Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2023

Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Tôi đã cầu nguyện cho hòa bình ở Fatima mà không cần quảng cáo’

Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Tôi đã cầu nguyện cho hòa bình ở Fatima mà không cần quảng cáo’

Đức Thánh Cha Phanxicô nói chuyện với các nhà báo đi cùng ngài trên chuyến bay trở về Roma sau chuyến Tông du tới Bồ Đào Nha nhân Ngày Giới trẻ Thế giới 2023, nói về sức khỏe của ngài, lời cầu nguyện thầm ở Fatima của ngài cho hòa bình, và khẳng định rằng Giáo hội mở rộng cho tất cả mọi người, ngay cả những người không thể lãnh nhận một số bí tích

Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Tôi đã cầu nguyện cho hòa bình ở Fatima mà không cần quảng cáo’


Trong cuộc họp báo như thường lệ trên chuyến bay trở về Roma từ Lisbon, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao đổi với các phóng viên về một loạt vấn đề.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh đã mời các phóng viên đặt câu hỏi với Đức Thánh Cha, nhưng trước hết ông đưa microphone cho Đức Phanxicô. Đức Thánh Cha gửi đến các nhà báo một thông điệp cảm ơn ngắn gọn vì họ đã đưa tin về trải nghiệm Ngày Giới trẻ Thế giới vừa kết thúc, và gửi lời chúc “Chúc mừng sinh nhật” đến Rita Cruz, một trong những nhà báo có mặt trên chuyến bay.

______________________________________________

H: Aura Maria Vistas Miguel – Đài phát thanh Renascença:

Thưa Đức Thánh Cha, trước hết xin cảm ơn người đã viếng thăm Bồ Đào Nha. Mọi người đã coi đó là một thành công. Mọi người đều rất vui, cảm ơn vì người đã đến. Con đã gặp một sĩ quan cảnh sát cấp cao, anh ấy nói với con rằng anh chưa bao giờ thấy một đám đông dễ bảo và ôn hòa như vậy. Nó thật đẹp. Câu hỏi của con là về Fatima: chúng con biết rằng cha đến đó và thinh lặng cầu nguyện trong nhà nguyện nhỏ. Nhưng có một sự mong đợi lớn lao ở chính nơi mà Đức Mẹ đã yêu cầu cầu nguyện cho chiến tranh chấm dứt (và thật đáng buồn là chúng ta đang có chiến tranh vào lúc này) và sự mong đợi đó là Đức Thánh Cha sẽ công khai cầu nguyện cho hòa bình; ánh mắt của cả thế giới đổ dồn vào cha sáng hôm qua ở Fatima. Tại sao cha không làm điều đó?

ĐTC Phanxicô:

Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Tôi đã cầu nguyện cho hòa bình ở Fatima mà không cần quảng cáo’

Tôi đã cầu nguyện, tôi cầu nguyện. Tôi cầu nguyện với Đức Mẹ, và tôi cầu nguyện cho hòa bình. Tôi không quảng cáo việc này, nhưng tôi đã cầu nguyện. Và chúng ta phải liên tục lặp lại lời cầu nguyện này cho hòa bình.

Mẹ [Đức Mẹ] đã đưa ra yêu cầu này trong Thế chiến Thứ nhất. Và lần này tôi kêu xin Đức Mẹ và tôi cầu nguyện. Tôi không quảng cáo.


H: João Francisco Gomes – Observador:

Con cảm ơn Đức Thánh Cha rất nhiều, con sẽ nói bằng tiếng Tây Ban Nha, con nghĩ nó dễ hơn cho con. Và nếu cha cũng có thể trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha, độc giả Bồ Đào Nha sẽ dễ hiểu hơn. Con muốn đặt câu hỏi về việc lạm dụng trẻ vị thành niên trong Giáo hội ở Bồ Đào Nha. Vào tháng Hai năm nay, một báo cáo được công bố về thực trạng lạm dụng ở Bồ Đào Nha cho biết gần 5.000 trẻ em đã trở thành nạn nhân trong những thập kỷ qua. Câu hỏi của con là: cha có được thông báo về báo cáo này đã được gửi cho các giám mục không? Cha nghĩ điều gì sẽ xảy ra với các giám mục khi biết về các trường hợp lạm dụng và không thông báo cho chính quyền? Cảm ơn cha rất nhiều.

Như tất cả các bạn biết, trong một khung cảnh rất riêng tư, tôi đã tiếp một nhóm người từng bị lạm dụng. Như tôi vẫn luôn làm trong những trường hợp này, chúng tôi nói về căn bệnh dịch này, sự bê bối khủng khiếp này. Trong Giáo hội, ít nhiều chúng ta cũng đi theo cùng một hành vi hiện đang được áp dụng trong các gia đình và khu xóm: chúng ta che giấu… Chúng ta nghĩ rằng 42% các vụ lạm dụng xảy ra trong gia đình hoặc khu phố. Chúng ta vẫn phải trưởng thành và giúp khám phá những vấn đề này. Kể từ vụ bê bối ở Boston, Giáo hội đã nhận thức rằng chúng ta không thể đi theo những con đường ngẫu nhiên, mà chúng ta phải giải quyết vấn đề cách can đảm và dứt khoát.

Cách đây hai năm rưỡi, có một cuộc họp của các Chủ tịch Hội đồng Giám mục, trong đó các số liệu thống kê chính thức về vấn đề lạm dụng cũng được đưa ra. Và nó nghiêm trọng, tình hình rất nghiêm trọng. Trong Giáo hội có một cụm từ mà chúng ta luôn sử dụng: ‘không khoan dung, không khoan dung’. Và các mục tử, theo một cách nào đó, không có trách nhiệm thì phải chịu trách nhiệm về sự vô trách nhiệm này… Thế giới lạm dụng là một thế giới rất tàn nhẫn, và tôi kêu gọi mọi người hãy mở lòng về vấn đề đó. Câu hỏi về tiến trình đang diễn ra như thế nào trong Giáo hội Bồ Đào Nha: nó đang diễn ra tốt đẹp. Nó đang diễn ra tốt đẹp và nhẹ nhàng; mức độ nghiêm trọng đang được tìm kiếm trong các trường hợp lạm dụng. Những con số đôi khi bị phóng đại, hơn một chút với những nhận xét mà chúng ta luôn muốn đưa ra, nhưng thực tế là nó đang diễn ra tốt đẹp và điều này mang lại cho tôi một sự bình yên nhất định.

Tôi muốn giải quyết một điểm và tôi muốn đề nghị các bạn nhà báo cộng tác về vấn đề này. Hôm nay các bạn có điện thoại không? Một chiếc điện thoại. Chà, trên bất kỳ chiếc điện thoại nào, với một khoản phí và mật khẩu, bạn có quyền truy cập vào hành vi lạm dụng tính dục trẻ em. Vấn đề này xâm nhập vào nhà của chúng ta và lạm dụng tình dục trẻ em được quay phim trực tiếp. Nó được quay ở đâu? Thủ phạm là ai? Đây là một trong những bệnh dịch nghiêm trọng nhất, bên cạnh toàn thế giới (…) nhưng tôi muốn nhấn mạnh điều này vì đôi khi anh không nhận ra rằng mọi thứ lại cực đoan như vậy. Khi anh sử dụng một đứa trẻ để thực hiện một cảnh lạm dụng, nó sẽ thu hút sự chú ý. Lạm dụng giống như ‘tiêu thụ’ nạn nhân, phải không? Hoặc tệ hơn, làm tổn thương họ và vẫn để họ sống sót.

Nói chuyện với những người từng bị lạm dụng là một kinh nghiệm rất đau đớn, nhưng điều đó cũng tốt cho tôi, không phải vì tôi thích nghe mà vì nó giúp tôi đối mặt với thảm kịch này. Tức là, với câu hỏi của anh, tôi sẽ nói những gì tôi đã nói: tiến trình đang diễn ra tốt đẹp, tôi được thông báo về mọi việc đang diễn ra như thế nào. Tin tức có thể đã phóng đại tình hình, nhưng mọi thứ đang diễn ra tốt liên quan đến vấn đề đó. Nhưng cũng về vấn đề đó, tôi muốn nói, theo một cách nào đó: Hãy giúp đỡ. Hãy giúp để tất cả các loại lạm dụng có thể được giải quyết, lạm dụng tình dục, nhưng nó không phải là vấn đề duy nhất.

Ngoài ra còn có các loại lạm dụng khác đang kêu thấu đến trời: lạm dụng lao động trẻ em, lạm dụng lao động trẻ em và nó trở nên quen; lạm dụng phụ nữ, có không? Thậm chí ngày nay, ở nhiều quốc gia, phẫu thuật vẫn được thực hiện trên các bé gái: âm vật của chúng bị cắt bỏ, và đó là ngày nay, và nó được thực hiện bằng dao cạo râu, và tạm biệt… Tàn ác… Và lạm dụng sức lao động, tức là cùng với lạm dụng tình dục, nó là nghiêm trọng, và tất cả những điều đó: có một văn hóa lạm dụng mà con người phải xem xét lại và phải thực hiện sự hoán cải.

H: Jean-Marie GUÉNOIS – Le Figaro
Chào Đức Thánh Cha. Sức khỏe của cha thế nào, sự hồi phục của người như thế nào? Cha không đọc, hoặc chỉ đọc một phần nhỏ của năm bài diễn từ. Đó là điều chưa từng có trong một hành trình: tại sao? Có phải cha có vấn đề về mắt, mỏi mắt? Hay là văn bản quá dài? Cha cảm thấy thế nào? Và cho phép con đặt câu hỏi ngắn về nước Pháp. Đức Thánh Cha sẽ đến Marseille, nhưng cha chưa bao giờ đến thăm nước Pháp. Người dân không hiểu, có lẽ nó nhỏ quá hay cha có điều gì đó không thuận với Pháp?

Sức khỏe của tôi vẫn ổn. Các mũi khâu đã được cắt chỉ; Tôi sống sinh hoạt bình thường; Tôi đeo một chiếc băng mà tôi phải đeo trong hai hoặc ba tháng cho đến khi cơ của tôi khỏe hơn.

Vấn đề thị lực của tôi. Ở giáo xứ đó, tôi phải cắt bài phát biểu vì có ánh đèn trước mặt tôi và tôi không thể đọc được, ánh sáng chiếu vào mắt tôi và đó là lý do tại sao tôi cắt bài diễn từ. Một số người hỏi, thông qua anh Matteo, tại sao tôi lại rút ngắn bài giảng mà các bạn nghe đó. Khi tôi nói, tôi không chuẩn bị những bài giảng hàn lâm, nhưng tôi cố gắng làm cho nó rõ ràng nhất có thể. Khi tôi nói, tôi luôn tìm kiếm sự giao tiếp. Anh thấy rằng ngay cả trong bài giảng hàn lâm, tôi cũng pha trò, chút tiếng cười để kiểm soát sự giao tiếp. Với các bạn trẻ, những bài phát biểu dài đã có điểm cốt lõi của thông điệp, cốt lõi của thông điệp, và tôi lựa chọn tùy theo cảm nhận của tôi về tính giao tiếp.

Anh để ý rằng tôi đặt vài câu hỏi và ngay lập tức phản hồi cho tôi biết nó đang đi đến đâu, có sai hay không.

Người trẻ không có mức độ tập trung lâu. Anh nghĩ xem: nếu anh có bài phát biểu dễ hiểu có ý, có hình ảnh, có cảm xúc thì họ có thể theo dõi anh trong tám phút. Thật ngẫu nhiên, trong Tông huấn Evangeli Gaudium, Tông huấn đầu tiên của tôi, tôi đã viết một chương dài, rất dài về bài giảng. Ở đây có một linh mục quản xứ (ý nói đến Cha Don Benito Giorgetta, linh mục giáo xứ Termoli) cha biết rằng các bài giảng đôi khi là một cực hình, một sự tra tấn, khi họ nói bla, bla, và mọi người…

Ở một số thị trấn nhỏ, tôi không biết Termoli, đàn ông thì ra ngoài hút thuốc lá và trở vào. Giáo hội phải hướng về khía cạnh này của bài giảng: ngắn gọn, dễ hiểu, với một thông điệp rõ ràng và cảm xúc. Đó là lý do tại sao tôi kiểm tra xem nó diễn ra như thế nào với các bạn trẻ và tôi khiến họ nói ra. Nhưng tôi rút gọn lại vì… tôi cần để lại ý tưởng cho các bạn trẻ.

Chúng ta chuyển sang Pháp. Tôi đã đến Strasbourg, tôi sẽ đến Marseilles, nhưng chưa đến Pháp. Có một vấn đề làm tôi trăn trở, đó là Địa Trung Hải. Đó là lý do tại sao tôi sẽ đến Pháp.

Việc bóc lột người di cư là tội ác. Không phải ở Châu Âu này, vì nó ổn, chúng ta có văn hóa hơn, nhưng ở các trại tập trung ở Bắc Phi… Tôi giới thiệu một quyển sách. Có một quyển sách nhỏ, một cuốn sách nhỏ, tôi nghĩ được viết bởi một người di cư, đã mất ba năm để đi từ Guinea đến Tây Ban Nha vì anh ta bị bắt, bị tra tấn, bị bắt làm nô lệ. Những người di cư trong các trại tập trung ở miền Bắc (Châu Phi): thật khủng khiếp. Ngay thời điểm này – tuần trước – hiệp hội “Mediterranea Saving Humans” đang thực hiện công việc giải cứu những người di cư ở trong sa mạc giữa Tunisia và Libya, vì họ bỏ mặc những người di cư ở đó cho chết. Quyển sách đó có tên là “Hermanito” – bản tiếng Ý nó có phụ đề là “Fratellino” – nhưng có thể đọc nó trong hai giờ, nó đáng để đọc. Anh đọc và anh sẽ thấy bi kịch của những người di cư trước khi lên đường.

Các giám mục vùng Địa Trung Hải sẽ tổ chức cuộc họp này, thậm chí với một số chính trị gia, để suy tư nghiêm túc về thảm kịch của những người di cư. Địa Trung Hải là một nghĩa trang, nhưng nó không phải là nghĩa trang lớn nhất. Nghĩa trang lớn nhất là Bắc Phi. Điều này thật khủng khiếp, hãy đọc nó. Tôi đến Marseille vì việc này. Tuần trước, Tổng thống Macron nói với tôi rằng ông ấy có ý định đến Marseilles và tôi sẽ ở lại một ngày rưỡi: tôi đến vào buổi chiều và ở lại ngày hôm sau.

(Ông Matteo Bruni lặp lại câu hỏi: Đức Thánh không có điều gì chống lại Pháp?)

Không. Không, về vấn đề này, đó là một chính sách. Tôi đang đi thăm các nước nhỏ ở Châu Âu. Các nước lớn, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, tôi sẽ đi sau, ở phần cuối. Nhưng như một sự lựa chọn, tôi đã bắt đầu với Albania và tôi cũng làm như vậy với những nước nhỏ khác. Chẳng có vấn đề gì. Pháp, hai thành phố: Strasbourg và Marseille.

H: Anita Hirschbeck – KNA
Thưa Đức Thánh Cha, ở Lisbon, ngài nói với chúng con rằng trong Giáo hội có chỗ cho mọi người, mọi người, mọi người. Giáo hội rộng mở cho tất cả mọi người, nhưng đồng thời không phải ai cũng có quyền, có cơ hội như nhau, theo nghĩa, chẳng hạn, phụ nữ, đồng tính luyến ái không thể lãnh nhận tất cả các bí tích. Đức Thánh Cha giải thích thế nào về sự mâu thuẫn này giữa một Giáo hội rộng mở và một Giáo hội không bình đẳng cho tất cả mọi người? Cảm ơn Đức Thánh Cha.

Chị hỏi tôi một câu hỏi liên quan đến hai quan điểm khác nhau: Giáo hội rộng mở cho mọi người, sau đó có luật quy định cho đời sống bên trong Giáo hội. Ai ở trong Giáo hội thì tuân theo luật pháp. Những gì chị nói là sự đơn giản hóa: “Họ không thể tham dự các bí tích.” Điều này không có nghĩa là Giáo hội đóng cửa.

Mọi người gặp Chúa trên con đường riêng của họ trong Giáo hội, và Giáo hội là mẹ và hướng dẫn mọi người trên con đường của riêng họ. Đó là lý do tại sao tôi không thích nói: mọi người đến, nhưng bạn, người này, nhưng người kia… Mọi người, mọi người trong cầu nguyện, trong cuộc đối thoại nội tâm, trong đối thoại mục vụ, đều tìm kiếm con đường tiến về phía trước.

Đó là lý do tại sao tôi đặt câu hỏi: Tại sao không phải là người đồng tính luyến ái? Mọi người! Và Chúa thì rất rõ ràng: người đau ốm, người khỏe mạnh, người già người trẻ, xấu đẹp… tốt xấu!

Có một cách nhìn không hiểu xen vào việc Giáo hội là mẹ này và nghĩ rằng đó là một loại “tập đoàn” mà bạn phải làm điều này, hoặc làm theo cách này chứ không phải cách khác, để vào trong.

Thừa tác vụ của Giáo Hội là một chuyện khác. [Đó là] cách đưa đàn chiên tiến tới. Và trong thừa tác vụ, một trong những điều quan trọng là sự kiên nhẫn: đồng hành với con người từng bước trên con đường trưởng thành của họ. Mỗi người chúng ta đều có kinh nghiệm này: rằng Mẹ Giáo hội đã đồng hành và đang đồng hành với chúng ta trên con đường trưởng thành của chính bản thân.

Tôi không thích sự giảm thiểu. Đây không phải là giáo hội; nó là ngộ đạo. Nó giống như lạc giáo Ngộ đạo phái đang trở thành trào lưu ngày nay. Một thuyết Ngộ đạo nào đó làm tối giản thực tại giáo hội, và điều đó không giúp được gì. Giáo hội là “mẹ” đón nhận mọi người, và mọi người có đường đi trong Giáo hội mà không cần quảng cáo, và điều này rất quan trọng. Cảm ơn chị đã can đảm đặt câu hỏi này. Cảm ơn chị.

Ông Matteo Bruni: Đức Thánh Cha muốn chia sẻ suy nghĩ về WYD.

Tôi muốn nói một điều về việc tôi đã trải nghiệm WYD như thế nào. Đây là Đại hội thứ tư tôi đã trải nghiệm. Đại hội đầu tiên ở Rio de Janeiro rất ấn tượng, theo phong cách Brazil, đẹp! Lần thứ hai là ở Krakow, thứ ba ở Panama; đây là lần thứ tư. Đây là Đại hội đông nhất. Dữ liệu tại chỗ, cụ thể cho biết có hơn một triệu. Hơn nữa. Thực ra, trong buổi Canh thức ban đêm, ngày hôm qua, ước tính có khoảng một triệu bốn trăm hay một triệu sáu trăm ngàn người. Đây là số liệu của chính phủ. Con số thật ấn tượng. Chuẩn bị quá tốt, phải không! Trong số những đại hội tôi đã tham dự, đây là đại hội được chuẩn bị tốt nhất.

Giới trẻ là một sự bất ngờ. Người trẻ là trẻ, họ hành động theo tuổi trẻ, cuộc sống là như vậy. Nhưng họ đang tìm cách nhìn về phía trước. Và họ là tương lai. Ý tưởng là việc đồng hành cùng họ. Vấn đề là biết cách đồng hành với họ. Và làm sao để họ không tách mình ra khỏi nguồn cội của họ. Đó là lý do tại sao tôi nhấn mạnh rất nhiều đến cuộc đối thoại giữa người già và người trẻ, giữa ông bà với cháu. Cuộc đối thoại này là quan trọng, quan trọng hơn cuộc đối thoại giữa cha mẹ và con cái. Với ông bà, bởi vì chính ở đó bạn mới tìm thấy cội nguồn. Sau đó là những người trẻ: họ có lòng đạo, họ đang tìm kiếm một đức tin không thù địch, không giả tạo, không phải tuân thủ cách cứng nhắc, một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô. Và điều này không phải dễ.

Người ta nói: “Nhưng không phải lúc nào thanh niên cũng sống hợp theo đạo đức…”. Có ai trong chúng ta mà không mắc lỗi về đạo đức trong đời? Ai cũng đã từng! Với các giới răn hoặc với ai đó, mỗi người chúng ta đều có những vấp ngã trong lịch sử của chính mình. Cuộc sống là vậy. Nhưng Chúa luôn chờ đợi chúng ta vì Ngài giàu lòng thương xót và [Ngài là] Cha, và lòng thương xót vượt trên mọi sự.

Đối với tôi, WYD thật đẹp. Trước khi tôi lên máy bay, tôi đã ở cùng với 25.000 tình nguyện viên! [Đó là] một kinh nghiệm huyền diệu, một sự gắn kết thực sự đẹp, đẹp, rất đẹp. Đó là những gì tôi muốn nói về Ngày Giới trẻ.

H: Justin McLellan – Catholic News Service (CNS)
Cha nói về Ngày Giới trẻ Thế giới. Trong những ngày này, chúng ta đã nghe chứng ngôn của các bạn trẻ đang phải vật lộn với sức khỏe tâm thần, với chứng trầm cảm. Cha đã bao giờ phải đấu tranh với vấn đề này không? Và nếu ai đó quyết định tự tử, cha sẽ nói gì với các thành viên trong gia đình của người đó, vì theo giáo lý Công giáo về vấn đề tự tử, vô cùng đau khổ khi nghĩ rằng người này đã xuống địa ngục?

Thanh niên tự tử là một vấn đề lớn ngày nay, những con số là lớn. Các phương tiện truyền thông không thường nói nhiều hoặc thông báo (về vấn đề này). Tôi đã – không phải (trong bối cảnh) xưng tội, không – đối thoại với những người trẻ, tận dụng cơ hội để đối thoại.

Một thanh niên giỏi giang nói với tôi: con có thể hỏi cha một câu không? Cha nghĩ sao về việc tự tử? Cậu thanh niên không nói được ngôn ngữ của chúng tôi, nhưng tôi hiểu rõ và chúng tôi bắt đầu nói về việc tự tử. Và cuối cùng cậu ấy nói với tôi: Cảm ơn cha, bởi vì năm ngoái con còn do dự liệu có nên làm điều đó hay không.

Quá nhiều người trẻ âu lo và chán nản nhưng không chỉ về mặt tâm lý. Rồi ở một số quốc gia có yêu cầu rất cao ở trường đại học, những người trẻ không thành công trong việc lấy bằng hoặc tìm được việc làm, (và) tự tử vì cảm thấy vô cùng xấu hổ. Tôi không nói đó là vấn đề hàng ngày nhưng nó là một vấn đề. Một vấn đề của thời đại chúng ta. Đó là một điều xảy ra.

Ông Matteo Bruni:
Xin cảm ơn Đức Thánh Cha vì những câu trả lời của Ngài.

Xin cảm ơn Đức Thánh Cha vì những gì người đã làm và nhớ đến (quyển sách) “Hermanito” hoặc “Người em trai,” quyển sách về người di cư. Cảm ơn cha.


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/8/2023]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét