Thứ Hai, 23 tháng 11, 2020

Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ Kinh Truyền tin suy ngẫm về Đấng Chăn chiên sẽ phán xét

Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ Kinh Truyền tin suy ngẫm về Đấng Chăn chiên sẽ phán xét

© Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ Kinh Truyền tin suy ngẫm về Đấng Chăn chiên sẽ phán xét

‘Đấng mà người ta kết án, trong thực tế, là vị Thẩm phán tối cao’

22 tháng Mười Một, 2020 15:02

JIM FAIR


Trong huấn từ Kinh Truyền tin ngày 22 tháng Mười Một năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô nói về sự phi lý tột cùng đó là Đấng mà con người kết án — Chúa Giêsu — cuối cùng sẽ là Đấng phán xét tất cả mọi người. Và vị thẩm phán sẽ trở thành người phục vụ hơn là súng sính bộ trang phục công sở.

Đức Thánh Cha nói: “Dụ ngôn tuyệt vời kết thúc năm phụng vụ tỏ lộ mầu nhiệm của Chúa Kitô, toàn bộ năm phụng vụ. Người là Alpha và Omega, là khởi nguyên và kết thúc của lịch sử; và phụng vụ hôm nay tập trung vào ‘Omega’, tức là vào mục tiêu sau cùng.

“Ý nghĩa của lịch sử được hiểu bằng cách giữ cho đỉnh điểm của nó trước mắt chúng ta: mục tiêu cũng là chung cuộc … Người, Đấng mà con người sắp lên án, trên thực tế, là vị thẩm phán tối cao. Trong cái chết và sự phục sinh của Người, Chúa Giêsu sẽ bày tỏ chính Ngài là Chúa của Lịch sử, là Vua của Vũ trụ, là Đấng phán xét tất cả mọi người. Nhưng nghịch lý của Kitô giáo đó là vị Thẩm phán không khoác trên mình bộ trang phục đáng sợ của hoàng gia, mà là Đấng Chăn Chiên đầy lòng nhân lành và hiền từ.”

Đức Thánh Cha phân tích rằng Chúa Giêsu nhìn thế giới từ quan điểm của con chiên cũng như của người chăn chiên. Khi đưa ra những phán xét của Ngài vào ngày sau hết, Ngài sẽ sử dụng cả hai quan điểm.

“Vì vậy, vào ngày tận thế, Chúa sẽ kiểm tra đàn chiên, và Ngài sẽ làm như vậy không chỉ dựa trên quan điểm của người chăn chiên mà còn dựa trên quan điểm của những con chiên, những người mà Ngài đã đồng nhất chính mình với họ,” Đức Phanxicô nói. “Thưa anh chị em, chúng ta hãy nhìn đến luận lý của sự thờ ơ, của những người ngay lập tức hiện lên trong trí, quay mặt đi hướng khác khi chúng ta thấy một vấn đề. Chúng ta hãy nhớ lại dụ ngôn Người Samari nhân hậu”.

Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha, văn bản của Vatican (ND: bản tiếng Anh):


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta mừng Đại Lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ trụ. Dụ ngôn tuyệt vời kết thúc năm phụng vụ tỏ lộ mầu nhiệm của Chúa Kitô, toàn bộ năm phụng vụ. Người là Alpha và Omega, là khởi nguyên và kết thúc của lịch sử; và phụng vụ hôm nay tập trung vào “Omega”, tức là vào mục tiêu sau cùng. Ý nghĩa của lịch sử được hiểu bằng cách giữ cho đỉnh điểm của nó trước mắt chúng ta: mục tiêu cũng là chung cuộc … Người, Đấng mà con người sắp lên án, trên thực tế, là vị thẩm phán tối cao. Trong cái chết và sự phục sinh của Người, Chúa Giêsu sẽ bày tỏ chính Ngài là Chúa của Lịch sử, là Vua của Vũ trụ, là Đấng phán xét tất cả mọi người. Nhưng nghịch lý của Kitô giáo đó là vị Thẩm phán không khoác trên mình bộ trang phục đáng sợ của hoàng gia, mà là Đấng Chăn Chiên đầy lòng nhân lành và hiền từ.

Quả thật, trong dụ ngôn về sự phán xét sau cùng này, Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh người chăn chiên, Ngài lấy những hình ảnh này từ ngôn sứ Êdêkien, người đã nói về sự can thiệp của Đức Chúa để giúp cho dân của Người chống lại các tư tế xấu xa của Israel (x. 34: 1-10). Họ đã là những kẻ bóc lột tàn ác, thích chăm sóc cho bản thân hơn là đàn chiên; vì thế, Đức Chúa hứa Người sẽ đích thân chăm sóc đàn chiên của Người, bảo vệ đàn chiên khỏi sự bất công và ngược đãi. Lời hứa này của Đức Chúa thay mặt dân Người được kiện toàn trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng Chăn Chiên: Chính Ngài là người chủ chăn tốt lành. Ngài nói về chính bản thân Ngài: “Ta là mục tử nhân lành” (Ga 10:11, 14).

Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đồng hóa Ngài không những với vị vua-đấng chăn chiên, mà còn với con chiên, chúng ta có thể nói đến một sự đồng hóa hai chiều: vị vua-đấng chăn chiên, đồng thời là Chúa Giêsu và con chiên: nghĩa là Ngài đồng hoá Ngài với người bé mọn nhất và túng thiếu nhất giữa các anh chị em của Ngài. Và do đó, Ngài chỉ ra tiêu chuẩn của sự phán xét: nó sẽ được thực hiện trên cơ sở tình yêu cụ thể được tặng trao hoặc bị từ chối đối với những người này, bởi vì chính Ngài, vị thẩm phán, hiện diện trong từng người họ. Ngài là vị thẩm phán. Ngài là Thiên Chúa và là Con người, nhưng Ngài cũng là người nghèo, Ngài ẩn thân và hiện hữu trong con người của những người nghèo khổ mà Ngài nói đến: ngay ở đó. Chúa Giêsu nói: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (cc. 40, 45). Chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu thương. Sự phán xét sẽ dựa trên tình yêu thương, không dựa trên cảm xúc, không: chúng ta sẽ bị phán xét dựa trên những việc làm, dựa trên lòng trắc ẩn để trở nên gần gũi và sự ân cần giúp đỡ. Tôi có đến gần Chúa Giêsu hiện diện nơi những người bệnh tật, người nghèo, người đau khổ, người bị tù đày, của những người đói và khát công lý không? Tôi có đến gần Chúa Giêsu đang hiện diện ở đó không? Đây là câu hỏi cho ngày hôm nay.

Vì vậy, vào ngày tận thế, Chúa sẽ kiểm tra đàn chiên, và Ngài sẽ làm như vậy không chỉ dựa trên quan điểm của người chăn chiên mà còn dựa trên quan điểm của những con chiên, những người mà Ngài đã đồng hóa chính mình với họ. Và Ngài sẽ hỏi chúng ta: “Ngươi có một chút nào giống người chăn chiên như chính Ta không?” “Ngươi có phải là một người chăn chiên đối với Ta là người hiện diện trong những người đang túng thiếu, hay ngươi thờ ơ?” Thưa anh chị em, chúng ta hãy nhìn đến luận lý của sự thờ ơ, của những người ngay lập tức hiện lên trong trí, quay mặt đi hướng khác khi chúng ta thấy một vấn đề. Chúng ta hãy nhớ lại dụ ngôn Người Samari nhân hậu. Người đàn ông tội nghiệp đó, bị đánh trọng thương bởi những kẻ cướp, gục xuống đất, nằm giữa sự sống và cái chết, anh ta chỉ có một mình. Một tư tế đi ngang qua, nhìn thấy và lại tiếp tục đi. Ông ta nhìn theo hướng khác. Một thầy Lêvi đi ngang qua, nhìn thấy và cũng nhìn theo hướng khác. Đứng trước những anh chị em đang cần giúp đỡ, tôi có thờ ơ như thầy tư tế, như thầy Lêvi, và nhìn theo hướng khác không? Tôi sẽ bị xét xử về điều này: về cách thức tôi đến gần, về cách tôi nhìn vào Chúa Giêsu hiện diện trong những người cần giúp đỡ đó. Đây là luận lý, và không phải cha nói điều đó: Chúa Giêsu nói điều đó. “Những gì ngươi làm cho người đó, người đó, và người đó, là ngươi đã làm cho Ta. Và những gì ngươi đã không làm cho người đó, người đó, và người kia, là ngươi đã không làm cho Ta, bởi vì Ta ở đó”. Xin Chúa Giêsu dạy cho chúng ta luận lý này, luận lý của sự gần gũi, của việc đến gần với Ngài, với tình yêu thương, đến gần với người đang đau khổ nhất.

Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria dạy chúng ta thống trị bằng cách phục vụ. Mẹ Maria, đã được rước lên Thiên đàng, đón nhận được triều thiên từ Con của Mẹ vì Mẹ đã trung thành theo Ngài – Mẹ là người môn đệ đầu tiên – trên con đường Tình yêu. Chúng ta hãy học từ Mẹ để đi vào Vương quốc của Thiên Chúa ngay cả từ bây giờ qua cánh cửa của sự phục vụ khiêm nhường và quảng đại. Và chúng ta trở về nhà với câu ghi nhớ này: “Ta đã ở đó. Cảm ơn, hay ngươi đã quên Ta”.

____________________________________________

Sau giờ đọc Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Cha xin gửi suy nghĩ đặc biệt đến người dân Campania và Basilicata bốn mươi năm sau trận động đất kinh hoàng với tâm chấn ở vùng Irpinia và là trận động đất gieo rắc cái chết và sự tàn phá. Bốn mươi năm đã đi qua. Biến cố đau thương đó, với những vết thương chưa lành đã làm nổi bật lòng nhân ái và tinh thần đoàn kết của người dân Ý. Bằng chứng về điều này là rất nhiều mối quan hệ kết nghĩa giữa những khu vực có động đất và những khu vực ở miền Bắc và miền Trung nước Ý, với những mối quan hệ vẫn còn bền chặt. Những sáng kiến này ưu tiên cho hành trình khó khăn của sự tái thiết, và trên hết là tình huynh đệ giữa các cộng đồng khác nhau trên Bán đảo.

Và cha xin chào tất cả anh chị em, những người đến từ Roma, những anh chị em hành hương, bất kể những khó khăn hiện tại và luôn tôn trọng các quy tắc, đã đến Quảng trường Thánh Phêrô.

Xin gửi lời chào đặc biệt đến các gia đình đang gặp khó khăn trong giai đoạn này. Về điều này, xin hãy nghĩ đến nhiều gia đình đang gặp khó khăn trong thời điểm hiện tại, vì không có việc làm, họ đã mất việc, lại có một hoặc hai đứa con… Và nhiều lúc tủi thân, không biết phải làm sao để kiếm sống. Nhưng anh chị em là những người cần phải đi và tìm kiếm nơi cần giúp đỡ. Nơi có Chúa Giêsu, nơi Chúa Giêsu đang cần giúp đỡ. Hãy làm việc đó!

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Và có rất nhiều anh chị em đến từ “Immacolata”. Cảm ơn anh chị em!

Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/11/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét