“Bài giảng về sứ mệnh truyền giáo” của Chúa Giêsu: Tại sao phải loan báo và loan báo điều gì và như thế nào
Bài giáo lý thứ năm của Đức Thánh Cha Phanxicô về nhiệt tâm rao giảng Tin mừng
(C) Vatican Media
*******
Buổi Tiếp kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9:00 sáng trong Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.
Trong huấn từ bằng tiếng ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về sự nhiệt tâm rao giảng Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu, tập trung suy niệm về chủ đề: “Hoạt động tông đồ đầu tiên” (Bài đọc: Mt 10:7-10.16).
Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào đặc biệt đến các tín hữu tham dự.
Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.
____________________________________________________
Bài giáo lý. 4. Hoạt động tông đồ đầu tiên
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúng ta tiếp tục bài giáo lý của mình; chủ đề chúng ta đã chọn là “Nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng, lòng nhiệt thành tông đồ”. Bởi vì rao giảng Tin mừng không phải là nói, ‘Nhìn này, bla, bla, bla’ và chẳng có gì hơn nữa. Sự nhiệt tâm liên quan đến tất cả mọi thứ: khối óc, trái tim, đôi tay, ra đi … mọi thứ, toàn bộ con người đều tham gia vào việc loan báo Tin Mừng này, và vì lý do đó mà chúng ta nói về sự nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng. Sau khi đã nhìn thấy nơi Chúa Giêsu gương mẫu và bậc thầy của việc loan báo, hôm nay chúng ta hướng về các môn đệ đầu tiên, về những gì các môn đệ đã làm. Tin Mừng kể rằng Chúa Giêsu “lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3:14), hai việc: ở với Người và sai các ông đi rao giảng. Một khía cạnh dường như mâu thuẫn: Ngài kêu gọi họ ở với Ngài và ra đi rao giảng. Người ta sẽ nói: hoặc việc này hoặc việc kia thôi, hoặc ở lại hoặc đi. Nhưng không: đối với Chúa Giêsu không có chuyện đi mà không ở lại và không có chuyện ở lại mà không đi. Không dễ để hiểu được điều này, nhưng nó là như vậy. Chúng ta hãy cố gắng hiểu một chút ý nghĩa của những điều Chúa Giêsu nói.
Trước hết, không có chuyện đi mà không ở lại: trước khi sai các môn đệ đi thi hành sứ vụ, Chúa Kitô – Tin Mừng cho biết – “gọi họ lại với Người” (x. Mt 10:1). Việc loan báo được sinh ra từ cuộc gặp gỡ với Chúa; mọi hoạt động của người Kitô hữu, nhất là việc truyền giáo, bắt đầu từ đó. Không phải từ những gì được học trong một học viện. Không, không! Nó bắt đầu từ cuộc gặp gỡ với Chúa. Thật vậy, làm chứng cho Chúa có nghĩa là chiếu tỏa ánh sáng của Ngài; nhưng, nếu chúng ta không nhận được ánh sáng của Chúa, chúng ta sẽ bị dập tắt; nếu chúng ta không dành thời gian cho Ngài, thì chúng ta sẽ tự mang theo bản thân mình thay vì Chúa — tôi đang mang đến bản thân tôi chứ không phải Chúa — và tất cả sẽ là vô ích. Vì vậy, chỉ những người ở lại với Ngài mới có thể mang Tin Mừng của Chúa Giêsu. Ai không ở lại với Ngài thì không thể mang Tin Mừng. Người đó sẽ mang đến những ý tưởng, nhưng không phải là Tin Mừng. Tuy nhiên, không thể ở lại mà không ra đi. Thật vậy, đi theo Chúa Kitô không phải là một sự kiện hướng nội: không loan báo, không phục vụ, không sứ vụ, thì mối liên hệ với Chúa Giêsu không phát triển. Chúng ta lưu ý rằng trong Tin Mừng, Chúa sai các môn đệ đi trước khi họ chuẩn bị xong: không lâu sau khi gọi các môn đệ, Người đã sai họ đi! Điều này có nghĩa là kinh nghiệm sứ vụ là một phần của việc đào tạo Kitô hữu. Vậy chúng ta hãy nhớ lại hai thời điểm căn bản này đối với mỗi người môn đệ: ở lại với Chúa Giêsu và ra đi, được Chúa Giêsu sai đi.
Sau khi kêu gọi các môn đệ đến với Người và trước khi sai họ đi, Đức Kitô ngỏ lời với họ, được gọi là ‘bài giảng về sứ mệnh truyền giáo’ – đây là cách gọi trong Tin Mừng. Chúng ta tìm thấy nó trong chương 10 của Tin mừng theo Thánh Matthêu và giống như ‘hiến pháp’ của việc loan báo. Từ bài giảng đó, mà tôi khuyên anh chị em nên đọc hôm nay — chỉ là một trang trong Tin Mừng — tôi rút ra ba khía cạnh: tại sao phải loan báo, loan báo điều gì và loan báo như thế nào.
Tại sao phải loan báo: Động lực nằm ở một vài lời của Chúa Giêsu mà chúng ta cần phải ghi nhớ: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (c. 8). Chỉ có một vài từ. Nhưng tại sao phải loan báo? Bởi vì tôi đã nhận được cách nhưng không, và tôi phải cho đi một cách nhưng không. Việc loan báo không bắt đầu từ chúng ta, nhưng từ vẻ đẹp của những gì chúng ta đã nhận được cách nhưng không, không vì công trạng: gặp gỡ Chúa Giêsu, biết Ngài, khám phá ra rằng chúng ta được yêu thương và được cứu độ. Đó là một món quà quá lớn đến nỗi chúng ta không thể giữ nó cho riêng mình, chúng ta cảm thấy cần phải truyền bá nó; nhưng trong cùng một phong cách, phải không? Đó là, tính nhưng không. Nói cách khác: chúng ta có một món quà, vì vậy chúng ta được mời gọi trở nên một món quà; chúng ta đã đón nhận được một món quà và ơn gọi của chúng ta là hiến thân cho người khác; trong chúng ta có niềm vui được làm con Thiên Chúa, niềm vui ấy phải được chia sẻ với anh chị em của chúng ta, những người chưa biết điều đó! Đây là lý do cho việc loan báo. Ra đi và mang đến niềm vui của những gì chúng ta đã nhận được.
Thứ hai: vậy thì loan báo điều gì? Chúa Giêsu nói: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần” (c. 7). Đây là điều cần phải nói, trước hết và quan trọng nhất: Thiên Chúa đang ở gần. Vì thế, đừng bao giờ quên điều này: Thiên Chúa luôn gần gũi với con người. Chính Ngài đã nói điều đó với dân chúng: Ngài nói: “Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa?” Sự gần gũi này là một trong những điều quan trọng nhất về Thiên Chúa. Có ba điều quan trọng: sự gần gũi, lòng thương xót và sự dịu dàng. Anh chị em đừng quên điều đó. Thiên Chúa là ai? Là Đấng Gần gũi, Đấng Dịu dàng, Đấng Thương xót. Đây là thực tế của Thiên Chúa. Chúng ta khi rao giảng thường thúc giục người ta làm điều gì đó, điều đó tốt; nhưng đừng quên rằng thông điệp chính yếu là Chúa đang ở gần: sự gần gũi, lòng thương xót và sự dịu dàng. Chấp nhận tình yêu của Chúa thì khó hơn vì chúng ta luôn muốn ở trung tâm, muốn làm nhân vật chính, chúng ta có khuynh hướng thích thể hiện hơn là để mình được rèn giũa, muốn nói hơn là lắng nghe. Nhưng, nếu những gì chúng ta làm đến trước, chúng ta sẽ vẫn là nhân vật chính. Ngược lại, việc loan báo Tin mừng phải dành ưu tiên cho Thiên Chúa: dành ưu tiên cho Thiên Chúa, vị trí đầu tiên dành cho Thiên Chúa, và trao cho người khác cơ hội chào đón Chúa, để nhận ra rằng Chúa đang ở gần. Và tôi ở hậu cảnh.
Điểm thứ ba: loan báo như thế nào. Đây là khía cạnh mà Chúa Giêsu quan tâm nhiều nhất: loan báo như thế nào, phương pháp là gì, đâu là ngôn ngữ loan báo; nó rất quan trọng: Chúa nói với chúng ta rằng cách thức, phong cách là điều quan trọng trong việc làm chứng. Làm chứng không chỉ liên quan đến tâm trí và nói điều gì đó, các khái niệm. Không. Nó liên quan đến mọi điều, trí óc, trái tim, bàn tay, mọi thứ, ba ngôn ngữ của con người: ngôn ngữ suy nghĩ, ngôn ngữ tình cảm và ngôn ngữ việc làm. Ba ngôn ngữ. Người ta không thể rao giảng Tin Mừng chỉ bằng khối óc, bằng trái tim hay chỉ bằng đôi tay. Mọi thứ đều có liên quan. Và, theo đúng phong cách, điều quan trọng là chứng tá, như Chúa Giêsu muốn chúng ta làm. Ngài nói thế này: “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói” (c. 16). Chúa không yêu cầu chúng ta phải có khả năng đối mặt với bầy sói, nghĩa là có thể tranh cãi, đưa ra những lập luận phản bác và tự bảo vệ mình. Không không. Chúng ta có thể nghĩ như thế này: chúng ta phải trở nên thích đáng, đông đảo, có uy tín, và thế giới sẽ lắng nghe chúng ta và tôn trọng chúng ta và chúng ta sẽ đánh bại bầy sói. Không, không phải như thế. Không, Thầy sai anh em đi như chiên, như cừu non. Đây là điều quan trọng. Nếu anh chị em không muốn trở thành chiên, Chúa sẽ không bảo vệ anh em khỏi bầy sói. Hãy đối phó với nó theo khả năng anh em có thể. Nhưng nếu anh em là chiên con, hãy yên tâm rằng Chúa sẽ bảo vệ anh em khỏi bầy sói. Hãy khiêm nhường. Chúa yêu cầu chúng ta phải như vậy, nhu mì và với ý chí trong sáng, sẵn sàng hy sinh; đây là những hình ảnh con chiên đại diện: hiền lành, vô tội, dâng hiến, dịu dàng. Và Chúa, Đấng Chăn Chiên, sẽ nhận ra bầy chiên của Ngài và bảo vệ chúng khỏi bầy sói. Mặt khác, những con chiên cải trang thành sói sẽ bị lột mặt nạ và bị xé thành từng mảnh. Một Giáo phụ đã viết: ‘Chừng nào chúng ta còn là chiên con, chúng ta sẽ chiến thắng, và ngay cả khi chúng ta bị bao vây bởi vô vàn con sói, chúng ta sẽ chiến thắng chúng. Nhưng nếu chúng ta trở thành những con sói — “Ồ, thật là thông minh, xem này, tôi cảm nhận mình quá giỏi’ — chúng ta sẽ bị đánh bại, bởi vì chúng ta sẽ bị mất đi sự giúp đỡ của Đấng chăn chiên. Ngài không chăn dắt đàn sói, mà chăn chiên con’ (Thánh Gioan Kim Khẩu, Bài giảng 33 về Tin Mừng Matthêu). Nếu tôi muốn thuộc về Chúa, tôi phải cho phép Ngài chăn dắt tôi; và Chúa không phải là người chăn bầy sói, Ngài là người chăn chiên con, hiền lành, khiêm nhường, nhân từ.
Vẫn về chủ đề loan báo như thế nào, điều đáng chú ý là Chúa Giêsu, thay vì quy định những gì phải mang theo khi đi sứ vụ, thì lại nói về những gì không được mang theo. Đôi khi, người ta thấy một số tông đồ, một người nào đó di chuyển, người Kitô hữu nói rằng người kia là tông đồ và đã dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa, và người đó đang mang theo rất nhiều hành lý. Nhưng đây không phải là thuộc về Chúa. Chúa làm cho anh em nhẹ gánh. “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy” (c. 9-10). Đừng mang theo thứ gì. Ngài nói đừng dựa vào những sự chắc chắn của vật chất, mà hãy đi vào thế giới mà không có tính thế gian. Điều đó có nghĩa là, tôi đang đi vào thế giới, không phải với phong cách của thế gian, không phải với các giá trị của thế gian, không phải với tính thế gian — đối với Giáo hội, rơi vào tính thế gian là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Tôi ra đi với sự đơn giản. Đây là cách chúng ta loan báo: bằng cách cho thấy Chúa Giêsu hơn là nói về Chúa Giêsu. Và chúng ta cho thấy Chúa Giêsu bằng cách nào? Bằng chứng tá của chúng ta. Và cuối cùng, bằng cách đi cùng nhau, trong cộng đoàn: Chúa sai tất cả các môn đệ đi, nhưng không ai đi một mình. Giáo hội tông truyền là truyền giáo và trong việc truyền giáo, Giáo hội tìm thấy sự hiệp nhất của mình. Vì vậy: hãy tiến bước, hiền lành và tốt lành như những con chiên, không theo tính thế gian, và đi cùng nhau. Đây là chìa khóa cho việc loan báo, đây là chìa khóa thành công trong việc loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy đón nhận những lời mời gọi này của Chúa Giêsu: Hãy lấy Lời Chúa là điểm quy chiếu cho chúng ta.
____________________________________
Lời chào đặc biệt
Cha xin gửi lời chào thân ái đến anh chị em hành hương nói tiếng Anh tham dự buổi tiếp kiến hôm nay, đặc biệt là anh chị em đến từ nước Anh, Việt Nam và Hoa Kỳ. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đổ xuống trên tất cả anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc phúc cho anh chị em!
[Nguồn: exaudi]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/2/2023]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét