Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2020

PHỎNG VẤN RIÊNG: Cuộc trò chuyện với Đức Hồng y Sim: người kỹ sư du hành khắp thế giới (người ban đầu từ chối việc thụ phong linh mục) sẽ trở thành vị Giám mục & Hồng y đầu tiên của Brunei

PHỎNG VẤN RIÊNG: Cuộc trò chuyện với Đức Hồng y Sim: người kỹ sư du hành khắp thế giới (người ban đầu từ chối việc thụ phong linh mục) sẽ trở thành vị Giám mục & Hồng y đầu tiên của Brunei

Copyright: Vatican Media

PHỎNG VẤN RIÊNG: Cuộc trò chuyện với Đức Hồng y Sim: người kỹ sư du hành khắp thế giới (lúc đầu từ chối việc thụ phong linh mục) sẽ trở thành vị Giám mục & Hồng y đầu tiên của Brunei

“Khi Đức Thánh Cha Phanxicô hỏi ‘Đức Cha đến từ đâu?’ Tôi đã trả lời: ‘Thưa từ Brunei’, Ngài đã làm tôi ngạc nhiên với những lời tiếp theo của ngài: ‘Ah, paradiso! (À, Thiên đường!)”


30 tháng Mười Một, 2020 07:22

DEBORAH CASTELLANO LUBOV


Đây là cuộc phỏng vấn riêng của ZENIT với Đức Hồng Y Cornelius Sim, Đại Diện Tông Tòa của Brunei, vị Hồng Y đầu tiên của quốc gia nhỏ bé trên đảo Borneo, ở hai khu vực khác biệt được bao quanh bởi Malaysia và Biển Đông.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tổ chức Công nghị ngày 28 tháng Mười Một, tấn phong 13 vị tân hồng y tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô tuân thủ sự giãn cách xã hội khi thế giới lại phải vật lộn với sự tái bùng phát COVID19 trên toàn thế giới. Đức Hồng y Sim và Đức Hồng y Jose F. Advincula, Tổng Giám Mục giáo phận Capiz, Philippines, không thể có mặt do tình hình sức khỏe bất ngờ, nhưng vẫn được tấn phong là hồng y trong công nghị.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, nói rõ với các nhà báo, “Một vị đại diện của Đức Thánh Cha sẽ trao mũ, nhẫn và sắc thư với tước hiệu cho các ngài vào một thời điểm khác được xác định”. Các thành viên của Hồng y đoàn không thể đến Roma đã có thể tham dự buổi Cử hành, tham dự từ xa thông qua một nền tảng kỹ thuật số cho phép các ngài kết nối với Vương cung Thánh đường Vatican.

Là một kỹ sư điện với kinh nghiệm dày dặn ở nước ngoài, gồm cả ở Vương quốc Anh và Hà Lan, ngài Cornelius Sim được thụ phong linh mục năm 1989. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thành lập Hạt Phủ doãn Tông Tòa Brunei vào năm 1997 và bổ nhiệm vị hồng y tương lai làm phủ doãn. Brunei sau đó được nâng lên là Hạt Đại diện Tông Tòa, và ngài Sim được nâng lên làm Đại biểu Tông Tòa đầu tiên, do đó trở thành vị Giám mục đầu tiên của quốc gia Châu Á này, và bây giờ là Hồng y đầu tiên của đất nước vào năm 2020.

Trong cuộc phỏng vấn về nhiều vấn đề, Đức Hồng y Sim nói về đất nước, về cuộc đời của ngài, việc tấn phong có ý nghĩa như thế nào đối với ngài và với quốc gia Đông Nam Á, cùng với việc được nâng lên hàng Hồng y nhưng không thể hiện diện trực tiếp do đại dịch. Ngài cũng nói về cách ngài đã vượt qua những e dè ban đầu của mình về việc được thụ phong linh mục và ngài đánh giá cao ngay từ đầu sự dí dỏm của Đức Thánh Cha.

PHỎNG VẤN RIÊNG: Cuộc trò chuyện với Đức Hồng y Sim: người kỹ sư du hành khắp thế giới (người ban đầu từ chối việc thụ phong linh mục) sẽ trở thành vị Giám mục & Hồng y đầu tiên của Brunei

Các vị thánh chức vừa được nâng lên hồng y trong công nghị gần đây bao gồm: Đức cha Mario Grech, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục; Đức cha Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh; Đức Tổng Giám mục Antoine Kambanda của Kigali, Rwanda; Đức Tổng Giám mục Wilton Gregory của Washington; Đức Tổng Giám mục José Advincula của Capiz, Philippines; Đức Tổng Giám mục Celestino Aós Braco của Santiago de Chile; Đức cha Cornelius Sim, Giám mục Hiệu tòa của Puzia di Numidia và Đại diện Tông tòa Brunei, Kuala Lumpur; Đức Tổng Giám mục Augusto Paolo Lojudice của Siena-Colle Val d’Elsa-Montalcino; Fra Mauro Gambetti, Dòng Phanxicô Viện tu, Giám quản Tu viện Assisi; Đức cha Felipe Arizmendi Esquivel, Giám mục danh dự của San Cristóbal de las Casas, Mexico; Đức Tổng Giám mục Silvano M. Tomasi, Tổng Giám mục Hiệu tòa của Asolo, Sứ thần Tòa thánh; Fra Raniero Cantalamessa, Dòng Capuchin, Nhà Giảng thuyết của Giáo hoàng; Đức ông Enrico Feroci, linh mục quản xứ của Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa ở Castel di Leva.

Dưới đây là cuộc đối thoại của Zenit với Đức Hồng y Sim:

***

ZENIT: Thưa Đức Hồng y Sim, người là vị giám mục đầu tiên trong lịch sử của đất nước Brunei (kể từ khi Hạt Phủ doãn Tông tòa Brunei được thành lập năm 1997), và người vừa trở thành hồng y đầu tiên của Brunei. Theo người biết liệu có những trường hợp tương tự như vậy trong lịch sử Giáo hội, tức là vị giám mục đầu tiên của một quốc gia trở thành hồng y đầu tiên của quốc gia đó không?

Tôi không thông thạo lịch sử giáo hội nên không biết có những trường hợp khác như trường hợp của tôi không! Tôi nghĩ nó có thể đúng đối với giáo hội Lào nhưng rõ ràng không phải vậy. Có lẽ Brunei là một trường hợp duy nhất chăng?!

ZENIT: Cuộc gặp gỡ gần đây nhất của người với Đức Thánh Cha Phanxico là khi nào? Và cụ thể các ngài đã trao đổi gì với nhau?

Cuộc gặp gỡ riêng đầu tiên của tôi với Đức Thánh Cha Phanxicô là trong chuyến đi ad limina của Hội đồng Giám mục chúng tôi vào tháng Hai năm 2018. Những lời đầu tiên của ngài là: “Đức Cha từ đâu đến?” Tôi trả lời: “Thưa từ Brunei.” Ngài làm tôi ngạc nhiên với những lời tiếp theo của ngài: “Ah, paradiso! (A, thiên đường!) “Ngài hỏi tôi có bao nhiêu linh mục và tôi nói ‘Hai rưỡi!’” Đến lượt ngài lại ngạc nhiên cho đến khi tôi giải thích rằng vài ngày trước, một trong ba linh mục của chúng tôi bị đau tim nặng và đang ốm nặng trong ICU. Trong cuộc trao đổi ngắn này, tôi nhận ra rằng Đức Giáo hoàng của chúng ta có khiếu hài hước cũng như có kiến thức tốt về địa lý.

ZENIT: Một sự kiện nổi bật trong tiểu sử của người: người trở thành linh mục năm 1989 khi 38 tuổi. Người đã làm gì trước khi trở thành linh mục? Và người đã khám phá ra ơn gọi của mình trong chức linh mục như thế nào?

Tôi đã hoàn thành 11 năm học bậc tiểu học và trung học tại một trường Công giáo ở Brunei. Sau khi rời trường, tôi học lấy bằng kỹ sư ở Malaysia, sau đó tôi làm việc 4 năm với Shell Petroleum. Tôi tiếp tục theo học khóa kỹ sư ở Scotland trong 4 năm từ 1974-1978, làm việc trong các khách sạn trong những kỳ nghỉ. Từ năm 1978-1985, tôi làm việc trong một nhà máy LNG, một lần nữa với Shell, trong lĩnh vực công nghệ và vận hành các công ty dịch vụ công cộng, chủ yếu là xử lý nước, hơi nước và sản xuất điện.

Trong thời gian làm việc lần thứ hai cho Shell, tôi đã trải qua một năm ở nước ngoài ở Hà Lan và Anh để thực hiện một dự án cho Shell. Khi trở về năm 1981, cha xứ của tôi mời tôi trở lại giáo hội sau hơn 12 năm vắng bóng.

ZENIT: Rồi những gì diễn ra sau đó?

Tôi chấp nhận lời đề nghị của linh mục vì tôi có nhiều câu hỏi về ý nghĩa sự sống sau cái chết đột ngột của cha tôi. Trở lại với giáo hội, tôi nhận ra điều tôi thực sự cần là một cộng đồng để thuộc về và một cơ hội để phát triển đức tin cá nhân, trong trường hợp của tôi, là sự canh tân đặc sủng.

Năm 1986, tôi nghỉ việc và đến Hoa Kỳ để học Thạc sĩ Thần học nhằm tạo nền tảng vững chắc hơn cho đức tin của tôi. Khi tôi trở về năm 1988, vì sự ra đi của các linh mục và tu sĩ do giấy phép lao động không thể gia hạn được nữa, đức giám mục đã đề nghị truyền chức cho tôi và ban đầu tôi đã từ chối. Tuy nhiên, nhìn thấy khả năng một nhà thờ không có linh mục và không có các bí tích, tôi đã thực hiện cuộc tĩnh tâm kéo dài một tuần, và quyết định chấp nhận lời đề nghị là điều đúng đắn! Tôi được thụ phong linh mục vào ngày 26 tháng Mười Một năm 1989.

ZENIT: Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm cho chúng ta quen với những điều bất ngờ trong các công nghị của ngài. Tuy nhiên, có lẽ không ai có thể tưởng tượng được, ít nhất là trước một số công nghị gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô, rằng ngài đã đưa vào Hồng y đoàn một vị giám mục của một đất nước xa xôi như vậy, nơi Giáo hội Công giáo chỉ là một thiểu số rất nhỏ bé. Đó có phải là một bất ngờ cho người không?

Đúng. Thông báo đến giống như một bất ngờ lớn. Tôi nghĩ đó là một sự đánh lừa khi một vài dòng tin nhắn văn bản đầu tiên đến bàn ăn tối của chúng tôi vào Chủ nhật ngày 25 tháng Mười. Tôi vô cùng sửng sốt khi ngài chọn đất nước nhỏ bé của chúng tôi với cộng đồng Công giáo quá ít ỏi của nó cho một sự bổ nhiệm lớn lao như vậy. Tôi tin rằng đó là sự công nhận về việc đóng góp của cộng đồng đối với đời sống của giáo hội ở đây, chứ không phải là công trạng của một linh mục hay giáo dân nói riêng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã rất cố gắng để bao gồm các cộng đồng bị lãng quên, bao gồm cả những cộng đồng ở vùng ngoại vi, những cộng đồng không yêu cầu cũng như không được biết đến nhiều. Theo ý nghĩa này thì Brunei là một khu ngoại vi trong vùng ngoại vi. Những giáo hội như vậy không gây được sự chú ý vì họ thường yên lặng và sống đức tin Kitô giáo của mình mà không gây chú ý vào chính bản thân họ. Chắc chắn có không gian cho các giáo hội lớn với các đền đài kiến trúc tuyệt đẹp và các tổ chức lớn của họ. Đó không phải là tình huống của chúng tôi.

ZENIT: Người nghĩ Đức Thánh Cha muốn nói điều gì với việc bổ nhiệm người?

Có lẽ Đức Thánh Cha cảm thấy đây có thể là một thời điểm tốt để làm nổi bật các cộng đồng như cộng đồng của chúng tôi, để nói rằng chúng tôi cũng thể hiện một khuôn mặt của giáo hội thường không được nhìn thấy. Chúng tôi là đoàn chiên bé nhỏ (Lc 12,32). Có lẽ tầm nhìn của Đức Benedict XVI về giáo hội tương lai có thể được tìm thấy ở đây trong các cộng đồng nhỏ hơn của Giáo hội chăng? Trong một buổi phát thanh vào năm 1969, người nói: “Từ cuộc khủng hoảng ngày nay, Giáo hội của ngày mai sẽ xuất hiện — một Giáo hội đã mất mát nhiều. Giáo hội sẽ trở nên nhỏ bé và ít nhiều sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Giáo hội sẽ không còn có thể cư ngụ trong nhiều kiến trúc đồ sộ mà Giáo hội đã xây dựng trong thời thịnh vượng”. (Radio broadcast 1969)

ZENIT: Ở Brunei, tôn giáo của phần lớn dân số là Hồi giáo, và cũng có những cộng đồng của các tôn giáo khác. Xin người có thể nói về sự chung sống của các tôn giáo và tình hình tự do tôn giáo ở Brunei?

Luật của Brunei, Điều 3. (1) quy định: “Tôn giáo của Brunei Darussalam sẽ là tôn giáo Hồi giáo theo hệ phái Shafeite của tôn giáo đó: Với điều kiện là tất cả các tôn giáo khác có thể được thực hành trong hòa bình và hòa hợp bởi người tuyên xưng niềm tin của họ ở bất kỳ khu vực nào của Brunei Darussalam.”

Trên thực tế, con người thuộc các nền văn hóa, tín ngưỡng và sắc tộc khác nhau cùng tham gia vào điều mà tôi gọi là “cuộc đối thoại sự sống”. Đối thoại giữa các tôn giáo không phải là sự thảo luận về thần học mà là việc tôn trọng niềm tin của nhau và tương tác hài hòa để tìm kiếm ích chung. Đó là: một môi trường an toàn và an ninh để nuôi nấng một gia đình và sống cuộc sống yên bình với niềm hy vọng chính đáng về sự thịnh vượng và thăng tiến cá nhân. Đó là lý do mà tên chính thức của đất nước chúng tôi là “Brunei Darussalam” có nghĩa là “Nơi ở của hòa bình”.

Kể từ khi có mặt ở Brunei, người Công giáo đã sống gần một thế kỷ ở giữa một xã hội phần lớn là người Hồi giáo, cùng với các tôn giáo khác như Phật giáo. Sự ra đời của bộ luật Sharia vào năm 2014 đã hệ thống hóa nhiều quy định và phong tục của Hồi giáo mà xã hội của chúng tôi đã cùng tồn tại trong suốt thời gian qua. Thông qua những tương tác của không gian sống chung ở trường học, nơi làm việc và vui chơi, tín đồ của các tôn giáo này đã chung sống hòa bình với nhau. Hoạt động vì ích chung và sự phát triển của tất cả mọi công dân và cư dân là trọng tâm cần thiết.

ZENIT: Xin người cho chúng con biết một chút về giáo hội ở đất nước của người. Người Công giáo Brunei là ai và có bao nhiêu người? Có phải họ gốc người Brunei hay đến từ các quốc gia khác?

Giáo hội Công giáo bắt đầu bén rễ thật sự ở đất nước này vào quý II của thế kỷ 20 với sự xuất hiện của các nhà truyền giáo Mill Hill (Hội Truyền giáo Thánh Giuse). Trước đó, một linh mục người Ý từ PIME đã bắt đầu một cộng đoàn nhỏ vào những năm 1860 nhưng việc này chỉ kéo dài 3 năm. Trường học là việc tông đồ đầu tiên được thành lập và tiếp tục là dấu hiệu hữu hình cho cam kết của chúng tôi đóng góp vào phúc lợi và sự phát triển của đất nước này.

Kỷ nguyên của các linh mục và dòng tu nước ngoài đã kết thúc vào đầu năm 1991 khi người nước ngoài không còn cơ hội gia hạn giấy phép lao động của họ vì vượt quá giới hạn tuổi. Một linh mục địa phương trong nhiều năm phải duy trì việc coi sóc 3 giáo xứ và 4 trường học. Từ năm 1998 đến nay, tạ ơn Chúa đã có được 3 lần truyền chức linh mục. Hiện tại, có một nữ ứng sinh dòng và 1 chủng sinh sắp bắt đầu học thần học.

Một ước tính dè dặt cho là có 16 nghìn người Công giáo, 80% trong số đó đến từ nước ngoài.

ZENIT: Những ai tạo thành nên cộng đoàn Công giáo này?

Phần lớn những người nước ngoài này đến từ Philippines, những người khác đến từ Malaysia, Indonesia, Nam Á và các nước khác. Họ thêm màu sắc và tinh thần sinh động cho đời sống giáo hội qua những truyền thống của họ thể hiện lòng sùng kính, âm nhạc và điệu múa. Người Công giáo địa phương ít tham gia vào đời sống tích cực của giáo hội, có lẽ vì họ thường khá giả hơn về mặt kinh tế và xã hội.

Giáo hội đã trở thành nơi trú ngụ của nhiều người di cư, cả về mặt xã hội và tinh thần. Họ cảm thấy được kết nối ở đây. Có cơ hội để tham gia các nhóm cầu nguyện, tụ họp để sùng kính, lắng nghe phụng vụ bằng ngôn ngữ riêng của họ (nơi nào có thể). Nhà thờ mở cửa cho việc cầu nguyện suốt ngày cho bất kỳ ai muốn ghé vào. Giáo hội cung cấp cứu trợ ở những nơi mà các cơ quan theo luật định không làm được: khi ốm đau và qua đời, có thể là một số hình thức cứu trợ khẩn cấp hoặc hồi hương. Giáo hội cố gắng trở thành một người mẹ trong những trường hợp như vậy.

ZENIT: Tin tức về việc người sẽ trở thành hồng y được những người đồng bào không Công giáo và không theo Kitô giáo đón nhận như thế nào? Đã có những phản ứng gì đối với tin này?

Tôi có thể nói rằng phản hồi khá khích lệ. Những người bạn Kitô hữu không thuộc Công giáo nói chung đều coi đây là một dấu hiệu cho thấy sự công nhận đối với cộng đồng Kitô giáo Brunei nói chung, không chỉ những người Công giáo, vì những đóng góp nhỏ bé nhưng có giá trị của chúng tôi cho hòa bình và phúc lợi của đất nước nói chung. Về một phương diện nào đó thì không có những cách quảng bá rộng rãi trên báo chí nhưng tôi rất vui khi thấy rằng những phản hồi riêng tư mà tôi nhận được từ người ngoại đạo cũng khá tích cực.

ZENIT: Do đại dịch COVID, người không thể đến Roma để dự công nghị và chỉ tham dự trực tuyến. Người đã sống hoàn cảnh đó như thế nào? Người có biết khi nào người sẽ nhận được mũ hồng y chưa?

COVID-19 đã khiến việc đi lại trở thành một vấn đề hơi mạo hiểm đối với hầu hết mọi người. Tôi theo dõi công nghị trực tuyến nhưng nó không giống như có mặt trực tiếp ở đó. Tôi hiểu rằng “chiếc mũ đỏ” sẽ được trao bởi ngài Khâm sứ được bổ nhiệm gần đây tại Brunei Darussalam khi ngài có thể đến thăm Brunei, rất có thể là vào năm sau.

Về nhiều mặt, cuối cùng tôi nghĩ đó là một giải pháp thay thế tốt vì nhiều người trong cộng đồng Công giáo ở đây sẽ có thể tận mắt chứng kiến buổi lễ, điều sẽ không thể có được nếu nó được thực hiện ở Roma.

ZENIT: Nói về việc đi lại, trong thời đại của các giáo hoàng tông du, Brunei là một trong số ít quốc gia chưa từng có một Giáo hoàng đến thăm. Người có nghĩ rằng một chuyến đi của Giáo hoàng đến Brunei sẽ có thể được thực hiện trong tương lai gần không?

Kể từ năm 1990, ngài Khâm sứ Tòa Thánh tại Brunei Darussalam đã đến thăm Brunei hàng năm. Nhà ngoại giao cấp cao nhất đến thăm Brunei là Đức Tổng Giám mục Giovanni Lajolo, khi đó là Bộ trưởng Quan hệ với các Quốc gia của Tòa thánh vào năm 2005. Cho đến nay, vẫn chưa có quan hệ ngoại giao chính thức giữa Brunei và Tòa thánh. Tôi nghĩ rằng bất kỳ khả năng nào về một chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của Đức Giáo hoàng sẽ phụ thuộc vào việc thiết lập quan hệ ngoại giao trước giữa hai nước.

ZENIT: Xin cảm ơn Đức Hồng y Sim.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 01/12/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét