CHUYÊN MỤC: ‘Chúng ta cầu xin Thiên Chúa chịu đóng đinh ban cho chúng ơn hiệp nhất và huynh đệ hơn’ — Đức Giáo hoàng kêu gọi tại buổi Cầu nguyện cho Hòa bình của Sant’Egidio (2)
BÀI GIẢNG GIỜ CẦU NGUYỆN KITÔ GIÁO - Nghi thức diễn ra an toàn trong Điện Capitol của Ý giữa Đại dịch20 tháng Mười, 2020 17:02
“Chúng ta cầu xin Thiên Chúa chịu đóng đinh ban cho chúng ta ơn hiệp nhất và huynh đệ hơn …”
Hôm nay, ngày 20 tháng Mười, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích điều này khi tham dự Buổi gặp gỡ Quốc tế năm nay về chủ đề “Không ai được cứu thoát một mình. Hòa bình và Tình Huynh đệ,” do Cộng đoàn Sant’Egidio tổ chức. Hàng năm, Cuộc Gặp gỡ nhắc lại Ngày Cầu nguyện cho Hòa bình lịch sử do Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tổ chức tại Assisi vào năm 1986, với đại diện của tất cả các tôn giáo trên thế giới.
Chủ đề của Cuộc gặp gỡ năm nay được lấy cảm hứng từ lời nói của Đức Giáo hoàng Phanxico trong nghi thức Ban Phép lành Urbi et Orbi Ngoại thường vào ngày 27 tháng Ba tại Quảng trường Thánh Phêrô, xin chấm dứt coronavirus. Cuộc gặp gỡ năm 2020 này đánh dấu lần thứ hai Đức Thánh Cha Phanxicô tham dự cuộc gặp gỡ, sau chuyến công du tới Assisi cho sự kiện này vào năm 2016.
Thông thường tại các cuộc họp, hàng trăm nhà lãnh đạo và đại diện các tôn giáo quy tụ từ hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới. Năm nay, để an toàn trong bối cảnh đại dịch COVID, Nghi thức Cầu nguyện cho Hòa bình sẽ diễn ra vào buổi chiều tại Campidoglio biểu tượng của Roma với các nhà lãnh đạo liên tôn và các nhà chức trách quan trọng, gồm có ông Sergio Mattarella, Tổng thống nước Cộng hòa Ý, và Đức Thượng phụ Đại kết Constantinople Bartholomew I.
Phóng viên Cao cấp Vatican của ZENIT đã có mặt tại Campidoglio hôm nay vì cuộc họp năm nay diễn ra ở Roma.
Trước sự kiện, chị đã phỏng vấn ông Marco Impagliazzo, Chủ tịch Cộng đoàn Sant'Egidio, ông lưu ý rằng Nghi thức Cầu nguyện cho Hòa bình lần thứ 34 năm nay được tổ chức tuân thủ đầy đủ tất cả các quy tắc vệ sinh và sức khỏe, “vì trong thời điểm khó khăn này, đang cất cần những lời bình an và hy vọng, cho thấy một tương lai cho nhân loại đang bị đè nặng bởi đại dịch.”
Sau khi chủ sự phút cầu nguyện đại kết cho hòa bình với các nền tảng tuyên xưng Kitô giáo khác tại Vương cung Thánh đường Santa Maria ở Aracoeli chiều nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự nghi thức với đại diện của các tôn giáo lớn trên thế giới tại Quảng trường Piazza của Campidoglio, tại đây Đức Thánh Cha đã phát biểu.
Có một phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân đại dịch và tất cả các cuộc chiến tranh, ngay sau đó là phần đọc Lời kêu gọi Hòa bình của Roma 2020. Một số thiếu nhi đã nhận được văn bản lời kêu gọi từ các nhà lãnh đạo tôn giáo và chuyển nó đến các đại sứ và đại diện của chính trị quốc gia và quốc tế có mặt.
Cuối buổi gặp gỡ, sau phần thắp nến hòa bình của Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo tôn giáo và trao cho nhau dấu chỉ bình an, nhưng không tiếp xúc trực tiếp.
Đức Thánh Cha đã có một bài giảng rất xúc động trong giờ Cầu nguyện của các Kitô hữu, trong đó ngài suy tư về việc trước khi bị đóng đinh, nhiều người đã nói với Người rằng hãy tự cứu mình.
Ngài nói, “Khi chúng ta bị cám dỗ đi theo đường lối của thế gian này, ước mong chúng ta nhớ lại lời của Chúa Giê-su: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35).
Ngài nói: “Điều bị coi là mất mát trong con mắt thế gian thì đối với chúng ta là ơn cứu độ.”
Đức Phanxicô mời gọi các Kitô hữu hãy học nơi Chúa, “Đấng cứu thoát chúng ta bằng cách từ bỏ chính mình và trở thành người khác,” nhấn mạnh rằng “là Thiên Chúa, Ngài đã trở thành người phàm; từ thần khí, Ngài trở nên xác thịt: từ một vị vua, Ngài trở thành nô lệ.”
Ngài nhắc nhở, “Người yêu cầu chúng ta cũng làm như vậy, hạ mình xuống, để ‘trở thành một người khác’ để tiến đến với người khác. Càng trở nên gần gũi với Chúa Giêsu, chúng ta càng rộng mở và “phổ quát” hơn, vì chúng ta cảm thấy có trách nhiệm với tha nhân”. Ngài lưu ý rằng tha nhân sẽ trở thành phương cách cho ơn cứu rỗi của chúng ta, tất cả những người khác.
Ngài cầu nguyện, “Xin Chúa giúp chúng ta cùng đồng hành trên con đường huynh đệ, và nhờ đó trở thành những chứng nhân khả tín của Thiên Chúa thật.”
Đức Thánh Cha Phanxicô rất gần gũi với Cộng đoàn, thường xuyên đến các sự kiện của cộng đoàn và cộng tác hoặc thúc đẩy những sáng kiến khác nhau, cho người vô gia cư, di dân và người tị nạn, và cầu nguyện cho hòa bình. Ngài cũng đã làm việc với các sáng kiến hòa bình của Cộng đoàn ở Mozambique, Lesbos, và thậm chí từ Roma, liên quan đến Nam Sudan.
Dưới đây là văn bản của Vatican (ND: bản tiếng Anh) toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong giờ cầu nguyện của Kitô giáo, diễn từ của ngài tại Campidoglio, và văn bản Lời Kêu gọi Hòa bình của các nhà lãnh đạo tôn giáo:
***
BÀI GIẢNG GIỜ CẦU NGUYỆN KITÔ GIÁO
Được cầu nguyện cùng nhau là một ơn. Tôi xin chào thân ái tất cả các bạn, và đầy lòng tri ân, đặc biệt là huynh đệ của tôi là Đức Thượng Phụ Đại Kết Bartholomew và Đức Giám Mục Heinrich, Chủ Tịch Hội Đồng Hội Thánh Tin Lành Đức.
Trích đoạn trong trình thuật về Cuộc Thương Khó của Chúa mà chúng ta vừa nghe diễn ra ngay trước khi Chúa Giêsu chết. Nó nói về sự cám dỗ mà Ngài đã trải qua giữa khổ hình thập giá. Tại giây phút tột cùng của đau khổ và tình yêu của Ngài, nhiều người giữa những người có mặt đã chế nhạo Ngài một cách tàn nhẫn bằng câu nói: “Hãy tự cứu mình!” (Mc 15:30). Đây là một cám dỗ lớn. Nó không tha cho một ai, kể cả người Kitô hữu chúng ta. Sự cám dỗ chỉ nghĩ đến việc cứu lấy bản thân, và quỹ đạo của riêng mình. Chỉ tập trung vào các vấn đề và lợi ích của riêng chúng ta, coi như chẳng có gì khác đáng quan tâm. Đó là một bản năng con người, nhưng là sai lầm. Đó là sự cám dỗ cuối cùng của Thiên Chúa bị đóng đinh.
Hãy tự cứu mình. Những lời này được nói trước hết bởi “kẻ qua người lại” (câu 29). Họ là những người bình thường, những người đã nghe Chúa Giêsu giảng dạy và đã chứng kiến những phép lạ của Ngài. Bây giờ họ nói với Ngài, “Hãy tự cứu lấy mình, hãy xuống khỏi thập giá”. Họ không có lòng thương hại, họ chỉ muốn phép lạ; họ muốn nhìn thấy Chúa Giêsu bước xuống khỏi thập giá. Đôi khi chúng ta cũng thích một vị thần làm điều kỳ lạ hơn là một vị thần đầy lòng từ bi, một vị thần quyền năng trong con mắt thế gian, là người thể hiện sức mạnh của mình và dẹp tan những kẻ mong muốn điều xấu cho chúng ta. Nhưng đây không phải là Thiên Chúa, mà là sự sáng tạo của chính chúng ta. Chúng ta thường muốn một vị thần theo hình ảnh của chúng ta, thay vì trở nên giống như hình ảnh của chính Ngài. Chúng ta muốn một vị thần giống như chúng ta, hơn là làm cho bản thân mình trở nên giống Chúa. Theo cách này, chúng ta thích tôn thờ bản thân mình hơn là thờ phượng Thiên Chúa. Sự tôn thờ như vậy được nuôi dưỡng và phát triển bằng thái độ thờ ơ đối với tha nhân. Những người qua kẻ lại kia chỉ quan tâm đến Chúa Giêsu để thỏa mãn những mong muốn của riêng họ. Chúa Giêsu, bị ruồng bỏ và bị treo trên thập giá, không còn đáng quan tâm đối với họ nữa. Ngài đang ở trước mắt họ, nhưng lại rất xa với trái tim của họ. Sự thờ ơ khiến họ xa cách dung nhan thật của Chúa.
Hãy tự cứu mình đi. Những người tiếp theo nói lời đó là các thượng tế và kinh sư. Họ là những người đã lên án Chúa Giêsu, vì họ coi Ngài là kẻ nguy hiểm. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều là những chuyên gia đóng đinh người khác để tự cứu mình. Nhưng Chúa Giêsu đã tự để mình bị đóng đinh, để dạy chúng ta đừng gạt sự ác sang người khác. Các thượng tế buộc tội Ngài chính vì những gì Ngài đã làm cho người khác: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình!” (câu 31). Họ biết Chúa Giêsu; họ nhớ đến những phép lạ chữa lành và giải thoát mà Ngài đã thực hiện, nhưng họ đã đưa ra một kết luận đầy ác ý. Đối với họ, cứu người khác, giúp đỡ người khác, là vô ích; Chúa Giêsu, Đấng tự hiến thân mình cho người khác, đã đánh mất chính mình! Giọng điệu chế giễu của lời buộc tội được khoác lên bằng ngôn ngữ tôn giáo, hai lần sử dụng động từ cứu thoát. Nhưng “phúc âm” của việc tự cứu mình không phải là Phúc âm của ơn cứu độ. Đó là điều sai lạc trong các phúc âm ngụy tác, bắt người khác phải vác thập giá. Trong khi đó, Phúc Âm đích thực nói chúng ta hãy vác lấy thập giá của người khác.
Hãy tự cứu mình. Cuối cùng, những kẻ bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu cũng tham gia vào việc chế nhạo Ngài. Thật dễ dàng biết bao khi chỉ trích, nói lời chống lại người khác, chỉ ra cái xấu của người khác chứ không phải của chính mình, thậm chí đổ lỗi cho những người cô thế và bị ruồng bỏ! Nhưng tại sao họ khó chịu với Chúa Giêsu? Vì Ngài đã không đưa họ xuống khỏi thập giá. Họ nói với Ngài: “Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi nữa!” (Lc 23, 39). Họ tìm đến Chúa Giêsu chỉ để giải quyết các vấn đề của họ. Tuy nhiên, Thiên Chúa không chỉ đến để giải thoát chúng ta khỏi những vấn đề luôn có mỗi ngày, nhưng để giải thoát chúng ta khỏi vấn đề cốt lõi, đó là thiếu tình yêu. Đây là nguyên nhân chính gây ra các căn bệnh cá nhân, xã hội, quốc tế và môi trường của chúng ta. Chỉ nghĩ cho bản thân mình: đây là cha đẻ của mọi căn bệnh. Tuy nhiên, một trong những kẻ trộm sau đó nhìn lên Chúa Giêsu và thấy nơi Ngài một tình yêu khiêm nhường. Anh ta lên thiên đàng bằng cách làm một việc duy nhất: chuyển mối quan tâm từ mình sang cho Chúa Giêsu, từ chính bản thân anh ta sang người bên cạnh (xem câu 42).
Anh chị em thân mến, đồi Canvê là địa điểm diễn ra cuộc “song đấu” (“duel”) lớn giữa Thiên Chúa là Đấng đến để cứu thoát chúng ta, và con người là những kẻ chỉ muốn cứu riêng bản thân mình; giữa niềm tin vào Thiên Chúa và sự tôn thờ cái tôi; giữa con người là kẻ buộc tội và Thiên Chúa là người bào chữa. Cuối cùng, chiến thắng của Thiên Chúa được tỏ bày; lòng thương xót của Người tỏa xuống thế gian. Từ trên Thánh giá, sự tha thứ tuôn đổ và tình yêu huynh đệ được tái sinh: “Thập giá làm cho chúng ta trở nên anh chị em” (Đức BENEDICT XVI, Diễn từ tại Chặng đàng Thánh giá tại Đấu trường Colosseum, ngày 21 tháng Ba năm 2008). Đôi cánh tay của Chúa Giêsu dang ra trên thập giá đánh dấu bước ngoặt, vì Chúa không chỉ ngón tay vào bất kỳ người nào, nhưng thay vào đó là ôm lấy tất cả. Vì chỉ có tình yêu mới có thể dập tắt hận thù, chỉ có tình yêu sau cùng mới có thể chiến thắng sự bất công. Chỉ có tình yêu mới biết nhường không gian cho người khác. Chỉ có tình yêu mới là con đường dẫn đến sự hiệp thông trọn vẹn giữa chúng ta.
Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa chịu đóng đinh ban cho chúng ta ơn hiệp nhất và huynh đệ hơn. Khi chúng ta bị cám dỗ đi theo đường lối của thế gian này, ước mong chúng ta nhớ lại lời của Chúa Giê-su: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35). Điều bị coi là mất mát trong con mắt thế gian thì đối với chúng ta là ơn cứu độ. Ước mong rằng chúng ta học được nơi Chúa, là Đấng cứu thoát chúng ta bằng cách trút bỏ chính mình (x. Phl 2:7) và trở thành người khác: từ Thiên Chúa, Ngài đã trở thành người phàm; từ thần khí, Ngài trở nên xác thịt: từ một vị vua, Ngài trở thành nô lệ. Người yêu cầu chúng ta cũng làm theo như vậy, hạ mình xuống, để “trở thành một người khác” để tiến đến với người khác. Càng trở nên gần gũi với Chúa Giêsu, chúng ta càng rộng mở và “phổ quát” hơn, vì chúng ta cảm thấy có trách nhiệm với tha nhân. Và tha nhân sẽ trở thành phương cách cho ơn cứu rỗi của chúng ta, tất cả những người khác, tất cả mọi nhân vị, bất kể lịch sử và tín ngưỡng của người đó. Bắt đầu với những người nghèo là những người giống Chúa Giêsu nhất. Đức Tổng Giám Mục vĩ đại của Constantinople là Thánh John Chrysostom, đã từng viết: “Nếu không có người nghèo, phần lớn sự cứu độ của chúng ta sẽ bị lật đổ” (Trong Thư Thứ Hai gửi Côrinhtô, XVII, 2). Xin Chúa giúp chúng ta cùng đồng hành trên con đường huynh đệ, và nhờ đó trở thành những chứng nhân khả tín của Thiên Chúa thật.
[Văn bản chính: Tiếng Ý]
***
ON THE NET:
FOLLOW LIVE, on WEBSITE OF COMMUNITY OF SANT’EGIDIO:
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/10/2020]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét