Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2023

Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Bồ Đào Nha nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 37 (2 đến 6 tháng 8 năm 2023) – Gặp gỡ các sinh viên đại học tại Đại học Católica Portuguesa của Lisbon, 03.08.2023

Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Bồ Đào Nha nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 37 (2 đến 6 tháng 8 năm 2023) – Gặp gỡ các sinh viên đại học tại Đại học Católica Portuguesa của Lisbon, 03.08.2023

Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Bồ Đào Nha nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 37 (2 đến 6 tháng 8 năm 2023) – Gặp gỡ các sinh viên đại học tại Đại học Católica Portuguesa của Lisbon, 03.08.2023

*******

Gặp gỡ sinh viên đại học tại Đại học Católica Portuguesa của Lisbon

Sáng nay, Đức Thánh Cha Phanxicô dâng Lễ riêng trong Tòa Khâm sứ. Thánh lễ có sự tham dự của bốn người họ hàng của người phụ nữ Pháp là hoạt náo viên dạy giáo lý 62 tuổi. Bà đã đến Lisbon dự Đại hội Giới trẻ Thế giới và qua đời trong những ngày gần đây vì một tai nạn tại nơi bà ở.

Trước khi rời Tòa Khâm sứ, Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ một nhóm mười lăm thanh niên hành hương đến từ Ukraine, cùng với ông Denys Kolada, cố vấn Đối thoại với các Tổ chức Tôn giáo của chính phủ Ukraine. Sau khi lắng nghe những câu chuyện cảm động của họ, Đức Thánh Cha nói vài lời với những bạn trẻ, bày tỏ sự gần gũi “đau buồn và cầu nguyện” của ngài. Cuối cuộc gặp gỡ kéo dài khoảng 30 phút, Đức Thánh Cha và các bạn trẻ cùng đọc Kinh Lạy Cha, với tâm tư hướng về Ukraine đang bị bao vây.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô rời Tòa Khâm sứ và di chuyển bằng xe hơi đến Đại học Católica Portuguesa của Lisbon, tại đây, ngài gặp gỡ các sinh viên trẻ của đại học tại quảng trường trước trường đại học lúc 9 giờ (10 giờ ở Roma).

Sau phần trình diễn một bản nhạc và lời chào mừng của Giáo sư Isabel Capeloa Gil, hiệu trưởng Đại học Católica Portuguesa, hai chứng ngôn được trình bày, một lấy cảm hứng từ tông huấn Laudato si’ và một được truyền cảm hứng từ Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu. Một bài thánh ca do ban hợp xướng biểu diễn và sau đó là những lời chứng về Nền Kinh tế Phanxicô và của một cô gái được hỗ trợ bởi Quỹ Giáo hoàng Phanxicô cho văn hóa gặp gỡ. Sau đó, Đức Thánh Cha đọc diễn từ của ngài.

Cuối cùng, sau Kinh Lạy Cha, phép lành cuối và trình diễn bản nhạc kết, Đức Thánh Cha làm phép viên đá đầu tiên cho Campus Veritatis. Sau đó, ngài rời trường đại học và lên xe đến trụ sở của Scholas Occurrentes ở Cascais.

Sau đây là bài diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi gặp gỡ với các sinh viên đại học:

_______________________________________________

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, bom dia!

Xin cảm ơn bà Hiệu trưởng vì những lời tốt đẹp của bà. Cảm ơn bà! Bà nói rằng tất cả chúng ta đều cảm nhận như là “những người hành hương”. Đó là một từ đẹp, và là một từ rất đáng suy ngẫm. Trở thành một người hành hương theo nghĩa đen có nghĩa là gác lại những thói quen hàng ngày của chúng ta và chọn bắt đầu một con đường khác, rời xa vùng an toàn của chúng ta để hướng tới một chân trời mới đầy ý nghĩa. Khái niệm “hành hương” mô tả một cách cách rất đẹp tình trạng con người của chúng ta, giống như những người hành hương, chúng ta thấy mình đứng trước những câu hỏi lớn mà không có câu trả lời đơn giản hoặc ngay lập tức, nhưng thách thức chúng ta tiếp tục cuộc hành trình, vượt lên trên chính mình và vượt ra khỏi cái hiện tại ngay lúc này và ở đây. Đây là một tiến trình quen thuộc với mọi sinh viên đại học, bởi vì đó là cách kiến thức được sinh ra. Đó cũng là cách thức hành trình thiêng liêng bắt đầu. Đi hành hương là hướng tới một điểm đến hoặc tìm kiếm một mục tiêu. Tuy nhiên, luôn có nguy cơ đi vào một mê cung, không có mục tiêu trong tầm nhìn và không có lối thoát! Chúng ta phải hết sức thận trọng với những câu trả lời nhanh chóng và dễ dàng có thể đưa chúng ta vào một mê cung; chúng ta phải thận trọng với các giải pháp dễ dàng giải quyết gọn gàng mọi vấn đề mà không có không gian cho những câu hỏi sâu sắc hơn. Chúng ta hãy thận trọng cảnh giác! Thật vậy, sự cảnh giác của chúng ta là một công cụ giúp chúng ta tiến về phía trước thay vì đi theo vòng tròn. Một dụ ngôn của Chúa Giêsu lấy ví dụ về viên ngọc quý giá, chỉ được tìm kiếm và tìm thấy bởi những người khôn ngoan và tháo vát, bởi những người sẵn sàng cho đi tất cả và mạo hiểm mọi thứ họ có để có được nó (x. Mt 13:45-46). Tìm kiếm và mạo hiểm: đó là hai từ diễn tả hành trình của những người hành hương. Tìm kiếm và mạo hiểm.

Như thi sĩ Pessoa đã từng lưu ý, một cách phiền muộn nhưng rất đúng rằng: “Không hài lòng mới là con người” (Mensagem, “O Quinto Império”). Chúng ta đừng sợ cảm thấy khắc khoải khi nghĩ rằng những gì chúng ta đang làm là không đủ. Khắc khoải, theo nghĩa này và ở mức độ phù hợp, là liều thuốc giải độc tốt cho tính kiêu căng tự mãn và tự kỷ ái mộ. Thân phận của chúng ta là những người tìm kiếm và hành hương có nghĩa là chúng ta sẽ luôn có phần nào thao thức, vì như Chúa Giêsu nói với chúng ta, chúng ta ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian (x. Ga 17:15-16). Chúng ta luôn hành trình “hướng tới”. Chúng ta được kêu gọi hướng đến một điều gì đó cao cả hơn, và chúng ta sẽ không bao giờ có thể bay cao nếu trước hết chúng ta không cất cánh. Vì vậy, chúng ta không nên hoảng sợ, nếu chúng ta cảm nhận được một cơn khát bên trong, một sự thao thức, ước muốn mãnh liệt về ý nghĩa và một tương lai, com saudades do futuro! [Nhìn về tương lai]. Và ở đây, cùng với việc saudades do futuro, đừng quên giữ gìn sống động sự ghi nhớ về tương lai. Chúng ta đừng trở nên vật vờ, nhưng sống động! Thật vậy, chúng ta chỉ nên lo lắng khi bị cám dỗ từ bỏ con đường phía trước để đến một nơi nghỉ ngơi mang lại ảo giác thoải mái, hoặc khi chúng ta thấy mình đang thay thế những khuôn mặt thật bằng màn hình điện thoại, thay thực bằng ảo, hoặc an lòng với những câu trả lời dễ dàng, khiến chúng ta u mê, cho những câu hỏi đau đớn và đáng lo ngại. Những câu trả lời như vậy có thể được tìm thấy trong bất kỳ cuốn sổ tay nào về cách giao tiếp xã hội, về cách ứng xử khéo léo; tuy nhiên những câu trả lời dễ dãi làm chúng ta u mê.

Vì vậy, cha khuyến khích các con hãy tiếp tục tìm kiếm và sẵn sàng phiêu lưu. Trong thời điểm hiện tại, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức to lớn; chúng ta nghe thấy lời cầu xin đau đớn của rất nhiều người. Thật vậy, chúng ta đang trải qua một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba diễn ra ở từng vùng. Tuy nhiên, chúng ta hãy can đảm nhìn thế giới của chúng ta không phải trong cơn đau giãy chết, mà là trong một quá trình sinh nở, không phải ở giai đoạn cuối, mà là khởi đầu của một chương mới tuyệt vời của lịch sử. Chúng ta cần sự can đảm để nghĩ như vậy. Vì vậy, hãy làm việc để tạo ra một “vũ đạo” mới, một vũ đạo tôn trọng “vũ điệu” của cuộc sống bằng cách đặt nhân vị vào trung tâm. Những lời của bà Hiệu trưởng của các con làm cha rất ấn tượng, đặc biệt khi bà nói rằng “đại học không tồn tại để bảo vệ mình như một tổ chức, mà để phản ứng một cách can đảm trước những thách thức của hiện tại và tương lai”. Tự bảo toàn luôn là một sự cám dỗ, một phản ứng tức thời trước những nỗi sợ hãi làm sai lệch quan điểm của chúng ta về thực tại. Nếu hạt giống tự bảo toàn chúng, chúng sẽ phá hủy hoàn toàn khả năng sinh sản của chúng và khiến tất cả chúng ta chết đói. Nếu mùa đông kéo dài, chúng ta không thể ngạc nhiên trước mùa xuân. Vì vậy, hãy can đảm để thay thế những sự hoài nghi của các con bằng những ước mơ. Thay thế những hoài nghi bằng những ước mơ: đừng trở thành con tin cho nỗi sợ hãi của các con, mà hãy bắt tay vào thực hiện các mục tiêu của mình!

Một trường đại học sẽ chẳng hữu ích gì nhiều nếu nó chỉ đơn thuần là đào tạo thế hệ tiếp nối nhằm duy trì hệ thống tinh hoa và sự bất bình đẳng toàn cầu hiện nay, trong đó giáo dục đại học là đặc quyền của một số ít người hạnh phúc. Nếu kiến ​​thức không được ôm lấy như một trách nhiệm, nó sẽ mang lại rất ít kết quả. Nếu một người được hưởng lợi từ giáo dục đại học – mà ngày nay ở Bồ Đào Nha cũng như trên thế giới vẫn là một đặc quyền – không nỗ lực để đền đáp lại điều gì đó, thì họ đã không trân quý giá trị của món quà họ nhận được. Cha muốn nhắc lại, trong sách Sáng Thế, câu đầu tiên Thiên Chúa hỏi là: “Ngươi ở đâu?” (St 3:9) và “Em ngươi đâu?” (St 4:9). Chúng ta phải tự hỏi mình: Tôi đang ở đâu? Tôi đang bị mắc kẹt trong ảo tưởng của chính bản thân, hay tôi sẵn sàng chấp nhận phiêu lưu bỏ lại sau lưng sự an toàn của mình và trở thành một Kitô hữu trung thành, làm việc để định hình một thế giới công bằng và tươi đẹp? Hoặc một lần nữa: Anh chị em của tôi ở đâu? Những kinh nghiệm phục vụ huynh đệ chẳng hạn như tổ chức Missão País và nhiều hoạt động khác phát sinh trong các cộng đồng học thuật phải được coi là quan trọng đối với những người theo bậc đại học. Bằng cấp học thuật không chỉ được coi là tấm giấy phép để theo đuổi hạnh phúc cá nhân, mà còn là một sự ủy thác làm việc cho một xã hội công bằng và bao gồm hơn, một xã hội thực sự tiến bộ. Cha được biết rằng một trong những đại thi hào của các bạn, bà Sophia de Mello Breyner Andresen, được hỏi trong một cuộc phỏng vấn, được xem như một chúc thư: “Bà muốn nhìn thấy Bồ Đào Nha đạt được điều gì trong thế kỷ mới này?” Bà trả lời không do dự: “Tôi muốn nhìn thấy đạt được sự công bằng xã hội, sự giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo” (Phỏng vấn Joaci Oliveira, trong Cidade Nova, số 3/2001). Các con sinh viên thân yêu, cha cũng đặt câu hỏi tương tự cho các con, với tư cách là “những người lữ hành của tri thức”: các con muốn đạt được điều gì ở Bồ Đào Nha và trên thế giới? Thay đổi những gì, biến đổi những gì? Và làm thế nào các đại học, đặc biệt là đại học Công giáo, có thể đóng góp cho việc này?

Beatriz, Mahoor, Mariana và Tomás, cha cảm ơn vì những lời chứng của các con. Tất cả chứng ngôn đều gióng lên một nốt hy vọng, tràn đầy nhiệt huyết và tính hiện thực; các con không phàn nàn hay chạy trốn vào những chuyến bay của chủ nghĩa lý tưởng. Các con muốn trở thành những vai chính, “những vai chính của sự thay đổi”, như Mariana nói với chúng ta. Khi nghe các con nói, cha nghĩ đến một câu của nhà văn José de Almada Negreiros mà có thể các con biết: “Tôi mơ về một đất nước nơi mọi người đều có thể trở thành những người thầy” (A Invenção do Dia Claro). Cụ già này đang nói chuyện với các con – vì cha là một cụ già! – cũng ước mơ rằng thế hệ của các con sẽ trở thành một thế hệ của những người thầy! Những người thầy của nhân loại. Những người thầy giàu lòng nhân ái. Những người thầy của các cơ hội mới cho hành tinh của chúng ta và cư dân của nó. Những người thầy của hy vọng. Và những người thầy bảo vệ sự sống của hành tinh chúng ta, ngày nay đang bị đe dọa bởi những sự tàn phá nghiêm trọng đối với hệ sinh thái.

Như một số người trong các con đã chỉ ra, chúng ta phải nhận ra sự cần thiết vô cùng quan trọng và cấp bách của việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta. Tuy nhiên, điều này không thể thực hiện được nếu không có sự thay đổi thật sự của tâm hồn và của các phương pháp tiếp cận nhân học làm nền tảng cho đời sống kinh tế và chính trị. Chúng ta không thể hài lòng với các biện pháp chỉ mang tính “xoa dịu” hoặc các thỏa hiệp rụt rè và mơ hồ, vì “các biện pháp nửa vời chỉ đơn giản là trì hoãn một thảm họa không thể tránh khỏi” (Laudato Si’, 194). Các con đừng quên điều này! Những biện pháp nửa vời chỉ đơn giản là trì hoãn một thảm họa không thể tránh khỏi. Đúng hơn, đó là vấn đề đối mặt trực tiếp với vấn đề đáng buồn là vẫn tiếp tục bị trì hoãn: cụ thể là sự cần thiết phải xác định lại ý nghĩa của tiến bộ và phát triển. Chúng ta thường đi thụt lùi nhân danh sự tiến bộ. Hãy nghiên cứu kỹ điều này: nhân danh tiến bộ, chúng ta thường đi thụt lùi. Thế hệ của các con có thể là thế hệ đảm nhận thách thức lớn này. Các con có những công cụ khoa học và công nghệ tiên tiến nhất, nhưng xin hãy tránh không rơi vào cái bẫy của những cách tiếp cận thiển cận và phiến diện. Hãy nhớ rằng chúng ta cần một hệ sinh thái toàn diện, quan tâm đến những đau khổ của hành tinh và của người nghèo. Chúng ta cần liên kết thảm kịch sa mạc hóa với thảm kịch của những người tị nạn, vấn đề gia tăng tình trạng di cư với vấn đề tỷ lệ sinh giảm, và nhìn nhận khía cạnh vật chất của cuộc sống trong tầm nhìn rộng hơn của tinh thần. Thay vì các cách tiếp cận phân cực, chúng ta cần một tầm nhìn hiệp nhất, một tầm nhìn có khả năng ôm lấy toàn bộ.

Cảm ơn Tomás vì đã nhắc nhở chúng ta rằng “không thể có một hệ sinh thái toàn diện thật sự nếu không có Thiên Chúa, rằng không thể có tương lai trong một thế giới không có Thiên Chúa”. Để đáp lại, cha nói rằng: hãy làm cho đức tin của các con trở nên khả tín qua những quyết định của các con. Vì nếu đức tin không sinh ra những lối sống có sức thuyết phục, thì nó sẽ không phải là “men” trong thế giới. Vững tin là chưa đủ đối với người Kitô hữu chúng ta; chúng ta cũng phải có tính thuyết phục. Các hành động của chúng ta được mời gọi để phản ánh vẻ đẹp của Tin Mừng một cách hân hoan và dứt khoát. Hơn nữa, không thể sống Kitô giáo như một pháo đài được bao quanh bởi những bức tường cao, một thành lũy chống lại thế giới. Đó là lý do tại sao cha xúc động trước lời chứng của Beatriz. Bạn nói rằng bạn cảm thấy được mời gọi sống các Mối Phúc chính “trong lãnh vực văn hóa”. Trong mọi thời đại, một trong những bổn phận quan trọng nhất đối với người Kitô hữu là khôi phục ý nghĩa của sự nhập thể. Nếu không có sự nhập thể, Kitô giáo trở thành một hệ tư tưởng – và hiện nay có cám dỗ hướng đến “các hệ tư tưởng Kitô giáo”. Trong khi sự nhập thể khiến chúng ta kinh ngạc trước vẻ đẹp của Đức Kitô được tỏ lộ qua mỗi anh chị em, mỗi người nam và người nữ.

Về vấn đề này, điều quan trọng là chiếc ghế học thuật mới của con, riêng đối với “Nền kinh tế Phanxicô”, con đã thêm hình ảnh của Thánh Clare. Thật vậy, sự đóng góp của phụ nữ là rất quan trọng. Trong vô thức tập thể, người ta thường nghĩ rằng nữ giới chỉ là phụ, chỉ là những người dự bị, không xuất hiện trong đội hình xuất phát? Điều này xảy ra trong vô thức tập thể. Tuy nhiên, sự đóng góp của phụ nữ là không thể thiếu. Trong Kinh thánh, chúng ta thấy kinh tế gia đình được giao phó phần lớn cho phụ nữ như thế nào. Họ là những người chủ gia đình thực sự, sở hữu sự khôn ngoan không chỉ nhắm đến lợi nhuận mà còn là sự quan tâm, chung sống và hạnh phúc thể chất và tinh thần của tất cả mọi người, kể cả người nghèo và người lạ. Thật thú vị khi tiếp cận việc nghiên cứu kinh tế từ quan điểm này, vì mục đích khôi phục chân giá trị của kinh tế, kẻo nó trở thành con mồi cho việc đầu cơ thị trường mất kiểm soát.

Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục, với bảy nguyên tắc bao trùm toàn bộ, gồm nhiều vấn đề trong đây, từ việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta đến sự tham gia trọn vẹn của phụ nữ và sự cần thiết đối với cách hiểu đổi mới về kinh tế, chính trị, phát triển và tiến bộ. Cha khuyến khích các con hãy nghiên cứu Hiệp ước Toàn cầu và say mê nội dung của nó. Một trong những điểm nó nói đến là sự cần thiết đối với việc giáo dục sự chấp nhận và hòa nhập. Chúng ta không thể giả cách rằng chúng ta chưa nghe những lời của Chúa Giêsu trong Chương 25 của Tin Mừng Matthêu: “Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước” (c. 35). Cha xúc động khi lắng nghe lời chứng của Mahoor, khi bạn mô tả cảm giác sống “thường xuyên thấy thiếu vắng bầu khí ấm cúng của gia đình và bạn bè..., không nhà cửa, không đại học, không tiền..., mệt mỏi, kiệt sức và gục ngã vì đau buồn và mất mát”. Bạn nói với chúng ta rằng bạn đã tìm lại được niềm hy vọng vì bạn gặp được một người tin vào sức mạnh biến đổi của văn hóa gặp gỡ. Mỗi khi ai đó thể hiện một cử chỉ hiếu khách, nó sẽ thúc đẩy một sự biến đổi.

Các bạn thân mến, cha rất vui khi thấy các bạn là một cộng đồng học thuật sống động, rộng mở với thực tế hiện tại, nơi Tin Mừng không chỉ là sự trang trí mà còn là nguồn cảm hứng cho những nỗ lực cá nhân và tập thể của các bạn. Cha biết rằng cuộc sống của các bạn rất bận rộn, giữa việc học tập, bạn bè, phục vụ cộng đồng, trách nhiệm dân sự và chính trị, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, hoạt động nghệ thuật, v.v. Đó là ý nghĩa của việc trở thành một đại học Công giáo: mỗi phần đều liên quan đến tổng thể, trong khi tổng thể được tìm thấy trong mỗi phần của nó. Khi bạn có được kiến thức và chuyên môn học thuật, bạn sẽ trưởng thành như một con người, hiểu biết về bản thân và khả năng phân định con đường tương lai của mình. Những con đường dẫn: tốt. Mê cung: không. Vì vậy, hãy tiếp tục! Một truyền thống thời trung cổ kể rằng khi những người hành hương trên đường Camino de Santiago gặp nhau, họ chào nhau bằng cách kêu lên “Ultreia” và đáp lại “et Suseia”. Những cách diễn đạt này khuyến khích chúng ta kiên trì tìm kiếm và chấp nhận rủi ro của cuộc hành trình, nói với nhau: “Này bạn, hãy can đảm lên, hãy tiếp tục tiến bước!” Đó cũng là lời chúc chân thành của tôi dành cho tất cả các bạn. Cảm ơn các bạn!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/8/2023]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét