Thứ Tư, 27 tháng 7, 2022

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô ở Canada – Gặp gỡ các Dân tộc bản địa First Nations, Nétis và Inuit, 25.07.2022

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô ở Canada – Gặp gỡ các Dân tộc bản địa First Nations, Nétis và Inuit, 25.07.2022

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô ở Canada – Gặp gỡ các Dân tộc bản địa First Nations, Nétis và Inuit, 25.07.2022

*******

Lúc 8.45 sáng nay (16.45 giờ Roma), sau khi dâng lễ riêng, Đức Thánh Cha Phanxicô di chuyển bằng xe hơi đến Maskwacis, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ với các dân tộc First Nations, Métis và Inuit lúc 10:00.

Khi đến, Đức Thánh Cha được chào đón bởi vị linh mục quản xứ Nhà thờ Đức Bà Bảy sự Thương khó, và một số trưởng lão của các dân tộc First Nations, Métis và Inuit. Sau đó, ngài cùng với họ tiến ra nghĩa trang trong tiếng trống rước.

Vào nghĩa trang, Đức Thánh Cha dừng lại và thinh lặng cầu nguyện một lúc. Sau đó, ngài đến Bear Park Pow-Wow Grounds. Tại đây ngài được một phái đoàn các nhà lãnh đạo người bản địa từ khắp nơi trên đất nước đón chào tại cổng.

Sau lời chào của các nhà lãnh đạo người bản địa và những lời chào mừng của một người đại diện, Đức Thánh Cha Phanxicô đọc diễn từ của mình. Tiếp theo, hòa trong những tiếng trống nhịp nhàng, họ dâng tặng Đức Giáo hoàng một chiếc mũ lông vũ, đặc trưng của các dân tộc thổ dân địa phương.

Tiếp theo sau một bài thánh ca và Kinh Lạy Cha, Đức Giáo hoàng chào riêng từng vị trưởng lão người bản địa.

Kết thúc cuộc gặp gỡ với các dân tộc First Nations, Métis và Inuit, Đức Thánh Cha trở về Chủng viện Thánh Giuse bằng xe hơi.


Sau đây là diễn từ của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ:

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa Bà Toàn quyền,

Thưa ông Thủ tướng,

Thưa các dân tộc bản địa của Maskwacis và của vùng đất Canada này,

Thưa anh chị em!

Tôi đã chờ đợi để được đến đây và ở với anh chị em! Ở đây, từ nơi gắn với những ký ức đau thương này, tôi xin bắt đầu việc mà tôi coi là một cuộc hành hương, một cuộc hành hương sám hối. Tôi đến miền đất quê hương của anh chị em để trực tiếp nói với anh chị em về sự đau buồn của tôi, để khẩn xin sự tha thứ, chữa lành và hòa giải của Thiên Chúa, để bày tỏ sự gần gũi của tôi và cầu nguyện với anh chị em và cho anh chị em.

Tôi nhớ lại những cuộc gặp gỡ chúng ta đã có ở Roma bốn tháng trước. Khi đó, tôi được tặng hai đôi giày moccasins như một dấu chỉ của sự đau khổ mà thiếu nhi người bản địa phải chịu đựng, đặc biệt là những trẻ không bao giờ trở về từ các trường nội trú. Tôi được yêu cầu trả lại những đôi giày moccasins khi đến Canada; tôi đã mang chúng đến, và tôi sẽ gửi lại chúng khi kết thúc những lời chia sẻ, trong đó tôi muốn phản ánh về biểu tượng này, mà trong những tháng qua nó đã khiến tôi cảm thấy đau buồn, phẫn nộ và xấu hổ. Ký ức về những thiếu nhi đó quả thực rất đau đớn; nó thúc giục chúng ta làm việc để bảo đảm rằng mọi trẻ em đều được đối xử bằng tình yêu thương, danh dự và sự tôn trọng. Đồng thời, những đôi giày moccasins đó cũng nói cho chúng ta biết con đường để đi, một hành trình mà chúng ta mong muốn cùng nhau thực hiện. Chúng ta muốn cùng nhau tiến bước, cùng nhau cầu nguyện và cùng nhau làm việc, để những đau khổ trong quá khứ có thể dẫn đến một tương lai công bằng, chữa lành và hòa giải.

Đó là lý do tại sao phần đầu trong cuộc hành hương của tôi đến giữa anh chị em diễn ra ở vùng đất này, miền đất từ xa xưa đã chứng kiến sự hiện diện của các dân tộc bản địa. Đây là những vùng đất nói với chúng ta; chúng làm cho chúng ta ghi nhớ.

Ghi nhớ: thưa anh chị em, anh chị em đã sống trên những miền đất này hàng ngàn năm, tuân theo cách sống tôn trọng trái đất mà anh chị em đã đón nhận như một di sản từ các thế hệ đi trước và đang gìn giữ cho những thế hệ sắp tới. Anh chị em đã coi nó như một món quà của Đấng Tạo Hóa để chia sẻ với những người khác và trân trọng trong sự hài hòa với tất cả mọi sự tồn tại, trong mối tương giao sâu sắc với tất cả mọi loài. Bằng cách này, anh chị em đã học được cách nuôi dưỡng ý thức về gia đình và cộng đồng, và xây dựng những mối ràng buộc bền chặt giữa các thế hệ, tôn kính người cao tuổi và chăm sóc những người bé mọn. Một kho tàng các phong tục và lời dạy tốt lành, tập trung vào việc quan tâm đến người khác, thật thà, dũng cảm và tôn trọng, khiêm tốn, trung thực và khôn ngoan!

Tuy nhiên, nếu đó là những bước chân đầu tiên được thực hiện trên vùng đất này, thì thật đáng buồn, sự hồi tưởng sẽ dẫn chúng ta đến với những bước đi tiếp theo. Nơi mà chúng ta đang họp mặt gợi lên trong tôi cảm giác đau đớn và hối hận sâu sắc mà tôi đã cảm nhận trong những tháng qua. Tôi nghĩ đến những hoàn cảnh bi thương mà rất nhiều người trong anh chị em, gia đình và cộng đồng của anh chị em đã biết; những điều anh chị em đã chia sẻ với tôi về những đau khổ mà anh chị em phải chịu đựng ở các trường nội trú. Đây là những tổn thương tinh thần được đánh thức lại theo một cách nào đó bất cứ khi nào đụng chạm đến vấn đề; tôi cũng biết rằng cuộc gặp gỡ của chúng ta ngày hôm nay có thể gợi lại những kỷ niệm và tổn thương cũ, và nhiều người trong anh chị em có thể cảm thấy không dễ chịu ngay cả khi tôi nói. Tuy nhiên, phải ghi nhớ, bởi vì sự lãng quên dẫn đến thái độ thờ ơ, và như câu nói rằng, “đối nghịch với yêu thương không phải là hận thù, nó là sự thờ ơ… và đối nghịch với sự sống không phải là cái chết, nó là sự thờ ơ” (E. WIESEL). Ghi nhớ những kinh nghiệm đau buồn đã xảy ra trong các trường nội trú, sự tổn thương, tức giận, gây ra đau đớn, nhưng nó là cần thiết.

Cần phải nhớ các chính sách đồng hóa và giải phóng, trong đó bao gồm cả hệ thống các trường nội trú, đã gây ra sự tàn phá như thế nào đối với người dân ở các vùng đất này. Khi những người thực dân Châu Âu đầu tiên đến đây, có một cơ hội tuyệt vời để mang đến sự gặp gỡ tốt đẹp giữa các nền văn hóa, truyền thống và những hình thức tâm linh. Tuy nhiên, phần lớn điều đó đã không xảy ra. Một lần nữa, tôi nghĩ lại những câu chuyện mà anh chị em đã kể: các chính sách đồng hóa cuối cùng đã gạt các dân tộc bản địa ra bên lề một cách hệ thống như thế nào; các ngôn ngữ và văn hóa của anh chị em đã bị vùi dập và ngăn chặn như thế nào thông qua hệ thống các trường học nội trú; trẻ em bị lạm dụng về thể chất, lời nói, tâm lý và tinh thần ra sao; các em đã bị đưa ra khỏi nhà khi còn nhỏ như thế nào, và việc đó đã ảnh hưởng quá lớn đến những mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, ông bà và các cháu ra sao.

Tôi cảm ơn anh chị em đã làm cho tôi hiểu rõ về điều này, đã cho tôi biết về những gánh nặng mà anh chị em vẫn đang phải gánh, đã chia sẻ với tôi những kỷ niệm cay đắng. Hôm nay tôi ở đây, ở nơi mảnh đất đã lưu giữ những vết sẹo của các vết thương còn hở, cùng với những ký ức xa xưa. Tôi ở đây bởi vì bước đi đầu tiên của cuộc hành hương sám hối của tôi đến giữa anh chị em là một lần nữa xin tha thứ, để một lần nữa nói với anh chị em rằng tôi vô cùng xin lỗi. Xin lỗi vì những cách thức mà qua đó nhiều người Kitô giáo đã ủng hộ cho não trạng thực dân hóa của các thế lực áp bức những dân tộc bản địa. Tôi xin lỗi. Đặc biệt, tôi xin tha thứ cho những cách thức mà nhiều thành viên của Giáo hội và các cộng đoàn dòng tu đã hợp tác, nhất là qua sự thờ ơ của họ, trong các dự án phá hủy văn hóa và cưỡng bức đồng hóa do các chính phủ thời đó thúc đẩy, mà đỉnh điểm là hệ thống các trường học nội trú.

Mặc dù không thiếu các hoạt động bác ái của Kitô giáo, và có nhiều trường hợp nổi bật về sự tận tụy chăm sóc thiếu nhi, nhưng hậu quả chung của các chính sách liên quan đến trường nội trú là rất bi thảm. Đức tin Kitô giáo cho chúng ta biết rằng đây là một lỗi lầm tai hại, hoàn toàn không phù hợp với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Thật đau đớn khi nghĩ đến nền đất vững chắc của các giá trị, ngôn ngữ và văn hóa tạo nên bản sắc đích thực cho các dân tộc của anh chị em đã bị xói mòn như thế nào, và anh chị em vẫn tiếp tục phải trả giá cho điều này. Trước sự xấu xa tệ hại này, Giáo hội phủ phục trước Thiên Chúa và cầu xin Người tha thứ cho tội lỗi của con cái của Giáo hội (xem GIOAN PHAOLÔ II, Huấn lệnh Incarnationis Mysterium [29/11/1998), 11: AAS 91 [1999], 140). Tôi xin khẳng định lại điều này cách rõ ràng với sự xấu hổ. Tôi khiêm nhường cầu xin sự tha thứ cho tội ác của rất nhiều người Kitô giáo chống lại các dân tộc bản địa.

Anh chị em thân mến, nhiều người trong anh chị em và các vị đại diện của anh chị em đã nói rằng việc xin tha thứ không phải đã kết thúc vấn đề. Tôi hoàn toàn đồng ý: đó chỉ là bước đầu tiên, là điểm khởi đầu. Tôi cũng thừa nhận rằng, “nhìn về quá khứ, việc cố gắng xin tha thứ và tìm cách sửa chữa những tổn hại đã gây ra dù bao nhiêu cũng sẽ không đủ” và “nhìn về tương lai, phải tận dụng mọi nỗ lực để xây dựng một văn hóa có thể ngăn chặn những tình huống như vậy xảy ra” (Thư gửi Dân Chúa, ngày 20 tháng Tám năm 2018). Một phần quan trọng của tiến trình này sẽ là tiến hành một cuộc điều tra nghiêm túc về những gì đã xảy ra trong quá khứ và hỗ trợ những nạn nhân còn sống của các trường nội trú qua việc chữa lành những tổn thương mà họ phải chịu đựng.

Tôi tin tưởng và cầu nguyện rằng các Kitô hữu và xã hội dân sự ở miền đất này có thể phát triển khả năng chấp nhận và tôn trọng bản sắc cũng như kinh nghiệm của các dân tộc bản địa. Tôi hy vọng những đường hướng cụ thể có thể được tìm thấy để làm cho các dân tộc đó được biết đến và được quý trọng nhiều hơn, để tất cả mọi người có thể học cách cùng nhau tiến bước. Về phần tôi, tôi sẽ tiếp tục khuyến khích những nỗ lực của tất cả mọi người Công giáo hỗ trợ các dân tộc bản địa. Tôi đã thực hiện điều đó trong những trường hợp khác và ở những nơi khác, qua các cuộc họp, những lời kêu gọi và cũng như qua việc viết một Tông Huấn. Tôi biết rằng tất cả những điều này sẽ đòi hỏi có thời gian và sự kiên nhẫn. Chúng ta đang nói đến những tiến trình phải thấm nhuần vào tâm hồn. Sự hiện diện của tôi ở đây và cam kết của các Giám mục Canada là minh chứng cho ý chí kiên trì của chúng tôi trên con đường này.

Các bạn thân mến, cuộc hành hương này sẽ diễn ra trong nhiều ngày và ở những nơi cách xa nhau; mặc dù vậy, nó vẫn không cho phép tôi chấp nhận nhiều lời mời mà tôi đã nhận được để đến thăm các trung tâm như Kamloops, Winnipeg và những nơi khác ở tỉnh Saskatchewan, Yukon và các vùng Lãnh thổ Tây Bắc. Mặc dù điều đó không thể diễn ra, nhưng xin hãy tin rằng tất cả các bạn luôn ở trong suy nghĩ và trong lời cầu nguyện của tôi. Xin hãy tin rằng tôi hiểu rõ những đau khổ và tổn thương, những khó khăn và thách đố mà các dân tộc bản địa ở mọi miền trên đất nước này phải trải qua. Những lời tôi nói trong suốt hành trình sám hối này xin gửi đến mọi cộng đồng và người bản xứ. Tôi trìu mến ôm lấy tất cả các bạn.

Trong bước đầu tiên của cuộc hành trình, tôi muốn tạo không gian cho ký ức. Ở đây, hôm nay, tôi cùng các bạn cùng nhớ lại quá khứ, cùng đau buồn với các bạn, cùng cúi đầu trong thinh lặng và cầu nguyện trước những nấm mồ.

Chúng ta hãy cho phép những giây phút thinh lặng này giúp chúng ta khắc sâu nỗi đau của mình. Thinh lặng. Và cầu nguyện. Đứng trước sự dữ, chúng ta cầu xin Thiên Chúa Nhân lành; đứng trước cái chết, chúng ta cầu xin với Thiên Chúa của sự sống. Chúa Giêsu Kitô của chúng ta đã lấy một ngôi mộ, dường như là nơi chôn vùi mọi hy vọng và ước mơ, chỉ để lại sự đau buồn, nỗi đau đớn và cam chịu, và biến nó thành nơi tái sinh và phục sinh, nơi khởi đầu lịch sử của sự sống mới và hòa giải phổ quát. Những nỗ lực riêng của chúng ta không đủ để thực hiện được sự chữa lành và hòa giải: chúng ta cần ơn của Chúa. Chúng ta cần sự khôn ngoan âm thầm và mạnh mẽ của Thần Khí, tình yêu dịu dàng của Đấng Ủi an. Xin Người làm cho những mong đợi tha thiết nhất trong tâm hồn chúng ta được hiện thực. Xin Người nắm lấy tay chúng ta và giúp chúng ta cùng nhau thăng tiến trên hành trình của mình.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/7/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét