Thánh lễ Lòng Chúa Thương Xót
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Nhà thờ Santo Spirito ở Sassia
Chúa nhật thứ hai Phục sinh, 11 tháng Tư 2021
Chúa Giêsu Phục sinh đã hiện ra với các môn đệ nhiều lần. Ngài kiên nhẫn vỗ về tâm hồn đang rối bời của họ. Ngài tự sống lại, giờ đây Ngài mang đến “sự phục sinh cho các môn đệ”. Ngài nâng tinh thần của họ lên và cuộc sống của họ được biến đổi. Trước đó, những lời của Chúa và tấm gương của Ngài đã không thay đổi được họ. Bây giờ, vào lễ Phục sinh, một điều gì đó mới xảy ra, và nó xảy ra dưới ánh sáng của lòng thương xót. Chúa Giêsu nâng họ lên với lòng thương xót. Khi đã nhận được lòng thương xót đó, bản thân họ trở nên đầy lòng thương xót. Thật khó để có thương xót nếu trước tiên không có kinh nghiệm đón nhận được lòng xót thương.
Đầu tiên, họ nhận được lòng thương xót qua ba ân tứ. Trước hết, Chúa Giêsu ban cho họ sự bình an, sau đó là Thần Khí và cuối cùng là những vết thương của Ngài. Các môn đệ hoang mang. Họ khóa chốt cửa vì sợ hãi, sợ bị bắt và có kết cục như Thầy. Nhưng họ không chỉ cùng nhau tụ tập trong một căn phòng; họ cũng còn bị mắc kẹt trong sự hối tiếc của chính bản thân. Họ đã bỏ rơi và chối bỏ Chúa Giêsu. Họ cảm thấy bất lực, mất uy tín, chẳng ích lợi gì. Chúa Giêsu đến và nói với họ hai lần: “Bình an cho anh em!” Ngài không mang đến một sự bình an giúp xóa bỏ những vấn đề khó khăn, mà là một sự bình an truyền dẫn niềm tin bên trong. Nó không phải là sự bình an bên ngoài, mà là sự bình an trong lòng. Ngài nói với các ông “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Điều đó giống như nói rằng, “Thầy sai anh em đi vì thầy tin tưởng anh em”. Những môn đệ chán nản đó đã được bình an với chính mình. Sự bình an của Chúa Giêsu đã khiến họ chuyển từ hối tiếc sang sứ mệnh. Sự bình an của Chúa Giêsu đánh thức sứ vụ. Nó không đưa đến sự dễ dàng và thoải mái, mà là thách đố để thoát ra khỏi chính con người chúng ta. Sự bình an của Chúa Giêsu giải thoát khỏi tính vị kỷ làm tê liệt; nó phá vỡ những sự ràng buộc khiến tâm hồn bị giam cầm. Các môn đệ nhận ra rằng họ đã được bày tỏ lòng thương xót: họ nhận ra rằng Chúa không lên án hay hạ thấp họ, nhưng thay vào đó là tin tưởng họ. Thật vậy, Thiên Chúa tin vào chúng ta nhiều hơn cả chúng ta tin vào chính mình. “Ngài yêu chúng ta hơn cả chúng ta yêu chính bản thân mình (xem THÁNH JOHN HENRY NEWMAN, Suy niệm và Tôn sùng, III, 12, 2). Đối với Thiên Chúa, không có ai là vô dụng, mất uy tín hoặc bị ruồng bỏ. Hôm nay Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta, “Bình an cho con! Con thật quý giá trong mắt ta. Bình an cho con! Con thật quan trọng đối với ta. Bình an cho con! Con có một sứ mệnh. Không ai có thể thay thế vị trí của con. Con là không thể thay thế. Và ta tin tưởng con”.
Thứ hai, Chúa Giêsu đã bày tỏ lòng thương xót cho các môn đệ bằng cách ban Thần Khí cho họ. Ngài ban Thần Khí để tha tội (xem câu 22-23). Các môn đệ đã phạm tội; họ đã bỏ chạy, họ đã bỏ rơi Thầy. Tội lỗi mang đến sự dày vò; sự dữ có cái giá của nó. Tội của chúng ta, như tác giả Thánh Vịnh nói (xem 51: 5), luôn ở trước mặt chúng ta. Chúng ta không thể loại bỏ nó với sức của bản thân mình. Chỉ có Chúa mới cất nó đi được, chỉ có Ngài với lòng thương xót của Ngài mới có thể làm cho chúng ta vượt lên khỏi những vực thẳm của sự khốn cùng của chúng ta. Giống như những người môn đệ đó, chúng ta cần phải để cho mình được tha thứ, thành khẩn xin lỗi Chúa. Chúng ta cần mở lòng để được tha thứ. Sự tha thứ trong Chúa Thánh Thần là ân tứ Phục sinh cho phép chúng ta sống lại trong lòng. Chúng ta hãy xin ơn để đón nhận hồng ân đó, để đón nhận Bí tích tha thứ. Và để hiểu rằng Xưng tội không phải là về bản thân và tội lỗi của chúng ta, mà là về Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài. Chúng ta không xưng thú để hạ mình xuống, nhưng để được nâng lên. Chúng ta, tất cả chúng ta, vô cùng cần điều này. Giống như những đứa trẻ nhỏ, bất cứ khi nào chúng ngã đều cần được cha của chúng nâng dậy, chúng ta cần điều này. Chúng ta cũng rất thường xuyên bị ngã. Và bàn tay của Cha chúng ta đang sẵn sàng để nâng chúng ta đứng dậy trên đôi chân của mình một lần nữa và khiến chúng ta tiếp tục bước đi. Bàn tay vững chắc và đáng tin cậy đó là Xưng thú tội. Xưng tội là bí tích nâng chúng ta lên; nó không để chúng ta nằm ngã trên mặt đất, hoặc khóc trên đá cứng nơi chúng ta đã ngã xuống. Xưng tội là Bí tích Phục sinh, lòng thương xót tinh tuyền. Tất cả những người giải tội phải truyền đạt sự ngọt ngào của lòng thương xót. Đây là điều mà những vị giải tội phải làm: truyền đạt sự ngọt ngào của lòng thương xót của Chúa Giêsu, Đấng đã tha thứ mọi sự. Chúa tha thứ mọi sự.
Cùng với sự bình an làm phục hồi chúng ta và sự tha thứ nâng chúng ta lên, Chúa Giêsu đã ban cho các môn đệ của Ngài món quà thứ ba của lòng thương xót: Ngài cho họ thấy những vết thương của Ngài. Nhờ những vết thương đó mà chúng ta được chữa lành (xem 1 Pr 2:24; Is 53: 5). Nhưng các vết thương đó có thể chữa lành cho chúng ta bằng cách nào? Bằng lòng thương xót. Trong những vết thương đó, giống như Tôma, chúng ta có thể chạm vào sự thật rằng Chúa yêu thương chúng ta đến cùng. Ngài biến những vết thương của chúng ta trở thành của chính Ngài và mang lấy những yếu đuối của chúng ta trên mình Ngài. Những vết thương của Ngài là kênh mở rộng giữa Ngài và chúng ta, tuôn đổ thương xót trên những nỗi khốn khổ của chúng ta. Những vết thương của Ngài là con đường mà Thiên Chúa mở ra để chúng ta bước vào tình yêu dịu dàng của Ngài và thực sự “chạm” vào chính con người của Ngài. Chúng ta đừng bao giờ hoài nghi lòng thương xót của Ngài. Khi tôn thờ và hôn lên những vết thương của Ngài, chúng ta nhận ra rằng tất cả những yếu đuối của chúng ta đều được chấp nhận trong tình yêu dịu dàng của Ngài. Điều này xảy ra trong mỗi Thánh lễ, nơi Chúa Giêsu ban cho chúng ta Thân thể bị thương và đã phục sinh của Ngài. Chúng ta chạm đến Ngài và Ngài chạm vào đời sống của chúng ta. Ngài làm cho thiên đàng xuống với chúng ta. Những vết thương sáng chói của Ngài xua tan bóng tối mà chúng ta mang trong lòng. Giống như Tôma, chúng ta khám phá thấy Chúa; chúng ta nhận ra rằng Ngài gần gũi với chúng ta như thế nào và chúng ta xúc động thốt lên, “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20:28). Mọi thứ bắt nguồn từ đây, từ ân sủng của việc đón nhận lòng thương xót. Đây là điểm khởi đầu của hành trình Kitô giáo của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta tin tưởng vào khả năng của chính mình, vào hiệu quả của các công trình và dự án của chúng ta, chúng ta sẽ không tiến xa được. Chỉ khi chúng ta chấp nhận tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể cống hiến một điều gì đó mới mẻ cho thế giới.
Và đó là những gì các môn đệ đã làm: nhận được lòng thương xót, chính họ liền trở nên đầy lòng xót thương. Chúng ta nhìn thấy điều này trong bài đọc một. Sách Tông đồ Công vụ kể rằng “không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (4:32). Đây không phải là chủ nghĩa cộng sản, mà là Kitô giáo thuần túy. Càng ngạc nhiên hơn khi chúng ta nghĩ rằng đó chính là những người môn đệ trước kia đã tranh luận về sự tưởng thưởng và phần thưởng, và xem ai là người lớn nhất trong giữa họ (x. Mt 10:37; Lc 22:24). Bây giờ họ chia sẻ mọi thứ; họ “một lòng một ý” (Cv 4:32). Làm thế nào mà họ thay đổi được như vậy? Bây giờ họ nhìn thấy ở những người khác cùng một lòng thương xót đã làm biến đổi đời sống của họ. Họ khám phá ra rằng họ có cùng sứ mệnh, sự tha thứ và Thân thể của Chúa Giêsu, và vì thế, việc chia sẻ tài sản trên mặt đất của họ dường như là điều tự nhiên. Văn bản tiếp tục: “Không ai phải thiếu thốn” (câu 34). Nỗi sợ hãi của họ đã được xua tan khi chạm vào vết thương của Chúa, và giờ đây họ không ngần ngại chữa lành vết thương cho những người đang cần. Bởi vì họ nhìn thấy Chúa Giêsu ở đó. Bởi vì Chúa Giêsu ở đó, trong vết thương của những người thiếu thốn.
Thưa anh chị em, anh chị em có muốn bằng chứng rằng Chúa đã chạm vào cuộc đời của anh chị em không? Để xem anh chị em có thể cúi mình xuống và băng bó những vết thương của người khác. Hôm nay là ngày để đặt câu hỏi, “Tôi, một người thường nhận được sự bình an và lòng thương xót của Chúa, có tỏ lòng xót thương với người khác không? Tôi, người thường xuyên được nuôi dưỡng bởi Thân thể của Chúa Giêsu, có cố gắng xoa dịu cơn đói của người nghèo không? ” Chúng ta đừng thờ ơ. Chúng ta đừng sống đức tin một chiều, một đức tin chỉ đón nhận nhưng không cho đi, một đức tin đón nhận ân sủng nhưng chính mình lại không trao tặng. Chúng ta đã đón nhận lòng thương xót, bây giờ chúng ta hãy trở nên đầy lòng xót thương. Vì nếu tình yêu chỉ dành cho chúng ta, thì đức tin trở nên khô cằn, cằn cỗi và ủy mị. Không có tha nhân, đức tin trở thành xác chết. Nếu không có việc làm của lòng thương xót, nó sẽ chết (xem Ga 2:17). Anh chị em thân mến, chúng ta hãy để cho mình được đổi mới bởi sự bình an, sự tha thứ và những vết thương của Chúa Giêsu nhân từ. Chúng ta hãy xin ơn để trở thành những chứng nhân của lòng thương xót. Chỉ bằng cách này, đức tin của chúng ta mới trở nên sống động và cuộc sống của chúng ta được hiệp nhất. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa, đó là Tin Mừng của lòng thương xót.
[Nguồn: vatican.va]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/4/2021]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét