Ngay cả với rất ít thời gian, chúng ta vẫn có thể làm được nhiều điều: Đức Hồng y Parolin nói về Chân phước Gioan Phaolô I (Phỏng vấn phần 1)
Fabio PIGNATA I CPP I CIRIC
09/09/22
Ngài Quốc vụ khanh của Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng là chủ tịch của Quỹ Gioan Phaolô I của Vatican và quê quán cùng miền với “Đức Giáo hoàng tươi cười” của Ý. Ngài chia sẻ những kỷ niệm và thông tin trong cuộc phỏng vấn thú vị này về vị giáo hoàng mới được phong chân phước.
Vào ngày 4 tháng Chín, Đức Gioan Phaolô I, vị giáo hoàng cai quản chỉ trong 33 ngày, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phong chân phước tại Roma. Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh của Đức Giáo hoàng Phanxicô, cũng là Chủ tịch Quỹ Gioan Phaolô I Vatican. Ngài đã nói chuyện với I.MEDIA, giải thích lý do tại sao “tầm quan trọng của Đức Gioan Phaolô I trong lịch sử của Giáo hội lại tỷ lệ nghịch với thời gian ngài ở vị trí là người đứng đầu Giáo hội”.
Vào ngày 2 tháng Chín, Đức Gioan Phaolô I được Đức Thánh Cha Phanxicô phong chân phước tại Roma. Đức Hồng y mới 23 tuổi vào ngày 26 tháng Tám năm 1978, ngày bầu chọn lên ngai tòa của đấng khi đó là tổng giám mục Venice. Đức Hồng y có nhớ ngày hôm ấy không? Người đã đón nhận tin đó như thế nào?
ĐHY Parolin: Vâng, tôi nhớ ngày hôm đó khá rõ. Lúc đó tôi vẫn còn là một phó tế. Tôi đang học thần học năm cuối tại chủng viện Vicenza, nhưng tôi ở Reggio Emilia trong suốt mùa hè để tham gia khóa tâm lý học. Chiều thứ Bảy, ngày 26 tháng Tám, chúng tôi đi dự lễ truyền chức phó tế cho một người bạn, cũng ở Reggio Emilia. Khi chúng tôi ra khỏi nhà thờ, bản tin cho biết rằng giáo hoàng đã được bầu chọn. Và ngay sau đó, chúng tôi biết được tên của ngài: Hồng y giám mục của Venice.
Tôi có thể nói đó là một bất ngờ lớn, đặc biệt là tốc độ của cuộc bầu cử. Ngài được bầu trong thời gian rất ngắn, chưa đầy 24 giờ, trái ngược với dự đoán của báo chí về một mật nghị dài và khó khăn. Và ngài đã được bầu với số phiếu bầu rất cao như người ta được biết sau này.
Với ngài Luciani, mặc dù ngài đến từ khu vực với tư cách là tổng giám mục của Venice và là thủ phủ của vùng Veneto, tôi cũng không biết rõ về ngài. Tôi hầu như chỉ đọc được quyển Illustrissimi của ngài. Thực tế, tôi không có yếu tố nào để đưa ra đánh giá về con người của ngài. Chúng tôi lúc đó vẫn còn là chủng sinh, vì vậy chúng tôi chưa tham gia vào các công việc của Vatican!
Như vậy, sau này người mới tìm hiểu thêm về Chân phước?
ĐHY Parolin: Vâng, đó là về sau này. Sau đó, biến cố về ngài, cái chết đột ngột của ngài sau 33 ngày trên ngai vị giáo hoàng đã kích thích tôi chú ý đến ngài. Và sau đó là cách ngài thể hiện bản thân trong 33 ngày đó, phong cách ngài bắt đầu triều đại giáo hoàng của mình, đã khiến ngài được đánh giá cao trên toàn thế giới, và tất nhiên đã khơi dậy sự quan tâm để tìm hiểu sâu hơn về ngài.
Đức Hồng y xuất thân cùng quê Veneto với Đức Gioan Phaolô I, là vùng đất rộng lớn của Ý nổi bật với sự hiện diện của thành phố Venice và dãy núi Alps, nơi sinh quán của Đức Albino Luciani. Giáo hội Công giáo giữ vị trí nào trong vùng đặc biệt đó của nước Ý, nơi đã trao tặng cho Giáo hội rất nhiều nhân vật vĩ đại và các vị đại thánh?
ĐHY Parolin: Tôi nghĩ rằng mọi thứ đã thay đổi sâu sắc trong những thập kỷ gần đây. Tiến trình tục hóa phần nào ảnh hưởng đến toàn thể Giáo hội, toàn thế giới, và đặc biệt là thế giới phương Tây, đã thể hiện rất mạnh mẽ, rất lớn, ngay cả trong khu vực của chúng tôi. Khu vực trước đây mang đậm dấu ấn Công giáo, một vùng mà tôn giáo không bị cảm nhận như một thứ gì đó chồng chất lên cuộc sống mà là một phần mật thiết của cuộc sống, nơi tôn giáo là một cách thể hiện cao hơn của chính cuộc sống. Và điều này được thể hiện đặc biệt mạnh mẽ trong việc thực hành tôn giáo, với tỷ lệ thực tế người tham dự Thánh Lễ, các bí tích, các cử hành phụng vụ khác… rất cao. Và đặc biệt là về mức độ ơn gọi. Trong chủng viện của tôi vào những năm 1960 có tới 600 chủng sinh.
Và tiếp theo là khía cạnh truyền giáo tuyệt vời trong nhiều công cuộc của Công giáo. Đây cũng là một đặc điểm nổi bật khác cho sự hiện diện của Giáo hội trong khu vực, liên quan rất nhiều đến các vấn đề xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ túng thiếu. Giáo hội thực sự là một nhân tố thăng tiến con người, qua hình ảnh của các linh mục quản xứ khởi xướng các công cuộc lớn lao của tình liên đới, chẳng hạn như những hợp tác xã nơi mọi người cùng hợp sức, v.v..
Bây giờ chắc chắn sự hiện diện của Giáo hội vẫn còn, nhưng không còn những đặc điểm đã từng khẳng định Giáo hội nữa, mặc dù thực tế là một số giá trị, chẳng hạn như tính tự nguyện, tôi tin rằng chính từ những giá trị mà Giáo hội đã có thể khắc sâu, và là những giá trị hiện hữu trong môi trường của Veneto.
Đức Albino Luciani đã trải qua phần lớn thời gian thi hành thừa tác vụ ở Veneto. Trước hết ngài là linh mục tại giáo phận Belluno quê hương, sau đó là giám mục của Vittorio Veneto (1958-1969) và cuối cùng là tổng giám mục của Venice (1969-1978). Ngài đã để lại kỷ niệm gì trên quê hương của ngài?
ĐHY Parolin: Tôi tin rằng ngài đã để lại một ký ức sống động ở vùng Veneto. Ở Belluno, nơi ngài được thụ phong linh mục và thi hành thiên chức linh mục của mình, vẫn có những linh mục còn sống đã từng học với ngài khi ngài là giáo sư chủng viện. Và ở đó, tất cả họ đều nhớ đến ngài vì sự mạch lạc rõ ràng trong cách trình bày của ngài, chẳng hạn tính mới mẻ trong lời giảng của ngài … Ngài được ơn đặc biệt về cách nói chuyện, làm cho mọi người dễ hiểu. Họ cũng nhớ đến sự chú ý đặc biệt của ngài đối với việc dạy giáo lý. Đây luôn là một trong những điểm đặc trưng của Đức Luciani. Cuối cùng, họ nhớ về thời gian ngài làm tổng đại diện, cũng như sự vững vàng khi ngài thực hiện vai trò của mình. Rồi vẫn có một số người, khá già, gần như say mê ngài, nhớ về ngài với tình cảm sâu đậm.
Người ta nhớ đến Chân phước như thế nào trong vai trò là một giám mục?
ĐHY Parolin: Việc bổ nhiệm ngài về Vittorio Veneto trùng hợp với những bước đầu tiên của Công đồng Vatican II, và sau đó là việc thực hiện từng bước. Ở Venice, tôi nghĩ đó là giai đoạn khó khăn nhất đối với ngài, nơi ngài trải qua nhiều căng thẳng. Đó là những năm tranh cãi. Vì vậy, [ngài phải đối phó với] những khó khăn trong việc thực hiện Công đồng khi đối mặt với nhiều cách thể hiện gây tranh cãi phát sinh sau đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ bức tranh đẹp nhất được Đức Tổng giám mục Venice hiện tại đưa ra khi ngài nói rằng chính những con người khiêm nhường nhớ đến Đức Giáo hoàng Luciani. Ngài rất gần gũi với mọi người.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/9/2022]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét