Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Ông Bà và Người cao tuổi lần thứ nhất (25 tháng Bảy năm 2021), 22.06.2021
Sau đây là nội dung sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Ông Bà và Người cao tuổi lần thứ nhất, sẽ được tổ chức vào Chúa nhật thứ tư của tháng Bảy, rơi vào ngày 25 tháng Bảy năm nay – với chủ đề: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày” (Mt. 28: 20).
*****
Sứ điệp của Đức Thánh Cha
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao tuổi lần thứ nhất
“Thầy ở cùng anh em mọi ngày”
Thưa các Ông Bà nội và ngoại,
Thưa các Bạn cao niên,
“Thầy ở cùng anh em mọi ngày” (Mt 28,20): đây là lời Chúa đã hứa với các môn đệ trước khi Ngài lên trời. Đó là những lời Ngài lặp lại với Ông Bà trong ngày hôm nay, thưa Ông Bà Nội Ngoại và thưa các Bạn Cao tuổi. “Thầy ở cùng anh em mọi ngày” cũng là những lời mà tôi, với tư cách là Giám mục của Rôma và là một người cao tuổi như chính ông bà, muốn gửi đến với ông bà trong Ngày Thế giới Ông Bà và Người cao tuổi đầu tiên. Toàn thể Giáo hội gần gũi với ông bà – với chúng ta – và quan tâm đến ông bà, yêu quý ông bà và không muốn để ông bà một mình!
Tôi biết rõ rằng Sứ điệp này đến với ông bà vào một thời điểm khó khăn: đại dịch ập xuống chúng ta như một trận cuồng phong dữ dội và bất ngờ; đó là thời gian thử thách đối với tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là đối với người cao tuổi chúng ta. Nhiều người trong chúng ta đổ bệnh, những người khác qua đời hoặc chứng kiến cái chết của vợ / chồng hoặc người thân yêu, trong khi những người khác thấy mình bị cô lập và cô đơn trong thời gian dài.
Chúa biết tất cả những gì chúng ta đã trải qua trong thời gian này. Ngài gần gũi với những người cảm thấy bị cô lập và cô đơn, những cảm giác trở nên gay gắt hơn trong đại dịch. Truyền thống kể rằng Thánh Gioa Kim là ông của Chúa Giêsu cảm thấy bị ghẻ lạnh với những người xung quanh vì không có con; cuộc đời của ông, cũng như cuộc đời của vợ ông là Ana bị coi là vô dụng. Vì vậy, Chúa sai một thiên thần đến để an ủi ông. Trong khi ông đang buồn bã trầm ngâm bên ngoài cổng thành, một sứ thần của Chúa hiện đến với ông và nói, “Gioa Kim, Gioa Kim! Đức Chúa đã nghe lời cầu nguyện tha thiết của ông”. [1] Họa sĩ Giotto, trong một bức bích họa nổi tiếng của ông, [2] dường như đặt bối cảnh vào ban đêm, một trong nhiều đêm trằn trọc không ngủ, đầy ắp những kỷ niệm, những lo lắng và khao khát mà nhiều người trong chúng ta đã trở nên quen thuộc.
Ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất, như trong những tháng đại dịch này, Thiên Chúa vẫn tiếp tục sai các thiên thần đến để an ủi sự cô đơn của chúng ta và nhắc nhở chúng ta: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày”. Người nói điều này với ông bà, và Người nói điều đó với tôi. Đó là ý nghĩa của Ngày này, ngày mà tôi muốn cử hành lần đầu tiên trong năm đặc biệt này, sau một thời gian dài bị cách ly kết thúc và cuộc sống xã hội dần dần trở lại. Cầu chúc cho mọi người ông, người bà, mọi người cao tuổi, đặc biệt là những người cô đơn nhất trong chúng ta, đón nhận được sự viếng thăm của một thiên thần!
Đôi khi những thiên thần đó sẽ có khuôn mặt của các cháu chắt của chúng ta, trong những lúc khác là khuôn mặt của các thành viên trong gia đình, những người bạn tri kỷ hoặc những người mà chúng ta đã quen biết trong khoảng thời gian thử thách này, khi chúng ta hiểu được tầm quan trọng của những cái ôm và sự thăm hỏi đối với mỗi người chúng ta. Điều làm tôi rất buồn khi ở một số nơi vẫn không thể thực hiện được những việc này!
Tuy nhiên, Chúa cũng gửi đến cho chúng ta những sứ giả qua Lời của Người, những lời luôn ở trong tầm tay. Chúng ta hãy cố gắng đọc một trang Tin Mừng mỗi ngày, cầu nguyện bằng các Thánh vịnh, đọc sách các tiên tri! Chúng ta sẽ được an ủi bởi sự trung tín của Thiên Chúa. Kinh Thánh cũng sẽ giúp chúng ta hiểu Chúa đang đòi hỏi những gì trong cuộc sống của chúng ta ngày nay. Vì trong tất cả mọi giờ trong ngày (xem Mt 20, 1-16) và trong mọi mùa của cuộc sống, Người vẫn tiếp tục sai thợ vào làm vườn nho của Người. Có thể nói, tôi đã được gọi để trở thành Giám mục của Rôma khi tôi đã đến tuổi hưu và nghĩ rằng tôi sẽ chẳng làm được bất cứ điều gì mới mẻ. Chúa luôn luôn – luôn luôn – gần gũi với chúng ta. Người ở gần chúng ta với những cơ hội mới, những ý tưởng mới, niềm an ủi mới, nhưng luôn ở gần chúng ta. Ông bà biết rằng Thiên Chúa là vô cùng vô tận; Người không bao giờ nghỉ hưu.
Trong Tin Mừng của Thánh Matthêu, Chúa Giêsu nói với các Tông đồ: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (28:19-20). Hôm nay những lời này cũng được gửi đến cho chúng ta. Chúng giúp chúng ta hiểu rõ hơn rằng ơn gọi của chúng ta là gìn giữ cội nguồn của mình, truyền lại đức tin cho lớp người trẻ, và chăm sóc cho những trẻ nhỏ. Hãy suy nghĩ về điều đó: ở tuổi của chúng ta, ơn gọi của chúng ta hôm nay là gì? Là gìn giữ cội nguồn của chúng ta, là truyền lại đức tin cho lớp người trẻ, và chăm sóc cho những trẻ nhỏ. Ông bà đừng bao giờ quên điều này.
Không phân biệt ông bà bao nhiêu tuổi, ông bà còn đi làm hay không, hoặc ông bà ở một mình hay có gia đình, ông bà đã trở thành ông bà nội ngoại khi tuổi chưa cao hay về sau này, dù ông bà sống tự lập hay cần trợ giúp. Bởi vì việc loan báo Tin Mừng và lưu truyền các truyền thống cho con cháu thì không có tuổi nghỉ hưu. Ông bà chỉ cần đặt ra và thực hiện một điều gì đó mới.
Tại thời điểm lịch sử quan trọng này, ông bà có một ơn gọi mới. Ông bà có thể thắc mắc: Làm sao có thể như vậy được? Sức lực của tôi đang cạn kiệt và tôi không nghĩ rằng tôi có thể làm được gì nhiều. Làm sao tôi có thể bắt đầu hành động theo cách khác khi thói quen đã trở thành một phần trong cuộc sống của tôi? Làm thế nào tôi có thể dấn thân cho người nghèo khi tôi phải quan tâm rất nhiều đến gia đình của mình? Làm thế nào tôi có thể mở rộng tầm nhìn khi tôi thậm chí không thể rời khỏi nơi tôi sống? Chẳng phải sự cô độc của tôi đã là một gánh nặng quá đủ rồi sao? Có bao nhiêu người trong ông bà đang đặt câu hỏi như vậy: không phải sự cô độc của tôi đã là một gánh nặng quá đủ rồi sao? Chính Chúa Giêsu đã nghe một câu hỏi tương tự từ Nicôđêmô hỏi rằng: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được?” (Ga 3: 4). Chúa đáp lại rằng điều đó có thể xảy ra nếu chúng ta mở lòng đón nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần, Người thổi hơi đến nơi Người muốn. Chúa Thánh Thần tự do đi đến bất cứ nơi đâu và làm bất cứ điều gì Người muốn.
Như tôi thường thường nhận xét, chúng ta sẽ không thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại và trở về như trước đây, mà sẽ trở nên tốt hơn hoặc xấu hơn. Và “Theo ý Chúa …Ước gì đây không chỉ là thêm một bi kịch nữa trong lịch sử mà chúng ta không rút ra được bài học gì từ nó. Ước gì chúng ta không quên tất cả những cụ già đã phải chết do thiếu máy trợ thở, phần nào đó là hậu quả của sự phân rã các hệ thống y tế từ năm này qua năm khác. Ước gì nỗi buồn đau này không trở thành vô ích, nhưng có thể giúp chúng ta bước tới một phong cách sống mới. Ước gì chúng ta có thể khám phá lại một cách rõ ràng dứt khoát rằng chúng ta cần nhau, và rằng bằng cách này gia đình nhân loại của chúng ta có thể kinh nghiệm một cuộc tái sinh” (Tông huấn Fratelli Tutti, 35). Không ai được cứu thoát một mình. Tất cả chúng ta đều mắc nợ lẫn nhau. Tất cả chúng ta đều là anh chị em.
Với điều này, tôi muốn nói với ông bà rằng ông bà là những người cần thiết để giúp xây dựng thế giới của ngày mai trong tình huynh đệ và tình bạn bè xã hội: thế giới mà chúng ta sẽ sống cùng với con cháu của chúng ta sau khi bão tố đã lắng xuống. Tất cả chúng ta phải “góp phần tích cực vào việc đổi mới và hỗ trợ các xã hội đang gặp khó khăn của chúng ta” (sđd, 77). Trong số các trụ cột chống đỡ cho ngôi nhà mới này, có ba trụ cột mà ông bà có thể giúp thiết lập tốt hơn bất kỳ ai khác. Ba trụ cột đó là ước mơ, ký ức và cầu nguyện. Sự gần gũi của Thiên Chúa sẽ ban cho tất cả chúng ta, ngay cả những người yếu đuối nhất trong chúng ta, sức mạnh cần thiết để cất bước vào một hành trình mới trên con đường của ước mơ, ký ức và cầu nguyện.
Tiên tri Giôen đã từng hứa: “Người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến” (3:1). Tương lai của thế giới phụ thuộc vào giao ước này giữa người trẻ và người già. Nếu không phải là người trẻ thì ai có thể đón lấy những ước mơ của người già và biến chúng thành hiện thực? Tuy nhiên, để điều này xảy ra, chúng ta cần phải tiếp tục ước mơ. Ước mơ của chúng ta về công lý, về hòa bình, về tình liên đới có thể giúp lớp người trẻ của chúng ta có những tầm nhìn mới; bằng cách này, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng tương lai. Ông bà cần chứng tỏ rằng chúng ta có thể đổi mới sau những kinh nghiệm gian khó. Tôi chắc chắn rằng ông bà có nhiều kinh nghiệm như vậy: trong cuộc đời của ông bà, ông bà đã phải đối mặt với bất kỳ khó khăn nào nhưng vẫn có thể vượt qua. Hãy sử dụng những kinh nghiệm đó để học cách vượt qua lúc này.
Vì thế, những giấc mơ được đan xen với ký ức. Tôi nghĩ đến ký ức đau thương của chiến tranh, và tầm quan trọng để giúp những người trẻ học được giá trị của hòa bình. Những ông bà đã trải qua đau khổ của chiến tranh phải truyền lại thông điệp này. Giữ cho ký ức sống động là một sứ mệnh thực sự của mỗi người cao tuổi: giữ ký ức sống động và chia sẻ nó với những người khác. Bà Edith Bruck, người sống sót sau sự kinh hoàng của trại tập trung Shoah, đã nói rằng “ngay cả việc chỉ khai sáng cho một lương tâm duy nhất cũng đáng để nỗ lực và chịu đau đớn để giữ cho ký ức về những gì đã qua luôn sống động”. Bà tiếp tục nói: “Đối với tôi, ký ức là cuộc sống.” [3] Tôi cũng nghĩ đến ông bà của tôi, và những ông bà đã phải di cư và hiểu rõ rằng thật khó khăn biết bao khi phải bỏ lại tất cả đằng sau, như rất nhiều người ngày nay vẫn tiếp tục phải làm, với hy vọng về một tương lai. Một số người trong số đó có thể bây giờ đang ở bên cạnh chúng ta, đang chăm sóc cho chúng ta. Những ký ức như vậy có thể giúp xây dựng một thế giới nhân văn và chào đón hơn. Tuy nhiên, nếu không có ký ức, chúng ta sẽ không bao giờ có thể xây dựng được; không có nền móng thì chúng ta không bao giờ xây được một ngôi nhà. Không bao giờ. Và nền móng của cuộc sống là ký ức.
Cuối cùng là cầu nguyện. Như đấng tiền nhiệm của tôi, Đức Giáo hoàng Benedict, chính ngài là một người cao tuổi thánh thiện tiếp tục cầu nguyện và làm việc cho Giáo hội, đã từng nói: “Lời cầu nguyện của người cao tuổi có thể bảo vệ thế giới, có thể còn hiệu quả hơn cả những hoạt động quay cuồng của nhiều người khác”.[4] Ngài đã nói những lời đó năm 2012, trước khi kết thúc triều đại giáo hoàng của ngài. Ở đây có một nét rất đẹp. Lời cầu nguyện của ông bà là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá: một hơi thở sâu mà Giáo hội và thế giới đang vô cùng cần đến (xem Tông huấn Evangelii Gaudium, 262). Đặc biệt trong những thời điểm khó khăn này đối với gia đình nhân loại của chúng ta, khi chúng ta tiếp tục chèo chung một con thuyền vượt biển bão tố của đại dịch, sự cầu thay nguyện giúp của ông bà cho thế giới và cho Giáo hội có giá trị to lớn: nó khơi dậy sự vững tin trong mọi người rằng chúng ta sẽ sớm cập bến bờ.
Thưa các ông bà nội ngoại, thưa các bạn cao niên, trước khi kết thúc Sứ điệp này gửi đến ông bà, tôi muốn nhắc đến mẫu gương của Chân phước (và sắp tới là Thánh) Charles de Foucauld. Ngài đã sống như một ẩn sĩ ở Algeria, và ở đó đã làm chứng cho “lòng khao khát của ngài là cảm thấy bản thân là một người anh em của tất cả mọi người” (Tông huấn Fratelli Tutti, 287). Câu chuyện về cuộc đời của ngài cho thấy cách để cầu thay nguyện giúp cho những người nghèo trên toàn thế giới, và thực sự trở thành một người anh / chị / em phổ quát, ngay cả trong sự quạnh hiu của sa mạc của riêng một người.
Qua tấm gương của ngài, tôi cầu xin Chúa cho tất cả chúng ta biết mở rộng lòng nhạy cảm trước những đau khổ của người nghèo và cầu nguyện cho những thiếu thốn của họ. Ước mong rằng mỗi người chúng ta học cách lặp lại với tất cả mọi người, và đặc biệt là với những người trẻ, những lời an ủi mà chúng ta đã nghe nói với chúng ta ngày hôm nay: “Thầy luôn ở cùng anh em mọi ngày”! Hãy tiếp tục tiến bước! Xin Chúa ban phúc lành cho ông bà.
Rôma, Đền Thánh Gioan Lateran, 31 tháng Năm, 2021, Lễ Đức Bà đi viếng bà Êlisabét
PHANXICÔ
________________
[1] The episode is narrated in the Protoevangelium of James.
[2] This image has been chosen as the logo for the World Day of Grandparents and the Elderly.
[3] Memory is life, writing is breath. L’Osservatore Romano, January 26, 2021.
[4] Visit to the Group Home “Viva gli Anziani”, 2 November 2012.
________________
[Nguồn: vatican.va]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/6/2021]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét