Thứ Ba, 5 tháng 7, 2022

Đức Thánh Cha Phanxico: ‘Tôi tin rằng đã đến lúc phải suy nghĩ lại về chiến tranh chính nghĩa’

Đức Thánh Cha Phanxico: ‘Tôi tin rằng đã đến lúc phải suy nghĩ lại về chiến tranh chính nghĩa’

Đức Thánh Cha Phanxico: ‘Tôi tin rằng đã đến lúc phải suy nghĩ lại về chiến tranh chính nghĩa’


Đức Thánh Cha Phanxicô trong Quảng trường Thánh Phêrô ngày 25 tháng Sáu, 2022 | Daniel Ibanez/CNA

Vatican City, 1 tháng Bảy, 2022 / 10:26 am


Trong một phỏng vấn được công bố hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài tin rằng đã đến lúc phải suy nghĩ lại về khái niệm “chiến tranh chính nghĩa”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi tin rằng đã đến lúc phải suy nghĩ lại về khái niệm ‘chiến tranh chính nghĩa.’ Một cuộc chiến tranh có thể là chính nghĩa, có quyền tự vệ. Nhưng chúng ta cần phải suy nghĩ lại về cách mà khái niệm này được sử dụng ngày nay.”

“Tôi đã nói rằng việc sử dụng và sở hữu vũ khí nguyên tử là phi đạo đức. Giải quyết xung đột bằng chiến tranh là nói không với lẽ phải bằng lời nói, nói không với tính xây dựng. … Chiến tranh về cơ bản là thiếu đối thoại.”

Đức Giáo hoàng nói trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện vào ngày 20 tháng Sáu bởi Télam, hãng thông tấn quốc gia của Argentina. Đoạn video dài 1 giờ về cuộc phỏng vấn đã được công bố vào ngày 1 tháng Bảy.

Trả lời câu hỏi về việc thiếu đối thoại có phải là một yếu tố làm trầm trọng thêm tình hình thế giới hiện nay hay không, Đức Giáo hoàng nói rằng có “một cơ sở hạ tầng toàn vẹn của việc buôn bán vũ khí” hỗ trợ cho chiến tranh ngày nay.

Ngài nói, “Một người biết về những thống kê nói với tôi, tôi không nhớ rõ các con số, rằng nếu ngừng sản xuất vũ khí trong một năm thì sẽ không có nạn đói trên thế giới.”

Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả rằng ngài đã khóc khi đến viếng những nghĩa trang chiến tranh ở Châu Âu, bao gồm đài tưởng niệm Thế chiến I Redipuglia và nghĩa trang Anzio của Đệ nhị Thế chiến ở Ý.

Ngài nói, “Và khi kỷ niệm cuộc đổ bộ ở Normandy, tôi nghĩ đến 30.000 thanh niên bị phơi thây trên bãi biển. Họ mở các con tàu và ra lệnh, “bước xuống, bước xuống”, họ được lệnh trong khi Đức Quốc xã đang chờ đợi họ. Điều đó có chính đáng không? Đến viếng các nghĩa trang quân sự ở Châu Âu giúp người ta nhận ra điều này.”

Đức Giáo hoàng cũng nói rằng tình hình ở Châu Âu ngày nay cho thấy Liên hợp quốc “không có quyền lực” để ngăn chặn một cuộc chiến.

Ngài nói: “Sau Thế chiến II, lòng tin được đặt vào Liên hợp quốc. Tôi không có ý định xúc phạm bất kỳ ai, tôi biết có những người rất tốt đang làm việc ở đó, nhưng tại thời điểm này, LHQ không có quyền lực để quyết đoán.”

“Nó thực sự giúp tránh chiến tranh — và tôi đang nghĩ đến Síp, nơi có quân đội của Argentina. Nhưng để ngăn chặn một cuộc chiến tranh, để giải quyết một tình huống xung đột như tình trạng chúng ta đang trải qua ngày nay ở Châu Âu, hoặc giống như những tình trạng ở những nơi khác trên thế giới, thì nó không có sức mạnh.”

Giáo huấn của Giáo hội về đạo đức của chiến tranh dựa trên một thuyết được Thánh Augustinô dẫn giải vào thế kỷ thứ 4, được gọi là thuyết chiến tranh chính nghĩa và thừa nhận một lý do có thể chính đáng để tham chiến trong những điều kiện nhất định.

Các nhà thần học nói với CNA vào năm 2019 rằng việc áp dụng thuyết này vào chiến tranh hiện đại, thường là các cuộc tấn công bằng tên lửa và không kích chứ không phải là các chiến trường dàn trận đối mặt giữa các đoàn quân, thì phức tạp hơn nhưng vẫn mang tính quy phạm.

Cuộc phỏng vấn của giáo hoàng đã đề cập đến một số chủ đề, bao gồm đại dịch Covid-19, đối thoại giữa các thế hệ và biến đổi khí hậu.

Đức Giáo hoàng nói, “Anh có thể tin chắc rằng Thiên Chúa luôn tha thứ, và con người chúng ta thì lúc có lúc không. Nhưng thiên nhiên không bao giờ tha thứ. Nó sẽ đáp trả cho chúng ta. Nếu chúng ta sử dụng thiên nhiên vì lợi nhuận, nó sẽ giáng đòn xuống chúng ta. Một thế giới ấm lên ngăn cản việc xây dựng một xã hội huynh đệ và công bằng.”

Khi được hỏi về Giáo hội Công giáo ở Châu Mỹ Latinh, Đức Giáo hoàng nói rằng Giáo hội này có một lịch sử lâu đời về sự “gần gũi với người dân”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Theo một cách nào đó, đây là kinh nghiệm của Giáo hội Mỹ Latinh, mặc dù đã có những mưu toan về thuộc địa hóa hệ tư tưởng, chẳng hạn như việc sử dụng các khái niệm của Mác-xít trong việc phân tích thực tại của Thần học Giải phóng. Đó là một sự lạm dụng hệ tư tưởng…”

Ngài nói thêm: “Có một sự khác biệt giữa dân tộc và chủ nghĩa dân túy.”



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/7/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét