Thứ Hai, 1 tháng 2, 2021

Các vị thánh được công bố là Đấng Công chính giữa các dân tộc

Các vị thánh được công bố là Đấng Công chính giữa các dân tộc

Các vị thánh được công bố là Đấng Công chính giữa các quốc gia

Public Domain

Meg Hunter-Kilmer

30/01/21

Những người nam nữ thánh thiện này được dân tộc Israel công nhận vì đã liều thân (hoặc hiến mạng) để cứu những người Do Thái thoát khỏi Đức quốc xã.

Trong những năm sau nạn tàn sát thảm khốc hơn sáu triệu người Do Thái trong Holocaust, dân tộc Israel tôn vinh hàng nghìn người không phải là người Do Thái đã liều mạng để bảo vệ người Do Thái thoát khỏi Đức Quốc xã và những kẻ bắt tay với họ. Những người nam nữ thánh thiện này được tôn vinh với tước hiệu Công chính giữa các các dân tộc, và họ có lai lịch từ hoàng thân cho đến những người làm lao động công nhật. Trong số các vị đó có một vị thánh và sáu chân phước (một đấng đáng kính và bốn tôi tớ của Chúa), tất cả những người này truyền cảm hứng cho chúng ta khi chúng ta chiến đấu với sự dữ của nạn bài Do Thái đang tiếp diễn trong thế giới của chúng ta ngày nay.

Thánh Elizabeth Hesselblad (1870-1957) sinh tại Thụy Điển trong một gia đình theo Tin lành Luther. Thánh nhân gặp gỡ đức tin Công giáo khi làm y tá ở thành phố New York và trở lại. Kể từ đó, thánh nhân quan tâm sâu sắc đến công việc đại kết và phục vụ những người Kitô hữu không theo Công giáo và những người ngoại đạo. Thánh nhân trở thành người sáng lập thứ hai của dòng Bridgettinev và trong Đệ Nhị Thế Chiến thánh nhân và các nữ tu trong dòng của chị đã tiếp đón một số người đang gặp nguy hiểm đến tính mạng, bao gồm hàng chục người đàn ông, phụ nữ và trẻ em Do Thái. Mặc dù ban đầu không biết về tôn giáo của họ, nhưng khi Mẹ Elizabeth biết họ là người Do Thái, thánh nhân và các nữ tu đã hết sức chào đón và yêu mến, thậm chí còn khuyến khích các em cầu nguyện bằng tiếng Do Thái. Tất cả 12 người đều sống sót sau cuộc chiến.

Chân phước Odoardo Focherini (1907-1944) là một nhà báo người Ý và là cha của bảy người con. Năm 1942, ngài được thông báo về sự có mặt của một số người Ba Lan gốc Do Thái bị thương mới đến đất nước này, và bắt đầu đưa họ đến nơi an toàn. Ít lâu sau, ngài đã mua được những giấy tờ giả cho bất kỳ người Do Thái nào mà ngài gặp được và giúp họ tìm đường đến đất nước Thụy Sĩ trung lập. Cuối cùng ngài bị bắt và bị đưa đến một trại tập trung và chết tại đó, nhưng trước đó ngài đã giúp hơn 100 người Do Thái trốn thoát Đức Quốc xã.

Chân phước Giuseppe Girotti (1905-1945) là một linh mục dòng Đa Minh người Ý, một học giả Kinh thánh, và một giáo sư thần học. Từng học ở Giêrusalem, Cha Giuseppe có một tình yêu sâu đậm đối với dân tộc Do Thái, gọi họ là “những người chuyển tải Lời Chúa” và “những người anh cả”. Khi cuộc sống của họ gặp nguy hiểm, Cha Giuseppe đã thiết lập những nơi ẩn náu và các lối thoát hiểm và cứu sống nhiều người trước khi bị bắt và đưa đến Dachau. Ở đó, ngài thấy mình bị giam cùng với hàng nghìn linh mục khác trong một doanh trại được xây dựng cho 180 người. Ngài chết ở đó vào ngày Chúa nhật Phục sinh, có thể là do bị tiêm thuốc độc.

Chân phước Pavel Peter Gojdič (1888-1960) là một tu sĩ và giám mục Công giáo người Ukraine, phục vụ tại Slovakia. Ngài đã thẳng thắn bảo vệ người Do Thái, đặc biệt là sau khi họ bị ra lệnh trục xuất khỏi Slovakia. Lệnh này được ban hành bởi tổng thống Fr. Jozef Tiso của Cộng hòa Slovakia bắt tay với địch, người có tội ác chống lại loài người đã khiến Giám mục Gojdič tranh cãi rằng ông ta nên bị buộc phải trở thành thường dân hoặc bị Roma buộc phải từ chức tổng thống. Sự ủng hộ mạnh mẽ của Giám mục Gojdič đối với người Do Thái Slovakia đã khiến nhiều linh mục của ngài kêu gọi ngài từ chức giám mục; khi ngài nghe theo, ngài lại được chỉ định đến giáo phận khác. Ở đó, ngài tiếp tục hoạt động để cứu người Do Thái, kể cả việc tiếp nhận họ vào Giáo hội. Ngài được ghi nhận là đã cứu sống ít nhất 17 người Do Thái. Mặc dù ngài thoát khỏi Đức Quốc xã, thừa tác vụ của Đức Giám mục Gojdič đã dẫn đến bản án chung thân dưới thời Cộng sản; nhiều lá thư do người Do Thái viết lên lòng biết ơn công lao của ngài đã chẳng có tác dụng gì đối với bản án này và ngài đã chết trong tù.

Chân phước Bernhard Lichtenberg (1875-1943) là một linh mục người Đức, người đã chiến đấu với Đức Quốc xã trên mọi nẻo đường. Năm 1933, ngài khuyến khích giáo dân của mình xem một bộ phim phản chiến; kết quả là Goebbels bắt đầu tấn công ngài trên báo chí và Gestapo được cử đến khám xét nhà của ngài. Năm 1935, ngài gặp Göring để phản đối các trại tập trung là phi nhân đối với các tù nhân trên khắp nước Đức. Ngài là nhà lãnh đạo Kitô giáo duy nhất lên tiếng chống lại Kristallnacht. Mỗi ngày ngài cầu nguyện công khai xin bảo vệ người Do Thái. Ngài giảng rằng người Kitô hữu phải yêu thương những người lân cận Do Thái của họ, đó là mệnh lệnh của Chúa Giêsu Kitô. Ngài phản đối việc giết người Do Thái cũng như những người bệnh và tâm thần. Ngài thậm chí còn tổ chức các cuộc biểu tình hàng loạt bên ngoài các trại tập trung. Bị quăng vào tù vì những cố gắng của mình, Cha Lichtenberg vẫn không thay đổi. Mặc dù được hứa trả tự do nếu ngài đồng ý từ chối rao giảng, nhưng ngài tuyên bố rằng ngài muốn đồng hành với người Do Thái cho đến chết. Bị chỉ định chuyển đến trại tập trung Dachau, ngài đã chết trước khi đến trại.

Chân phước Sara Salkahazi (1899-1944) là một nữ tu người Hungary, từng là một nhà báo nghiện thuốc lá nặng và là một người theo xã hội chủ nghĩa trước khi bước vào đời sống tu trì. Mặc dù phải chiến đấu để sống phù hợp theo dòng, nhưng cuối cùng chị vẫn được phép khấn và trở thành một người lao công đắc lực trong vườn nho, xuất bản tạp chí dành cho phụ nữ Công giáo, thành lập một trường cao đẳng dành cho giới lao động nữ và điều hành một hiệu sách Công giáo cùng với tất cả công cuộc bác ái của chị. Chị đổi tên thành Salkahazi để nghe giống tiếng Hungary hơn nhằm châm chích Đức Quốc xã, và bắt đầu hoạt động để che giấu người Do Thái và đưa họ đến nơi an toàn. Chị được ghi nhận đã một tay cứu sống ít nhất một trăm người Do Thái trong Đệ Nhị Thế Chiến và giúp các Nữ tu của mình cứu được 900 người khác. Năm 1944, Sơ Sara đang trên đường trở về ngôi nhà nơi chị che giấu người Do Thái thì chị nhìn thấy các lính Đức Quốc xã. Thay vì tự cứu lấy mình, chị đã chọn cái chết với những người chị yêu thương. Chị tiến đến gần và bị bắt, bị lột trần quần áo và bị bắn trên bờ sông Danube.

Chân phước Kliment Sheptytsky (1869-1951) là một tu viện trưởng Công giáo người Ukraine. Trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Ukraine, ngài đã làm việc với anh trai mình (Đấng Đáng kính Andrey Sheptytsky, Tổng giám mục Chính tòa Thủ đô Lviv) và Chân phước Emilian Kovch để che giấu người Do Thái trong các tu viện khác nhau và giúp họ trốn thoát đến các vùng lãnh thổ tự do. Sau chiến tranh, ngài Archimandrite Sheptytsky bị Cộng sản bắt vì từ chối ly khai khỏi Roma; ngài đã chết trong tù.

(Những đấng công chính khác giữa số các quốc gia đang mở án phong thánh bao gồm Đấng Đáng kính Elia dalla Costa, Tôi tớ Chúa Jacques de Jésus, Tôi tớ Chúa Giovanni Palatucci, các Tôi tớ Chúa Jozef và Wiktoria Ulma.)


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/2/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét