy ở đó món quà trung tín của Thiên Chúa: không chỉ trong những giây phút hồng phúc nhưng cả trong sự mỏng giòn và yếu đuối của chúng ta, trong sự tầm thường của chúng ta. Kẻ cám dỗ, ma quỷ tập trung vào “sự nghèo khó” của chúng ta, vào đôi bàn tay trắng trơn của chúng ta: “Trong tất cả những năm qua ngươi đã chẳng có được điều gì tốt hơn, ngươi đã chẳng đạt được những gì đáng lẽ ngươi đạt được, họ đã chẳng để cho ngươi là những điều xứng đáng dành cho ngươi, ngươi đã không luôn trung thành, ngươi không có khả năng …” và vân vân. Mỗi chúng ta đều biết câu chuyện này và những lời này rất rõ. Chúng ta nhìn thấy điều này là đúng một phần, và vì thế chúng ta quay trở lại với những suy nghĩ và cảm xúc làm chúng ta mất phương hướng. Từ đó chúng ta có nguy cơ đánh mất sức chịu đựng của chúng ta, đánh mất tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Vì Chúa luôn yêu thương chúng ta, và ban tặng chính Ngài cho chúng ta, thậm chí trong sự nghèo khó của chúng ta. Thánh Giê-rô-ni-mô dâng lên Chúa rất nhiều và Chúa đòi hỏi thêm. Ngài thưa với Chúa: “Nhưng lạy Chúa, con đã dâng lên Ngài mọi thứ, mọi thứ rồi, còn thiếu gì không ạ?” “Tội của con, sự nghèo khó của con, hãy dâng cho ta sự nghèo khó của con.” Khi chúng ta giữ ánh mắt luôn hướng về Người, chúng ta mở lòng ra cho sự tha thứ của Người làm đổi mới chúng ta, và chúng ta được bảo đảm bởi lòng trung tín của Người. Hôm nay chúng ta hãy tự hỏi mình: “Tôi hướng cái nhìn của tôi về ai: về Thiên Chúa, hay về bản thân tôi?” Bất cứ ai có kinh nghiệm ân sủng của Chúa đều có thể khám phá được liều thuốc giải cho sự hoài nghi và nhìn mọi sự theo cách nhìn của thế gian.

Có một cám dỗ lờ mờ bao phủ lấy đời sống tu trì: nhìn mọi sự theo cách nhìn của thế gian. Việc này dẫn đến hậu quả là không nhìn thấy ân sủng của Thiên Chúa như một động lực thúc đẩy trong đời sống, rồi đi tìm một điều khác để thay thế cho nó: một chút danh vọng, một tình cảm an ủi, cuối cùng là làm điều tôi muốn. Nhưng khi một đời sống tận hiến không còn tập trung vào ân sủng của Chúa, nó sẽ hướng vào bản thân. Nó mất đi niềm say mê, nó trở nên uể oải, trở nên trì trệ. Và chúng ta biết chuyện gì sẽ xảy ra: chúng ta bắt đầu đòi hỏi không gian riêng cho mình, quyền của riêng mình, chúng ta cho phép bản thân trượt vào những chuyện đồn thổi phỉ báng, chúng ta tấn công mọi điều nhỏ nhặt không đi theo con đường của chúng ta, và chúng ta rót đổ vào những kinh nguyện than van – than phiền, “Than phiền của cha,” “Than phiền của Sơ” – về anh chị em của chúng ta, cộng đoàn của chúng ta, về Giáo hội, xã hội. Chúng ta chẳng còn nhìn thấy Chúa trong mọi sự, nhưng chỉ là những động lực của trần gian và con tim chúng ta trở nên tê liệt. Rồi chúng ta trở thành những tạo vật của thói quen, của thực dụng, trong khi sự buồn bã và hoài nghi lớn lên trong chúng ta, nó biến thành sự buông xuôi. Đây là hậu quả của cái nhìn theo thế gian đem lại. Đại Thánh Teresa có lần nói với các chị em: “Khốn cho nữ tu nào lặp đi lặp lại những lời này, ‘họ đã cư xử bất công với tôi’, khốn cho người đó!”

Để có cái nhìn đúng đắn về cuộc sống, chúng ta hãy xin để có thể nhận được ân sủng của Thiên Chúa cho chúng ta, như ông Si-mê-on. Tin mừng kể ba lần rằng ông rất mật thiết với Chúa Thánh Thần là Đấng ngự trong ông, truyền cảm hứng cho ông, thúc giục ông (x. c. 25-27). Ông rất mật thiết với Chúa Thánh Thần, với tình yêu của Chúa. Nếu đời sống thánh hiến duy trì kiên vững trong tình yêu với Thiên Chúa, nó nhìn thấy được vẻ đẹp. Nó nhìn thấy rằng sự nghèo khó không phải là một nỗ lực quá lớn, nhưng hơn thế là một sự tự do cao hơn mà Thiên Chúa tặng cho chúng ta và những người khác như gia tài thật. Nó nhìn thấy rằng đức khiết tịnh không phải là một sự cằn cỗi hà khắc, nhưng là một con đường yêu thương không chiếm hữu. Nó nhìn thấy rằng đức vâng phục không phải là một kỷ luật, nhưng là một sự chiến thắng những hỗn độn của chúng ta, theo con đường của Chúa Giê-su. Ở một vùng bị ảnh hưởng bởi động đất của nước Ý – nói về nghèo khó và đời sống cộng đoàn – có một tu viện Benedictine bị tàn phá và một tu viện khác mời các Sơ đến ở với họ. Nhưng các Sơ chỉ đến đó được một thời gian ngắn: họ không vui, họ nghĩ về tu viện của họ, về những con người ở đó. Cuối cùng, các Sơ quyết định trở về tu viện của mình, bây giờ chỉ là hai nhà lưu động nhỏ. Thay vì ở trong tu viện ấm cúng và rộng lớn này; các Sơ thích chen chúc ở đó, tất cả với nhau, nhưng hạnh phúc trong sự nghèo khó của mình. Việc này mới xảy ra năm ngoái. Đó là một điều rất đẹp!

Chính mắt con đã được thấy ơn cứu độ. Ông Si-mê-on nhìn thấy Chúa Giê-su là một trẻ thơ nhỏ bé, khiêm hạ, là người đến để phục vụ, không để được phục vụ, và cho thấy mình là người phục vụ. Ông nói: “Muôn lạy Chúa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi” (c. 29). Những ai nhìn mọi việc theo cách của Chúa Giê-su sẽ học được cách sống để phục vụ. Họ không chờ đợi người khác đưa ra sáng kiến, nhưng chính họ bước ra để tìm kiếm người anh em, như ông Si-mê-on tìm kiếm Chúa Giê-su trong đền thánh. Người anh em của chúng ta được tìm thấy ở đâu trong đời sống thánh hiến? Đây là câu hỏi: Chúng ta tìm người anh em ở đâu? Trước hết trong cộng đoàn của chính chúng ta. Phải tìm được ân sủng để biết cách tìm kiếm Chúa Giê-su trong những người anh chị em được trao cho chúng ta. Và đó chính xác là nơi chúng ta có thể bắt đầu thực hành đức ái: ở tại nơi anh chị em sống, bằng cách chào đón những anh chị em trong sự nghèo khó, như ông Si-mê-on chào đón Chúa Giê-su hiền lành và nghèo. Ngày nay quá nhiều người nhìn người khác chỉ là những cản trở và phiền toái. Chúng ta cần phải có một cái nhìn biết tìm kiếm người anh em của mình, biết đem những người ở xa đến gần gũi hơn. Những người nam nữ tận hiến, những người sống noi gương Chúa Giê-su, được kêu gọi để đem cái nhìn của họ vào thế giới, một cái nhìn đầy lòng trắc ẩn, một cái nhìn bước ra để tìm kiếm những người ở xa; một cái nhìn không lên án, nhưng động viên, giải thoát, an ủi; một cái nhìn thương xót. Câu được lặp đi lặp lại trong Tin mừng, một câu nói về Chúa Giê-su, kể rằng: “Người động lòng thương.” Đây là hành động của Chúa Giê-su cúi xuống với mỗi người chúng ta.

Chính mắt con đã được thấy ơn cứu độ. Mắt ông Si-mê-on được nhìn thấy ơn cứu độ vì chúng đang chờ đợi nó (x. c. 25). Đó là đôi mắt mong chờ, đầy hy vọng. Chúng đang tìm kiếm ánh sáng và rồi nhìn thấy ánh sáng của các dân tộc (x. c. 32). Chúng là đôi mắt già nua nhưng cháy bỏng hy vọng. Cái nhìn của những người nam nữ thánh hiến chỉ là cái nhìn của hy vọng. Biết cách hy vọng. Nhìn chung quanh, rất dễ bị mất hy vọng: những điều không dẫn đến kết quả, sự giảm sút ơn gọi … Cám dỗ có cái nhìn của thế gian luôn luôn hiện diện, một cái nhìn thiếu hy vọng. Nhưng chúng ta hãy nhìn vào Tin mừng và nhìn thấy ông Si-mê-on và bà An-na: họ là những người già, một mình, nhưng họ không mất hy vọng, vì họ luôn duy trì sự hiệp nhất với Thiên Chúa. Bà An-na “không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa” (c. 37). Đây là bí mật: đừng bao giờ để mình xa lánh Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch hy vọng. Chúng ta sẽ trở nên mù lòa nếu chúng ta không nhìn đến Thiên Chúa mỗi ngày và nếu chúng ta không tôn thờ Người. Tôn thờ Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì món quà đời sống thánh hiến và hãy xin Người ban cho cái nhìn mới, biết cách nhìn thấy ân sủng, biết cách tìm kiếm người anh em, biết cách hy vọng. Rồi đôi mắt chúng ta cũng sẽ được nhìn thấy ơn cứu độ.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/2/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét