Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2020

Chúng ta phải chữa lành tâm hồn con người, lời của Đức Thánh Cha với những người Pháp cam kết với sinh thái

Chúng ta phải chữa lành tâm hồn con người, lời của Đức Thánh Cha với những người Pháp cam kết với sinh thái

Chúng ta phải chữa lành tâm hồn con người, lời của Đức Thánh Cha với những người Pháp cam kết với sinh thái học

Những động lực lớn của người Kitô hữu cho Hành tinh

03 tháng Chín, 2020 11:23

ANNE KURIAN-MONTABONE

 
Đức Thánh Cha Phanxico khẳng định với một nhóm khoảng 15 người Pháp nổi tiếng đến để trao đổi về vấn đề sinh thái học với ngài ngày 3 tháng Chín năm 2020 tại Vatican, rằng cần “một con đường mới để làm người,” vì “chỉ bằng cách chữa lành tâm hồn con người thì chúng ta mới hy vọng chữa lành sự hỗn loạn của thế giới, cả về xã hội và môi trường.”

Nhóm bao gồm nữ diễn viên Juliette Binoche, nhà nghiên cứu Pablo Servigne, giám đốc Collège des Bernardins Laurent Landete, và được tháp tùng bởi Đức Giám mục Eric de Moulins-Beaufort, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp.

Trong buổi họp, Đức Thánh Cha không đọc bài phát biểu được chuẩn bị trước, nhưng trao cho họ văn bản chính thức, trong đó ngài khen ngợi “ý thức từng bước một về tính khẩn cấp của tình hình,” trong khi sinh thái học “bắt đầu có ảnh hưởng đến những lựa chọn chính trị và kinh tế, cho dù còn rất nhiều điều phải làm và cho dù chúng ta đang chứng kiến quá nhiều sự chậm chạp và sự thoái lui.”

Ngài khẳng định rằng mọi thứ đều được liên kết: “Cùng một sự thờ ơ như vậy, cùng một chủ nghĩa vị kỷ, cùng một lòng tham, cùng một sự kiêu ngạo, cùng một khuynh hướng tin rằng chính mình là ông chủ và ông vua của thế giới, là những thứ đưa con người đến: một mặt là tiêu diệt các chủng loài và cướp bóc tài nguyên thiên nhiên, và mặt khác là bóc lột sự nghèo đói, lạm dụng sức lao động của phụ nữ và trẻ em, đảo lộn luật lệ của gia đình, không còn tôn trọng quyền sống của con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên.”

Đức Giáo Hoàng cũng cho thấy “niềm xác tín của đức tin” cung cấp cho người Kitô hữu “những động lực to lớn để bảo vệ thiên nhiên, cũng như những anh chị em mong manh nhất”. Và khẳng định: “Khoa học và đức tin, vốn đưa ra những cách tiếp cận thực tế khác nhau, có thể phát triển một cuộc đối thoại sôi nổi và đầy hiệu quả.”

Cho dù có tình trạng “thê thảm” của hành tinh, nhưng Đức Thánh Cha Phanxico bày tỏ “niềm hy vọng” của các Kitô hữu: “Đôi mắt chúng ta hướng về Chúa Giêsu Kitô. Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa trở thành người phàm, đã đến thăm tạo vật của Ngài và sống giữa chúng ta, để chữa lành chúng ta, làm cho chúng ta tìm lại sự hòa hợp mà chúng ta đã đánh mất, hòa hợp với anh em chúng ta, hòa hợp với thiên nhiên.”


Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico

Thưa quý ngài,

Thưa quý ông quý bà,

Tôi hân hạnh được đón tiếp quý vị, và tôi thân ái chào mừng quý vị đến Roma. Và tôi xin cảm ơn Đức ông de Moulins Beaufort, đã có sáng kiến về cuộc họp này theo sau những phản ánh mà Hội đồng Giám mục Pháp đã thảo luận xoay quanh Tông huấn Laudato si’, những phản ánh trong đó nhiều diễn giả nhiệt thành tham gia về vấn đề sinh thái.

Chúng ta là một phần của gia đình nhân loại, được kêu gọi sống trong ngôi nhà chung, sự xuống cấp đáng lo ngại mà chúng ta cùng nhìn thấy. Cuộc khủng hoảng sức khỏe nhân loại hiện đang trải qua nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của mình. Chúng ta hiểu rằng chúng ta được liên kết với nhau tới mức độ nào, được đưa vào một thế giới trong đó chúng ta cùng chia sẻ tương lai, và việc đối xử tệ bạc với nó chỉ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ về môi trường, nhưng cả xã hội và con người.

Thật may mắn khi nhận thức về tính cấp bách của tình hình đang được nâng lên ở khắp nơi, rằng chủ đề sinh thái ngày càng thấm sâu vào tinh thần ở mọi cấp độ, và bắt đầu có ảnh hưởng đến các lựa chọn chính trị, và kinh tế, cho dù vẫn còn nhiều việc phải làm, và cho dù chúng ta đang chứng kiến quá nhiều sự chậm chạp và sự thoái lui. Về phần mình, Giáo hội Công giáo muốn tham gia trọn vẹn vào cam kết bảo vệ ngôi nhà chung. Giáo hội không có giải pháp soạn sẵn để đề xuất và Giáo hội không phải là không biết về những khó khăn về mặt kỹ thuật, kinh tế và chính trị, cũng như tất cả những nỗ lực mà cam kết này đòi hỏi. Nhưng Giáo hội muốn hành động cụ thể khi có thể, và trên hết Giáo hội muốn giáo dục lương tâm để thúc đẩy sự chuyển đổi sinh thái sâu sắc và lâu dài.

Về vấn đề chuyển đổi sinh thái này, tôi muốn chia sẻ với quý vị cách mà những xác tín của đức tin mang lại cho người Kitô hữu những động lực to lớn để bảo vệ thiên nhiên, cũng như những người anh chị em mong manh nhất, bởi vì tôi chắc chắn rằng khoa học và đức tin, cung cấp những cách tiếp cận thực tế khác nhau, có thể phát triển một cuộc đối thoại sôi nổi và đầy hiệu quả (x. Laudato si’, n. 62).

Kinh thánh dạy chúng ta rằng thế giới được sinh ra không phải do những hỗn độn hay do tình cờ, nhưng do quyết định của Thiên Chúa, Đấng đã gọi nó và luôn luôn gọi nó tồn tại, vì tình yêu. Vũ trụ thì xinh đẹp và tốt lành, chiêm ngắm nó cho phép chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp và sự tốt lành vô cùng của Đấng Tác tạo nó. Mỗi sinh vật, ngay cả những sinh vật phù du nhất, đều là khách thể của lòng nhân từ của Chúa Cha, Đấng đã ban cho nó một vị trí trên thế giới. Người Kitô hữu chỉ có thể tôn trọng công trình mà Cha của mình đã trao phó như một khu vườn để canh tác, bảo vệ, để phát triển trong tiềm năng của nó. Và nếu con người có quyền sử dụng thiên nhiên cho các mục đích của mình, thì họ không được phép tin rằng họ là ông chủ hay là ông vua dưới bất kỳ hình thức nào, mà chỉ là người quản lý chịu trách nhiệm về việc quản lý của mình. Trong khu vườn Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta, con người được mời gọi sống hòa thuận trong công bằng, hòa bình và tình huynh đệ, lý tưởng phúc âm do Chúa Giêsu đề nghị (x. LS, s. 82). Và khi người ta chỉ xem thiên nhiên là đối tượng của lợi nhuận và lợi ích – một tầm nhìn củng cố sự độc đoán của kẻ mạnh nhất – thì sự hài hòa bị phá vỡ và những sự bất bình đẳng, những sự bất công và đau khổ nghiêm trọng xuất hiện.

Thánh Gioan Phaolô II khẳng định: “Không chỉ trái đất được Thiên Chúa ban cho con người, và con người phải sử dụng nó với sự tôn trọng ý định tốt đẹp ban đầu mà nó đã được ban tặng, mà con người cũng được Thiên Chúa ban tặng cho chính mình, do đó con người phải tôn trọng cấu trúc tự nhiên và luân lý mà người đó đã được ban tặng” (Thông điệp Centesimus annus, s. 38). Do đó, mọi thứ đều được liên kết. Cùng một sự thờ ơ như vậy, cùng một chủ nghĩa vị kỷ, cùng một lòng tham, cùng một sự kiêu ngạo, cùng một khuynh hướng tin rằng chính mình là ông chủ và ông vua của thế giới, là những thứ đưa con người đến: một mặt là tiêu diệt các chủng loài và cướp bóc tài nguyên thiên nhiên, và mặt khác là bóc lột sự nghèo đói, lạm dụng sức lao động của phụ nữ và trẻ em, đảo lộn luật lệ của gia đình, không còn tôn trọng quyền sống của con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên.

Do đó, “Nếu cuộc khủng hoảng sinh thái hiện tại là một dấu chỉ nhỏ về cuộc khủng hoảng đạo đức, văn hoá, và tinh thần của thời hiện đại, thì chúng ta không thể chữa lành được mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên nếu không chữa lành tất cả các mối quan hệ nền tảng của con người.” (LS, s. 119). Vì thế, sẽ không có mối tương quan mới với thiên nhiên nếu không có con người mới, và chính bằng cách chữa lành tâm hồn con người, chúng ta mới có thể hy vọng chữa lành thế giới khỏi những rối loạn về xã hội và môi trường.

Các bạn thân mến, tôi xin lặp lại lời động viên các bạn hãy cố gắng cứu lấy môi trường. Cho dù tình trạng của hành tinh này có vẻ thê thảm và thậm chí một số tình hình dường như không thể cứu vãn được, nhưng người Kitô hữu chúng ta luôn nuôi dưỡng hy vọng, vì đôi mắt chúng ta hướng về Chúa Giêsu. Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa, đã đích thân đến thăm tạo vật của Ngài và sống giữa chúng ta (xem LS số 96-100), để chữa lành chúng ta, khôi phục chúng ta trở về sự hòa hợp mà chúng ta đã đánh mất, sự hòa hợp với anh em của chúng ta, hòa hợp với thiên nhiên. “Người không bỏ rơi chúng ta, Người không để chúng ta một mình, vì Người đã hoàn toàn kết hiệp với đất đai của chúng ta, và tình yêu của Người luôn dẫn dắt chúng ta đi tìm những con đường mới” (LS, n. 245).

Tôi khẩn xin Thiên Chúa chúc phúc cho quý vị, và tôi xin quý vị hãy cầu nguyện cho tôi.

Bản dịch (ND: tiếng Anh) của Zenit từ văn bản tiếng Pháp của Vatican


[Nguồn: zenit]

Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/9/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét