Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2022

13 điểm đến trong chuyến đi Canada của Đức Thánh Cha

13 điểm đến trong chuyến đi Canada của Đức Thánh Cha

13 điểm đến trong chuyến đi Canada của Đức Thánh Cha

Antoine Mekary | ALETEIA | Elias Kordelakos | Shutterstock

I.Media for Aleteia 

18/07/22


Chuyến đi từ ngày 24 đến ngày 30 tháng Bảy đặc biệt tập trung vào Thánh Anne, bà của Chúa Giêsu, phản ánh của các nền văn hóa trọng vọng người cao tuổi. Ngài cũng sẽ đi về phía bắc xa hơn tất cả các giáo hoàng trước đây!

1 – Đến sân bay Edmonton

Chuyên cơ của Giáo hoàng, do ITA Airways thuê, sẽ cất cánh từ Sân bay Quốc tế Rome-Fiumicino lúc 9 giờ sáng ngày 24 tháng Bảy. Trên máy bay có 78 nhà báo – trong đó có một nhà báo của I.MEDIA.

Máy bay sẽ hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Edmonton, thủ phủ của tỉnh Alberta, lúc 11:20 sáng (-6 UTC), sau chuyến bay kéo dài hơn 10 giờ – chặng đường dài nhất trong chuyến đi. Chương trình ở đó không có sự kiện chính thức nào, ngoại trừ nghi thức chào đón tại sân bay của các nhà chức trách dân sự và giáo hội. Do sức khỏe của Đức Giáo hoàng – ngài vẫn đang bị đau đầu gối phải – chương trình cho chuyến công du Canada này đã được cắt giảm.

13 điểm đến trong chuyến đi Canada của Đức Thánh Cha

2- Trường nội trú Maskwacis và Ermineskin

Ngày hôm sau, 25 tháng Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thị trấn Maskwacis, cách Edmonton khoảng 100km (60 dặm) về phía nam, nơi có Trường Nội trú Ermineskin trước đây. Vào lúc 10 giờ sáng, ngài sẽ gặp gỡ các dân tộc First Nations, Métis và Inuit, cũng như hàng nghìn cựu học sinh trường nội trú từ khắp đất nước. Ngài sẽ đọc bài diễn từ đầu tiên.

Theo trang web của Trung tâm Sự thật và Hòa giải Quốc gia (NCTR) của Đại học Manitoba, Alberta có số lượng trường nội trú nhiều nhất ở Canada với 26 trường.

Trường nội trú Ermineskin, một trong những trường lớn nhất nước, hoạt động từ năm 1916 đến năm 1975. Theo CNVR, tình trạng quá tải và dịch bệnh là điều phổ biến. Những học sinh đã học qua trường này cho biết họ thường xuyên bị ngược đãi khi thể hiện văn hóa bản địa của mình. Ít nhất 15 học sinh đã chết trong suốt 59 năm tồn tại của trường.

3- Nhà thờ Thánh Tâm của First Peoples

Lúc 4:45 chiều ngày 25 tháng Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ trở lại Edmonton để đọc bài diễn từ tại Nhà thờ Thánh Tâm của First Peoples và chào cộng đoàn giáo xứ và cộng đồng dân bản địa.

Trang web của giáo xứ cho biết đây là một “cộng đoàn Công giáo duy nhất bao gồm những người thổ dân và người khai hoang cùng nhau cầu nguyện bằng cách sử dụng các cử điệu, âm nhạc và nghi lễ độc đáo”. Chẳng hạn, họ sử dụng “yến mạch thơm, cây xô thơm (sage), cây tuyết tùng và cây thuốc lá, cũng như trống” trong phụng vụ của họ.

Khánh thành năm 1913, nhà thờ 109 tuổi là một trong những nhà thờ lâu đời nhất ở Edmonton. Năm 1991, đức tổng giám mục chính thức giao nhà thờ cho các dân tộc First Nations, Métis và Inuit của Edmonton.

Trang web của giáo xứ cho biết chi tiết vào tháng Tám năm 2020, nhà thờ bị một trận hỏa hoạn kinh hoàng tàn phá do việc đốt cây xô thơm và tro tàn từ một nghi lễ truyền thống. Việc xây dựng lại nhà thờ bắt đầu vào tháng Mười Một năm 2021 với chi phí khoảng 3,4 triệu euro. Nhà thờ mới “phản ánh tốt hơn các nền văn hóa bản địa.” Những cột sào Tipi sẽ được dựng phía trên bàn thờ, và bản thân bàn thờ phải được làm từ thân cây.

4- Sân vận động Khối thịnh vượng chung

Vào ngày 26 tháng Bảy, lễ Thánh Anne theo phụng vụ, vị thánh bổn mạng của đất nước, Đức Giáo hoàng sẽ cử hành Thánh Lễ lúc 10:15 sáng tại Sân vận động Khối thịnh vượng chung của Edmonton, và ngài sẽ giảng lễ. Tòa nhà có sức chứa 65.000 người, được xây dựng vào năm 1975 và mở cửa năm 1978. Theo trang web về du lịch, lễ cử hành sẽ kết hợp các yếu tố của văn hóa thổ dân.

5- Hồ nước Thánh Anne

Lúc 5:00 chiều Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ đến Lac Sainte Anne, cách Edmonton 75km. Ngài sẽ tham dự một cuộc hành hương được tổ chức hàng năm kể từ năm 1886 để tôn vinh Thánh Anne, và ngài sẽ có bài giảng. Hàng chục nghìn người Cree, Dene, Blackfoot và Métis, có lòng sùng kính đặc biệt đối với người bà của Chúa Giêsu – tượng trưng cho tầm quan trọng của hình ảnh người cao niên trong cộng đồng của họ – tham dự buổi họp mặt này theo truyền thống.

Theo trang web của đền thờ, khoảng 40.000 người tham dự cuộc hành hương mỗi năm. Theo truyền thống, người hành hương sẽ tắm trong hồ, trong đó có nhiều người bệnh và đau khổ. Theo một số ngôn ngữ của người thổ dân địa phương, hồ nước được gọi là “Hồ của Chúa” hoặc “Hồ của các Thần.”

Nhà thờ đầu tiên được xây dựng trên bờ hồ trở thành đền thờ cung hiến cho thánh nhân được xây dựng vào năm 1844. Sau đó một cộng đoàn được thành lập trong khu vực này, bao gồm một linh mục và một số người Métis, trở thành khu truyền giáo Công giáo đầu tiên ở Alberta. Từ năm 1852, Dòng Truyền giáo Mẹ Maria Vô nhiễm Nguyên tội phục vụ đền thờ.

6- Đến sân bay Jean-Lesage ở Thành phố Quebec

Sáng ngày 27 tháng Bảy, máy bay của Đức Giáo hoàng sẽ rời Sân bay Quốc tế Edmonton lúc 9:00 sáng để đến Thành phố Quebec, cách hơn 3.000 km (1.865 mi) về phía đông. Chuyên cơ dự kiến sẽ đến Sân bay Quốc tế Jean-Lesage ở Quebec vào lúc 3:05 chiều giờ địa phương (-4 UTC).

7- “Thành Quebec”: dinh Toàn quyền

Thời gian còn lại của buổi chiều ngày 27 tháng Bảy, bắt đầu từ 3:40, sẽ dành cho các cuộc gặp gỡ với các nhà chức trách Canada. Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ gặp gỡ bà Mary Simon, Toàn quyền Canada, Thủ tướng Justin Trudeau, các giới chức dân sự của đất nước và các đại diện người Bản địa. Lúc 4:45 chiều, ngài sẽ có một bài phát biểu.

Tất cả các cuộc gặp gỡ này đều diễn ra tại “Thành Québec”, một tòa nhà quân sự hình ngôi sao quay mặt ra sông Thánh Lawrence. Đây là nơi ở chính thức của Nữ hoàng Elizabeth II và Toàn quyền.

Người Pháp và người Anh đã dựng lên rất nhiều công sự tại địa điểm này. Tòa thành hiện tại được xây dựng từ năm 1820 đến năm 1850. Có biệt danh là “Gibraltar của Châu Mỹ”, Thành cổ vẫn hiện vẫn có đơn vị đồn trú hoạt động. Nó được xây trên đỉnh Cap Diamant cao nhất của Thành phố Quebec, để bảo vệ thành phố khỏi bị tấn công tốt hơn.

8- Đền thờ Quốc gia Sainte-Anne-de-Beaupré

Ngày hôm sau, 28 tháng Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ lúc 10 giờ sáng tại Đền thờ Quốc gia Sainte-Anne-de-Beaupré, cách thành phố Quebec khoảng 30 km. Dự kiến sẽ có từ 10.000 đến 15.000 người tham dự tại địa điểm hành hương này, nơi thu hút hơn một triệu người mỗi năm. Đức Giáo Hoàng sẽ giảng lễ.

Nhà thờ đầu tiên trên địa điểm này được xây dựng năm 1658. Vương cung Thánh đường ngày nay rộng 60m và dài 100m, với các ngọn tháp cao hơn 100m. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1926 trên nền móng của một nhà thờ trước đó đã bị cháy vào năm 1922.

Khu thánh địa được coi là một nơi đầy ân phúc vì một trong những người thợ xây đã được phép lạ chữa lành bệnh thận vào năm 1658. Vương cung Thánh đường sở hữu ba thánh tích được coi là của Thánh Anne: một phần xương ngón tay, một mảnh xương cẳng tay của thánh nhân, được chuyển đến từ Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành ở Roma năm 1892, và xương cẳng tay, được Đức Giáo hoàng Gioan XXIII tặng vào năm 1960.

9- Nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Québec

Vào lúc 5:15 chiều cùng ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành giờ Kinh Chiều – với bài giảng – và gặp gỡ các linh mục và tu sĩ của Tỉnh Quebec tại Nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Quebec, nhà thờ và là trụ sở của Tổng Giám mục Chánh tòa.

Nhà thờ đầu tiên ở Thành phố Quebec được xây dựng tại địa điểm của nhà thờ hiện tại vào năm 1633. Qua nhiều thế kỷ, công trình kiến trúc đã bị phá hủy và xây dựng lại nhiều lần do các vụ đánh bom và cháy. Lần bị tàn phá gần đây nhất do trận hỏa hoạn vào năm 1922.

Tháng Mười Hai năm 2013, Đức Tổng Giám mục Gerald Lacroix đã khánh thành Cửa Thánh đầu tiên bên ngoài Châu Âu tại đó, nhân kỷ niệm 350 năm thành lập giáo phận Công giáo lâu đời nhất ở Bắc Mỹ. Chỉ có chín nhà thờ trên thế giới – bao gồm bốn vương cung thánh đường của Roma – là có Cửa Thánh được mở vào các dịp Năm thánh.

10- Tổng giáo phận Quebec

Lúc 9 giờ sáng ngày hôm sau, 29 tháng Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Tổng giáo phận Quebec để gặp gỡ các thành viên Dòng Tên – như hiện ngài vẫn thường làm trong các chuyến tông du nước ngoài. Lúc 10:45 sáng, ngài sẽ chào một phái đoàn đại diện người bản xứ đến từ Quebec.

11- Đến sân bay Iqaluit

Vào lúc 12 giờ 45 phút chiều ngày 29 tháng Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ rời Sân bay Quốc tế Jean Lesage của Quebec để đến Iqaluit, cách 2.000km xa về phía bắc, thuộc vùng Nunavut, lãnh thổ lớn nhất và nằm ở cực bắc của Canada. Dự kiến máy bay của ngài sẽ hạ cánh lúc 3:50 chiều giờ địa phương – Iqaluit ở cùng múi giờ với Quebec (-4 giờ UTC).

12- Trường tiểu học Nakasuk ở Iqaluit

Lúc 4:15 chiều, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ các cựu học sinh của một trường nội trú Công giáo trong vùng tại Trường Tiểu học Nakasuk ở Iqaluit. Có 13 trường nội trú trên lãnh thổ Nunavut.

Tại trường, Đức Giáo hoàng cũng sẽ gặp gỡ các thanh thiếu niên và người cao tuổi. Đức Giáo hoàng sẽ có bài diễn từ cuối cùng trong chuyến đi của ngài.

13- Trở về Roma

Chuyên cơ của Đức Giáo hoàng sẽ rời Iqaluit lúc 6:45 chiều, và sẽ đến Roma lúc 7:50 sáng ngày hôm sau, ngày 30 tháng 7. Như thường lệ, ngài sẽ đến Đền thờ Đức Bà Cả để tạ ơn về chuyến đi của mình.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/7/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét