IV. Một phong cách riêng
Yêu thương … và ngươi sẽ được sống (x. Lc 10:27-28).
Cái gì và như thế nào: Sự sáng tạo của tình yêu
64) Nhiều người Kitô giáo sáng tạo nội dung tự hỏi: đâu là chiến lược hiệu quả nhất để tiếp cận nhiều người dùng-con người-linh hồn hơn? Công cụ nào làm cho nội dung của tôi hấp dẫn hơn? Phong cách nào hoạt động tốt nhất? Mặc dù những câu hỏi này là hữu ích nhưng chúng ta luôn phải nhớ rằng truyền thông không chỉ đơn thuần là một “chiến lược”. Nó còn nhiều hơn thế. Một người truyền thông thực sự cho đi tất cả, cho đi toàn bộ con người mình. Chúng ta làm truyền thông với tâm hồn và thể xác, với tâm trí, trái tim, đôi bàn tay, với mọi thứ.[38]
Khi chia sẻ Bánh Hằng Sống, chúng ta học được “phong cách chia sẻ” từ Đấng đã yêu thương chúng ta và hiến mình vì chúng ta (x. Gl 2:20). Phong cách này được phản ánh trong ba thái độ – “sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng” – mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn nhận như những nét riêng biệt trong phong cách của Thiên Chúa.[39] Chính Chúa Giêsu, trong bữa ăn tối chia tay, đã quả quyết với chúng ta rằng dấu chỉ đặc biệt của các môn đệ Người là yêu thương nhau như Người đã yêu thương họ. Nhờ điều này, mọi người có thể nhận ra một cộng đoàn Kitô hữu (x. Ga 13:34-35).
Làm thế nào để có thể phản ánh “phong cách” của Thiên Chúa trên các mạng xã hội?
65) Trước hết, chúng ta nên nhớ rằng bất cứ điều gì chúng ta chia sẻ trong các bài đăng, bình luận và lượt thích của mình, bằng lời nói hoặc bằng văn bản, bằng phim hoặc hình ảnh động, đều phải phù hợp với phong cách chúng ta học được từ Đức Kitô, Đấng đã truyền tải thông điệp của Người không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng toàn bộ cách sống của Ngài, cho thấy rằng việc truyền thông, ở mức độ sâu xa nhất của nó, là sự hiến thân trong tình yêu.[40] Do đó, cách chúng ta nói cũng quan trọng như những gì chúng ta nói. Tất cả sự sáng tạo đều bảo đảm rằng cái như thế nào phải phù hợp với cái gì. Nói cách khác, chúng ta chỉ có thể truyền thông tốt nếu chúng ta “yêu thương tốt”.[41]
66) Để truyền thông sự thật, trước tiên chúng ta phải chắc chắn rằng chúng ta đang truyền đạt thông tin trung thực; không chỉ trong việc sáng tạo nội dung mà còn trong việc chia sẻ nội dung đó. Chúng ta phải bảo đảm rằng chúng ta là một nguồn đáng tin cậy. Để truyền đạt sự tốt lành, chúng ta cần nội dung chất lượng, một thông điệp hướng đến sự giúp đỡ, không gây hại; để thúc đẩy hành động tích cực, không lãng phí thời gian trong những thảo luận vô bổ. Để truyền đạt cái đẹp, chúng ta phải bảo đảm rằng chúng ta đang truyền đạt một thông điệp trọn vẹn, cần có nghệ thuật chiêm niệm – một nghệ thuật giúp chúng ta nhìn thấy thực tại hoặc một sự kiện liên kết với nhiều thực tại và sự kiện khác.
Trong bối cảnh “hậu sự thật” và “tin giả”, Chúa Giêsu Kitô, “là con đường, là sự thật và là sự sống” (
Ga 14:6) đại diện cho nguyên tắc hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa và với nhau.[42] Như Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta trong
Sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới 2019, “bổn phận bảo vệ sự thật bắt nguồn từ sự cần thiết không được mang lại ấn tượng sai lầm về mối quan hệ hỗ tương của sự hiệp thông. Sự thật được tỏ lộ trong sự hiệp thông. Ngược lại, sự dối trá là ích kỷ từ chối không thừa nhận rằng chúng ta là chi thể của một thân thể; dối trá là sự từ chối hiến mình cho người khác, do đó đánh mất con đường duy nhất để tìm lại chính mình.”[43]
67) Vì lý do này, điều thứ hai cần nhớ là một thông điệp sẽ dễ thuyết phục hơn khi người truyền đạt thông điệp đó thuộc về một cộng đồng. Nhu cầu cấp thiết để hành động là không chỉ với tư cách cá nhân mà còn với tư cách là cộng đồng. Việc các phương tiện truyền thông xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho những sáng kiến cá nhân trong việc sản xuất nội dung có vẻ như là một cơ hội quý giá nhưng nó có thể trở thành vấn đề khi các hoạt động cá nhân được thực hiện một cách thất thường và không phản ánh mục tiêu và triển vọng chung của cộng đoàn Giáo hội. Gạt sang một bên chương trình hành động của riêng mình và việc khẳng định khả năng và kỹ năng của bản thân, để khám phá ra rằng mỗi người chúng ta – với tất cả những tài năng và yếu điểm của mình – đều là một phần của nhóm, là một ơn trao quyền cho chúng ta cộng tác với tư cách là “thành viên của nhau.” Chúng ta được kêu gọi làm chứng cho một phong cách truyền thông giúp chúng ta thuộc về nhau, và làm sống lại điều mà Thánh Phaolô gọi là “mọi thứ gân mạch và dây chằng” giúp các chi thể của một thân thể hoạt động trong sự hiệp trợ (Cl 2:19).
68) Do đó, sự sáng tạo của chúng ta chỉ có thể là kết quả của sự hiệp thông: nó không phải là thành tựu của một thiên tài cá nhân vĩ đại, mà là thành quả của một tình bạn tuyệt vời. Nói cách khác, đó là hoa trái của tình yêu. Là những người truyền thông Kitô giáo, chúng ta được kêu gọi làm chứng cho một phong cách truyền thông không chỉ dựa trên cá nhân, mà còn dựa trên con đường xây dựng và thuộc về cộng đồng. Cách tốt nhất để truyền tải nội dung là tập hợp tiếng nói của những người yêu thích nội dung đó. Làm việc cùng nhau như một đội, tạo không gian cho những tài năng, nền tảng, năng lực và nhịp điệu đa dạng, cùng tạo ra vẻ đẹp trong một “sáng tạo giao hưởng”, thực sự là bằng chứng đẹp nhất rằng chúng ta thật là con cái của Thiên Chúa, được cứu chuộc khỏi tình trạng chỉ quan tâm đến bản thân và sẵn sàng gặp gỡ những người khác.
Kể chuyện bằng một câu chuyện
69) Những câu chuyện hay thu hút sự chú ý và trí tưởng tượng. Chúng tiết lộ và mở rộng lòng mến khách trước sự thật. Những câu chuyện cho chúng ta một khuôn khổ diễn giải để hiểu thế giới và trả lời những câu hỏi sâu sắc nhất của chúng ta. Các câu chuyện xây dựng cộng đồng, vì cộng đồng luôn được xây dựng thông qua giao tiếp.
Kể chuyện đã có một tầm quan trọng mới trong văn hóa kỹ thuật số vì sức mạnh độc đáo của những câu chuyện trong việc thu hút sự chú ý của chúng ta và nói chuyện trực tiếp với chúng ta; chúng cũng cung cấp ngữ cảnh giao tiếp đầy đủ hơn so với những bài đăng hoặc câu tweet bị cắt xén. Văn hóa kỹ thuật số chứa đầy thông tin và các nền tảng của nó hầu hết là những môi trường lộn xộn. Các câu chuyện đưa ra một cấu trúc, một cách để hiểu được trải nghiệm kỹ thuật số. “Thật” hơn sự tranh luận đơn thuần và phức tạp hơn những phản ứng hời hợt và theo cảm tính thường được gặp thấy trên các nền tảng kỹ thuật số, chúng giúp khôi phục các mối quan hệ giữa con người với nhau bằng cách mang đến cho mọi người cơ hội truyền tải câu chuyện của họ hoặc chia sẻ những câu chuyện đã làm họ thay đổi.
70) Lý do tuyệt vời để kể một câu chuyện là khi trả lời những người thắc mắc về thông điệp hoặc sứ mệnh của chúng ta. Việc tạo ra một câu chuyện phản biện có thể hiệu quả hơn để trả lời một bình luận mang tính thù ghét hơn là trả lời bằng một tranh luận.[44 Bằng cách này, chúng ta chuyển sự chú ý từ việc phòng thủ sang việc chủ động quảng bá một thông điệp tích cực và nuôi dưỡng tình đoàn kết, như Chúa Giêsu đã làm với câu chuyện về Người Samari tốt lành. Thay vì tranh luận với người thông luật về việc chúng ta nên xem ai là người lân cận và ai là người chúng ta có thể bỏ qua hoặc thậm chí ghét bỏ, Chúa Giêsu chỉ kể một câu chuyện. Là một bậc thầy kể chuyện, Chúa Giêsu không đặt người luật sĩ vào hoàn cảnh của người Samari, nhưng vào hoàn cảnh của người bị trọng thương. Để biết ai là người lân cận của mình, trước hết ông ta phải hiểu rằng ông ta đang ở trong hoàn cảnh của người bị thương và một người khác đã động lòng trắc ẩn với ông. Chỉ khi người luật sĩ khám phá ra điều này và cảm nghiệm được sự chăm sóc của người Samari dành cho mình, thì ông ta mới có thể rút ra kết luận về chính cuộc đời của mình và biến câu chuyện thành của mình. Chính người thông luật là người đã rơi vào tay bọn cướp, và người Samari đến gần ông ta là Chúa Giêsu.
Khi nghe câu chuyện này, mỗi người chúng ta đều là người bị thương tích đang nằm đó. Và đối với mỗi người chúng ta, người Samari chính là Chúa Giêsu. Vì nếu chúng ta còn hỏi: “Ai là người lân cận của tôi?”, là vì chúng ta chưa cảm nhận rằng chúng ta được yêu thương và cuộc sống của chúng ta được nối kết với mọi sự sống.
71) Ngay từ buổi đầu của Giáo hội, việc kể câu chuyện về kinh nghiệm sâu sắc mà những người theo Chúa Giêsu có được khi Ngài hiện diện đã thu hút những người khác trở thành môn đệ của Đức Kitô. Sách Công vụ Tông đồ có nhiều những ví dụ như vậy. Chẳng hạn, Thánh Phêrô được Chúa Thánh Thần ban quyền năng và rao giảng về sự Phục sinh của Đức Kitô cho những người hành hương trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Việc này dẫn đến sự trở lại của ba ngàn người (xem Cv 2:14-41). Ở đây chúng ta có được ý tưởng về mức độ ảnh hưởng đến người khác qua cách kể chuyện của chúng ta. Đồng thời, thuật lại những câu chuyện và kinh nghiệm chỉ là một yếu tố của việc rao giảng Tin Mừng. Những giải thích có hệ thống về đức tin được thực hiện qua việc diễn đạt các tín điều và các sách giáo lý khác cũng rất quan trọng.
Xây dựng cộng đồng trong thế giới bị phân mảnh
72) Con người đang tìm kiếm người nào đó có thể đưa ra phương hướng và niềm hy vọng; họ đang khát sự lãnh đạo đạo đức và tinh thần, nhưng họ thường không tìm thấy nó ở những nơi truyền thống. Hiện nay, người ta thường tìm đến “những người có ảnh hưởng”, những cá nhân đạt được và duy trì một lượng lớn người theo dõi, những người có được tầm nhìn rộng hơn và có thể truyền cảm hứng cũng như thúc đẩy người khác bằng ý tưởng hoặc kinh nghiệm của họ. Được áp dụng từ lý thuyết công luận cho cách tiếp thị trên mạng xã hội, sự thành công của một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội có liên quan đến khả năng nổi bật của họ trong mạng lưới rộng lớn bằng cách thu hút một lượng lớn người theo dõi.
73) Bản thân việc “lan truyền mạnh” là một hành động trung lập; tự nó không có tác động tích cực hay tiêu cực đến đời sống của người khác. Về vấn đề này, “Các mạng xã hội có thể tạo điều kiện thuận lợi cho những mối quan hệ và thúc đẩy lợi ích của xã hội, nhưng chúng cũng có thể dẫn đến sự phân cực và chia rẽ hơn giữa các cá nhân và các nhóm. Thế giới kỹ thuật số là một quảng trường công cộng, một điểm gặp gỡ nơi chúng ta có thể khuyến khích hoặc hạ thấp lẫn nhau, tham gia vào một cuộc thảo luận có ý nghĩa hoặc các cuộc tấn công thiếu công bằng.”[45]
74) Những người có tầm ảnh hưởng vi mô và vĩ mô
Tất cả chúng ta cần phải xét đến mức “ảnh hưởng” của mình cách nghiêm túc. Không chỉ có những người có tầm ảnh hưởng vĩ mô với lượng khán giả lớn mà còn có những người có ảnh hưởng vi mô. Mỗi người Kitô hữu là một người có tầm ảnh hưởng vi mô. Mọi người Kitô hữu cần phải nhận thức được sự ảnh hưởng tiềm ẩn của mình, bất kể người đó có bao nhiêu người theo dõi. Đồng thời, người đó cần ý thức rằng giá trị của thông điệp do người Kitô giáo “có ảnh hưởng” truyền tải không phụ thuộc vào những tài năng của người đưa tin. Tất cả các môn đệ của Đức Kitô đều có khả năng thiết lập đường liên kết, không phải đến bản thân mình, mà đến Nước Thiên Chúa, ngay cả đối với nhóm nhỏ nhất của họ. “Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ” (Cv 16:31).
Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhận biết rằng trách nhiệm của chúng ta tăng lên cùng với sự gia tăng số lượng người theo dõi. Số lượng người theo dõi càng nhiều, chúng ta càng nhận thức được rằng chúng ta không hành động nhân danh bản thân. Trách nhiệm mục vụ cộng đồng của một người, đặc biệt đối với những người có vai trò lãnh đạo công, không thể trở thành thứ yếu so với việc đẩy mạnh ý kiến cá nhân của người đó từ những bài thuyết giáo trên phương tiện kỹ thuật số.[46]
75) Hãy suy tư, không phản ứng
Phong cách Kitô giáo phải là suy tư, không phản ứng, trên các phương tiện truyền thông xã hội. Do đó, tất cả chúng ta nên cẩn thận để không rơi vào những cái bẫy kỹ thuật số ẩn chứa trong những nội dung được thiết kế có chủ ý gieo rắc xung khắc giữa người dùng bằng cách gây ra những phản ứng phẫn nộ hoặc cảm tính.
Chúng ta phải lưu ý đến việc đăng và chia sẻ những nội dung có thể gây hiểu lầm, làm tăng thêm chia rẽ, kích động xung đột và đào sâu những định kiến. Thật đáng tiếc, xu hướng bị cuốn vào các cuộc tranh luận nóng hổi và đôi khi thiếu tôn trọng là phổ biến với những trao đổi trực tuyến. Tất cả chúng ta đều có thể rơi vào cám dỗ tìm “cái rác trong mắt” anh chị em mình (Mt 7:3) bằng cách công khai tố cáo trên mạng xã hội, khuấy động chia rẽ trong cộng đoàn Giáo hội hoặc tranh cãi xem ai là người lớn nhất giữa chúng ta, như các môn đệ đầu tiên đã làm (Lc 9:46). Vấn đề luận chiến và hời hợt, và từ đó gây chia rẽ, truyền thông đặc biệt trở nên đáng lo ngại khi nó đến từ giới lãnh đạo Giáo hội: các giám mục, các mục tử và các nhà lãnh đạo giáo dân nổi tiếng. Những điều này không chỉ gây chia rẽ trong cộng đoàn mà còn cho phép và tính hợp pháp cho những người khác thúc đẩy loại hình truyền thông tương tự.
Đứng trước sự cám dỗ này, thường thì cách hành động tốt nhất là không phản ứng, hoặc phản ứng bằng sự im lặng để không đề cao động lực sai lầm này. Có thể nói rằng động lực như vậy không xây dựng; ngược lại, nó gây tác hại lớn. Vì vậy, các Kitô hữu được mời gọi để đưa ra một cách khác.
76) Tích cực, hiệp hành
Mạng xã hội có thể trở thành một cơ hội để chia sẻ những câu chuyện và trải nghiệm về cái đẹp hoặc sự đau khổ ở xa chúng ta về địa lý. Khi làm như vậy, chúng ta có thể cùng nhau cầu nguyện và tìm kiếm điều tốt đẹp, tái khám phá những gì hiệp nhất chúng ta.[47] Tích cực có nghĩa là tham gia vào các dự án ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của mọi người: các dự án thăng tiến phẩm giá và sự phát triển con người, nhằm giảm bớt sự bất bình đẳng kỹ thuật số, thúc đẩy khả năng tiếp cận thông tin và xóa mù chữ kỹ thuật số, thúc đẩy các sáng kiến quản lý và huy động vốn từ cộng đồng tạo ích lợi cho người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội và trao tiếng nói cho những người không có tiếng nói trong xã hội.
Những thách đố mà chúng ta phải đối mặt mang tính toàn cầu và do đó nó đòi hỏi nỗ lực hợp tác toàn cầu. Do vậy, việc cấp bách là phải học cách hành động cùng nhau với tư cách là một cộng đồng chứ không với tư cách cá nhân. Không phải là “những cá nhân có ảnh hưởng”, mà là “những người đan dệt sự hiệp thông”: tập hợp tài năng và kỹ năng của chúng ta, chia sẻ kiến thức và đóng góp.[48]
Vì lý do này, Chúa Giêsu đã sai các môn đệ ra đi “từng hai người một” (x. Mc 6:7), để qua việc đồng hành với nhau [49], chúng ta có thể bộc lộ khuôn mặt hiệp hành của Giáo hội, cả trên phương tiện truyền thông xã hội. Đây là ý nghĩa sâu xa của sự hiệp thông hiệp nhất tất cả những người đã được rửa tội trên toàn thế giới. Là Kitô hữu, hiệp thông là một phần trong “DNA” của chúng ta. Như vậy, Chúa Thánh Thần giúp chúng ta mở rộng tâm hồn mình với người khác và đón nhận tư cách thành viên của chúng ta trong tình huynh đệ phổ quát.
Dấu ấn chứng nhân
77) Sự hiện diện của chúng ta trên các phương tiện truyền thông xã hội thường tập trung vào việc truyền bá thông tin. Cùng với những dòng thông tin này, việc trình bày ý tưởng, giáo huấn, suy nghĩ, suy ngẫm thiêng liêng và những điều tương tự trên mạng xã hội cần phải trung thành với truyền thống Kitô giáo. Nhưng như vậy là chưa đủ. Ngoài khả năng tiếp cận người khác với nội dung tôn giáo lý thú, người Kitô hữu chúng ta cần phải được mọi người biết đến với sự sẵn sàng lắng nghe, phân định trước khi hành động, đối xử cách tôn trọng với tất cả mọi người, trả lời bằng một câu hỏi hơn là sự phán xét, giữ im lặng hơn là hơn là gây ra một cuộc tranh cãi và “mau nghe, đừng vội nói, khoan giận” (Gc 1:19). Nói cách khác, tất cả những gì chúng ta làm, qua lời nói và việc làm, đều phải mang dấu ấn chứng nhân. Chúng ta không có mặt trên mạng xã hội để “bán một sản phẩm”. Chúng ta không quảng cáo, nhưng thông truyền sự sống, sự sống đã được ban tặng cho chúng ta trong Chúa Kitô. Vì vậy, mọi người Kitô hữu phải cẩn thận không làm cách chiêu dụ tín đồ, nhưng làm chứng.
78) Là chứng nhân có nghĩa là gì? Chữ chứng nhân trong tiếng Hy Lạp là “tử vì đạo”, và có thể nói rằng một số “người Kitô giáo có ảnh hưởng” mạnh mẽ nhất là những vị tử vì đạo. Sự cuốn hút của các vị tử đạo là họ thể hiện sự kết hiệp với Thiên Chúa qua việc hy sinh chính mạng sống của họ.[50] “Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa” (1 Cr 6:19). Thân xác của các vị tử đạo là khí cụ gương mẫu để mạc khải tình yêu của Thiên Chúa.
Trong khi tử đạo là dấu chỉ tối hậu của chứng tá Kitô giáo, mọi người Kitô hữu đều được mời gọi hy sinh chính mình: đời sống Kitô hữu là một ơn gọi hy sinh bản thân bằng cách hiến dâng bản thân, linh hồn và thể xác, để trở thành một không gian thông truyền tình yêu của Thiên Chúa, một dấu chỉ hướng về Con Thiên Chúa.
Theo nghĩa này, chúng ta hiểu rõ hơn những lời của Thánh Gioan Tẩy Giả, chứng nhân đầu tiên của Đức Kitô: ‘Người phải nổi bật lên; thầy phải lu mờ đi’ (Ga 3:30). Giống như vị Tiền hô khuyến khích các môn đệ của mình đi theo Chúa Kitô, chúng ta cũng không tìm kiếm “lượng người theo dõi” (môn đệ) cho bản thân, nhưng là cho Chúa Kitô. Chúng ta chỉ có thể truyền bá Tin Mừng bằng cách tạo nên một sự hiệp thông liên kết chúng ta trong Chúa Kitô. Chúng ta làm việc này bằng cách noi gương Chúa Giêsu trong việc tương tác với người khác.
79) Sự cuốn hút của đức tin tiến đến với con người tại nơi ở và tình trạng của họ ở đây và ngay lúc này. Từ một người thợ mộc vô danh đến từ làng Nadarét, Chúa Giêsu đã nhanh chóng nổi tiếng khắp vùng Galilê. Chạnh lòng thương nhìn dân chúng như đoàn chiên không người chăn dắt, Chúa Giêsu đã công bố Nước Thiên Chúa qua việc chữa lành các bệnh nhân và giảng dạy cho đám đông. Để đảm bảo “sự tiếp cận” tối đa, Người thường nói chuyện với đám đông từ trên núi hoặc từ trên thuyền. Để thúc đẩy “sự tham gia” của một số người, Người đã chọn nhóm mười hai và giải thích cho họ mọi điều. Nhưng rồi, thật bất ngờ, khi đến đỉnh cao của “sự thành công”, Người lại rút vào nơi thanh tịnh với Chúa Cha. Và Người cũng yêu cầu các môn đệ làm như vậy: khi họ thuật lại thành công của sứ vụ truyền giáo, Người mời gọi các ông đi nghỉ ngơi và cầu nguyện. Và khi họ đang tranh luận xem ai là người lớn nhất trong số họ, thì Người lại thông báo cho họ về cuộc khổ hình thập giá sắp tới của Người. Mục tiêu của Người – mãi sau này họ mới hiểu – không phải là tăng số lượng người nghe, mà là mặc khải tình yêu của Thiên Chúa Cha để mọi người, tất cả mọi người, có được sự sống và sống dồi dào (x. Ga 10:10).
Theo những bước chân của Chúa Giêsu, chúng ta nên ưu tiên dành đủ không gian để trò chuyện tâm tình với Chúa Cha và tuân ngheo Chúa Thánh Thần, Đấng luôn nhắc nhở chúng ta rằng mọi sự đã bị đảo ngược trên Thập giá. Không có “lượt thích” nào và hầu như không có “người theo dõi” nào vào thời điểm tỏ lộ vinh quang rõ ràng nhất của Thiên Chúa! Mọi thước đo “thành công” của con người đều bị tương đối hóa theo luận lý của Tin Mừng.
80) Đây là chứng tá của chúng ta: chứng minh bằng lời nói và đời sống của chúng ta cho những gì người khác đã làm.[51] Theo nghĩa này, và chỉ theo nghĩa này, chúng ta mới có thể trở thành chứng nhân – ngay cả những nhà truyền giáo – của Chúa Kitô và Thần Khí của Người. Việc này bao gồm sự tham gia của chúng ta trên các phương tiện truyền thông xã hội. Đức tin trước hết có nghĩa là làm chứng cho niềm vui mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Và niềm vui này luôn tỏa sáng rực rỡ trong bối cảnh của một ký ức cảm tạ. Nói với người khác về lý do cho niềm hy vọng của chúng ta và làm việc đó với sự dịu dàng và tôn trọng (1 Pr 3:15) là dấu chỉ của lòng biết ơn. Đó là phản ứng của một người, nhờ lòng biết ơn, trở nên ngoan ngoãn với Thần Khí và do đó được tự do. Điều này là đúng với Mẹ Maria, người đã trở thành người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong lịch sử mà không hề mong muốn hay cố gắng.[52] Đó là câu trả lời của một người nhờ ơn khiêm nhường không đặt bản thân lên hàng đầu và do đó tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng đã nói: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11:29 ).
Theo luận lý của Tin Mừng, tất cả những gì chúng ta phải làm là đặt ra câu hỏi để đánh thức cuộc tìm kiếm. Phần còn lại là công việc âm thầm của Thiên Chúa.
*******
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét