Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

Đức Thánh Cha nói về sự hiệp nhất và năng lực nói tiên tri trong lễ các Thánh Phêrô và Phaolô

Đức Thánh Cha nói về sự hiệp nhất và tính ngôn sứ trong lễ các Thánh Phêrô và Phaolô

Đức Thánh Cha nói về sự hiệp nhất và năng lực nói tiên tri trong Lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô

Làm phép các dây Pallium sẽ được trao cho Hồng y niên trưởng Hồng y đoàn và các Tổng Giám mục chính tòa đã được sắc phong năm trước


29 tháng Sáu, 2020 14:01

Đức Thánh Cha tập trung vào những từ ngữ then chốt là sự hiệp nhất và năng lực nói tiên tri trong bài giảng Lễ ngày 29 tháng Sáu năm 2020, đại Lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô. Thánh Lễ cử hành trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô tại Bàn thờ Ngai tòa, với sự tham dự của một số lượng giới hạn các tín hữu trong bối cảnh những giới hạn sức khỏe trong đại dịch.

Bao gồm cả nghi thức làm phép các dây pallium sẽ được trao cho Hồng y niên trưởng Hồng y đoàn và các Tổng Giám mục chính tòa đã được sắc phong năm trước.

Về sự hiệp nhất, Đức Thánh Cha lưu ý rằng trong ngày lễ này Giáo hội mừng kính “hai cá nhân rất khác nhau: Thánh Phêrô, một ngư phủ trải qua ngày tháng giữa những con thuyền và chài lưới, và Thánh Phaolô, một người Biệt phái uyên bác giảng dạy trong các hội đường. Khi đi rao giảng, Thánh Phêrô giảng cho người Do Thái, và Thánh Phaolô giảng cho người dân ngoại. Và khi những lối đi của hai vị chạm nhau, các ngài tranh luận sôi nổi …” Nhưng, các ngài rất gần gũi và được hiệp nhất trong Chúa.

Về năng lực nói tiên tri, Đức Thánh Cha Phanxico nhắc lại câu hỏi thử thách của Chúa Giêsu với Phêrô: “Anh em bảo Thầy là ai?” và lời khẳng định mang tính tiên tri của Phêrô rằng Ngài Thiên Chúa. Lời tuyên xưng của Thánh Phêrô dẫn đến việc Chúa Giêsu nói Ngài sẽ xây dựng Hội Thánh trên Thánh Tông đồ, từ đó biến đổi hướng đi của đời sống của ngài.

Cũng vậy, Saun bị ngã ngựa và bị mù và gặp gỡ Chúa trong hoàn cảnh dẫn đưa ngài trở thành Phaolô, một người thầy vĩ đại và một nhà rao giảng phúc âm.

Đức Thánh Cha nói, “Ngày nay chúng ta cần năng lực nói tiên tri, nhưng là năng lực nói tiên tri đích thực: không phải những người nói suông hứa hẹn những điều không thể, nhưng là những chứng tá cho thấy Tin mừng là có thể. Những gì cần thiết không phải là các buổi trình diễn phép lạ. Điều làm cho cha buồn khi cha nghe có người nói, ‘Chúng tôi muốn một Hội thánh nói tiên tri’. Được. Nhưng các bạn đang làm gì để Hội thánh có thể nói tiên tri? Chúng ta cần những đời sống thể hiện phép lạ của tình yêu của Thiên Chúa.”

Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha, của Vatican (bản tiếng Anh)


Trong ngày Lễ của hai Thánh Tông đồ của Kinh thành này, cha muốn chia sẻ với anh chị em hai từ ngữ then chốt: sự hiệp nhất và khả năng nói tiên tri.

Đức Thánh Cha nói về sự hiệp nhất và tính ngôn sứ trong lễ các Thánh Phêrô và Phaolô

Sự hiệp nhất. Chúng ta cùng mừng kính hai cá nhân rất khác nhau: Thánh Phêrô, một ngư phủ trải qua ngày tháng giữa những con thuyền và chài lưới, và Thánh Phaolô, một người Biệt phái uyên bác giảng dạy trong các hội đường. Khi đi rao giảng, Thánh Phêrô giảng cho người Do Thái, và Thánh Phaolô giảng cho người dân ngoại. Và khi những lối đi của hai vị chạm nhau, các ngài tranh luận sôi nổi, như Thánh Phaolô không ngại ngùng thừa nhận trong một lá thư của ngài (x. Gl 2:11). Tóm lại, hai ngài là hai con người rất khác nhau, nhưng các ngài nhìn nhau như anh em, như mọi việc diễn ra trong các gia đình gắn bó với nhau, có thể vẫn có những tranh cãi thường xuyên nhưng vẫn có sự yêu thương không bao giờ cạn. Tuy nhiên sự gần gũi kết nối Phêrô và Phaolô không đến từ những khuynh hướng tự nhiên, nhưng đến từ Thiên Chúa. Người không đòi chúng ta thích nhau, nhưng phải yêu thương nhau. Người là Đấng liên kết chúng ta, không làm tất cả chúng ta trở nên giống nhau. Người hiệp nhất chúng ta trong những khác biệt của chúng ta.

Bài đọc một hôm nay đưa chúng ta đến với cội nguồn của sự hiệp nhất này. Nó kể lại Hội thánh vừa được khai sinh đã trải qua thời khắc khủng hoảng như thế nào: Hêrôđê giận dữ và một cuộc bách hại khốc liệt nổ ra, và Thánh Tông đồ Giacôbê bị giết. Và bây giờ Phêrô bị bắt. Cộng đoàn dường như mất người đứng đầu, mọi người đều lo sợ cho sự sống của mình. Nhưng ngay trong thời khắc đen tối đó, không ai bỏ chạy, không ai nghĩ đến việc cứu thoát cho mạng sống của riêng mình, không ai bỏ rơi người khác, nhưng tất đều hiệp nhất trong lời cầu nguyện. Từ việc cầu nguyện, họ kín múc được sức mạnh, từ việc cầu nguyện sinh ra sự hiệp nhất mạnh mẽ hơn bất kỳ mối đe dọa nào. Văn bản kể rằng “đang khi ông Phêrô bị giam giữ như thế, thì Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông” (Cv 12:5). Sự hiệp nhất là kết quả của lời cầu nguyện, vì cầu nguyện là cho phép Chúa Thánh Thần can thiệp, mở rộng tâm hồn chúng ta với hy vọng, rút ngắn những khoảng cách, và giữ vững chúng ta với nhau trong những lúc khó khăn.

Chúng ta chú ý đến một điểm khác: tại thời điểm đen tối, không ai kêu ca về tội ác của Hêrôđê và sự bắt bớ của ông ta. Không ai lăng mạ Hêrôđê – và chúng ta rất có thói quen lăng mạ những người chịu trách nhiệm. Đó là việc vô nghĩa, thậm chí là mệt mỏi, vì người Kitô hữu không lãng phí thời gian than phiền về thế giới, về xã hội, về mọi việc không đi theo đúng hướng. Kêu ca chẳng thay đổi được điều gì. Chúng ta nhớ rằng kêu ca là cánh cửa thứ hai đóng chặt ngăn cản Chúa Thánh Thần, như cha đã nói trong Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đầu tiên là tính tự kỷ ái mộ, thứ hai là sự ngã lòng, thứ ba là tính bi quan. Tính tự kỷ ái mộ khiến bạn luôn ngắm nhìn mình trong gương; ngã lòng đưa đến việc kêu ca và bi quan là nghĩ rằng mọi sự đều đen tối và ảm đạm. Ba thái độ này khóa chặt cánh cửa của Chúa Thánh Thần. Những người Kitô hữu thời đó không bật ra những lời oán thán; thay vì vậy họ cầu nguyện. Trong cộng đoàn đó, không người nào nói: “Nếu Phêrô cẩn thận hơn thì chúng ta đã chẳng rơi vào hoàn cảnh này.” Không một người nào. Nói theo cách của con người thì có những lý do để chỉ trích Phêrô, nhưng chẳng ai chỉ trích ngài. Họ không than phiền về Phêrô; họ cầu nguyện cho ngài. Họ không nói xấu Phêrô sau lưng ngài; họ nói với Thiên Chúa. Chúng ta hôm nay hãy tự hỏi mình: “Chúng ta có đang bảo vệ sự hiệp nhất của chúng ta, bảo vệ sự hiệp nhất trong Giáo hội, bằng lời cầu nguyện không? Chúng ta có cầu nguyện cho nhau không?” Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cầu nguyện nhiều hơn và kêu ca bớt đi, nếu chúng ta có miệng lưỡi an bình hơn? Việc tương tự đã xảy ra cho Phêrô trong ngục: bây giờ cũng như xưa kia, rất nhiều cánh cửa khóa kín sẽ được mở ra, không biết bao xiềng xích trói buộc sẽ bị bật tung. Chúng ta sẽ kinh ngạc, cũng như người tớ gái nhìn thấy Phêrô tại cổng mà không mở, nhưng lại chạy vào, quá đỗi sửng sốt vì vui mừng nhìn thấy Phêrô (x. Cv 12:10-17). Chúng ta hãy xin ơn có khả năng cầu nguyện cho nhau. Thánh Phaolô thúc giục người Kitô hữu hãy cầu nguyện cho nhau, đặc biệt cho những người lãnh đạo (x. 1 Tm 2:1-3). “Nhưng ông thống đốc này thì …”, và có rất nhiều tính từ. Cha sẽ không đề cập đến chúng, vì đây không phải là thời gian cũng chẳng phải nơi để nói đến những tính từ chống lại những người lãnh đạo mà chúng ta nghe thấy. Hãy để Thiên Chúa xét xử họ; chúng ta hãy cầu nguyện cho những người lãnh đạo! Chúng ta hãy cầu nguyện: vì họ cần lời cầu nguyện. Đây là một nhiệm vụ mà Chúa đã trao phó cho chúng ta. Chúng ta có thực hiện không? Hay chúng ta chỉ trích, lăng mạ, và chẳng làm gì cả? Thiên Chúa muốn rằng khi chúng ta cầu nguyện chúng ta cũng sẽ ý thức về những người không suy nghĩ giống như chúng ta, những người đóng sầm cửa trước mặt chúng ta, những người mà chúng ta thấy khó tha thứ. Chỉ có lời cầu nguyện mới mở được những xiềng xích trói buộc, như chuyện đã xảy ra cho Phêrô; chỉ có cầu nguyện mới mở ra được con đường cho sự hiệp nhất.

Đức Thánh Cha nói về sự hiệp nhất và tính ngôn sứ trong lễ các Thánh Phêrô và Phaolô

Hôm nay chúng ta làm phép các dây pallium sẽ được trao cho vị Hồng y niên trưởng của Hồng y đoàn và các vị Tổng Giám mục Chính tòa được sắc phong năm ngoái. Dây pallium là một biểu tượng của sự hiệp nhất giữa con chiên và người chủ chăn, là người vác con chiên trên vai, như Chúa Giêsu, để không bao giờ bị chia cách khỏi nó. Ngày nay cũng vậy, theo một truyền thống tốt đẹp, chúng ta hiệp nhất theo một cách đặc biệt với Thượng phụ Đại kết Constantinople. Thánh Phêrô và Anrê là anh em, và khi có thể, chúng ta thực hiện những cuộc viếng thăm huynh đệ vào những ngày lễ của các ngài. Chúng ta thực hiện điều đó không phải vì tính ngoại giao, nhưng như là phương tiện cho hành trình cùng nhau tiến đến mục tiêu mà Chúa đã chỉ ra cho chúng ta: là mục tiêu hiệp nhất trọn vẹn. Hôm nay chúng ta không thể thực hiện được việc này vì sự khó khăn của việc đi lại do coronavirus, nhưng khi cha đến viếng di cốt của Thánh Phêrô, trong sâu thẳm tâm hồn cha cảm nhận được hiền huynh thân yêu Bartholomew. Các ngài ở đây, cùng với chúng ta.

Từ ngữ thứ hai là khả năng nói tiên tri. Hiệp nhất và khả năng nói tiên tri. Các Tông đồ được Chúa Giêsu thử thách. Thánh Phêrô nghe thấy câu hỏi của Chúa Giêsu: “Anh em bảo Thầy là ai?” (x. Mt 16:15). Ngay lúc đó ngài nhận ra rằng Chúa không quan tâm đến việc người khác nghĩ gì, nhưng là quyết định riêng tư của Phêrô để đi theo Người. Cuộc đời của Phaolô biến đổi sau một thách đố tương tự từ Chúa Giêsu: “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Cv 9:4). Chúa lay động đến tận tâm can của Thánh Phaolô: còn hơn cả việc khiến ông ngã ngựa trên đường đi Đamát, Người làm vỡ tan ảo tưởng của Phaolô cho mình là một người chân chính nhiệt thành với tôn giáo. Do đó, Saun kiêu hãnh biến thành Phaolô, một cái tên có nghĩa là “nhỏ bé”. Những thách đố và biến đổi được tiếp nối bằng những lời tiên tri: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16:18); và với Phaolô: “Người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Israel” (Cv 9:15). 

Khả năng nói tiên tri được sinh ra khi chúng ta cho phép bản thân được đánh động bởi Thiên Chúa, không phải khi chúng ta lo lắng giữ cho mọi việc êm đềm và trong tầm kiểm soát. Khả năng nói tiên tri không sinh ra từ những suy nghĩ của tôi, từ tâm hồn khép kín của tôi. Nó được sinh ra nếu chúng ta cho phép bản thân được đánh động bởi Thiên Chúa. Khi Tin mừng lật đổ những sự vững chắc, thì năng lực nói tiên tri sinh ra. Chỉ người nào mở rộng lòng trước những điều ngạc nhiên của Chúa thì có thể trở thành một ngôn sứ. Và đó chính là Phêrô và Phaolô, những ngôn sứ nhìn về tương lai. Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là “Đấng Kitô, con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16). Phaolô, là người suy nghĩ về cái chết sắp đến của mình: “Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi” (2 Tm 4:8).

Ngày nay chúng ta cần năng lực nói tiên tri, nhưng là năng lực nói tiên tri đích thực: không phải những người nói suông hứa hẹn những điều không thể, nhưng là những chứng tá cho thấy Tin mừng là có thể. Những gì cần thiết không phải là các buổi trình diễn phép lạ. Điều làm cho cha buồn khi cha nghe có người nói, “Chúng tôi muốn một Hội thánh nói tiên tri”. Được. Nhưng các bạn đang làm gì để Hội thánh có thể nói tiên tri? Chúng ta cần những đời sống thể hiện phép lạ của tình yêu của Thiên Chúa. Không phải là vũ lực, nhưng là tính chính trực. Không phải là chuyện ba hoa, nhưng là lời cầu nguyện. Không phải là những bài diễn thuyết, nhưng là sự phục vụ. Anh chị em muốn một Giáo hội nói tiên tri? Vậy thì hãy bắt đầu phục vụ và thinh lặng. Không là lý thuyết, nhưng là chứng tá. Chúng ta sẽ không trở nên giàu có, nhưng thay vào đó là yêu thương người nghèo. Chúng ta sẽ không tích trữ cho bản thân, nhưng hy sinh vì người khác. Không tìm kiếm danh tiếng của thế gian này, của việc làm hài lòng mọi người – ở đây chúng ta nói: “hài lòng Chúa và quỷ dữ,” hài lòng mọi người –; không, đây không phải là lời tiên tri. Chúng ta cần niềm vui của thế giới sẽ đến. Không phải những chương trình mục vụ tốt hơn dường như tự có hiệu quả của riêng nó, dường như chúng là các bí tích; những chương trình mục vụ hiệu quả. Không. Chúng ta cần những mục tử dâng hiến đời sống: những người yêu của Chúa. Đó là cách Thánh Phêrô và Phaolô rao giảng về Chúa Giêsu, như là những người yêu của Chúa. Khi chịu đóng đinh, Thánh Phêrô không nghĩ đến bản thân mà nghĩ về Chúa, và xem mình không xứng đáng được chết như Chúa Giêsu, ngài đã yêu cầu được đóng đinh ngược. Trước khi bị chém đầu, Thánh Phaolô chỉ nghĩ đến việc dâng hiến mạng sống; ngài viết rằng ngài muốn được “đổ máu ra làm lễ tế” (2 Tm 4:6). Đó là lời tiên tri. Không phải những lời nói. Đó là lời tiên tri, lời tiên tri thay đổi lịch sử.

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đã nói tiên tri với Thánh Phêrô: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy.” Cũng có một lời tiên tri tương tự cho chúng ta. Câu đó được tìm thấy trong quyển sách cuối cùng của Kinh Thánh, trong đó Chúa Giêsu hứa với những chứng nhân trung thành “một viên sỏi trắng, trên sỏi đó có khắc một tên mới” (Kh 2:17). Cũng như Chúa đã biến Simon thành Phêrô thì Người cũng kêu gọi mỗi người chúng ta, để biến chúng ta thành những viên đá sống động để xây dựng một Hội thánh mới và một nhân loại mới. Luôn có những người phá hủy sự hiệp nhất và bóp nghẹt lời sứ ngôn, nhưng Chúa tin chúng ta và Người hỏi anh chị em: “Con có muốn trở thành một người xây dựng tình hiệp nhất không? Con có muốn trở thành một ngôn sứ của nước Thiên đàng của Ta trên trần gian không ?” Thưa anh chị em, chúng ta hãy để Chúa Giêsu thúc bách chúng ta, và tìm lòng can đảm để thưa với Người: “Vâng, này con đây!”

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/6/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét