Thứ Hai, 12 tháng 9, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 11 tháng 9, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 11 tháng 9, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 11 tháng Chín, 2022

____________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin mừng của Phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta ba dụ ngôn về lòng thương xót (x. Lc 15:4-32); những dụ ngôn này được gọi như vậy vì chúng cho thấy lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu kể ba dụ ngôn này để trả lời cho những lời xì xầm của các người Pharisêu và kinh sư nói rằng: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (c.2). Họ thấy chướng tai gai mắt vì Chúa Giêsu ở với những người tội lỗi. Nếu đối với họ, đây là điều tai tiếng về mặt tôn giáo thì với Chúa Giêsu, qua cách đón tiếp những người tội lỗi và dùng bữa với họ, vén mở cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa là như vậy: Chúa không loại trừ ai, Ngài muốn tất cả mọi người vào dự tiệc của Ngài, vì Chúa yêu thương tất cả mọi người như là con cái của Ngài: tất cả mọi người, không ai bị loại trừ, mọi người. Do đó, ba dụ ngôn tóm tắt trọng tâm của Tin mừng: Thiên Chúa là Cha và đến để tìm kiếm chúng ta bất cứ khi nào chúng ta bị lầm đường lạc lối.

Thật vậy, nhân vật chính của các câu chuyện dụ ngôn, đại diện cho Thiên Chúa, là người chăn chiên đi tìm con chiên bị lạc mất, một người phụ nữ tìm thấy đồng xu bị mất, và người cha của đứa con hoang đàng. Chúng ta cùng xét đến khía cạnh mà cả ba nhân vật chính này đều có điểm chung. Về căn bản, cả ba người đều có điểm chung mà chúng ta có thể xác định như sau: thao thức bồn chồn vì thứ bị lạc mất – bất kể là bạn bị lạc mất một con chiên, bạn mất một đồng xu, bạn mất một đứa con – cảm giác bồn chồn lo lắng không yên khi bị mất một thứ gì đó, cả ba nhân vật chính của những câu chuyện dụ ngôn này đều bồn chồn lo lắng vì họ mất một thứ gì đó. Rốt cuộc, cả ba người có thể an tâm nếu họ phải làm phép tính: người chăn chiên bị mất một con chiên, nhưng anh ta còn có chín mươi chín con khác – “Cứ cho nó mất…”; người phụ nữ mất một đồng xu, nhưng còn chín đồng khác; và ngay cả người cha vẫn có một đứa con khác, ngoan ngoãn, chu toàn bổn phận – tại sao lại nghĩ về đứa con đã bỏ đi sống một cuộc đời phóng đãng? Tuy nhiên, có một nỗi lo âu trong lòng họ – người chăn chiên, người đàn bà và người cha – về những gì bị mất: con chiên, đồng xu, và đứa con trai đã bỏ đi. Một người yêu thương luôn quan tâm đến người bị mất, mong mỏi người vắng mặt, tìm kiếm người lạc lối, đợi chờ người đã lầm đường lạc lối. Vì người đó muốn không ai bị mất.

Thưa anh chị em, Thiên Chúa là như thế: Ngài không “an lòng” nếu chúng ta rời xa Ngài, Ngài đau buồn, Ngài lo lắng trong bản thể sâu thẳm nhất của Ngài; và Ngài bắt đầu tìm kiếm chúng ta, cho đến khi Ngài đưa chúng ta trở lại trong vòng tay của Ngài. Chúa không tính toán những thiệt hại và rủi ro; Chúa có trái tim của một người cha và một người mẹ, và đau khổ vì thiếu những đứa con thân yêu của mình. “Nhưng tại sao Người lại đau khổ khi đứa con này là một tên vô lại, khi nó đã bỏ đi?” Người đau khổ, Chúa đau khổ. Chúa đau khổ khi chúng ta xa rời Người và khi chúng ta lầm đường lạc lối, Người chờ đợi chúng ta trở về. Hãy nhớ rằng: Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta với vòng tay giang rộng, bất kể hoàn cảnh cuộc sống nào đã khiến chúng ta bị lạc lối. Như một Thánh vịnh đã nói, Người “không chợp mắt ngủ quên”, Người luôn dõi theo chúng ta (xem 121:4-5).

Bây giờ chúng ta hãy nhìn lại chính mình và tự hỏi: chúng ta có noi gương Chúa trong việc này không, tức là chúng ta có bồn chồn lo lắng về những gì bị lạc mất không? Chúng ta có luyến tiếc về những người lạc mất, những người đã xa rời đời sống Kitô hữu không? Chúng ta có mang trong lòng sự bồn chồn này không, hay chúng ta vẫn bình tâm và chẳng thấy lo lắng gì? Nói cách khác, chúng ta thực sự nhớ những người đã xa rời cộng đoàn của chúng ta, hay chúng ta cứ ra vẻ và không để điều đó chạm đến tâm hồn của chúng ta? Tôi có thực sự luyến tiếc những người đang thiếu vắng trong cuộc sống của tôi không? Hay là chúng ta thoải mái với nhau, bình an và hạnh phúc trong nhóm của mình – “Tôi tham gia một nhóm tông đồ rất tốt…” – mà không có lòng trắc ẩn với những người xa rời? Đó không đơn thuần là vấn đề “mở lòng với người khác”, đó là Tin Mừng!

Người chăn chiên trong dụ ngôn không nói, “Tôi có chín mươi chín con chiên khác, tại sao tôi phải phí thời gian để đi tìm con bị mất?” Thay vào đó, người đó đã đi tìm. Vậy chúng ta hãy suy ngẫm về các mối tương quan của chúng ta: tôi có cầu nguyện cho những người không tin, cho những người đã xa rời, những người cay đắng không? Chúng ta có thu hút những người xa cách qua phong cách của Thiên Chúa, đó là sự gần gũi, lòng từ bi và nhân hậu không? Chúa Cha yêu cầu chúng ta phải quan tâm đến những người con mà Ngài nhớ mong nhất. Chúng ta hãy nghĩ về một người nào đó mà chúng ta biết, là người gần gũi với chúng ta và có lẽ chưa bao giờ nghe một ai nói: “Bạn biết không, bạn rất quan trọng đối với Thiên Chúa”. “Nhưng tôi đang ở trong hoàn cảnh bất thường, tôi đã làm điều tồi tệ này, điều kia…”. Hãy nói với người đó, “Bạn rất quan trọng đối với Thiên Chúa”. “Bạn không tìm kiếm Chúa, nhưng Ngài đang tìm kiếm bạn”.

Chúng ta – những người với trái tim bồn chồn – hãy thao thức trước những câu hỏi này, và cầu nguyện với Đức Mẹ, Mẹ không bao giờ mệt mỏi tìm kiếm và chăm sóc chúng ta là những người con của Mẹ.

____________________________

Sau Kinh Truyền tin

Hai ngày nữa, tôi sẽ thực hiện chuyến hành trình ba ngày đến Kazakhstan, tôi sẽ tham gia Đại hội các Nhà Lãnh đạo Thế giới và các Tôn giáo Truyền thống. Đây sẽ là cơ hội để gặp gỡ nhiều vị đại diện các tôn giáo và tham gia đối thoại như là những người anh em, được truyền cảm hứng từ lòng mong muốn hòa bình, nền hòa bình mà thế giới chúng ta đang khao khát. Tôi xin gửi lời chào thân ái tới những người tham dự, cũng như các nhà hữu trách, các cộng đồng Kitô giáo và toàn thể người dân của đất nước rộng lớn đó. Tôi xin cảm ơn vì sự chuẩn bị và công việc đã được thực hiện cho chuyến thăm của tôi. Tôi xin tất cả anh chị em đồng hành với tôi bằng lời cầu nguyện cho trong chuyến hành hương đối thoại và hòa bình này.

Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho người dân Ukraine, xin Chúa ban cho họ sự an ủi và niềm hy vọng. Trong những ngày này, Đức Hồng y Krajewski, Chánh Sở từ thiện, đang ở Ukraine để thăm các cộng đoàn và làm chứng cụ thể về sự gần gũi của Giáo hoàng và Giáo hội.

Trong giây phút dâng lời cầu nguyện này, với tôi, thật vô cùng thân thương khi tưởng nhớ đến Nữ tu Maria de Coppi, nhà truyền giáo người Comboni, bị sát hại ở Chipene, Mozambique, nơi chị đã phục vụ với tình yêu thương trong gần sáu mươi năm. Ước mong chứng tá của chị mang lại sức mạnh và lòng can đảm cho các Kitô hữu và tất cả người dân Mozambique.

Cha xin gửi lời chào đặc biệt tới người dân Ethiopia thân yêu, hôm nay đón Tết cổ truyền của họ: cha cầu nguyện cho anh chị em và cầu chúc mọi gia đình cũng như toàn dân tộc có được món quà hòa bình và hòa giải.

Và chúng ta đừng quên cầu nguyện cho các học sinh sẽ trở lại trường vào ngày mai hoặc ngày kia.

Và bây giờ cha xin chào tất cả anh chị em người Roma và những người hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau: các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hội đoàn. Đặc biệt, cha gửi lời chào các binh sĩ đến từ Colombia, nhóm đến từ Costa Rica và đại diện nữ của Argentina tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Cha chào các bạn trẻ của Cantù, các tín hữu của Musile di Piave, Ponte a Tressa và Vimercate, và các thành viên của Phong trào Bất bạo động và các bạn trẻ của hội Immacolata.

Cha chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/9/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét