Tôi có thể làm gì, chúng ta có thể làm gì?: Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Thánh Phêrô và Phaolô
Antoine Mekary | ALETEIA
29/06/22
Trong Giáo Hội, tất cả chúng ta đều được kêu gọi trở thành những người môn đệ truyền giáo và góp phần của mình.
Trong Lễ Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi Giáo hội hãy “đứng dậy mau” và “đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp”, theo gương các Thánh Tông đồ vĩ đại.
Đức Thánh Cha nói trong bài giảng trong Thánh lễ ở Đền thánh Phêrô: “Trong vai trò là những người môn đệ của Chúa và cộng đoàn Kitô hữu, chúng ta cũng được kêu gọi hãy mau đứng dậy, đi vào mầu nhiệm phục sinh, và cho phép Chúa hướng dẫn chúng ta noi theo những con đường Người muốn chỉ ra cho chúng ta”.
Như đã thực hiện trong vài tuần qua khi tiếp tục việc trị liệu đầu gối, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử một vị khác dâng thánh lễ, lần này là Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Trưởng Hồng y đoàn.
Sau đây là bản dịch (ND: tiếng Anh) toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:
Chứng tá của hai Thánh Đại Tông đồ Phêrô và Phaolô hôm nay một lần nữa trở nên sống động trong phụng vụ của Giáo Hội. Phêrô, khi bị vua Hêrôđê cầm tù, được thiên thần của Chúa nói: “Đứng dậy mau đi” (Cv 12:7), còn Phaolô khi nhìn lại toàn bộ cuộc đời mình và hoạt động tông đồ nói rằng: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp” ( 2 Tm 4:7). Chúng ta hãy suy ngẫm về hai câu này – “đứng dậy mau đi” và “đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp” – và tự vấn rằng những lời này muốn nói điều gì với cộng đoàn Kitô giáo hôm nay, đang tham gia vào tiến trình thượng hội đồng.
Trước hết sách Tông đồ Công vụ kể cho chúng ta nghe về đêm Thánh Phêrô được giải thoát khỏi xiềng xích của ngục tù. Một thiên thần của Chúa đập vào cạnh sườn khi ngài đang ngủ, “đánh thức ông và bảo: ‘Đứng dậy mau đi!’” (Cv 12:7). Thiên thần đánh thức Phêrô và bảo ngài hãy đứng dậy. Cảnh này gợi cho chúng ta nhớ đến ngày Phục sinh, bởi vì nó có hai động từ hiện diện trong trình thuật về sự phục sinh: tỉnh giấc và đứng dậy. Thật vậy, thiên thần đánh thức Phêrô khỏi giấc ngủ say và thúc giục ông đứng dậy, trỗi dậy và đi về phía ánh sáng, cho phép mình được Chúa hướng dẫn khi đi qua những cánh cửa đóng kín trên đường đi (x. c. 10).
Hình ảnh này có ý nghĩa rất lớn cho Giáo hội. Trong vai trò là những người môn đệ của Chúa và cộng đoàn Kitô hữu, chúng ta cũng được kêu gọi hãy mau đứng dậy, đi vào mầu nhiệm phục sinh, và cho phép Chúa hướng dẫn chúng ta noi theo những con đường Người muốn chỉ ra cho chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta có nhiều hình thức phản kháng bên trong khiến chúng ta không thể bước ra ngoài. Là Giáo hội, đôi lúc chúng ta bị sự lười biếng kìm hãm; chúng ta thích ngồi và chiêm niệm một số điều chắc chắn mà chúng ta đang sở hữu hơn là đứng dậy và nhìn về những chân trời mới, hướng ra vùng biển rộng mở. Chúng ta thường cũng giống như Phêrô bị xiềng xích, bị giam hãm bởi những thói quen của mình, sợ thay đổi và bị cột chặt vào những ràng buộc của thói quen. Việc này âm thầm dẫn đến tính tầm thường về thiêng liêng: Chúng ta có nguy cơ “chọn cách dễ dàng” và “làm vừa đủ”, kể cả trong công việc mục vụ của chúng ta. Sự nhiệt thành của chúng ta đối với sứ mệnh giảm sút, và thay vì là một dấu hiệu của sức sống và sự sáng tạo, cuối cùng chúng ta lại tỏ vẻ hững hờ và bơ phờ. Rồi Tin mừng là dòng chảy mạnh mẽ của sự mới mẻ và sự sống nằm trong tay chúng ta – lấy lời của Cha de Lubac – một đức tin “rơi vào tính hình thức và thói quen…, một tôn giáo của những lễ nghi và lòng sùng bái, của những trang trí và những lời an ủi nhạt nhẽo … Một Kitô giáo mang tính giáo sĩ trị, hình thức, hời hợt và cứng nhắc” (The Drama of Atheist Humanism).
Thượng Hội đồng mà chúng ta đang cử hành kêu gọi chúng ta trở thành một Giáo hội đứng dậy, một Giáo hội không tự thu mình vào, nhưng có khả năng tiến về phía trước, bỏ lại những nhà tù của chính chúng ta và bước ra ngoài gặp gỡ thế giới, với lòng can đảm mở ra những cánh cửa. Cũng trong đêm đó, có một cám dỗ khác (xem Cv 12:12-17): một cô gái quá đỗi kinh ngạc đến mức thay vì mở cửa thì lại chạy vào kể câu chuyện dường như là một giấc mơ. Chúng ta hãy mở rộng cửa. Chúa đang lên tiếng gọi. Mong rằng chúng ta không trở nên giống như Rôđê chạy ngược vào trong.
Một Giáo hội không có xiềng xích và những bức tường, trong đó mọi người cảm nhận được chào đón và đồng hành, một Giáo hội nơi sự lắng nghe, đối thoại và tham gia được vun đắp dưới quyền năng duy nhất của Chúa Thánh Thần. Giáo hội tự do và khiêm nhường, “mau mắn đứng dậy” và không trì hoãn hoặc lưỡng lự trước những thách đố của thời đại hiện nay. Một Giáo Hội không quanh quẩn trong những đặc khu thánh của mình, nhưng được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng và mong muốn gặp gỡ và chấp nhận mọi người. Chúng ta đừng quên chữ đó: mọi người. Tất cả mọi người! Hãy đi đến các ngã tư đường và đưa tất cả mọi người, người mù, người điếc, người què, người bệnh, người công chính và người tội lỗi: tất cả mọi người! Lời này của Chúa phải tiếp tục vang vọng trong tâm hồn và tâm trí của chúng ta: trong Giáo hội có chỗ dành cho tất cả mọi người. Nhiều khi, chúng ta trở thành một Giáo hội với những cánh cửa mở ra, nhưng chỉ để đuổi con người ra ngoài, để kết án con người. Hôm qua, một người trong anh chị em nói với tôi rằng “Đây không phải là lúc để Giáo hội sai đi, đã đến lúc chào đón”. “Họ đã không đến dự tiệc cưới…” – vì vậy hãy đi đến các ngã tư đường. Đem tất cả mọi người, tất cả mọi người! “Nhưng họ là những tội nhân…” – Tất cả mọi người!
Trong bài đọc hai, chúng ta nghe những lời của thánh Phaolô khi nhìn lại toàn bộ cuộc đời mình đã nói rằng: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp” (2 Tm 4:7). Thánh Tông đồ đang đề cập đến không biết bao nhiêu tình huống, một số mang đậm dấu ấn của sự bắt bớ và đau khổ, trong đó ngài đã xả thân trong việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Giờ đây, vào cuối cuộc đời, ngài nhìn thấy rằng một “cuộc chiến” cao đẹp vẫn đang diễn ra trong lịch sử, vì nhiều người không chấp nhận Chúa Giêsu, thích theo đuổi lợi ích của họ và đi theo các người thầy khác, dễ chịu hơn, dễ dàng hơn, thuận theo ý thích của chúng ta nhiều hơn. Thánh Phaolô đã chiến đấu trong các cuộc chiến của riêng mình và giờ đây khi đến cuối đời, ngài yêu cầu Timôthê và các anh em trong cộng đoàn tiếp tục công việc của ngài với sự thận trọng, rao giảng và dạy bảo. Nói tóm lại, mỗi người hoàn thành sứ mệnh mà họ đã nhận được; mỗi người phải thi hành phần việc của mình.
Lời khuyên của Thánh Phaolô cũng là lời cho cuộc sống của chúng ta; lời đó làm cho chúng ta nhận ra rằng trong Giáo hội tất cả chúng ta đều được kêu gọi trở thành người môn đệ truyền giáo và góp phần của mình. Đến đây hai câu hỏi hiện lên trong đầu tôi. Câu thứ nhất là: Tôi có thể làm gì cho Giáo hội? Không phải phàn nàn về Giáo hội nhưng cam kết dấn thân cho Giáo hội. Tham gia với lòng nhiệt thành và sự khiêm tốn: với lòng nhiệt thành, vì chúng ta không tiếp tục là những khán giả thụ động; với sự khiêm tốn, bởi vì cam kết trong cộng đoàn không bao giờ có nghĩa là chiếm vị trí trung tâm, xem bản thân mình tốt hơn và không để người khác đến gần. Đó là ý nghĩa của một Giáo hội thượng hội đồng: mọi người đều có một vai trò để thực hiện, không có cá nhân nào thay thế vị trí cho người khác hoặc ở trên người khác. Không có người Kitô hữu hạng nhất hay hạng hai; mọi người đều được ơn gọi.
Tham gia cũng có nghĩa là tiếp tục “cuộc chiến cao đẹp” mà Thánh Phaolô đã nói. Vì đó là một “cuộc chiến”, vì việc rao giảng Tin Mừng không bao giờ mang tính trung lập – xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi việc hạ thấp giá trị Tin Mừng để biến Tin mừng thành trung lập – Tin mừng không bao giờ là trung lập, Tin mừng không để mọi thứ theo nguyên trạng của chúng; Tin mừng không chấp nhận thỏa hiệp với lối suy nghĩ của thế gian này, nhưng thay vào đó thắp sáng ngọn lửa của nước Thiên Chúa giữa sự thống trị của quyền lực con người, giữa cái ác, bạo lực, tham nhũng, bất công và tình trạng gạt ra ngoài lề xã hội. Kể từ khi Chúa Giêsu trỗi dậy từ cõi chết, và trở thành đầu nguồn của lịch sử, “đã bắt đầu một cuộc chiến vĩ đại giữa sự sống và cái chết, giữa hy vọng và tuyệt vọng, giữa sự cam chịu những điều tồi tệ nhất và đấu tranh cho những điều tốt nhất. Một cuộc chiến sẽ không có hiệp định đình chiến cho đến khi đánh bại hoàn toàn tất cả các sức mạnh của thù hận và hủy diệt (C.M. MARTINI, Bài giảng Lễ Phục sinh, ngày 4 tháng 4 năm 1999).
Vậy câu hỏi thứ hai là: trong vai trò là Giáo hội, chúng ta có thể cùng nhau làm gì để làm cho thế giới mà chúng ta đang sống trở nên nhân văn hơn, công bình và liên đới hơn, mở lòng hơn với Thiên Chúa và tình huynh đệ giữa mọi người? Chắc chắn chúng ta không được thu mình vào trong những vòng tròn khép kín của chúng ta và tiếp tục một số những tranh luận không dẫn đến kết quả của chúng ta. Chúng ta hãy cẩn thận để không rơi vào chủ nghĩa giáo sĩ, vì chủ nghĩa giáo sĩ là một sự lầm lạc. Một thừa tác viên mang tính giáo sĩ trị, có thái độ giáo sĩ trị, là đã đi lầm đường; tệ hơn nữa là những người giáo dân bị giáo sĩ trị. Chúng ta hãy canh chừng chống lại sự lầm lạc đó là chủ nghĩa giáo sĩ trị. Chúng ta giúp nhau để trở thành men trong thế gian này. Chúng ta phải tiếp tục cùng nhau chăm sóc sự sống con người, bảo vệ tạo vật, phẩm giá của công việc, các vấn đề của gia đình, đối xử với người già và tất cả những người bị bỏ rơi, bị từ chối hoặc bị khinh thường. Nói cách khác, chúng ta được kêu gọi trở thành một Giáo hội cổ vũ cho văn hóa quan tâm, dịu dàng và từ bi đối với những người dễ bị tổn thương. Một Giáo Hội chiến đấu chống lại mọi hình thức hủ hóa và suy đồi, bao gồm cả những thành phố của chúng ta và những nơi chúng ta thường lui tới, để niềm vui của Tin Mừng có thể tỏa sáng trong đời sống của mọi người. Đây là “cuộc chiến” của chúng ta và đây là thách đố của chúng ta. Sự cám dỗ đứng yên là rất lớn; sự cám dỗ tiếc nuối ngày xưa khiến chúng ta nhìn vào những thời đại khác luôn tốt hơn bây giờ. Xin cho chúng con đừng sa vào cám dỗ “nhìn về quá khứ” hiện đang trở thành mốt ngày nay trong Giáo Hội.
Thưa anh chị em, theo truyền thống đẹp, hôm nay tôi làm phép dây Pallium cho các vị Tổng Giám mục vừa được tấn phong, nhiều vị hiện diện trong buổi cử hành của chúng ta. Trong sự hiệp thông với Thánh Phêrô, các ngài được kêu gọi hãy “mau đứng dậy,” đừng ngủ, và phục vụ như những người lính gác đầy cẩn trọng cho đoàn chiên. Mau đứng dậy và “đấu cuộc chiến cao đẹp,” không bao giờ một mình, nhưng cùng với toàn thể dân thánh trung thành của Chúa. Và là những người mục tử nhân lành, luôn đứng trước người dân, ở giữa người dân, và phía sau người dân, nhưng luôn luôn cùng với dân thánh trung thành của Chúa, vì chính các ngài cũng là một phần của dân Thánh trung thành của Chúa.
Tôi thân ái gửi lời chào Phái đoàn Thượng phụ Đại kết do hiền huynh Bartholomew gửi đến. Xin cảm ơn vì sự hiện diện của anh em và vì thông điệp mà anh em mang đến từ Đức Bartholomew! Cảm ơn vì sự đồng hành của anh em bởi vì chỉ khi cùng nhau chúng ta mới có thể trở thành hạt giống của Tin mừng và là những chứng nhân của tình huynh đệ.
Xin Thánh Phêrô và Phaolô cầu bầu cho chúng ta, cho thành Roma của chúng ta, cho Giáo hội và cho toàn thế giới. Amen.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/6/2022]