Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2021

Thông điệp Video của Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đại diện Đức Thánh Cha, nhân Ngày Nước Thế giới 2021

Thông điệp Video của Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đại diện Đức Thánh Cha, nhân Ngày Nước Thế giới 2021

Thông điệp Video của Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đại diện Đức Thánh Cha, nhân Ngày Nước Thế giới 2021



Kính gửi ngài Tiến sĩ Qu Dongyu

Tổng Giám đốc FAO


Kính gửi ngài Tiến sĩ Audrey Azoulay

Tổng Giám đốc UNESCO


Thưa quý ngài,

Tôi rất vinh dự được thay mặt Đức Thánh Cha gửi lời chào nồng hậu đến quý ngài, nhân Ngày Nước Thế giới 2021.

Chủ đề được chọn cho năm nay, “Giá trị nước”, mời gọi chúng ta có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ và sử dụng nguyên tố này, là nền tảng cho việc bảo tồn hành tinh của chúng ta. Thật vậy, nếu không có nước, sẽ không có sự sống, không có các trung tâm đô thị, không có năng suất nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc chăn nuôi. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này đã không có được sự quan tâm và chăm sóc xứng đáng. Ngay cả ngày nay chúng ta vẫn tiếp tục phạm sai lầm là lãng phí nó, coi thường nó hoặc làm ô nhiễm nó.

Ngoài ra, trong thế kỷ 21, trong kỷ nguyên của phát triển và những tiến bộ công nghệ, việc tiếp cận với nguồn nước an toàn, có thể uống được không phải ai cũng có thể tiếp cận được. Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng nước là “một quyền cơ bản và phổ quát của con người… là điều kiện để thực hiện các quyền khác của con người” (Tông huấn Laudato si’, 30); một ích lợi mà tất cả mọi người, không loại trừ ai, đều có quyền được tiếp cận đầy đủ, để họ có thể có một cuộc sống đúng phẩm giá. Vì vậy, “thế giới của chúng ta mắc một món nợ xã hội rất lớn đối với những người nghèo không được tiếp cận với nước uống, bởi vì họ bị từ chối quyền được sống phù hợp với phẩm giá bất khả xâm phạm của họ” (sđd.).

Ngày nay, thêm vào với thực tế đáng buồn này là những tác hại của sự biến đổi khí hậu: lũ lụt, hạn hán, nhiệt độ tăng cao, lượng mưa thay đổi đột ngột và không thể đoán trước, băng tan, giảm dòng chảy của các con sông hoặc cạn kiệt nguồn nước ngầm. Tất cả những hiện tượng này phá hủy và làm suy giảm chất lượng nước và do đó cản trở một đời sống an bình và thịnh vượng. Sự lan tràn của văn hóa vứt bỏ và sự toàn cầu hóa của thái độ thờ ơ, khiến mọi người cảm thấy được trao quyền để cướp phá và bóc lột tạo vật, cũng góp phần vào tình trạng này. Chưa kể đến cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay, đã mở rộng sự bất bình đẳng xã hội và kinh tế hiện có, làm nổi bật những thiệt hại do sự thiếu hoặc kém hiệu quả của các dịch vụ cung cấp nước cho những người thiếu thốn nhất.

Nghĩ đến những người ngày nay đang thiếu một thứ vô cùng quan trọng như nước, cũng như các thế hệ sẽ tiếp nối chúng ta, tôi mời gọi tất cả mọi người cùng hành động để chấm dứt tình trạng ô nhiễm biển và sông, các dòng chảy và suối ngầm, thông qua công tác giáo dục để thúc đẩy sự thay đổi trong lối sống của chúng ta, và tìm kiếm sự thiện, sự thật, cái đẹp và sự kết hợp với người khác vì lợi ích chung. Hãy lấy những cách tiếp cận này để quyết định cho những lựa chọn tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư (xem Thánh Gioan Phaolô II, Tông huấn Centesimus annus, số 36).

Do đó, như chủ đề năm nay cho biết, “Giá trị nước” có nghĩa là thay đổi ngôn ngữ của chính chúng ta. Thay vì nói về “mức tiêu thụ”, chúng ta nên nói đến “cách sử dụng” hợp lý của nó, phù hợp với nhu cầu thực tế của chúng ta và tôn trọng nhu cầu của người khác. Đối với “những người có điều kiện dùng nước dư dả nhưng chọn tiết kiệm nước vì ích lợi của gia đình nhân loại rộng lớn hơn,” - Đức Thánh Cha nói với chúng ta - đó là những người đã đạt được một mức độ đạo đức giúp họ nhìn xa hơn bản thân” (Tông huấn Fratelli Tutti, số 117). Nếu chúng ta sống tiết độ và đặt tình đoàn kết vào trung tâm của các tiêu chuẩn, chúng ta sẽ sử dụng nước hợp lý, không lãng phí một cách vô ích, và chúng ta sẽ có khả năng chia sẻ nó với những người cần nó nhất. Ví dụ, nếu chúng ta bảo vệ các vùng đất ngập nước, giảm phát thải khí nhà kính, cho phép tưới tiêu quy mô nhỏ và cải thiện khả năng phục hồi ở các vùng nông thôn, các cộng đồng thu nhập thấp là những người dễ bị tổn thương nhất đối với nguồn cung cấp nước, sẽ được hưởng lợi và thoát khỏi sự kiệt quệ và bỏ mặc họ.

“Giá trị nước” cũng có nghĩa thừa nhận rằng an ninh lương thực và chất lượng nước có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Thật vậy, nước đóng một vai trò thiết yếu trong tất cả các khía cạnh của các hệ thống lương thực: trong sản xuất, chế biến, chuẩn bị, tiêu thụ, và phần nào đó trong cả việc phân phối thực phẩm. Tiếp cận với nguồn nước an toàn và vệ sinh đầy đủ làm giảm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và lây lan các bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của mọi người. Rất nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết các căn bệnh bắt nguồn từ thực phẩm trên thực tế là do chất lượng nước xấu được sử dụng trong sản xuất, chế biến và chuẩn bị.

Để đảm bảo sự tiếp cận công bằng với nước, điều quan trọng là phải hành động không chậm trễ, chấm dứt tuyệt đối việc lãng phí, biến nước thành hàng hóa và làm ô nhiễm nó. Sự hợp tác giữa các quốc gia, giữa các khu vực công và tư nhân, cũng như việc gia tăng các sáng kiến của các cơ quan liên chính phủ, là cần thiết hơn bao giờ hết. Ngoài ra còn có nhu cầu cấp thiết về phạm vi pháp lý ràng buộc và sự hỗ trợ có hệ thống và hiệu quả để đảm bảo rằng nước uống đến được tất cả mọi nơi trên thế giới với số lượng và chất lượng thỏa đáng.

Vì vậy, chúng ta phải nhanh chóng cho người khát uống. Chúng ta hãy điều chỉnh lại lối sống của mình để chúng ta không lãng phí và làm ô nhiễm. Chúng ta hãy trở thành những nhân vật chính của sự tốt lành đã khiến Thánh Phanxicô Assisi mô tả nước như một người chị “rất khiêm nhu, quý giá và trinh trong!” (Trường ca tạo vật: FF263). Đây là những quyết tâm mà tôi phó thác cho Đấng Toàn Năng để giúp chúng ta thực hiện chúng với khả năng tốt nhất của chúng ta.

Viết từ Vatican, 22 tháng Ba, 2021

Hồng y Pietro Parolin,

Quốc Vụ khanh của Đức Thánh Cha



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/3/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét