Thứ Hai, 1 tháng 2, 2021

Nghe tiếng Chúa, nhìn thấy dung nhan của Chúa: Toàn văn bài giảng Chúa nhật Lời Chúa của Đức Thánh Cha

Nghe tiếng Chúa, nhìn thấy dung nhan của Chúa: Toàn văn bài giảng Chúa nhật Lời Chúa của Đức Thánh Cha

Nghe tiếng Chúa, nhìn thấy dung nhan của Chúa: Toàn văn bài giảng Chúa nhật Lời Chúa của Đức Thánh Cha

Antoine Mekary | ALETEIA | i.Media

Kathleen N. Hattrup

24/01/21

Chúng ta hãy xin Chúa ban sức mạnh để tắt tivi mà mở Thánh Kinh, tắt điện thoại mở mở Tin mừng.

Dưới đây là bản dịch của Vatican bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 24 tháng Một, Chúa nhật Lời Chúa. Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella đọc bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô soạn cho ngày lễ, do sự tái phát của cơn đau thần kinh tọa của đức giáo hoàng.


*****

Trong Chúa nhật Lời Chúa này, chúng ta hãy lắng nghe Chúa Giêsu khi Ngài công bố Nước Thiên Chúa. Chúng ta hãy suy nghĩ thật kỹ về những điều Ngài nói và Ngài nói điều đó với những ai.

Ngài nói điều gì? Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng bằng những lời này: “Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1:15). Chúa ở gần, đó là thông điệp đầu tiên. Vương quốc của Ngài đã đi xuống thế gian. Thiên Chúa không như chúng ta thường nghĩ, là xa cách, ở trên trời, tách biệt khỏi thân phận con người. Không, Ngài đang ở giữa chúng ta. Thời kỳ xa cách của Ngài đã kết thúc khi Ngài trở thành con người trong Chúa Giêsu. Kể từ đó, Chúa rất gần gũi với chúng ta; Người sẽ không bao giờ từ bỏ tình trạng con người của chúng ta hoặc mệt mỏi với nó. Sự gần gũi này là thông điệp đầu tiên của Tin mừng; bài đọc hôm nay kể cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu “đang nói” (câu 15) những lời đó: Ngài lặp đi lặp lại những lời đó. “Thiên Chúa đã đến gần” là nội dung chính trong lời rao giảng của Ngài, là trung tâm thông điệp của Ngài. Nếu đây là chủ đề mở đầu và là điệp khúc của mọi lời rao giảng của Chúa Giêsu, thì đó chắc chắn phải là chủ đề duy nhất cho đời sống và thông điệp của người Kitô hữu. Trước hết, chúng ta phải tin và công bố rằng Thiên Chúa ở gần chúng ta, rằng chúng ta đã được tha thứ và được cho thấy lòng thương xót. Trước mỗi lời của chúng ta nói về Thiên Chúa, thì đã có lời của Ngài nói với chúng ta, Lời Ngài tiếp tục nói với chúng ta: “Đừng sợ, ta ở cùng các con. Ta ở bên cạnh các con và Ta sẽ luôn ở đó”.

Lời Chúa giúp chúng ta chạm đến sự gần gũi này, vì – như Sách Đệ Nhị luật đã nói với chúng ta – lời không ở xa chúng ta, lời ở gần tâm hồn chúng ta (xem 30:14). Nó là liều thuốc giải cho nỗi sợ hãi của chúng ta khi phải đối mặt với cuộc sống một mình. Thật vậy, bằng lời của Người, Chúa an ủi chúng ta, nghĩa là, Người đứng “với” những ai “cô độc”. Khi nói với chúng ta, Người nhắc chúng ta nhớ rằng Người đã đặt chúng ta vào lòng Người, rằng chúng ta là rất quý giá trong mắt Người, và Người che chở chúng ta trong bàn tay Người. Lời Chúa truyền cho chúng ta sự bình an, nhưng nó không để chúng ta được bình an. Đó là lời an ủi nhưng cũng là một lời kêu gọi sám hối. Chúa Giêsu nói: “Hãy sám hối” ngay sau khi công bố sự gần gũi của Thiên Chúa. Vì nhờ sự gần gũi của Người, chúng ta không còn xa cách với Chúa và tha nhân nữa. Thời gian mà chúng ta sống chỉ nghĩ về bản thân giờ đã qua. Sống như vậy không phải là người Kitô hữu, với những người cảm nghiệm sự gần gũi của Chúa thì không thể ngoảnh mặt trước những người lân cận hoặc cư xử với họ bằng sự thờ ơ. Những ai nghe lời Chúa luôn được nhắc nhở rằng cuộc sống không phải là tạo lá chắn bảo vệ chúng ta khỏi người khác, mà là để gặp gỡ họ nhân danh Thiên Chúa Đấng ở gần. Lời được gieo vào thửa đất là tâm hồn chúng ta, đến lượt mình chúng ta gieo hy vọng qua sự gần gũi với người khác. Thậm chí như Chúa đã làm với chúng ta.

Bây giờ chúng ta hãy suy xét đến việc Chúa Giêsu nói với những ai. Những lời đầu tiên của Ngài là nói với những người đánh cá Galilê, những người dân dã sống bằng công việc lao động chân tay nặng nhọc, cả ngày lẫn đêm. Họ không phải là những chuyên gia về Kinh thánh hay những người có kiến ​​thức và văn hóa rộng lớn. Họ sống trong một vùng gồm nhiều dân tộc, sắc tộc và tôn giáo khác nhau: một khu vực không thể tiến xa hơn với sự tinh ròng tôn giáo của Giêrusalem, trung tâm của đất nước. Tuy nhiên, đó là nơi Chúa Giêsu bắt đầu, không phải từ trung tâm mà từ vùng ngoại vi, và Ngài làm như vậy để nói với chúng ta rằng không một ai xa cách trái tim của Chúa. Mọi người đều có thể đón nhận lời Người và trực tiếp gặp gỡ Ngài. Tin Mừng đưa ra một chi tiết đẹp về việc này, khi cho chúng ta biết rằng lời rao giảng của Chúa Giêsu đến “sau” lời của Gioan (Mc 1,14). Chữ sau đó mang tính quyết định: nó chỉ ra một sự khác biệt. Gioan đã đón nhận mọi người trong sa mạc, là nơi chỉ những ai có khả năng rời khỏi nhà của họ mới có thể đến. Trái lại, Chúa Giêsu nói về Thiên Chúa ở giữa lòng xã hội, với tất cả mọi người, dù họ ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Ngài không nói vào những thời điểm hoặc địa điểm cố định, nhưng “đi dọc theo biển hồ”, nói với những người đánh cá đang “quăng lưới” (câu 16). Ngài nói với mọi người vào những thời điểm và địa điểm bình thường nhất. Ở đây chúng ta nhìn thấy sức mạnh phổ quát của lời Chúa đến với mọi người và mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Tuy nhiên, lời của Chúa cũng có sức mạnh đặc biệt, đó là nó có thể chạm trực tiếp đến mỗi người. Các môn đệ không bao giờ quên những lời họ đã nghe ngày hôm đó trên bờ hồ, bên thuyền của họ, trong nhóm các thành viên trong gia đình và đồng nghiệp của họ: những lời đã ghi dấu cuộc đời họ mãi mãi. Chúa Giêsu nói với họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (câu 17). Ngài không dùng những lời lẽ và ý tưởng cao siêu để kêu gọi họ, mà nói bằng chính cuộc đời của họ. Ngài nói với các ngư dân rằng họ sẽ trở thành người chài lưới người. Nếu Ngài nói với họ: “Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành Tông đồ, các anh sẽ được sai đi vào thế gian để rao giảng Tin Mừng trong quyền năng của Chúa Thánh Thần; các anh sẽ bị giết, nhưng các anh sẽ trở thành thánh”, chúng ta có thể chắc chắn rằng Phêrô và Anrê sẽ trả lời: “Cảm ơn, nhưng chúng tôi phải gắn chặt với những tấm lưới và thuyền của chúng tôi!” Nhưng Chúa Giêsu nói với họ bằng cách nói của công việc của họ: “Các anh là ngư phủ, và các anh sẽ trở thành những ngư phủ chài lưới người”. Được đánh động bởi những lời đó, họ nhận ra rằng việc hạ lưới để tìm cá là quá ít, trong khi đưa mình ra biển sâu để đáp lại lời gọi của Chúa Giêsu là bí quyết của niềm vui đích thực. Chúa cũng làm như vậy với chúng ta: Ngài tìm kiếm chúng ta trong thực tại của chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta với chính con người chúng ta, và Ngài kiên nhẫn đi bên cạnh chúng ta. Như Ngài đã làm với những người ngư phủ đó, Ngài đợi chúng ta trên bến bờ của cuộc đời mình. Bằng lời nói của Ngài, Ngài muốn biến đổi chúng ta, mời gọi chúng ta sống một cuộc sống trọn vẹn hơn và cùng ra biển sâu với Ngài.

Vì vậy, anh chị em thân mến, chúng ta đừng bỏ qua lời Chúa. Đó là một bức thư tình, được viết cho chúng ta bởi Đấng hiểu rõ chúng ta nhất. Khi đọc lời, chúng ta một lần nữa nghe thấy tiếng nói của Ngài, nhìn thấy dung nhan của Ngài và đón nhận được Thần Khí của Ngài. Lời đó đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa. Chúng ta đừng giữ lời xa quá tầm tay với, nhưng hãy luôn mang bên mình, trong túi, trên điện thoại của chúng ta. Chúng tôi hãy dành cho lời một vị trí xứng đáng trong ngôi nhà của mình. Chúng ta hãy đặt Tin Mừng ở một nơi mà chúng ta có thể nhớ để mở ra hàng ngày, có thể là vào đầu và cuối ngày, để giữa tất cả những lời ồn ào bên tai chúng ta, có thể có một vài câu của Lời Chúa có thể chạm đến trái tim chúng ta. Để có thể làm được điều này, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho sức mạnh để tắt tivi và mở Thánh Kinh, tắt điện thoại di động và mở Tin mừng. Trong năm phụng vụ này, chúng ta đang đọc Thánh Máccô, cuốn sách đơn giản nhất và ngắn nhất trong các Tin Mừng. Tại sao không đọc Phúc âm ở nhà, thậm chí một đoạn ngắn mỗi ngày. Nó sẽ làm cho chúng ta cảm thấy sự gần gũi của Thiên Chúa đối với chúng ta và làm chúng ta đầy sự can đảm khi chúng ta vượt hành trình cuộc sống.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/1/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét