Thứ Ba, 13 tháng 4, 2021

Đức Hồng Y Parolin: Tôi rất buồn khi nhìn thấy sự mất niềm tin và lý trí ở Châu Âu

Đức Hồng Y Parolin: Tôi rất buồn khi nhìn thấy sự mất niềm tin và lý trí ở Châu Âu


Đức Hồng Y Parolin nói rằng phản ứng của Giáo hội trước những thay đổi của xã hội phải là “đưa ra chứng tá chặt chẽ và thuyết phục của đời sống Kitô giáo.”

Đức Hồng Y Parolin: Tôi rất buồn khi nhìn thấy sự mất niềm tin và lý trí ở Châu  u


Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ khanh Tòa Thánh, truyền chức cho 29 linh mục của Giám hạt Opus Dei trong Vương cung Thánh đường Sant'Eugenio ở Roma, 5 tháng Chín, 2020. (photo: Daniel Ibanez / CNA/EWTN)

Courtney Mares

6 tháng Tư, 2021


VATICAN CITY — Ngài Quốc Vụ khanh Vatican cho biết trong một cuộc phỏng vấn tuần này rằng luật an tử và phá thai ở Châu Âu không chỉ thể hiện sự mất niềm tin mà còn là mất lý trí.

“Tôi rất lấy làm tiếc về sự mất niềm tin trong Châu Âu, trong văn hóa, trong các quốc gia của chúng ta, và những thay đổi nhân học đang diễn ra, làm mất đi căn tính của con người. Trước sự mất mát niềm tin, tôi muốn nói rằng đó là sự mất lý trí,” Đức Hồng Y Pietro Parolin nói trong một cuộc phỏng vấn với mạng COPE của Tây Ban Nha được công bố ngày 5 tháng Tư.

“Tại sao? Đức Giáo hoàng đã nói điều đó nhiều lần. Điều đó làm tôi thật sự giật mình. Chẳng hạn ngài nói: vấn đề phá thai không phải là một vấn đề tôn giáo. Đối với người Kitô hữu chúng ta, chắc chắn ngay từ đầu, từ những tài liệu đầu tiên của Giáo hội, đã có một sự phủ nhận hoàn toàn về việc phá thai, nhưng đó là một luận chứng của lý trí. Như Đức Benedict XVI đã nói, có thể ngày nay vấn đề căn bản là lý trí chứ không phải đức tin.”

Đức Hồng Y Parolin nói rằng phản ứng của Giáo hội trước những thay đổi này của xã hội phải là “đưa ra một chứng tá chặt chẽ và thuyết phục về đời sống Kitô giáo.”

Ngài nhận định, “Đối với tôi, dường như hoàn cảnh mà chúng ta đang trải qua có thể được so sánh với những thế kỷ đầu của Giáo hội, khi các Tông đồ và các môn đệ tiên khởi tiến đến một xã hội không có các giá trị Kitô giáo, nhưng qua chứng tá của những cộng đoàn ban đầu tìm cách thay đổi tâm thức và giới thiệu các giá trị của Phúc âm trong xã hội thời đó. Tôi nghĩ đây là cách mà chúng ta vẫn phải làm ngày nay.”

Trong cuộc phỏng vấn kéo dài 24 phút bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức Hồng y đã mô tả Đức Thánh Cha Phanxicô là “một người giản dị không cần nghi thức”, người rất quan tâm đến việc gần gũi với mọi người.

Đức hồng y nói: “Mong muốn của ngài là làm cho Giáo hội khả tín hơn trong việc loan báo Tin Mừng.”

Đức Hồng y Parolin, 66 tuổi, đã giữ vị trí Quốc Vụ khanh Vatican trong tám năm qua. Ngài nói rằng ngài xem ngoại giao của Giáo hội là một cách để sống chức tư tế của mình.

Ngài nói, “Chúng tôi phục vụ sự hiệp thông và cũng là bảo vệ quyền tự do của Giáo hội và tự do tôn giáo. Đó là cách nhìn nhận của tôi về lĩnh vực ngoại giao.”

Khi được hỏi về mối quan hệ của Vatican với chính phủ Trung Quốc, Đức Hồng y Parolin nói rằng ngài có “một cách nhìn tích cực”.

Đức Hồng Y Parolin nói, “Các bước đã được thực hiện, mặc dù chưa giải quyết được tất cả các vấn đề vẫn còn đó và có thể sẽ mất nhiều thời gian, nhưng đang đi đúng hướng tiến tới một sự hòa giải trong Giáo hội do vấn đề của những khác biệt này, có quá nhiều… sự phân cách.”

“Vì vậy, chúng tôi nhìn Giáo hội ở Trung Quốc với sự tôn trọng lớn, cũng vì lịch sử của nó, tương lai dựa trên lịch sử, một lịch sử nhiều đau khổ,” ngài nói. “Tôi nghĩ đây phải là quan điểm, sự tôn trọng rất lớn lao mà chúng tôi thể hiện.”

Đức hồng y nói rằng “mọi việc đang được thực hiện để bảo đảm một đời sống bình thường cho Giáo hội ở Trung Quốc,” với “không gian tự do tôn giáo” và sự hiệp thông với giáo hoàng.

Đức Hồng Y Parolin cũng nhận xét về chuyến đi đến Iraq từ ngày 5 đến ngày 8 tháng Ba của Đức Thánh Cha Phanxicô, mà ngài mô tả là “rất xúc động”.

“Thật không may, Giáo hội phải chịu đau khổ vì người Kitô hữu đã bị đàn áp bởi tất cả các cuộc xung đột và bởi tất cả các thế lực muốn nhổ tận gốc đức tin Kitô giáo ở đất nước đó ... Nhưng những gì họ dạy chúng tôi là chứng tá đức tin đi tới mức tử vì đạo. Từ đó, chúng ta có thể rút ra một bài học lớn từ các Kitô hữu Iraq,” Đức Hồng y Parolin nói, ngài đã tháp tùng Đức Giáo hoàng trong chuyến thăm.

Đức Hồng y nói, “Đôi khi với tôi, với tư cách là người Kitô hữu ở Châu Âu, ở phương Tây, chúng ta dường như quá lạnh nhạt với anh em của mình. Tôi ước mong có nhiều tình liên đới hơn, gần gũi hơn, có nhiều cách hơn để thể hiện sự ủng hộ và giúp đỡ của chúng ta để cùng nhau tiến lên. Họ dạy chúng tôi khả năng trung thành bất chấp mọi khó khăn, nhưng đồng thời họ cũng yêu cầu chúng tôi đoàn kết hơn nữa.”


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/4/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét