Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2021

Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Budapest nhân dịp Thánh Lễ Bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế - Gặp gỡ các Giám mục, Linh mục, Nam Nữ Tu sĩ, Chủng sinh và Giáo lý viên trong Nhà thờ Chính tòa Thánh Martino, 13.09.2021

Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Budapest nhân dịp Thánh Lễ Bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế - Gặp gỡ các Giám mục, Linh mục, Nam Nữ Tu sĩ, Chủng sinh và Giáo lý viên trong Nhà thờ Chính tòa Thánh Martino, 13.09.2021

Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Budapest nhân dịp Thánh Lễ Bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52, và đến Slovakia

(12-15 tháng Chín, 2021)

Gặp gỡ các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ Nam Nữ, Chủng sinh và Giáo lý viên trong Nhà thờ Chính tòa Thánh Martino, 13.09.2021


Lúc 10.45 sáng nay, Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên trong Nhà thờ Chính tòa Thánh Martino.

Khi đến nơi, ngài được chào đón tại cổng vào nhà thờ bởi Đức Tổng Giám mục Stanislav Zvolenský của Bratislava, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Slovakia, và bởi linh mục xứ trao cho ngài cây thánh giá và nước thánh để rảy. Sau đó, đoàn rước đi dọc gian giữa nhà thờ trong tiếng ca vang một bài thánh ca. Đức Giáo Hoàng nhận một bó hoa từ một chủng sinh và một giáo lý viên, sau đó ngài dâng hoa trước Thánh Thể. Sau giây phút thinh lặng cầu nguyện, Đức Thánh Cha trở lại bàn thờ.

Sau phần giới thiệu chào mừng của ngài Chủ tịch Hội đồng Giám mục Slovakia, Đức Thánh Cha Phanxicô ban huấn từ của ngài.

Cuối buổi gặp gỡ, sau kinh Lạy Cha và phép lành cuối cùng, Đức Thánh Cha đã chào riêng từng vị giám mục và chụp ảnh chung với các ngài. Sau đó, ngài trở về Tòa Khâm sứ Bratislava bằng xe hơi.

Sau đây là bài huấn từ của Đức Giáo hoàng trong cuộc gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên:

*****

Huấn từ của Đức Thánh Cha

Thưa các huynh đệ Giám mục,

Thưa các linh mục, tu sĩ và chủng sinh

Các giáo lý viên, anh chị em thân mến, xin chào!

Cha rất vui được gửi lời chào tất cả anh chị em và tôi xin cảm ơn Đức Tổng Giám mục Stanislav Zvolenský vì những lời rất đẹp của ngài. Xin cảm ơn lời mời của anh chị em để được cảm nhận sự gần gũi giữa anh chị em. Cha đến như là một người anh em, vì vậy cha thực sự cảm thấy mình là một người trong anh chị em. Cha ở đây để chia sẻ hành trình của anh chị em – đây là điều mà một Giám mục và một Giáo hoàng phải làm – những câu hỏi, cũng như những khát vọng và hy vọng của Giáo hội và đất nước này; về vấn đề đó, tôi đã nói với Bà Tổng thống rằng Slovakia là một bài thơ! Chia sẻ là phong cách của cộng đoàn Kitô giáo sơ khai: họ kiên trì cầu nguyện và họ cùng nhau tiến bước trong sự hòa hợp (xem Cv 1:2-14). Họ cũng từng cãi vã, nhưng họ cùng nhau tiến bước.

Đây là điều chúng ta cần hơn hết: một Giáo hội cùng nhau tiến bước, cùng nhau bước đi trên những con đường của cuộc sống, giữ ngọn lửa sống động của Tin Mừng. Giáo hội không phải là một pháo đài, một thành trì, một lâu đài sừng sững, tự mãn và nhìn ra thế giới bên dưới. Ở Bratislava này, anh chị em có một lâu đài và nó là một lâu đài đẹp! Tuy nhiên, Giáo Hội là một cộng đoàn tìm cách cuốn hút mọi người đến với Chúa Kitô bằng niềm vui của Tin Mừng, không phải là một lâu đài! Giáo hội là men của Vương quốc tình yêu và hòa bình của Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta. Xin đừng để chúng ta bị cám dỗ bởi những cạm bẫy và sự vĩ đại của thế gian! Giáo hội phải khiêm nhường, giống như Chúa Giêsu, Đấng tự trút bỏ tất cả và trở nên nghèo khó để làm cho chúng ta nên giàu có (xem 2 Cr 8:9). Đó là cách Ngài đến cư ngụ giữa chúng ta và chăm sóc cho nhân loại bị thương tổn của chúng ta.

Một Giáo hội khiêm nhường thật đẹp biết bao, một Giáo hội không đứng tách rời khỏi thế giới, nhìn cuộc đời bằng con mắt xa cách, nhưng sống đời sống của mình trong thế giới. Sống trong thế giới có nghĩa là sẵn sàng chia sẻ và thấu hiểu các vấn đề, những hy vọng và kỳ vọng của con người. Điều này sẽ giúp chúng ta thoát khỏi sự tự mãn, vì trung tâm của Giáo hội không phải là Giáo hội! Khi Giáo hội chỉ quan tâm đến mình, thì rốt cuộc cũng giống như người phụ nữ trong Tin Mừng: lưng còng xuống, xem mình là trung tâm (xem Lc 13:10-13). Trung tâm của Giáo hội không phải là chính mình. Chúng ta phải bỏ lại phía sau mối quan tâm quá mức đến bản thân, đến cấu trúc của chúng ta, đến những gì xã hội nghĩ về chúng ta. Điều này chỉ dẫn chúng ta đến một “thần học thẩm mỹ”… Chúng ta làm thế nào để bản thân trông đẹp đẽ? Thay vì vậy, chúng ta cần hòa mình vào cuộc sống thực của mọi người và tự hỏi bản thân: nhu cầu và mong đợi tinh thần của họ là gì? Họ mong đợi gì ở Giáo hội? Điều quan trọng là phải cố gắng trả lời cho những câu hỏi này. Đối với cha, có ba từ ngữ xuất hiện trong trí.

Thứ nhất là tự do. Không có tự do, không thể có nhân tính thực sự, bởi vì con người được tạo dựng một cách tự do để được tự do. Các chương bi thảm trong lịch sử đất nước của anh chị em cho một bài học rất lớn: bất cứ khi nào sự tự do bị tấn công, bị vi phạm và đàn áp, nhân tính sẽ bị méo mó và những cơn phong ba của bạo lực, áp bức và xóa bỏ các quyền nhanh chóng nổ ra.

Tự do không phải là thứ tự động đạt được, một lần và cho tất cả. Không! Nó luôn luôn là một tiến trình, có những lúc mệt mỏi và luôn cần được đổi mới, là điều mà chúng ta cần phấn đấu mỗi ngày. Tự do bên ngoài, hoặc trong các cấu trúc của xã hội là chưa đủ, phải là tự do đích thực. Tự do đòi hỏi trách nhiệm cá nhân đối với những lựa chọn, sự phân định và sự kiên trì của chúng ta. Điều này quả thật là mệt mỏi và thậm chí đáng sợ. Đôi khi, sẽ dễ dàng hơn nếu không bị thách thức bởi các hoàn cảnh cụ thể, tiếp tục làm những gì chúng ta đã làm trong quá khứ, không can dự quá sâu, không mạo hiểm khi đưa ra quyết định. Chúng ta thà rằng xuôi theo bằng cách làm những gì người khác – hoặc dư luận hoặc phương tiện truyền thông – quyết định cho chúng ta. Không nên như vậy. Ngày nay rất thường khi chúng ta làm những gì mà các phương tiện truyền thông quyết định chúng ta làm. Theo cách này, chúng ta đánh mất tự do của mình.

Chúng ta hãy suy ngẫm về lịch sử của dân tộc Israel: họ đã phải chịu đau khổ dưới sự chuyên chế của Pharaô, họ là nô lệ và sau đó Thiên Chúa đã giải phóng họ. Tuy nhiên, để trải nghiệm tự do thực sự, không chỉ đơn giản là tự do thoát khỏi kẻ thù của họ, họ phải băng qua sa mạc, thực hiện một hành trình mệt mỏi. Sau đó, họ bắt đầu suy nghĩ: “Chẳng phải trước đây chúng ta còn khá hơn bây giờ sao? Ít nhất chúng ta cũng đã có một vài củ hành để ăn ...” Đây là sự cám dỗ rất lớn: thà được một vài củ hành còn hơn là nỗ lực và rủi ro liên quan đến tự do. Đây là một trong những cám dỗ của chúng ta. Hôm qua, nói chuyện với các vị đại diện đại kết, cha đã đề cập đến Dostoyevsky và tác phẩm “Grand Inquisitor” của ông. Chúa Giêsu bí mật trở lại trái đất và người tra hỏi khiển trách ngài vì đã ban quyền tự do cho con người. Một chút bánh mì và một ít thứ nhỏ bé khác là đủ. Cám dỗ này luôn luôn hiện hữu, cám dỗ của hành tỏi. Thà có một vài cây tỏi tây và chút bánh mì còn hơn là nỗ lực và rủi ro liên quan đến tự do. Cha để điều này lại cho anh chị em suy nghĩ về nó.

Đôi khi trong Giáo hội, ý tưởng này cũng có thể tồn tại. Chẳng thà mọi thứ được vạch định sẵn sàng, các luật lệ để tuân giữ, sự an toàn và đồng nhất, hơn là trở thành những Kitô hữu và người lớn có trách nhiệm chịu suy nghĩ, chất vấn lương tâm và cho phép bản thân bị thử thách. Đây là bước đầu của sự ngụy biện, cố gắng chỉnh đốn mọi thứ. Trong đời sống thiêng liêng và trong đời sống Giáo hội, chúng ta có thể bị cám dỗ để tìm kiếm một sự bình an bề mặt để an ủi chúng ta, hơn là ngọn lửa của Tin Mừng làm chúng ta thao thức và biến đổi chúng ta. Một ít củ hành an toàn của Ai Cập chứng tỏ là dễ chịu hơn so với những bấp bênh của sa mạc. Tuy nhiên, một Giáo hội không có chỗ cho cuộc phiêu lưu của tự do, ngay cả trong đời sống thiêng liêng, có nguy cơ trở nên cứng nhắc và khép kín. Một số người có thể quen với điều này. Nhưng nhiều người khác – đặc biệt là các thế hệ trẻ – không bị thu hút bởi một đức tin khiến họ không có tự do nội tâm. Họ không bị thu hút bởi một Giáo hội mà ở đó tất cả mọi người đều phải suy nghĩ giống nhau và tuân theo một cách mù quáng.

Các bạn thân mến, đừng ngại đào tạo mọi người để có một mối tương quan trưởng thành và tự do với Thiên Chúa. Mối tương quan này là quan trọng. Cách tiếp cận này có thể tạo cảm giác rằng chúng ta đang làm giảm bớt quyền kiểm soát, quyền bính và quyền hạn của mình, tuy nhiên Giáo hội của Đấng Kitô không tìm cách thống trị lương tâm và chiếm lĩnh không gian, mà là trở thành “suối nguồn” hy vọng trong cuộc sống của mọi người. Đây là sự phiêu lưu; đây là thách đố. Trên hết, cha nói điều này với các giám mục và linh mục, vì anh em đang thừa tác vụ trong một đất nước có nhiều thay đổi nhanh chóng và nhiều tiến trình dân chủ đã được khởi động, nhưng tự do vẫn còn mong manh. Điều này đặc biệt đúng khi có liên quan đến tâm hồn và trí óc của con người. Vì lý do này, cha khuyến khích anh em hãy giúp giải phóng họ khỏi một tôn giáo cứng nhắc. Cầu mong họ được giải thoát khỏi điều này, và cầu mong họ tiếp tục được phát triển trong tự do. Không ai cảm thấy bị lấn át. Mọi người nên khám phá sự tự do của Tin Mừng bằng cách dần dần đi vào mối tương quan với Thiên Chúa, vững tin rằng họ có thể mang lịch sử và những thương tổn cá nhân của mình vào đến trước mặt Người mà không sợ hãi hay giả vờ, mà không cảm thấy cần phải bảo vệ hình ảnh của bản thân. Anh em có thể nói với họ “Tôi là một tội nhân”, nhưng hãy nói điều đó một cách chân thành, đừng đấm ngực và rồi cứ nghĩ rằng mình là công chính. Tự do. Xin cho việc loan báo Tin Mừng được giải phóng, không bao giờ bị đè nén. Và cầu mong Giáo hội là một dấu chỉ của tự do và chào đón!

Cha kể cho anh em nghe một câu chuyện đã xảy ra cách đây một thời gian. Cha chắc chắn không ai biết nó đã xảy ra ở đâu. Câu chuyện về một bức thư mà một Giám mục đã viết, phàn nàn về một vị Khâm sứ. Đức cha nói: “Trong bốn trăm năm, chúng tôi đã phải chịu sự áp bức của người Thổ Nhĩ Kỳ, và chúng tôi đã phải chịu đựng rất nhiều. Rồi sau đó, trong năm mươi năm chúng tôi ở dưới chế độ Cộng sản và chúng tôi cũng đã phải chịu đau khổ rất nhiều. Nhưng bảy năm qua với Khâm sứ này còn tệ hơn hai thời gian kia!” Có lúc cha tự hỏi: Có bao nhiêu người có thể nói điều tương tự về Giám mục hoặc cha xứ của họ? Bao nhiêu người? Không, nếu không có tự do, không có tình phụ tử, sẽ không có con đường phía trước.

Chữ thứ nhất là tự do, chữ thứ hai là sáng tạo. Anh em được thừa hưởng một truyền thống tuyệt vời. Di sản tôn giáo của anh em được sinh ra từ sự rao giảng và thừa tác của những nhân vật kiệt xuất như Thánh Cyril và Methodius. Các ngài dạy chúng ta rằng truyền giáo không bao giờ đơn thuần là sự lặp lại quá khứ. Niềm vui của Tin Mừng luôn luôn là Đấng Kitô, nhưng những con đường mà tin vui này có thể khác nhau qua thời gian và lịch sử. Các con đường đều khác nhau. Các Thánh Cyril và Methodius cùng nhau đi qua phần lục địa Châu Âu này và bùng cháy nhiệt huyết rao giảng Phúc âm, các ngài thậm chí còn phát minh ra một bảng chữ cái mới để dịch Kinh thánh, phụng vụ và giáo lý Kitô giáo. Do đó, các ngài trở thành những tông đồ của sự hội nhập văn hóa đức tin ở giữa anh em. Các ngài đã phát minh ra những ngôn ngữ mới để truyền tải Phúc âm; các ngài sáng tạo trong việc dịch thông điệp Kitô giáo; và các ngài đã tiến rất gần đến lịch sử của các dân tộc mà các ngài gặp gỡ đến mức các ngài học ngôn ngữ của họ và đồng hóa với văn hóa của họ. Cha có thể hỏi: Đây không phải là điều mà Slovakia ngày nay cũng cần sao? Đây có lẽ là nhiệm vụ cấp bách nhất mà Giáo hội phải đối mặt trước các dân tộc ở Châu Âu: tìm ra những “bảng chữ cái” mới để công bố đức tin?

Chúng ta là người thừa kế một truyền thống Kitô giáo phong phú, nhưng đối với nhiều người ngày nay, truyền thống đó là một di tích của quá khứ; nó không còn nói với họ hoặc ảnh hưởng đến cách họ sống cuộc sống của họ. Đứng trước việc đánh mất ý thức về Thiên Chúa và niềm vui đức tin, phàn nàn chỉ là vô ích, để giấu mình sau một đạo Công giáo phòng thủ, phán xét và đổ lỗi cho thế gian xấu xa. Không! Điều chúng ta cần là sự sáng tạo của Tin Mừng. Chúng ta phải chú ý. Tin Mừng không bị khép lại; nó đang mở ra. Tin Mừng vẫn đang sống, nó vẫn đang hoạt động, nó vẫn đang mở ra. Chúng ta hãy nghĩ đến những người mang một người bại liệt đến với Chúa Giêsu, nhưng không thể qua được cửa trước. Họ mở một khoảng trống trên mái nhà và thả người bại liệt từ trên cao xuống (xem Mc 2:1-5). Họ rất sáng tạo! Đứng trước khó khăn, họ hỏi “Chúng ta xoay sở cách nào đây? ... À, chúng ta làm như vầy…”. Có lẽ, khi đối mặt với một thế hệ không còn tin tưởng, một thế hệ đã mất đi cảm thức đức tin hoặc xem đức tin chỉ là một thói quen đơn thuần hoặc ít nhiều là lòng đạo đức chấp nhận được, chúng ta hãy tìm cách mở một lỗ trống trên mái nhà; chúng ta hãy sáng tạo.

Tự do và sáng tạo… Thật là một điều tuyệt vời khi chúng ta tìm ra những cách thức, phương tiện và ngôn ngữ mới để loan báo Tin Mừng! Chúng ta có thể sử dụng sức sáng tạo của con người; tất cả mọi người chúng ta đều có khả năng này. Nhưng nguồn sáng tạo tuyệt vời là Chúa Thánh Thần! Ngài là người truyền cảm hứng để chúng ta sáng tạo. Nếu bằng cách rao giảng và chăm sóc mục vụ, chúng ta không thể đi vào theo cách thông thường nữa, chúng ta hãy thử mở ra những không gian khác nhau, và thử nghiệm với những phương tiện khác.

Ở đây cho phép cha ra ngoài đề một chút về việc giảng dạy. Có người nói với cha rằng trong Tông huấn Evangelii Gaudium cha đã nói quá nhiều về bài giảng, bởi vì đó là một trong những vấn đề của chúng ta ngày nay. Bài giảng không phải là một bí tích, như một số anh em Tin lành tuyên bố, nhưng nó là một á bí tích! Nó không phải là một bài giảng Mùa Chay, mà là một điều khác. Nó là trọng tâm của Bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy nghĩ đến các tín hữu, họ phải nghe các bài giảng kéo dài từ bốn mươi đến năm mươi phút về những chủ đề mà họ không hiểu hoặc chẳng ảnh hưởng đến họ ... Xin các linh mục và Giám mục hãy soạn bài giảng theo cách chạm vào kinh nghiệm sống của con người, và bảo đảm chúng được đặt trên nền tảng của Kinh Thánh. Nói chung, một bài giảng không nên kéo dài quá mười phút, bởi vì sau tám phút, anh em sẽ đánh mất sự chú ý của mọi người, trừ khi nó thực sự hấp dẫn. Nhưng không nên kéo dài hơn mười đến mười lăm phút. Giáo sư về môn thuyết giảng của cha từng nói rằng một bài giảng phải có tính nhất quán bên trong: một ý tưởng, một hình ảnh và một sức ảnh hưởng; rằng mọi người ra về với một ý tưởng, một hình ảnh hoặc một cái gì đó đã lay động trong tâm hồn họ. Rao giảng Tin Mừng thật đơn giản! Đó là cách Chúa Giêsu giảng dạy, sử dụng các ví dụ như chim chóc, những cánh đồng… Ngài sử dụng những điều cụ thể mà mọi người hiểu được. Thứ lỗi cho tôi vì đã quay trở lại vấn đề này, nhưng điều đó làm tôi lo lắng ... [vỗ tay] ... Cho tôi đùa một chút: các Sơ là những nạn nhân các bài giảng của chúng ta, đã khởi xướng tiếng vỗ tay đó!

Chính Thánh Cyril và Methodius đã làm điều này, các ngài mở lòng trước sự sáng tạo mới này, và các ngài dạy chúng ta rằng Tin Mừng không thể phát triển nếu nó không bén rễ vào trong văn hóa của một dân tộc, các biểu tượng và những câu hỏi, lời nói và chính cuộc sống của dân tộc. Như anh chị em đã biết, hai người anh em này đã gặp phải những trở ngại và bắt bớ. Các ngài bị buộc tội là dị giáo vì họ đã dám dịch ngôn ngữ của đức tin. Đó là ý thức hệ sinh ra từ sự cám dỗ của tính đồng nhất. Mặt khác, rao giảng Tin mừng là một tiến trình, một tiến trình hội nhập văn hóa. Nó là một hạt giống hiệu quả của sự mới mẻ, sự mới mẻ của Thần Khí là Đấng đổi mới mọi sự. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng người gieo giống đi gieo hạt rồi về nhà ngủ. Anh ta không thức dậy để xem hạt giống có phát triển hay không, xem nó có nảy mầm hay không… Chính Chúa là người cho nó phát triển. Đừng kiểm soát sự sống quá nhiều về mặt này: hãy để sự sống phát triển, như Thánh Cyril và Methodius đã làm. Vâng, đúng là nó tùy thuộc việc chúng ta gieo giống tốt và chăm sóc nó như những người cha. Người nông dân quan sát, nhưng anh ta không đi ra đồng mỗi ngày để xem nó phát triển như thế nào. Nếu anh ta làm như vậy, anh ta sẽ giết chết cây.

Tự do, sáng tạo và cuối cùng là đối thoại. Một Giáo hội đào tạo con người về tự do trong tâm hồn và tính trách nhiệm, một dân tộc có khả năng sáng tạo bằng cách dấn thân vào lịch sử và văn hóa của mình, cũng là Giáo hội có khả năng tham gia đối thoại với thế giới, với những ai tuyên xưng Đức Kitô mà không phải là “của chúng tôi”, với những những người đang đấu tranh với tôn giáo, và ngay cả với những người không phải là người tin. Giáo hội không phải là một nhóm người đặc biệt. Giáo hội đối thoại với tất cả mọi người: những người tin, những người sống đời thánh thiện, những người thờ ơ và những người không tin. Giáo hội nói với tất cả mọi người. Theo những bước chân của Thánh Cyril và Methodius, đó là một Giáo hội hiệp nhất và giữ kết nối giữa phương Đông và phương Tây, những truyền thống và sự nhạy cảm khác nhau. Khi loan báo Tin Mừng yêu thương, một cộng đồng giúp cho sự hiệp thông, tình bằng hữu và sự đối thoại được nảy nở giữa các tín hữu, giữa các nền tảng tuyên xưng Kitô giáo khác nhau, và giữa các dân tộc.

Hiệp nhất, hiệp thông và đối thoại luôn luôn mong manh, nhất là trong bối cảnh của một lịch sử đau thương đã để lại những vết sẹo. Ký ức về những tổn thương trong quá khứ có thể gây ra sự oán giận, ngờ vực và thậm chí là khinh miệt; nó có thể cám dỗ chúng ta tự đặt chướng ngại cho bản thân trước những người khác biệt. Tuy nhiên, các vết thương luôn có thể biến thành những lối đi, những lối mở ra để trở nên như các vết thương của Chúa, cho phép lòng thương xót của Chúa vượt trổi lên. Ân sủng đó thay đổi cuộc sống của chúng ta và làm cho chúng ta trở thành những nghệ nhân của hòa bình và hòa giải. Anh chị em có một câu tục ngữ: “Nếu ai đó ném một hòn đá vào bạn, hãy ném lại cho người đó bánh mì”. Câu này thật truyền cảm. Điều này cũng rất thật đối với việc rao giảng Tin mừng! Chính Chúa Giêsu mời gọi phá vỡ vòng xoáy xấu xa và tàn phá của bạo lực bằng cách đưa má cho những kẻ bắt bớ chúng ta, bằng cách chiến thắng sự dữ bằng sự thiện (xem Rm 12:21). Tôi luôn bị ấn tượng bởi một biến cố trong lịch sử của Đức Hồng y Korec. Ngài là một Hồng y Dòng Tên, bị chế độ đàn áp, bị bỏ tù, và bị kết án lao động khổ sai cho đến khi lâm bệnh. Khi đến Rôma nhân dịp Năm Thánh 2000, ngài đã đến các hang toại đạo và thắp sáng một ngọn nến cho những kẻ bắt bớ ngài, khẩn xin lòng thương xót cho họ. Đây là Tin Mừng! Nó phát triển trong cuộc sống và trong lịch sử nhờ tình yêu khiêm tốn và kiên nhẫn.

Các bạn thân mến, tôi cảm tạ Chúa vì những giây phút bên nhau này, và tôi chân thành cảm ơn vì tất cả những gì anh chị em đã làm, và tất cả anh chị em, cũng như những gì anh chị em sẽ làm, được truyền cảm hứng từ bài giảng này, cũng là hạt giống mà tôi đang gieo… Chúng ta hãy xem có cây nào phát triển! Tôi khuyến khích anh chị em hãy kiên trì trong hành trình của mình trong tự do của Tin mừng, trong sự sáng tạo của đức tin và trong cuộc đối thoại bắt nguồn từ lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã làm cho chúng ta trở thành anh chị em và kêu gọi chúng ta trở thành những người xây dựng sự hòa hợp và hòa bình. Tôi ban phép lành cho anh chị em và tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/9/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét