Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Lễ các Thánh Phêrô và Phaolô

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Lễ các Thánh Phêrô và Phaolô
© Vatican Media

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Lễ các Thánh Phêrô và Phaolô

‘Tôi xin trao cái ôm tinh thần đến hiền huynh của tôi là Đức Thượng phụ Bartholomew’

29 tháng Sáu, 2020 15:08

Dưới đây là Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay ngày 29 tháng Sáu năm 2020, đại Lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô, các thánh bổn mạng của Roma.

Cuối giờ đọc Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha chuyển lời đến Đức Thượng phụ Bartholomew:

“Vào dịp này, theo truyền thống một phái đoàn từ tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople sẽ đến Roma, nhưng năm nay không thể thực hiện được do đại dịch. Vì vậy, tôi xin trao cái ôm tinh thần đến hiền huynh của tôi là Đức Thượng phụ Bartholomew, hy vọng rằng những chuyến viếng thăm của chúng ta có thể sớm được khôi phục.”


Toàn văn huấn từ của Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta mừng kính các Thánh Bổn mạng của Roma, các Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Và thật là một ơn cho phép chúng ta được cầu nguyện tại đây, gần nơi Thánh Phêrô chết, nơi thánh tử đạo được chôn cất. Tuy nhiên, phụng vụ hôm nay kể lại một chương hoàn toàn khác: phụng vụ kể cho chúng ta rằng ít năm trước đó Phêrô đã được giải thoát khỏi cái chết. Ngài đã bị bắt giữ, ngài đã phải ngồi trong tù, và Hội thánh, lo lắng cho sự sống của ngài, đã cầu nguyện liên lỷ cho ngài. Rồi một thiên thần xuống và giải thoát cho ngài khỏi tù ngục (x. Cv 12:1-11). Nhưng cũng ít năm sau, khi Phêrô bị cầm tù ở Roma, Giáo hội chắc chắn đã cầu nguyện. Tuy nhiên, lần này mạng sống của ngài không được tha. Như vậy tại sao lần đầu thì mạng sống của ngài được giải thoát, và lần sau lại không?

Vì có một hành trình trong đời sống của Thánh Phêrô có thể soi sáng cho con đường riêng của chúng ta. Chúa đã ban cho ngài nhiều ân sủng và giải thoát ngài khỏi sự dữ: Người cũng làm điều này với chúng ta. Quả thật, chúng ta thường chỉ đến với Người trong những lúc cần, để xin trợ giúp. Nhưng Chúa nhìn thấy xa hơn và Người mời gọi chúng ta đi xa hơn, không chỉ tìm kiếm những ơn của Người, nhưng là tìm kiếm Người, là Chúa của tất cả mọi ân ban; để phó thác cho Người không chỉ những vấn đề của chúng ta nhưng phó thác cuộc đời của chúng ta cho Người. Bằng cách này, cuối cùng Người có thể ban cho chúng ta ân sủng lớn lao nhất, ơn trao tặng cuộc sống. Vâng, trao tặng cuộc sống. Điều quan trọng nhất trong đời sống là làm cho cuộc sống trở thành một món quà. Và điều này là đúng với tất cả mọi người: cha mẹ đối với con cái, và con cái đối với cha mẹ già. Và đến đây thì cha lại nhớ đến rất nhiều người già, họ bị gia đình họ bỏ cô đơn một mình, dường như – cha dám nói rằng – dường như họ là những đồ vật bị vứt bỏ. Và đây là một thảm kịch của thời đại chúng ta: sự cô độc của người già. Cuộc sống của con cháu không được trao tặng như một món quà cho người già. Dâng hiến bản thân đối với những người lập gia đình và những người thánh hiến; điều đó là đúng ở khắp nơi, ở nhà và ở chỗ làm việc, với mọi người thân cận với chúng ta. Thiên Chúa mong muốn làm cho chúng ta phát triển trong sự hiến dâng: chỉ bằng cách này thì chúng ta mới có thể trở lên vĩ đại. Chúng ta lớn lên nếu chúng ta dâng hiến bản thân cho người khác. Hãy nhìn đến Thánh Phêrô: ngài không trở thành một anh hùng vì ngài được giải thoát khỏi nhà tù, nhưng vì ngài đã hiến mạng sống ngài ở đây. Món quà của ngài đã biến một nơi hành hình thành một nơi tuyệt đẹp của hy vọng mà chúng ta đang đứng ở đây.

Đây là điều xin với Chúa: không chỉ là ơn cho hiện tại nhưng là ơn sự sống. Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy cuộc đối thoại đã làm thay đổi cuộc đời của Thánh Phêrô. Ngài nghe Chúa Giêsu hỏi: “Anh em bảo Thầy là ai?” Và ngài trả lời, “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Và Chúa Giêsu tiếp tục, “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc” (Mt 16: 16-17). Chúa Giêsu nói “có phúc,” theo nghĩa đen tức là hạnh phúc. Anh thật hạnh phúc vì đã nói lên điều này. Hãy lưu ý: Chúa Giêsu nói Anh thật là người có phúc với Phêrô, là người đã nói với Ngài “Thầy là Thiên Chúa hằng sống”. Bí mật của đời sống của một người có phúc là gì, và rồi bí mật của một đời sống hạnh phúc là gì? Nhận biết Chúa Giêsu, nhưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa hằng sống, không như một pho tượng. Vì điều quan trọng phải biết rằng Chúa Giêsu là vĩ đại trong lịch sử, đánh giá đúng những gì Người nói hay làm không phải là điều quá quan trọng; vấn đề quan trọng là vị trí của Ngài trong đời sống của tôi, vị trí mà tôi trao cho Chúa Giêsu trong tâm hồn tôi. Chính ở điểm này mà Simon nghe thấy Chúa Giêsu nói: “Anh là Phêrô, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (c. 18). Ngài đã không được gọi là “Phêrô”, là “đá tảng”, vì ngài là một con người vững vàng và đáng tin cậy. Không, ngài sẽ phạm nhiều lỗi lầm sau đó, ngài không quá được tin tưởng, ngài sẽ phạm nhiều lỗi lầm; đến mức độ chối Thầy. Nhưng ngài đã chọn xây dựng cuộc đời trên Đức Giêsu, là tảng đá – như văn bản nói – không phải “trên thịt và máu,” tức là dựa trên bản thân của ngài, dựa trên những khả năng của ngài, nhưng dựa trên Chúa Giêsu (x. c. 17), Đấng là đá tảng. Và Chúa Giêsu là đá tảng mà dựa trên đó Simon trở thành phiến đá. Chúng ta có thể nói tương tự về Thánh Tông đồ Phaolô, người đã dâng hiến trọn vẹn bản thân cho Tin mừng, xem mọi thứ khác là vô ích, để giành được Đức Kitô.

Hôm nay, trước các Thánh Tông đồ, chúng ta tự hỏi bản thân: “Và còn tôi, tôi sắp xếp đời sống của tôi như thế nào? Tôi chỉ nghĩ đến những nhu cầu hiện tại hay tôi tin rằng nhu cầu thật sự của tôi là Đức Giêsu, Đấng làm cho tôi trở thành một món quà? Và tôi xây dựng đời sống như thế nào, dựa trên khả năng của tôi hay dựa trên Thiên Chúa hằng sống?” Xin Đức Mẹ, Đấng đã phó thác mọi sự cho Chúa, giúp chúng ta đặt Ngài là nền tảng mỗi ngày, và xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta, để cùng với ơn của Chúa ban, chúng ta có thể làm cho đời sống chúng ta trở thành một món quà.


_______________________________________


Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Trước hết cha gửi lời chào tất cả anh chị em người Roma và anh chị em sống trong thành phố này, trong ngày lễ các Thánh Bổn mạng, các Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Qua sự chuyển cầu của các ngài, cha cầu xin rằng tại Roma này mọi người được sống đúng phẩm giá và có thể gặp được chứng tá vui mừng của Tin mừng.

tảng

Trong dịp này, theo truyền thống tốt đẹp một phái đoàn từ Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople đến Roma, nhưng năm nay không thể do đại dịch. Vì vậy, tôi xin trao cái ôm tinh thần đến hiền huynh thân yêu của tôi là Đức Thượng phụ Bartholomew, với hy vọng rằng những chuyến viếng thăm của chúng ta có thể sớm được khôi phục.

Khi chúng ta cử hành đại lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, cha tưởng nhớ đến nhiều vị tử đạo đã bị chém đầu, bị thiêu sống và bị giết, đặc biệt trong thời Hoàng đế Nêrô, ngay trên chính vùng đất mà anh chị em đang ở hôm nay. Đây là vùng đất thấm máu của anh em Kitô hữu của chúng ta. Ngày mai chúng ta sẽ tưởng nhớ họ.

Cha xin chào anh chị em, những khách hành hương hiện diện ở đây: cha nhìn thấy cờ của Canada, Venezuela, Colombia, và nhiều cờ khác … Nhiều lời chào! Ước mong rằng chuyến viếng thăm mộ của các Thánh Tông đồ tăng thêm sức mạnh đức tin và chứng tá của anh chị em.

Và cha chúc tất cả anh chị em ngày lễ tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci.

© Libreria Editrice Vatican



[nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/6/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét