Thứ Hai, 11 tháng 1, 2021

KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO NGÀY 10 THÁNG MỘT

KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO NGÀY 10 THÁNG MỘT

KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO NGÀY 10 THÁNG MỘT

Chúa nhật, 10 tháng Một năm 2021



Anh chị em thân mến, Buongiorno!

Hôm nay chúng ta đang cử hành phép Rửa của Chúa. Một vài ngày trước, chúng ta đã chiêm ngắm Hài nhi Giêsu được các đạo sĩ đến thăm; hôm nay chúng ta thấy Ngài là một người trưởng thành bên bờ sông Giođan. Phụng vụ cho chúng ta một bước nhảy rất dài khoảng 30 năm, 30 năm mà chúng ta biết được một điều: đó là những năm sống ẩn dật mà Chúa Giêsu đã trải qua cùng gia đình – đầu tiên là một ít năm ở Ai Cập, là một người di cư để trốn khỏi sự bách hại của Hêrôđê, những năm khác ở Nadarét, học cách buôn bán của Thánh Giuse – cùng với gia đình, vâng lời cha mẹ, học tập và làm việc. Điều đáng chú ý là phần lớn thời gian của Ngài trên trần gian Chúa đã trải qua theo cách này: sống một cuộc sống bình thường, không có gì nổi bật. Theo các Tin mừng, chúng ta nghĩ rằng có ba năm rao giảng, làm phép lạ và nhiều việc. Ba năm. Và những năm khác, tất cả những năm khác, là đời sống ẩn dật với gia đình Ngài. Đó là một thông điệp đẹp cho chúng ta: nó cho thấy sự vĩ đại của cuộc sống hàng ngày, tầm quan trọng của mọi cử chỉ và khoảnh khắc của cuộc sống, dù là đơn sơ nhất, thậm chí là âm thầm nhất trong mắt Thiên Chúa.

Sau 30 năm của đời sống ẩn dật, đời sống công khai của Chúa Giêsu bắt đầu. Và nó bắt đầu với phép rửa tại Sông Giođan. Nhưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa: tại sao Chúa Giêsu lại chịu phép rửa tội? Phép rửa của Gioan bao gồm một nghi thức sám hối; nó là dấu chỉ cho thấy sự sẵn sàng hối cải của một người, để trở nên tốt hơn, xin sự tha thứ tội của mình. Chúa Giêsu chắc chắn là không cần điều đó. Thật vậy, Gioan Tẩy giả đã cố tránh làm việc đó, nhưng Chúa Giêsu vẫn khăng khăng. Tại sao? Vì Ngài muốn ở cùng với các tội nhân: vì lý do này Ngài xếp hàng vào với họ và làm cùng một điều họ làm. Ngài làm việc đó với thái độ của con người, với thái độ của những người đến, như bài ca phụng vụ kể rằng “với một tâm hồn và đôi chân trần”. Một tâm hồn trần trụi, nghĩa là không có gì che phủ, giống như vậy, một tội nhân. Đây là cử chỉ Chúa Giêsu làm, và Ngài đi xuống sông để dìm mình vào trong cùng một tình trạng như chúng ta. Thật vậy, phép rửa thật ra có nghĩa là “ngâm mình xuống.” Trong ngày đầu tiên của sứ vụ, Chúa Giêsu cung cấp cho chúng ta một “bản tuyên ngôn theo chương trình” (programmatic manifesto) của Ngài. Ngài nói với chúng ta rằng Ngài không giải thoát chúng ta từ trên cao, với một quyết định tối cao hoặc hành động của sức mạnh, một sắc lệnh, không: Ngài cứu chúng ta bằng cách đến gặp gỡ chúng ta và mang lấy tội lỗi của chúng ta trên mình Ngài. Đây là cách Chúa chiến thắng sự dữ của thế gian: bằng cách tự hạ mình, chịu trách nhiệm về nó. Đó cũng là cách chúng ta có thể nâng người khác dậy: không bằng cách xét đoán, không bằng cách đề nghị ra những điều phải làm, nhưng bằng cách trở thành người anh em, cảm thông, chia sẻ tình yêu của Chúa. Sự gần gũi là cách thức của Chúa đối với chúng ta; chính Người đã nói như vậy với Môisê: ‘Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta?'. Sự gần gũi là cách thức của Chúa đối với chúng ta.

Sau hành động thương xót này của Chúa Giêsu, một điều phi thường xảy ra: các tầng trời mở ra và Ba Ngôi Thiên Chúa được mặc khải. Chúa Thánh Thần ngự xuống từ trời dưới hình chim bồ câu (Mc 1:10) và Chúa Cha nói với Chúa Giêsu: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (câu 11). Thiên Chúa tỏ lộ Người khi lòng thương xót xuất hiện. Anh chị em đừng quên điều này: Thiên Chúa tỏ lộ Người khi lòng thương xót xuất hiện, vì đó là dung nhan của Người. Chúa Giêsu trở thành người phục vụ các tội nhân và được công bố là Chúa Con; Ngài hạ mình xuống với chúng ta và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Ngài. Tình yêu mời gọi tình yêu. Nó cũng áp dụng cho chúng ta: trong mỗi hành động phục vụ, trong mọi việc làm của lòng thương xót mà chúng ta thực hiện, Chúa tỏ lộ Người; Chúa ghé mắt nhìn xuống thế giới. Điều này cũng áp dụng với chúng ta.

Nhưng, dù trước khi chúng ta làm bất cứ điều gì, đời sống của chúng ta đã được đánh dấu bởi lòng thương xót và nó được trao ban cho chúng ta. Chúng ta được giải thoát một cách nhưng không. Chúng ta đã được giải thoát một cách nhưng không. Ơn cứu độ là ơn nhưng không. Ơn được trao ban một cách nhưng không bởi hành động của lòng thương xót của Chúa đối với chúng ta. Điều này được thực hiện vào ngày Rửa tội của chúng ta; nhưng ngay cả những người không được rửa tội cũng luôn nhận được lòng thương xót của Chúa, vì Thiên Chúa ở đó, chờ đợi, chờ đợi họ mở cửa lòng của họ. Người đến gần, cho phép cha nói như vầy, Người âu yếm chúng ta bằng lòng thương xót của Người.

Xin Đức Mẹ, Đấng mà giờ đây chúng ta sẽ dâng lên lời cầu nguyện, giúp chúng ta biết nuôi dưỡng căn tính bí tích rửa tội của chúng ta, tức là căn tính của việc ‘được thương xót’ là nền tảng đức tin và đời sống.

_____________________________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Tôi gửi lời chào thân ái đến người dân Hoa Kỳ, đang bị rúng động bởi cuộc bao vây vừa qua tại Quốc hội. Tôi cầu nguyện cho những người đã chết – năm người – họ đã mất mạng sống trong những khoảnh khắc bi thương. Tôi nhắc lại rằng bạo lực luôn là tự phá hủy chính mình. Bạo lực chẳng mang lại điều gì nhưng lại mất mát quá nhiều. Tôi kêu gọi các nhà chức trách chính phủ và toàn thể người dân hãy duy trì tinh thần trách nhiệm sâu sắc, để giữ tâm hồn luôn bình tĩnh, thúc đẩy hòa giải dân tộc và bảo vệ các giá trị dân chủ đã bám rễ trong xã hội Mỹ. Xin Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đấng Bảo Trợ của Hoa Kỳ, giúp duy trì văn hóa gặp gỡ, văn hóa chăm sóc, là con đường cao cả để cùng nhau xây dựng ích chung; và tôi thực hiện điều đó với tất cả những người sống ở vùng đất đó.

Và bây giờ cha gửi lời chào đến tất cả anh chị em, những người được kết nối qua các phương tiện truyền thông. Như anh chị em biết, do đại dịch, hôm nay cha không thể cử hành Bí tích Rửa tội trong Nhà nguyện Sistine theo thông lệ. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh như thế nào, cha luôn cầu nguyện cho những trẻ em đã ghi tên đăng ký và cho cha mẹ của các bé, những cha mẹ đỡ đầu; và cha cầu nguyện cho tất cả các trẻ cũng lãnh nhận Bí tích Rửa tội trong dịp này, đón nhận căn tính Kitô hữu, đón nhận ơn tha thứ, ơn cứu độ. Xin Chúa chúc lành cho tất cả các trẻ!

Và thưa anh chị em, ngày mai là kết thúc Mùa Giáng Sinh, chúng ta sẽ tiếp tục hành trình phụng vụ Mùa Thường Niên. Chúng ta hãy kiên trì cầu xin ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để Người có thể giúp chúng ta trải nghiệm những điều bình thường bằng tình yêu thương và qua đó làm cho chúng trở nên phi thường. Chính tình yêu làm thay đổi: những điều bình thường dường như vẫn tiếp tục là bình thường, nhưng khi chúng được thực hiện với tình yêu, chúng sẽ trở nên phi thường. Nếu chúng ta luôn duy trì sự rộng mở tâm hồn, vâng nghe Thần Khí, thì Ngài sẽ soi dẫn những suy nghĩ và hành động hàng ngày của chúng ta.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng. Arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/1/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét