Thứ Ba, 13 tháng 9, 2022

6 ước mong trong 33 ngày: Đức Hồng y Parolin nói về Chân phước Gioan Phaolô I (Phỏng vấn phần 2)

6 ước mong trong 33 ngày: Đức Hồng y Parolin nói về Chân phước Gioan Phaolô I (Phỏng vấn phần 2)

6 ước mong trong 33 ngày: Đức Hồng y Parolin nói về Chân phước Gioan Phaolô I (Phỏng vấn phần 2)

I.Media for Aleteia

10/09/22


Ngài Quốc vụ khanh của Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng là chủ tịch của Quỹ Gioan Phaolô I của Vatican và xuất thân cùng miền với “Đức Giáo hoàng tươi cười” của Ý. Ngài chia sẻ những kỷ niệm và thông tin trong cuộc phỏng vấn thú vị này về vị giáo hoàng mới được phong chân phước.

Phần 1 của cuộc phỏng vấn ở đây.

Do triều đại giáo hoàng quá ngắn của ngài, nằm giữa hai “vị khổng lồ” của Giáo hội là Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II, nên ngày nay Đức Gioan Phaolô I thường ít được biết đến. Người ta hay nói về vị “giáo hoàng tươi cười” và cái chết đột ngột của ngài. Những giáo huấn mà Đức Hồng y rút ra từ 33 ngày làm giáo hoàng đó là gì?

ĐHY Parolin: Giáo huấn của ngài chính là của Công đồng. Ngài là con người của Công đồng, và chính ngài đã cố gắng thực thi giáo huấn của Công đồng vào đời sống mục vụ của Giáo hội mà ngài là vị mục tử.

Trên phương diện cá nhân, giáo huấn tuyệt vời của ngài là sự đơn sơ của Phúc âm. Một sự đơn sơ bắt nguồn chính từ lòng khiêm nhường của ngài. Tôi nhớ những lời Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã nói: “Sự khiêm nhường có thể được coi là chúc thư thiêng liêng của ngài.” Khiêm nhường là đức tính nền tảng mà Chúa đã dạy chúng ta, điều làm cho chúng ta trở nên đẹp lòng Thiên Chúa và cũng tạo điều kiện thúc đẩy các mối tương quan của chúng ta với tha nhân — khiêm nhường không có nghĩa là tự ti nhưng nhận biết rằng tất cả những ơn chúng ta nhận được đều đến từ Thiên Chúa.

Sau cùng, ngài sống Phúc Âm cách trọn vẹn, đi vào bản chất của Tin mừng, không có những mâu thuẫn, không có những bất đồng trong những gì ngài suy nghĩ, nói năng, giảng dạy và thực hành.

Đức Gioan Phaolô I hiện là vị giáo hoàng người Ý sau cùng, vị giáo hoàng cuối cùng trong 44 vị giáo hoàng đều xuất thân từ vùng bán đảo — có nghĩa là, hơn 450 năm lịch sử, trong đó giáo quyền kế vị các tông đồ được truyền lại trong phạm vi “Chiếc Ủng”. Sau ngài, các vị giáo hoàng được chọn quê quán bên ngoài nước Ý, với Đức Gioan Phaolô II và Đức Benedict XVI, và bây giờ là Đức Giáo hoàng Phanxicô, bên ngoài Châu Âu. Chúng ta thường nhận xét về tầm quan trọng của tính quốc tế này đối với Giáo hội hoàn vũ, nhưng hiếm khi có nhận xét về tác động của nó đối với Giáo hội ở Ý. Với tư cách là một người Ý, Đức Hồng y cảm nhận sự thay đổi này như thế nào?

ĐHY Parolin: Tôi nghĩ rằng những thay đổi này ban đầu đúng là đã tạo nên một ít thắc mắc, một ít ngạc nhiên sau nhiều thế kỷ của các vị giáo hoàng người Ý. Nhưng tôi nghĩ nó xảy ra cách tự nhiên, và không gây ra bất kỳ phản ứng tiêu cực nào, không có sự bác bỏ nào. Đó là bản chất của mọi việc mà Giáo hội, và Giáo triều Roma dần dần sẽ mở ra cho tính quốc tế. Đây là một trong những cam kết lớn của Đức Phaolô VI, và thật hợp lý khi cuối cùng sẽ có một vị giáo hoàng không phải là người Ý. Tôi nghĩ trong quan niệm về tính phổ quát của Giáo hội, điều này không gây ra vấn đề gì. Chúng tôi rất vui vì rõ ràng Chúa Thánh Thần tìm kiếm Người kế vị Thánh Phêrô ở mọi nơi trên thế giới!

Sau Đức Gioan Phaolô I, cuộc bầu chọn Đức Gioan Phaolô II là một thời điểm có tác động mạnh mẽ: Lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ, một giám mục Roma không phải là người Ý.

ĐHY Parolin: Đúng, nhưng — thật tốt đẹp, tôi không có ý ca ngợi người Ý! — Tôi nghĩ rằng sự rộng mở phổ quát này có một chút nằm trong tinh thần của người Ý. Và có thể, tôi không biết, việc Chúa chọn Roma làm trung tâm cho Giáo hội của Người, nơi được cho là Công giáo và do đó mang tính phổ quát, có một ý nghĩa ... Hãy nghĩ đến việc từ chức của Đức Benedict XVI, đó là một tin chấn động. Nhưng đây là sự trưởng thành, và chúng ta biết rằng cuối cùng lịch sử được hướng dẫn bởi Thần Khí của Thiên Chúa. Trên thực tế, ở bình diện cá nhân và bình diện chung, tôi không cảm thấy bất kỳ khó khăn nào trong việc chấp nhận những thay đổi này.

Ngược lại, người ta có thể có ấn tượng rằng người Ý ngày nay “chấp nhận” giáo hoàng, dù ngài đến từ đâu, và biến ngài thành của họ.

ĐHY Parolin: Vâng đúng vậy. Chúng ta đã nhìn thấy sự tiếp đón dành cho Đức Gioan Phaolô II, một nhân vật nổi bật lên tại mật nghị đầu tiên năm 1978. Đó là một điều rất đẹp.

Triều đại Giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô I đến sau thời kỳ có những thay đổi lớn trong Giáo hội, cũng có nhiều căng thẳng, khuyến khích các vị giáo hoàng kế tiếp làm việc vì sự hiệp nhất. Trong bối cảnh này, Đức Hồng y nghĩ những phẩm chất nào của Đức Gioan Phaolô I đã cuốn hút các hồng y cử tri?

ĐHY Parolin: Tôi nghĩ điều này rất rõ ràng. Các vị hồng y đã nhìn thấy ở ngài một vị mục tử rất gần gũi với người dân. Điều này gợi lại chủ đề về sự gần gũi mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đến rất nhiều. Họ nhìn thấy một vị mục tử đi đến những điều cốt yếu của đức tin, nhưng cũng rất chú ý đến những chiều kích xã hội, đến những khó khăn của con người.

Một số học giả về Đức Gioan Phaolô I, trong đó có chị Stefania Falasca đã so sánh vị giáo hoàng thứ 263 với Đức Phanxicô. Đức Hồng y có nghĩ rằng có điều gì đó về tính cách của Đức Giáo hoàng Luciani ở trong vị giáo hoàng hiện tại không?

ĐHY Parolin: Mỗi vị giáo hoàng đều có những đặc điểm riêng của mình. Theo tôi, đây luôn là sự nguy hiểm khi đem ra so sánh vì chúng ta biết rằng mỗi vị giáo hoàng được Chúa Thánh Thần kêu gọi đến với trách vụ của mình thông qua việc bầu chọn các hồng y, và mỗi giáo hoàng đều đáp ứng cho các nhu cầu hiện tại của Giáo hội. Tuy vậy, tôi nghĩ có những điểm tương đồng. Chị Stefania Falasca nói rằng trước khi Đức Giáo hoàng Phanxicô được bầu chọn, chị đã đến thăm ngài khi thực hiện một phần trong luận án của chị về Illustrissimi. Đức Giáo hoàng cho thấy rằng ngài rất quen thuộc với các bài viết của Đức Hồng Y Luciani.

Các ngài có điểm giống nhau về tính cách. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng rất chú ý đến sự đơn giản. Ngài cũng có kỹ năng giao tiếp tuyệt vời, và Đức Luciani là một người giao tiếp rất giỏi. Các ngài cũng có điểm chung là mong muốn tiếp tục di sản của Công đồng Vatican II. Tôi thấy nét giống nhau của các ngài nằm ở điểm cuối cùng này.

Một điểm chung có thể được tìm thấy trong Sứ điệp Urbi et Orbi của Đức Gioan Phaolô I công bố vào ngày 27 tháng Tám năm 1978, khi ngài mô tả sáu điều mong ước của ngài cho Giáo hội: tiếp tục thực hiện Công đồng Vatican II, duy trì kỷ luật trong Giáo hội, truyền giáo, đại kết, đối thoại liên tôn và hòa bình. Với Sứ điệp này, có phải ngài đã đặt ra một lộ trình nào cho các đấng kế nhiệm mình?

ĐHY Parolin: Vâng, đây là con đường mà tất cả các vị giáo hoàng đều đi theo. Vấn đề này đặc biệt quan trọng đối với Đức Albino Luciani vì ngài là người kế vị của Đức Phaolô VI, người đã kết thúc Công đồng và bắt đầu giai đoạn thực thi Công đồng. Một giai đoạn ngài cho là sẽ dễ dàng hơn nhưng hóa ra lại phức tạp hơn. Chính việc chọn tước hiệu Gioan Phaolô, hai vị giáo hoàng của công đồng: Đức Gioan XXIII đã phong ngài làm giám mục và Đức Phaolô VI chọn ngài làm hồng y, nhưng việc chọn tước hiệu này chủ yếu liên quan đến việc tiếp nối Công đồng. Và trong Sứ điệp này, ngài đã đưa ra những chỉ dẫn cho người kế nhiệm của mình. Và tôi tin rằng cả Đức Gioan Phaolô II và Đức Phanxicô đã tiếp nối sáu điểm chương trình này.

Với cái chết đột ngột, có phải Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I cũng đến để nhắc nhở chúng ta rằng sự cai quản theo phẩm trật của Giáo hội không được trao phó cho những con người siêu phàm mà cho những nhà lãnh đạo cũng trải qua sự mong manh? Và do đó có phải điều đó cho thấy ý nghĩa của phẩm trật trong Giáo hội Công giáo dưới một ánh sáng khác?

ĐHY Parolin: Điều này cho chúng ta biết rằng chính Chúa là Đấng hướng dẫn Giáo hội của Ngài, theo cách đôi khi huyền nhiệm, thậm chí khó hiểu đối với chúng ta! Tôi nhớ đến một sự ngạc nhiên. Tôi đang ở chủng viện, sau thánh lễ buổi sáng, chúng tôi được thông báo rằng đức giáo hoàng đã qua đời. “Nhưng ý anh là gì khi nói ngài đã qua đời? Ngài đã chết cách đây một tháng!” Tuy nhiên, nó lại là sự thật.

Nhưng tất nhiên, điều đó có nghĩa là giáo hoàng cũng là một con người và cũng có tất cả các giới hạn của con người chúng ta, và đương nhiên là vấn đề sức khỏe. Điều này cũng có nghĩa là nếu một người ở lại một thời gian ngắn, người đó sẽ để lại những dấu ấn không thể phai mờ. Chúng ta thấy rằng tầm quan trọng của Đức Gioan Phaolô I trong lịch sử của Giáo hội tỷ lệ nghịch với thời gian ngài ở trên cương vị đứng đầu Hội Thánh. Ngay cả khi có ít thời gian, người ta vẫn có thể làm được nhiều việc, và là người của Tin Mừng, những người phấn đấu sống thừa tác vụ của mình cách trọn vẹn.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/9/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét