Thứ Hai, 14 tháng 9, 2020

Đức Thánh Cha trong giờ Kinh Truyền tin nhắc lại lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu (Toàn văn)

Đức Thánh Cha trong giờ Kinh Truyền tin nhắc lại lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu (Toàn văn)

© Vatican Media

Đức Thánh Cha trong giờ Kinh Truyền tin nhắc lại lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu (Toàn văn)

‘Xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết’

13 tháng Chín, 2020 12:44

JIM FAIR

 

Chúa Giêsu luôn động lòng trắc ẩn, Đức Thánh Cha Phanxico nhắc lại trong huấn từ Kinh Truyền tin ngày 13 tháng Chín năm 2020 với các tín hữu tập trung trong Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài lấy ý từ bài Tin mừng trong ngày, Mt. 18:21-35, dụ ngôn về người đầy tớ thiếu nợ và ông chủ.

Đức Thánh Cha Phanxico nói, “Trung tâm của dụ ngôn là việc tha món nợ lớn của ông chủ dành cho người hầu của mình. Không biết bao nhiêu sự đau khổ, không biết bao nhiêu vết thương, bao nhiêu cuộc chiến tranh đã có thể tránh được nếu sự tha thứ và lòng thương xót trở thành cách sống của chúng ta!

“Ngay cả trong gia đình, thậm chí trong gia đình. Không biết bao nhiêu gia đình bất hòa, họ là những người không biết cách tha thứ cho nhau. Biết bao nhiêu anh chị em mang sự phẫn uất trong lòng. Cần phải đưa tình yêu thương xót vào trong tất cả các mối quan hệ của con người: giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, trong các cộng đồng, trong Giáo hội, và cả trong xã hội và chính trị.”


Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha, bản văn (ND: tiếng Anh) của Vatican:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong dụ ngôn của bài đọc Tin mừng hôm nay, dụ ngôn nói về Đức Vua đầy lòng thương xót (xem Mt 18:21-35), chúng ta tìm thấy lời kêu gọi này hai lần: “Xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết” (cc. 26, 29). Lần đầu là lời của người đầy tớ nợ ông chủ mười ngàn yến vàng, một món tiền khổng lồ. Ngày nay chắc phải hàng triệu triệu Mỹ kim. Lần thứ hai được lặp lại bởi một người đầy tớ khác của ông chủ. Anh này cũng mắc nợ, nhưng không phải nợ ông chủ, mà nợ người đầy tớ mắc món nợ khổng lồ kia. Và món nợ của anh này rất nhỏ, có lẽ chỉ bằng số tiền lương một tuần.

Trung tâm của dụ ngôn là việc tha món nợ lớn của ông chủ dành cho người hầu của mình. Tác giả Tin mừng nhấn mạnh rằng “Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương” – chúng ta đừng bao giờ quên câu này về Chúa Giêsu: “chạnh lòng thương”, Chúa Giêsu luôn luôn có lòng thương xót – “Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ” (c. 27). Một món nợ khổng lồ, như vậy là một sự tha thứ quá đỗi lớn lao! Nhưng liền sau đó người đầy tớ kia lại thể hiện không một chút thương xót đối với người bạn của y, là người nợ anh ta một món tiền nhỏ. Anh ta không lắng nghe người kia, anh ta rất căm tức người kia và tống người kia vào ngục cho đến khi trả hết món nợ cho anh ta (xem c. 30). Ông chủ nghe thấy câu chuyện và vô cùng tức giận, gọi người đầy tớ xấu xa trở lại và kết án anh ta (xem cc. 32-34). “Ta đã tha cho ngươi một món nợ khổng lồ nhưng ngươi lại không thể tha một món nợ bé kia sao?”

Trong dụ ngôn, chúng ta thấy có hai thái độ khác nhau – thái độ của đức vua là người tha thứ thật nhiều, vì Thiên Chúa luôn luôn tha thứ – và thái độ của con người. Thái độ của Chúa là công lý được thấm đẫm sự thương xót, trong khi thái độ của con người bị giới hạn với công lý. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy can đảm mở rộng lòng mình cho sức mạnh của sự tha thứ vì trong cuộc sống không phải mọi thứ đều có thể được giải quyết bằng công lý. Chúng ta đều biết điều này. Cần phải có tình yêu thương xót đó, và đó cũng là nền tảng cho câu trả lời của Chúa đối với câu hỏi của Phêrô, là câu hỏi ở đầu dụ ngôn. Câu hỏi của Phêrô là: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?” (c. 21). Và Chúa Giêsu trả lời, “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (c. 22). Trong ngôn ngữ tượng trưng của Kinh Thánh, điều đó có nghĩa là chúng ta được kêu gọi phải luôn luôn tha thứ.

Không biết bao nhiêu sự đau khổ, không biết bao nhiêu vết thương, bao nhiêu cuộc chiến tranh đã có thể tránh được nếu sự tha thứ và lòng thương xót trở thành cách sống của chúng ta! Ngay cả trong gia đình, thậm chí trong gia đình. Không biết bao nhiêu gia đình bất hòa, họ là những người không biết cách tha thứ cho nhau. Biết bao nhiêu anh chị em mang sự phẫn uất trong lòng. Cần phải đưa tình yêu thương xót vào trong tất cả các mối quan hệ của con người: giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, trong các cộng đồng, trong Giáo hội, và cả trong xã hội và chính trị.

Hôm nay khi đang chuẩn bị Thánh Lễ, cha dừng lại; cha rất xúc động với một câu trong bài đọc một trích sách Huấn ca. Câu nói rằng, hãy nhớ đến điều sau hết và chấm dứt hận thù. Một câu thật đẹp. Nhưng hãy nhớ đến điều sau hết. Hãy nghĩ đi, rồi anh sẽ nằm trong một quan tài … và anh sẽ mang theo lòng hận thù đến đó chăng? Hãy nghĩ rằng đến giờ sau hết, anh phải chấm dứt hận thù và căm phẫn. Chúng ta hãy nghĩ đến câu rất ý nghĩa này. Hãy nhớ đến điều sau hết và chấm dứt hận thù.

Thật không dễ để tha thứ vì cho dù trong những lúc bình tĩnh chúng ta suy nghĩ “Đúng, người này đã làm quá nhiều điều đối với mình nhưng mình cũng đã làm quá nhiều điều. Tốt hơn là hãy tha thứ để được thứ tha,” nhưng rồi lòng căm phẫn quay trở lại như một con ruồi gây phiền toái trong mùa hè cứ bay luẩn quẩn quanh mình. Sự tha thứ không phải là điều chúng ta làm trong một lúc, nó là một điều phải thực hành liên tục, chống lại sự căm phẫn, sự phẫn nộ nó cứ quay trở lại. Chúng ta hãy nhớ đến chung cuộc của mình và chấm dứt sự tức giận.

Dụ ngôn hôm nay giúp chúng ta nắm bắt trọn vẹn ý nghĩa của câu kinh chúng ta đọc trong Kinh Lạy Cha: “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (xem Mt 6:12). Những lời này chứa đựng một sự thật quyết định. Chúng ta không thể xin sự tha thứ của Chúa cho mình nếu ngược lại chúng ta không tha thứ cho người anh em. Đó là một điều kiện. Hãy nghĩ về cùng đích của mình, đến sự tha thứ của Chúa, và bỏ đi sự thù ghét. Hãy gạt bỏ sự oán hận, xua đuổi con ruồi gây phiền toái đó cứ luẩn quẩn bay quanh. Nếu chúng ta không cố gắng tha thứ và yêu thương, chúng ta cũng sẽ chẳng được tha thứ và thương yêu.

Chúng ta hãy phó thác cho sự can thiệp theo tình mẫu tử của Mẹ Thiên Chúa: Xin Mẹ giúp chúng ta nhận biết rằng chúng ta đang mang nợ Thiên Chúa quá nhiều, và luôn phải nhớ điều đó, để tâm hồn chúng ta có thể rộng mở đón nhận lòng thương xót và sự tốt lành.

_______________________________________________


Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến!

Trong những ngày gần đây, hàng loạt vụ hỏa hoạn đã tàn phá trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos, khiến hàng nghìn người không nơi nương thân, thậm chí là một nơi tạm bợ. Cha vẫn nhớ chuyến đi của cha đến đólời kêu gọi cha đã cùng với Đức Thượng Phụ Đại Kết Bartholomew và Đức Tổng Giám mục leronymos của Athens đưa ra, để “thực hiện phần việc của chúng ta nhằm mang đến cho người di cư, người tị nạn và những người xin tị nạn chính trị một sự chào đón nhân đạo và đúng phẩm giá ở Châu Âu” (16 tháng Tư năm 2016). Tôi xin bày tỏ tình liên đới và sự gần gũi với tất cả các nạn nhân của những biến cố đáng buồn này.

Ngoài ra, trong những tuần lễ này, chúng ta đang chứng kiến nhiều cuộc biểu tình trên khắp thế giới – ở nhiều nơi – thể hiện sự bất bình ngày càng tăng của xã hội dân sự trước những tình hình chính trị và xã hội đặc biệt nghiêm trọng. Một mặt tôi kêu gọi những người biểu tình thể hiện yêu cầu của mình một cách ôn hòa, không đầu hàng trước cám dỗ tấn công và bạo lực, mặt khác tôi kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm với nhà nước và chính quyền hãy lắng nghe tiếng nói của người dân và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của họ, bảo đảm sự tôn trọng đầy đủ nhân quyền và quyền tự do công dân. Cuối cùng, tôi mời gọi các cộng đoàn Giáo hội sống trong những bối cảnh như vậy, dưới sự hướng dẫn của các Mục tử, hãy làm việc để đối thoại, luôn ủng hộ việc đối thoại, và ủng hộ hòa giải – chúng ta đã nói về sự tha thứ, hòa giải.

Do đại dịch, năm nay ngày quyên góp truyền thống cho Đất Thánh được chuyển từ Thứ Sáu Tuần Thánh sang hôm nay, trước ngày Lễ Suy tôn Thánh Giá. Trong bối cảnh hôm nay, việc quyên góp này thậm chí còn là một dấu chỉ lớn lao hơn của niềm hy vọng và tình liên đới với những Kitô hữu sống trong miền đất nơi Thiên Chúa đã trở thành người phàm, đã chết và sống lại cho chúng ta. Hôm nay, chúng ta cùng thực hiện một cuộc hành hương thiêng liêng đến Jerusalem, trong tinh thần, trong trí tưởng tượng của chúng ta, bằng cả tâm hồn đến nơi là nguồn cội của chúng ta, như Thánh Vịnh nói (xem Tv 87: 7), và chúng ta thực hiện một cử chỉ quảng đại đối với những cộng đoàn ở đó.

Cha xin chào tất cả anh chị em, những tín hữu của Roma và anh chị em hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, cha gửi lời chào đến những anh chị em đi xe đạp mắc bệnh Parkinson đã đi từ Pavia đến Roma qua Via Francigena. Anh chị em chạy nhanh thật! Cảm ơn chứng tá của anh chị em. Cha xin chào Phụng hội Madonna Addolorata Monte Castello di Vibio. Cha cũng nhìn thấy có Cộng đồng Laudato si’: cảm ơn anh chị em vì những gì anh chị em làm; và cảm ơn anh chị em về cuộc gặp gỡ ngày hôm qua tại đây, với ông Carlo Petrini và tất cả các nhà lãnh đạo đang tiến bước trong cuộc đấu tranh bảo vệ công trình tạo dựng này.

Cha xin chào tất cả anh chị em, tất cả anh chị em, đặc biệt là các gia đình người Ý trong tháng Tám đã tận tâm phục vụ người hành hương. Có rất nhiều người ở đây! Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/9/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét