Thứ Ba, 17 tháng 3, 2020

Santa Marta: Cầu nguyện cho các mục tử chọn được ‘những cách tốt nhất để giúp đỡ’

Santa Marta: Cầu nguyện cho các mục tử chọn được ‘những cách tốt nhất để giúp đỡ’
© Vatican Media

Santa Marta: Cầu nguyện cho các mục tử chọn được ‘những cách tốt nhất để giúp đỡ’

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha tại Santa Marta

13 tháng Ba, 2020 17:54

“Trong những ngày này chúng ta cùng cầu nguyện cho các bệnh nhân, các gia đình, những người đang chịu đau khổ vì trận đại dịch. Và hôm nay cha cũng cầu nguyện cho các mục tử phải đồng hành với dân Chúa trong cơn khủng hoảng này: xin Chúa ban cho họ sức mạnh và khả năng để chọn được những cách tốt nhất để giúp đỡ.”

Đây là lời cầu của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay ngày 13 tháng Ba năm 2020, trong Thánh Lễ thứ năm tại Santa Marta được truyền hình trực tiếp vì đại dịch coronavirus.

Đồng thời ngài nói thêm: “Những biện pháp quyết liệt không phải luôn luôn tốt, đó là lý do tại sao chúng ta cầu nguyện: để xin Chúa Thánh Thần ban cho các mục tử khả năng và sự phân định mục vụ để đưa ra những biện pháp không bỏ lại dân trung thành của Chúa. Ước mong dân Chúa cảm thấy được đồng hành bởi những mục tử và bởi sự an ủi của Lời Chúa, các bí tích và lời cầu nguyện.”

Đức Thánh Cha không có ý nói đến những biện pháp do Chính phủ đưa ra để ngăn chặn sự lây lan bằng cách tránh các hoạt động cộng đồng, nhưng đề cập đến những biện pháp mà các mục tử phải đưa ra cân nhắc đến nhu cầu của các tín hữu là những người cần được đồng hành tinh thần trong thời khắc ảm đạm như vậy.

Trong bài giảng, phân tích về những bài đọc trong ngày, và đặc biệt là dụ ngôn về những người trồng nho sát nhân, ngài suy tư về sự bất trung đối với giao ước của những người đã chiếm hữu món quà của Thiên Chúa đó là gia tài, sự rộng mở và phúc lành, và giam hãm nó trong một giáo điều (Mt 21: 33-43.45).

Theo Đức Phanxico, việc chiếm đoạt món quà của Chúa “là tội khi quên rằng Thiên Chúa đã trở thành một món quà cho chúng ta, rằng Chúa đã ban cho chúng ta điều này như một món quà, và lại quên đi điều này, trở thành những người sở hữu.”

Trong trường hợp này, “lời hứa không còn là một lời hứa, sự lựa chọn không còn là một chọn lựa: ‘Khế ước phải được giải thích theo ý của tôi, theo ý thức hệ.” Và theo thái độ này, Đức Thánh Cha nhận xét, “trong Tin mừng, có lẽ sự khởi đầu của thuyết giáo quyền, đó là một sự bóp méo, nó luôn luôn chối bỏ sự tự do lựa chọn của Thiên Chúa, giao ước tự do của Thiên Chúa, lời hứa tự do của Thiên Chúa. Quên đi tính nhưng không của sự mặc khải, quên rằng Thiên Chúa đã tỏ lộ Ngài như một món quà, Người đã biến mình thành một món quà cho chúng ta và chúng ta phải trao tặng nó, làm cho người khác nhìn thấy Ngài như một món quà, không phải là sự chiếm hữu của chúng ta.”

Đức Thánh Cha phân tích theo ý nghĩa này rằng “thuyết giáo quyền không phải là một điều duy nhất có trong thời đại này, tính cứng nhắc không là điều duy nhất của ngày nay, nó đã có đó trong thời của Chúa Giê-su.” Vì lý do này, ngài kêu gọi: “Hôm nay chúng ta hãy xin Chúa ban ơn biết đón nhận ân huệ như một món quà và truyền tải ân huệ như một món quà, không phải như của cải, không theo cách bè phái, không theo cách cứng nhắc, không theo cách của người theo thuyết giáo quyền.”


******

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha

Cả hai bài đọc đều là một lời tiên báo về cuộc Khổ nạn của Chúa. Giu-se bị bán làm nô lệ với giá 20 đồng bạc và bị trao cho những người ngoại giáo. Chính dụ ngôn của Chúa Giê-su, câu chuyện mô tả rõ ràng, mang tính tượng trưng, về việc giết Chúa Con. Câu chuyện của “một người người đàn ông có một miếng vườn, và trồng nho ở đó — ông làm việc đó với sự chăm chút hết mực — ông dựng rào dậu bao quanh nó, ông đào hầm ép rượu và xây tháp canh — ông làm rất tốt –. Rồi ông cho tá điền thuê và đi phương xa.”

Đây là Dân Chúa. Chúa chọn những người này; những người được chọn. Họ là Dân được Chọn. Rồi cũng có lời hứa: “Hãy tiến lên. Các ngươi là dân của ta,” một lời hứa với A-bra-ham. Và rồi có Giao ước được thực hiện với dân ở Sinai. Dân phải luôn luôn giữ trung thành — sự thật rằng họ là dân được chọn, lời hứa để nhìn về phía trước và Giao ước để sống trung tín mỗi ngày. Tuy nhiên, chuyện xảy ra trong dụ ngôn này là, khi đến thời gian thu hoạch nho, những người này quên rằng họ không phải là những người chủ sở hữu: “Nhưng những người tá điền bắt các đầy tớ ông, đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Rồi chủ lại sai một số đầy tới khác, đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy.” Ở đây chắc chắn Chúa Giê-su khiến họ nhìn thấy — Ngài đang nói chuyện với các Luật sĩ — cách các Luật sĩ đã đối xử với các tiên tri. “Sau cùng ông sai chính con trai mình đến,” vì nghĩ rằng họ sẽ tôn trọng con trai mình. “Tuy nhiên, những kẻ tá điền, khi nhìn thấy người con trai, liền bảo nhau: ‘Đứa con thừa tự kia rồi. Nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó!”

Họ đã cướp lấy gia tài thừa kế, đó là chuyện khác. Nó còn là câu chuyện của lòng bất trung, của sự bất trung với sự chọn lựa, của sự bất trung với lời hứa, của sự bất trung với Giao ước là một ân huệ. Sự chọn lựa, lời hứa, Giao ước là một ân huệ của Thiên Chúa — bất trung với ân huệ của Thiên Chúa. Họ không hiểu rằng đó là một ân huệ và chiếm lấy nó như là gia tài của họ. Những người này chiếm lấy món quà làm của riêng họ và lấy mất đặc tính ân huệ của nó để biến nó thành gia tài “của tôi.” Và món quà đó chính là sự phong phú, sự rộng mở, và sự chúc lành, đã bị đóng lại, bị giam hãm lại trong giáo thuyết hợp pháp — rất nhiều giáo thuyết. Nó bị biến thành hệ tư tưởng, vì thế ân huệ bị mất bản chất của ân huệ và cuối cùng trở thành một hệ tư tưởng, đặc biệt trong một hệ tư tưởng đạo đức đầy những quy tắc, thậm chí cả những quy tắc kỳ cục vì nó biến thành những lý lẽ ngụy biện đối với mọi thứ. Họ đã chiếm đoạt ân huệ.

Đây là một trọng tội. Đó là tội quên rằng Thiên Chúa đã biến chính Người trở thành một món quà cho chúng ta; rằng Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta điều này như ân huệ, và quên đi điều này, lại trở thành những người sở hữu. Lời hứa không còn là một lời hứa, sự lựa chọn không còn là một chọn lựa: “Khế ước phải được giải thích theo ý của tôi, theo ý thức hệ.” Và trong thái độ này, cha có thể nhìn thấy trong Tin mừng sự khởi đầu của thuyết giáo quyền, đó là một sự bóp méo, nó luôn luôn chối bỏ sự tự do lựa chọn của Thiên Chúa, giao ước tự do của Thiên Chúa, lời hứa tự do của Thiên Chúa. Quên đi tính nhưng không của sự mặc khải, quên rằng Thiên Chúa đã tỏ lộ Ngài như một món quà, Người đã biến mình thành một món quà cho chúng ta và chúng ta phải trao tặng nó, làm cho người khác nhìn thấy Ngài như một món quà, không phải là sự chiếm hữu của chúng ta.

Thuyết giáo quyền không phải là một điều duy nhất có trong thời đại này, tính cứng nhắc không là điều duy nhất của ngày nay, nó đã có đó trong thời của Chúa Giê-su. Rồi Chúa Giê-su tiếp tục giải thích dụ ngôn — đây là chương 21 –, Ngài tiếp tục cho đến chương 23 với sự kết án, nơi mà người ta nhìn thấy sự thịnh nộ của Chúa chống lại những kẻ chiếm lấy ân huệ như là gia tài của riêng họ và biến sự phong phú của nó thành những hệ tư tưởng từ trong đầu của họ.

Hôm nay chúng ta hãy xin Chúa ban ơn biết đón nhận ân huệ như một món quà và truyền tải ân huệ như một món quà, không phải như của cải, không theo cách bè phái, không theo cách cứng nhắc, không theo cách của “người theo thuyết giáo quyền”.

Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/3/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét