Thứ Năm, 12 tháng 3, 2020

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha ngày 11 tháng Ba

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha ngày 11 tháng Ba
© Vatican Media

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha ngày 11 tháng Ba

‘Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng’
11 tháng Ba, 2020 15:13

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:25 trong Thư viện của Điện Tông tòa Vatican.

Tiếp tục các bài giáo lý về những Mối Phúc, trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về mối Phúc thứ Tư: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng” (Mt 5:6).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với Phép Lành Tòa Thánh.

* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong buổi tiếp kiến hôm nay, chúng ta tiếp tục suy niệm về con đường hạnh phúc tươi sáng mà Chúa trao tặng cho chúng ta trong các Mối Phúc, và chúng ta đến với mối Phúc thứ Tư: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng” (Mt 5:6).

Chúng ta đã gặp gỡ sự nghèo khó trong tinh thần và sự than khóc; bây giờ chúng ta đứng trước một hình thức xa hơn của tính yếu đuối — nó liên quan đến sự đói và khát. Đói và khát là những nhu cầu căn bản; chúng liên quan đến sự sống còn. Điều này cần phải nhấn mạnh: ở đây không nói về sự khao khát chung chung, nhưng về một nhu cầu sống còn và nhu cầu hàng ngày, như là lương thực. Tuy nhiên, khao khát công chính ở đây có ý nghĩa gì? Chắc chắn chúng ta không nói đến những người muốn trả thù. Thật vậy, trong mối Phúc trước, chúng ta đã nói đến sự hiền lành. Bất công chắc chắn làm thương tổn nhân loại; xã hội con người đang vô cùng cần có sự bình đẳng, sự thật và công bằng xã hội; chúng ta nhớ rằng sự dữ mà những người nam và nữ trên thế giới phải gánh chịu đã thấu lên đến trái tim của Chúa Cha. Có người cha nào lại không đau khổ trước nỗi đau đớn của con mình? Các Sách Thánh nói đến nỗi đau đớn của người nghèo và người bị áp bức, là điều mà Chúa thấu biết và chia sẻ. Lắng nghe tiếng khóc vì bị áp bức của con cái Israel kêu lên — như trong sách Xuất hành thuật lại (x. 3:7-10) — Chúa xuống thế để thực hiện lời hứa với dân Người.

Tuy nhiên, sự khát khao nên công chính mà Chúa nói cho chúng ta biết còn sâu xa hơn cả nhu cầu hợp pháp về sự công bằng của con người mà mỗi người đều mang trong lòng. Trong cùng “Bài giảng trên Núi,” sau đó Chúa Giê-su nói đến một sự công bình lớn lao hơn cả quyền của con người hay là sự viên mãn cá nhân, Ngài nói: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5:20). Và đây chính là sự công chính từ Thiên Chúa (x. 1 Cr 1:30). Chúng ta tìm thấy được mô tả trong các Sách Thánh một sự khát khao sâu thẳm hơn cả sự khát khao về thể lý, nó là một sự khát khao nằm trong tận đáy lòng của hữu thể chúng ta. Thánh vịnh nói: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước” (Tv 63:2). Các Giáo Phụ nói đến sự thao thức nằm trong tâm hồn con người. Thánh Augustine nói: “Người đã tạo dựng nên chúng con cho Người, lạy Chúa, và tâm hồn chúng con sẽ không nghỉ yên cho đến khi được yên nghỉ trong Người.”[1] Luôn luôn có một sự khát khao trong tâm hồn, một cái đói trong tâm hồn, một sự thao thức … 

Trong mỗi tâm hồn, ngay cả trong một con người hư hỏng nhất và xa cách với điều lành, luôn ẩn giấu một sự khát khao ánh sáng, cho dù nó có nằm dưới đống đổ nát của những mưu gian chước độc hoặc lỗi lầm, nhưng luôn có khát khao sự thật và sự thiện, đó chính là sự khát khao Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần thúc đẩy sự khát khao này: Ngài là nước trường sinh đã đúc khuôn bụi đất của chúng ta, Ngài là hơi thở của đấng tạo dựng đã trao ban sự sống cho nó.

Vì vậy, Giáo hội được sai đi để công bố Lời Chúa cho tất cả mọi người, được thấm đẫm bởi Chúa Thánh Thần. Vì Tin mừng của Chúa Giê-su Ki-tô là sự công chính vĩ đại nhất có thể cung cấp cho tâm hồn con người, nó là một nhu cầu sống còn cho tâm hồn, ngay cả khi nó không nhận biết được điều đó.[2]

Chẳng hạn, khi một người nam và một người nữ kết hôn họ có ý định làm một điều gì đó lớn lao và đẹp đẽ, và nếu họ luôn luôn giữ niềm khát khao này luôn rực cháy, họ sẽ luôn luôn tìm thấy con đường để tiếp tục, ngay cả trong những khó khăn, với sự trợ giúp của Ân sủng. Người trẻ cũng có niềm khát khao này, và họ không được đánh mất nó! Cần phần bảo vệ và nuôi dưỡng trong tâm hồn con trẻ niềm khao khát yêu thương, hiền lành, chấp nhận, điều mà chúng bày tỏ trong những sự thôi thúc chân thành và ngời sáng.

Mỗi con người được kêu gọi để tái khám phá những gì thật sự quan trọng, những gì người đó thật sự cần, những gì làm cho con người sống tốt, đồng thời, những gì là thứ yếu, và những gì con người có thể bình tĩnh làm mà không cần đến nó.

Trong Mối Phúc này — sự đói và khát khao công chính — Chúa Giê-su công bố rằng có một sự khát khao sẽ không bị thất vọng; một sự khát khao, nếu được thể hiện, sẽ được no thỏa và sẽ luôn luôn có kết quả tốt, vì nó phù hợp với tâm hồn của Chúa, phù hợp với Thánh Thần, đó là sự yêu thương, và cũng phù hợp với hạt giống mà Thánh Thần đã gieo trong tâm hồn chúng ta. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng này: để có được sự khát khao công chính mà thật ra là mong ước tìm kiếm được nó, để nhìn thấy Chúa và để làm việc lành cho tha nhân.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Tiếng Ý

Trong thời điểm này, cha muốn gửi đến tất cả những bệnh nhân nhiễm virus và đang chịu đựng căn bệnh và nhiều người đang hoang mang không chắc chắn về căn bệnh của họ. Xin chân thành cảm ơn các nhân viên nhà thương, các bác sĩ, y tá và những người thiện nguyện, là những người luôn sát bên với những những người đau khổ trong thời khắc rất khó khăn này.

Cha xin cảm ơn tất cả các Ki-tô hữu, tất cả những người nam và nữ thiện chí cầu nguyện cho thời điểm này, tất cả cùng hợp nhất, bất kể truyền thống tôn giáo của họ; xin gửi những lời cảm ơn chân thành cho những cố gắng này. Tuy nhiên, cha không muốn nỗi đau đớn này, bệnh dịch rất hung dữ này, làm chúng ta quên đi những người Syria tội nghiệp đang chịu đau khổ tại biên giới giữa Hy lạp và Thổ Nhĩ kỳ: một dân tộc chịu đau khổ nhiều năm. Họ phải chạy trốn chiến tranh, trốn cái đói, trốn bệnh tật. Chúng ta đừng quên những người anh chị em của chúng ta. 

Cha cũng xin cảm ơn giáo xứ nhà tù “Due Palazzi” của Padua: cảm ơn anh chị em rất nhiều. Hôm qua cha nhận được bản nháp của bài Via Crucis (suy niệm Chặng đàng Thánh giá), mà anh chị em đã chuẩn bị cho ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tới. Xin cảm ơn vì tất cả đã cùng làm việc với nhau, toàn thể cộng đoàn nhà giam. Xin cảm ơn vì những suy niệm sâu sắc của anh chị em.

Bây giờ cha gửi lời chào đặc biệt đến các bạn trẻ, người già, các bệnh nhân và những đôi uyên ương mới. Ước mong rằng mọi người sống thời gian Mùa Chay này với ánh mắt hướng về Chúa Giê-su, Đấng đã chịu đau khổ và trỗi dậy, đón nhận được sự an ủi và nhân từ từ Thần Khí của Người.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

[1] The Confessions, 1, 1.5.

[2] Cf. Catechism of the Catholic Church, 2017: “The grace of the Holy Spirit confers upon us the righteousness of God. Uniting us by faith and Baptism to the Passion and Resurrection of Christ, the Spirit makes us sharers in his life.”

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/3/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét