Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2021

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường của nước Cộng hòa Ba Lan nhân dịp phiên họp thứ XLII của Hội nghị FAO

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường của nước Cộng hòa Ba Lan nhân dịp phiên họp thứ XLII của Hội nghị FAO

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường của nước Cộng hòa Ba Lan,
Nhân dịp phiên họp thứ XLII của Hội nghị FAO

[Rôma, 14-18 tháng Sáu, 2021]


Kính gửi Ngài MICHAŁ KURTYKA
Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường
của nước Cộng hòa Ba Lan
Chủ tịch Hội nghị FAO lần thứ XLII

Thời điểm hiện tại, vẫn bị đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng sức khỏe, kinh tế và xã hội do Covid-19 gây ra, cho thấy rằng công việc mà FAO thực hiện nhằm tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng có tầm quan trọng đặc biệt, chúng tiếp tục là những thách thức lớn của thời đại chúng ta. Bất kể những thành tựu đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua, nhiều anh chị em của chúng ta vẫn chưa được tiếp cận với nguồn dinh dưỡng cần thiết, cả về số lượng và chất lượng.

Năm ngoái, số người có nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng, và những người cần được hỗ trợ cấp thời để tồn tại, đã vượt đến con số cao nhất trong vòng 5 năm qua. Tình hình này có thể trở nên xấu hơn trong tương lai. Những cuộc xung đột, các hiện tượng thời tiết cực đoan, những cuộc khủng hoảng kinh tế, cùng với cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại là nguồn gốc của nạn đói và sự đói nghèo cho hàng triệu người. Do đó, để giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương ngày càng gia tăng này, điều quan trọng là phải áp dụng các chính sách có thể giải quyết những nguyên nhân thuộc cơ cấu đã gây ra chúng.

Để đưa ra giải pháp cho những điều cần thiết này, điều quan trọng trên tất cả là bảo đảm rằng các hệ thống lương thực có tính linh hoạt, toàn diện, bền vững và có khả năng cung cấp chế độ ăn uống lành mạnh và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người. Theo quan điểm này, sự phát triển của một nền kinh tế tuần hoàn mang lại ích lợi, bảo đảm nguồn tài nguyên cho tất cả mọi người, ngay cả cho các thế hệ tương lai, và nó thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo. Yếu tố cơ bản để phục hồi sau cuộc khủng hoảng đang hoành hành chúng ta là một nền kinh tế lấy thước đo là con người, không chỉ nhắm đến lợi nhuận, mà bám chặt vào ích chung, tuân theo đạo đức và tôn trọng môi trường.

Việc tái thiết các nền kinh tế sau đại dịch mang đến cho chúng ta cơ hội để đảo ngược dòng chảy mà chúng ta đã đi theo cho đến nay, và đầu tư vào một hệ thống lương thực toàn cầu có khả năng chống lại các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Điều này bao gồm việc thúc đẩy một nền nông nghiệp bền vững và đa dạng, trong đó đánh giá đúng vai trò quý giá của việc canh tác gia đình và của cộng đồng nông thôn. Trên thực tế, thật là một nghịch lý khi chính những người sản xuất ra lương thực lại bị thiếu hoặc chịu sự khan hiếm lương thực. Ba phần tư người nghèo trên thế giới sống ở các vùng nông thôn và chủ yếu dựa vào nông nghiệp để kiếm sống. Tuy nhiên, do thiếu khả năng tiếp cận thị trường, quyền sở hữu đất đai, nguồn tài chính, cơ sở hạ tầng và công nghệ, những người anh chị em này của chúng ta là những người dễ bị tổn thương nhất với tình trạng mất an ninh lương thực.

Tôi đánh giá cao và động viên những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo rằng mỗi quốc gia có thể thiết lập các cơ chế cần thiết để đạt được sự tự chủ về lương thực cho mình, thông qua các mô hình phát triển và tiêu thụ mới, cũng như qua các hình thức tổ chức cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và đa dạng sinh học địa phương (xem Tông huấn Laudato si', cs. 129 , 180). Việc sử dụng tiềm năng đổi mới để hỗ trợ các nhà sản xuất nhỏ và giúp họ nâng cao năng lực và tính linh hoạt có thể giúp ích rất nhiều. Ở góc độ này, công việc mà quý ngài đang thực hiện có tầm quan trọng đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng hiện nay.

Ở thời điểm hiện tại, để bắt đầu sự phục hồi, bước căn bản là thúc đẩy một nền văn hóa quan tâm, sẵn sàng đối mặt với xu hướng vứt bỏ của chủ nghĩa cá nhân và hung hăng, đang hiện hữu trong xã hội của chúng ta. Trong khi một số gieo rắc những căng thẳng, đụng độ và sự hiểu lầm, ngược lại, chúng ta được mời gọi xây dựng một nền văn hóa hòa bình hướng tới các sáng kiến bao trùm mọi khía cạnh của cuộc sống con người và giúp chúng ta loại bỏ thứ virus thờ ơ với lòng kiên nhẫn và quyết tâm.

Các bạn thân mến, chỉ đơn thuần xây dựng các chương trình thì không đủ để tạo động lực cho hành động của cộng đồng quốc tế; cần phải có những hành động cụ thể như một điểm quy chiếu cho sự thuộc về phổ quát của gia đình nhân loại và quảng bá tình huynh đệ. Những hành động tạo điều kiện cho việc xây dựng một xã hội thúc đẩy giáo dục, đối thoại và bình đẳng.

Trách nhiệm cá nhân dẫn đến trách nhiệm tập thể, điều này khuyến khích gia đình các quốc gia thực hiện những cam kết cụ thể và hiệu quả. Điều cần thiết là “chúng ta không chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình, những lợi ích đặc quyền. Chúng ta xem sự thử thách này như một cơ hội để chuẩn bị tất cả mọi người cho ngày mai, không loại trừ bất kỳ ai: tất cả mọi người. Vì nếu không có cái nhìn tổng quan thì không người nào có tương lai” (Bài giảng Lễ Lòng Chúa Thương xót, 19 tháng Tư, 2020).

Thưa ngài Chủ tịch Hội nghị, tôi xin gửi lời chào thân ái tới ngài, và tới ngài Tổng Giám đốc FAO, cùng các vị Đại diện của các Quốc gia và Tổ chức Quốc tế khác, cũng như các vị đại biểu khác, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến ngài vì nỗ lực của ngài. Bằng những cơ cấu và thể chế của mình, Tòa thánh và Giáo hội Công giáo ủng hộ công cuộc của Hội nghị này và đồng hành với quý ngài trong việc cống hiến cho một thế giới công bằng hơn, để phục vụ những anh chị em không có khả năng tự vệ và thiếu thốn của chúng ta.

Thân ái,

Phanxicô

Vatican, 14 tháng Sáu, 2021

___________________________________________________________

from L'Osservatore Romano , Year CLXI n. 132, Monday 14 June 2021, p.12


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/6/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét