Thứ Hai, 5 tháng 10, 2020

Quan sát viên LHQ của Vatican phát biểu về đại dịch

Quan sát viên LHQ của Vatican phát biểu về đại dịch
His Excellency, The Most Reverend Gabriele Caccia Apostolic Nuncio, Permanent Observer Of The Holy See To The United Nations

Quan sát viên LHQ của Vatican phát biểu về đại dịch

Định hình một thế giới tốt đẹp hơn: xây dựng những xã hội gắn kết và bao gồm trong môi trường Covid-19 đầy thách đố

30 tháng Chín, 2020 15:58

ZENIT STAFF



Đức Tổng Giám mục Gabriele Giordano Caccia, Khâm sứ và là Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc, đã phát biểu trong cuộc họp cấp cao thường niên của Liên minh Nhóm Bạn bè các Nền Văn minh Liên Hợp quốc về chủ đề định hình một thế giới tốt đẹp hơn: xây dựng những xã hội gắn kết và bao gồm trong môi trường Covid-19 đầy thách đố tại Liên Hợp quốc, New York, 29 tháng Chín, 2019.

******

Thưa ngài Đại diện Cấp cao,

Thưa quý ngài,

Các bạn thân mến,

Thứ Sáu trước, khi phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Đức Giáo hoàng Phanxico đã kết thúc các ý của ngài bằng lời kêu gọi rằng “đại dịch đã cho chúng ta thấy rằng chúng ta không thể sống mà không có nhau, hoặc tệ hơn nữa là vẫn chống lại nhau.”[1] Đại dịch hiện nay ảnh hưởng đến gia đình con người là một cơ hội để cùng nhau làm việc và xây dựng những xã hội gắn kết và bao gồm. “Chúng ta không bao giờ vượt ra khỏi một cuộc khủng hoảng và trở về như chúng ta trước đây,” Đức Giáo hoàng nói. “Chúng ta thoát ra để trở nên tốt hơn hoặc xấu hơn.” Thực tế này đưa ra cho tất cả chúng ta lời mời gọi, ngài kết luận, “để suy nghĩ lại về tương lai của ngôi nhà chung và dự án chung của chúng ta.”[2]

Trong một số tuần lễ, Đức Giáo hoàng Phanxico đã dành buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ngài để nói về đại dịch COVID-19. Ngài không chỉ đưa ra suy tư mà đề nghị sự phản ứng cụ thể dựa trên nền tảng Giáo lý Xã hội của Giáo hội Công giáo, đặt trên những nguyên tắc như tình đoàn kết và sự bổ trợ, là những nguyên tắc xuất phát từ khao khát phục vụ ích chung. Đức Giáo hoàng Phanxico cũng thể hiện sự gần gũi của ngài qua nhiều sáng kiến tinh thần và thực tế, chẳng hạn những giờ cầu nguyện, Thánh lễ truyền hình trực tiếp từ nơi ngài ở, thành lập Ủy ban Ứng phó COVID-19 Vatican với năm nhóm làm việc, và tặng những máy trợ thở, máy scanner, và những thiết bị y tế khác cho các bệnh viện trên toàn thế giới. Sự chú ý của Đức Giáo hoàng Phanxico tập trung vào những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, cũng như ngôi nhà chung của chúng ta, thúc giục chúng ta hãy tái khám phá “ý nghĩa của việc là thành viên trong gia đình nhân loại.”[3] Mặc dù có nhiều điều khác biệt, nhưng sự khác biệt như vậy không bao giờ là lý do cho sự độc quyền hoặc chia rẽ gia đình nhân loại, đặc biệt là vào thời điểm khó khăn như vậy. Đại dịch đã đưa chúng ta trở lại với những điều căn bản: “là thời gian để lựa chọn những gì là quan trọng, là thời gian để tách bạch những gì cần thiết và những gì không cần thiết.”[4]

Gần đây, Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn (PCID) cùng với Hội đồng Phổ thế các Giáo hội (WCC) đã đưa ra một tài liệu có tựa đề Phục vụ một thế giới bị thương tổn trong tình liên đới liên tôn – Lời kêu gọi suy tư và hành động của Kitô giáo trong COVID-19 và hơn thế nữa. Phần mở đầu trình bày rõ rằng cho dù tài liệu với tác quyền chung của Kitô giáo, nhưng sự yêu thương và phục vụ tha nhân của chúng ta phải được thực hiện “trong tình liên đới với những người tuyên xưng và thực hành các tôn giáo khác với tôn giáo của chúng ta hoặc xem họ không thuộc tôn giáo cụ thể nào.”[5] Tài liệu tiếp tục lưu ý rằng thế giới bị đau thương không chỉ bởi đại dịch mà còn bởi “tai họa của sự bất khoan dung tôn giáo, phân biệt đối xử, phân biệt sắc tộc, bất công kinh tế và sinh thái, và nhiều tội khác.”

Hôm nay là một cơ hội để tái cam kết ngăn chặn xu hướng bất khoan dung tôn giáo qua tinh thần đối thoại đích thực, và việc sẵn sàng lắng nghe và học hỏi lẫn nhau. Ngay cả khi đối thoại giữa các tôn giáo là một vấn đề nội bộ của các cộng đồng tôn giáo, ở cấp độ không chính thức thì nó vẫn là một cuộc đối thoại của cuộc sống, cùng với nhau với tư cách là các cộng đồng tôn giáo, cùng nhau làm việc để thúc đẩy ích chung, chung sống hòa bình, và sự hiểu biết trong các xã hội và cho toàn nhân loại. [6] Hình thức đối thoại về sự sống này là mô hình và là chất xúc tác cho mọi cuộc đối thoại giữa con người và giữa các dân tộc ở mọi cấp độ.

Để sống như là những Quốc gia thực sự đoàn kết, là những người anh chị em cam kết vì sự phát triển con người toàn diện thì chúng ta phải vượt xa hơn những tuyên bố, dù rõ ràng. Chúng ta phải đến với nhau và “biến thách thức trước mắt thành cơ hội để cùng nhau xây dựng tương lai mà chúng ta mong muốn.” [7] Và các tín đồ tôn giáo, trong suốt đại dịch này và xa hơn thế nữa, phải giúp để vạch ra con đường.

Cảm ơn quý vị lắng nghe.

____________________________ 

[1] Đức Thánh Cha Phanxico, Diễn từ cuộc họp thứ bảy mươi của Đại hội đồng Liên hợp quốc, 25 tháng Chín năm 2020.

[2] sđd.

[3] Đức Thánh Cha Phanxico, Tiếp kiến chung, 12 tháng Tám năm 2020.

[4] Đức Thánh Cha Phanxico, suy niệm trong giờ cầu nguyện đặc biệt trong thời gian đại dịch, 27 tháng Ba năm 2020.

[5] PICD/WCC “Phục vụ một thế giới đau thương trong tình liên đới liên tôn – Lời kêu gọi suy tư và hành động của Kitô giáo trong COVID-19 và hơn thế nữa.”

[6] Xem phát biểu của Đức ông Janusz S. Urbańczyk, Đại diện Quan sát viên của Tòa Thánh tại cuộc họp First Supplementary Human Dimension Meeting, OSCE (“Tuân thủ các nguyên tắc khoan dung và không phân biệt đối xử, bao gồm cả trong việc thăng tiến và bảo vệ tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng”), Vienna, 1-2 tháng Tư năm 2019.

[7] Đức Thánh Cha Phanxico, Diễn từ cuộc họp thứ bảy mươi của Đại hội đồng Liên hợp quốc, 25 tháng Chín năm 2020.

Copyright © 2020 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/10/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét