Thứ Hai, 14 tháng 8, 2023

Đại hội Giới trẻ Thế giới (WYD) Seoul ’27 sẽ là một ‘sự bùng nổ’ làm rung chuyển xã hội, Giáo hội

Đại hội Giới trẻ Thế giới (WYD) Seoul ’27 sẽ là một ‘sự bùng nổ’ làm rung chuyển xã hội, Giáo hội

Đại hội Giới trẻ Thế giới (WYD) Seoul ’27 sẽ là một ‘sự bùng nổ’ làm rung chuyển xã hội, Giáo hội

Isabella Haberstock De Carvalho | Aleteia

Isabella H. de Carvalho

07/08/23


Cha Fabiano Rebeggiani, một linh mục người Ý của Tổng giáo phận Seoul, đã chia sẻ với Aleteia về tác động mà ngài tin rằng việc tổ chức WYD sẽ có đối với Giáo hội và Hàn Quốc.

Khi những người hành hương thu dọn hành lý để rời Lisbon, có thể họ đã bắt đầu mong chờ Ngày Giới trẻ Thế giới tiếp theo vào năm 2027 tại Seoul, Hàn Quốc, theo thông báo của Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 6 tháng Tám.

Linh mục Fabiano Rebeggiani người Ý đã ở Hàn Quốc được 10 năm và thụ phong linh mục vào năm 2021 của Tổng giáo phận Seoul. Xuất thân từ Roma và là một phần của Neocatechumenal Way, cha đang ở Lisbon đồng hành với một nhóm 180 khách hành hương từ giáo phận của mình.

Khoảng 1.200 người Hàn Quốc đã đến WYD. Cha Rebeggiani đã chia sẻ với Aleteia tác động mà ngài nghĩ WYD ở Seoul sẽ có đối với người dân địa phương và người Công giáo trên toàn thế giới.


Tại sao các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Seoul quyết định đề xuất thành phố tổ chức WYD?

Cha Fabiano Rebeggiani: Tôi tin rằng đức tổng giám mục của chúng tôi đề nghị tổ chức WYD tại Seoul vì ngài cảm thấy cần phải đổi mới Giáo hội. Sau đại dịch, đã có sự khủng hoảng về việc tham dự Thánh lễ, đặc biệt là đối với những người trẻ. Đức Cha nghĩ rằng sự kiện này có thể đánh thức lại đức tin của Giáo hội tại Hàn Quốc và đặc biệt là của giới trẻ. Rõ ràng các bạn trẻ đến đây rất phấn khởi.

Seoul là một thành phố lớn hơn nhiều so với Lisbon và có khả năng tổ chức tốt. Tôi nghĩ đó là nơi thích hợp để có thể làm việc đó, và nó sẽ là một trải nghiệm tốt cho những người đến từ Châu Âu hoặc Hoa Kỳ vì họ sẽ được nếm trải hương vị của Châu Á. Tôi nghĩ đó là điều giúp ích cho các tín hữu đến từ phương Tây và cả Giáo hội tại Hàn Quốc.

Tôi nghĩ việc tổ chức WYD ở Seoul sẽ giống như một quả bom; nó sẽ làm rung chuyển xã hội Hàn Quốc vốn rất trật tự và chính xác. Chứng kiến sự bùng nổ niềm vui, lòng nhiệt thành và đức tin này, tôi nghĩ sẽ giúp nhiều người biết đến Chúa Kitô.


Có thể WYD sắp tới cũng sẽ đưa ra một thông điệp hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc?

Cha Fabiano Rebeggiani: Chắc chắn. Ở Hàn Quốc hiện đang có hiệp định đình chiến, cuộc xung đột kết thúc vào năm 1953 và không có hiệp ước hòa bình. Với những người hành hương việc đi xem những khu phi quân sự, biên giới, trạm kiểm soát, tên lửa nhắm vào miền Bắc, quay trở lại bầu không khí Chiến tranh Lạnh — đó là một trải nghiệm giúp hiểu được nỗi đau khổ của người dân Hàn Quốc.

Điều này có thể giúp mọi người cầu nguyện cho hòa bình cách đặc biệt. Khả năng duy nhất để một ngày nào đó được công bố Tin mừng ở Bắc Triều Tiên không chỉ thông qua các phương tiện chính trị, mà đặc biệt là thông qua sự cầu nguyện liên tục. Khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thánh hiến nước Nga cho Đức Mẹ Fatima, thì sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria cũng cần thiết ở Triều Tiên.


Vai trò của Giáo hội ở Hàn Quốc là gì?

Cha Fabiano Rebeggiani: Khoảng 10% dân số Hàn Quốc là người Công giáo, 20% theo Tin lành, 20% là Phật tử và 50% không theo tôn giáo nào. Giáo hội Công giáo luôn được đánh giá cao ở Hàn Quốc vì Giáo hội đóng một vai trò trong quá trình dân chủ hóa đất nước, vì cũng có những chế độ độc tài quân sự. Cũng nhờ sự trung gian của các giám mục Hàn Quốc và hành động chính trị, nền dân chủ đã đến với đất nước. Vì vậy, Giáo hội được đánh giá cao vì những lý do chính trị, nhưng cũng vì những lý do xã hội.

Xã hội Hàn Quốc vô cùng cạnh tranh. Trẻ em đã phải bắt đầu trong trường học và sau đó trong thế giới lao động chịu đựng rất nhiều vì điều này. Tuổi trẻ bị căng thẳng và có rất nhiều vụ tự tử, trầm cảm. Rất nhiều người đến với Giáo hội Công giáo để tìm chút bình yên.


Người Hàn Quốc nghĩ gì về Đức Thánh Cha Phanxicô?

Cha Fabiano Rebeggiani: Khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến Hàn Quốc năm 2014, ngài vô cùng nổi tiếng, đặc biệt là đối với những người không theo Công giáo.

Ví dụ như khi đến Hàn Quốc, ngài không muốn một chiếc xe sang trọng, ngài chạy quanh thành phố trên chiếc xe KIA, hoặc ngài cũng đối thoại với các tôn giáo khác và với các thành phần khác nhau trong xã hội. Ngài cho thấy mình là người khiêm nhường, là một vị giáo hoàng giữa dân chúng, không thuộc hàng giáo phẩm. Tôi nghĩ điều này đã đánh động cách đặc biệt đối với nhiều người không Công giáo và nó đã có tác động rất mạnh mẽ. Trên thực tế, đã có nhiều sự trở lại đạo sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha vào năm 2014.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/8/2023]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét