“Giấc mơ chung: phục hồi Địa Trung hải như phòng thí nghiệm hòa bình”
Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người tại buổi Tiếp Kiến chung
Vatican Media
*******
Buổi tiếp kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9 giờ sáng tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung nói về chuyến Tông du gần đây của ngài đến Marseilles nhân dịp hội nghị “Rencontres Méditerranéennes”.
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng các ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện.
Buổi tiếp kiến chung kết thúc bằng Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.
_______________________________________
Chuyến tông du đến Marseille tham dự hội nghị “Rencontres Méditerranéennes”
Anh chị em thân mến!
Cuối tuần trước tôi đã đến Marseille để tham dự phiên họp bế mạc hội nghị Rencontres Méditerranéennes (Cuộc gặp gỡ Địa Trung hải), có sự tham dự của các Giám mục và các thị trưởng của vùng Địa Trung Hải, cùng với nhiều bạn trẻ, để tầm nhìn của họ rộng mở cho tương lai. Thật vậy, sự kiện diễn ra ở Marseille được gọi là “Bức tranh khảm của hy vọng”. Đây là giấc mơ, đây là thách thức: Địa Trung Hải có thể khôi phục lại ơn gọi của nó, đó là trở thành một phòng thí nghiệm của nền văn minh và hòa bình.
Như chúng ta biết, Địa Trung hải là cái nôi của nền văn minh và là cái nôi của sự sống! Quả thật không thể chấp nhận được nếu nó trở thành mồ chôn và cũng không thể là nơi xung đột. Biển Địa Trung hải hoàn toàn trái ngược với sự đụng độ giữa các nền văn minh, chiến tranh, nạn buôn người. Hoàn toàn ngược lại vì Địa Trung hải là phương tiện liên lạc giữa Châu Phi, Châu Á và Châu Âu; giữa miền bắc và miền nam, miền đông và miền tây, giữa con người và văn hóa, giữa các dân tộc và ngôn ngữ, giữa các triết học và tôn giáo. Tất nhiên, về mặt nào đó biển cả luôn là vực thẳm cần phải vượt qua, thậm chí nó có thể trở nên nguy hiểm. Nhưng nguồn nước của nó bảo vệ kho báu sự sống; sóng và gió của nó mang theo đủ loại tàu thuyền.
Hai ngàn năm trước, Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô đã khởi đi từ bờ biển phía đông của nó. Tất nhiên, việc này [loan báo Tin Mừng] không xảy ra theo cách như phép thuật, cũng không phải được thực hiện một lần và cho tất cả. Đó là thành quả của một hành trình trong đó mỗi thế hệ được mời gọi thực hiện một đoạn đường, đọc những dấu chỉ của thời đại mình đang sống.
Cuộc họp ở Marseille diễn ra sau các cuộc họp tương tự đã được tổ chức ở Bari năm 2020 và ở Florence năm ngoái. Đó không phải là một sự kiện biệt lập mà là một bước tiến trong hành trình bắt đầu từ “Hội thảo Địa Trung Hải” do ngài Giorgio La Pira, Thị trưởng Florence tổ chức vào cuối những năm 1950. Hôm nay nó là một bước tiến để đáp lại lời kêu gọi của Thánh Phaolô VI đưa ra trong Thông điệp Populorum progressio của ngài, nhằm thúc đẩy “một cộng đồng thế giới nhân văn hơn, nơi tất cả mọi người đều có thể cho và nhận, và ở đó sự tiến bộ của một số người không được đánh đổi bằng cái giá phải trả của người khác.” (số 44).
Từ sự kiện ở Marseille đưa ra những gì? Đó là một tầm nhìn về Địa Trung Hải mà tôi gọi đơn giản là con người, không phải là hệ tư tưởng, không phải là chiến lược, không phải đúng về mặt chính trị cũng không mang tính công cụ; hoàn toàn không, chỉ là con người, nghĩa là có khả năng quy mọi sự về giá trị đầu tiên của nhân vị và phẩm giá bất khả xâm phạm của con người. Đồng thời, một cái nhìn đầy hy vọng xuất hiện. Ngày nay, điều này thật đáng ngạc nhiên – khi anh chị em nghe lời chứng của những người đã sống qua các hoàn cảnh phi nhân, hoặc những người cùng chịu chung những hoàn cảnh đó, và chính họ mang đến cho anh chị em một “lời tuyên bố hy vọng”. Và cũng là một cái nhìn huynh đệ.
Thưa anh chị em, niềm hy vọng này, tình huynh đệ này không được phép “bốc hơi”; không, đúng hơn nó cần được tổ chức, cụ thể hóa bằng những hành động mang tính dài hạn, trung hạn và ngắn hạn để người dân, với phẩm giá trọn vẹn, có thể lựa chọn di cư hoặc không di cư. Địa Trung Hải phải là một thông điệp hy vọng.
Nhưng còn có một khía cạnh bổ sung khác: niềm hy vọng cần được khôi phục trong các xã hội Châu Âu của chúng ta, đặc biệt nơi các thế hệ trẻ. Thật vậy, làm sao chúng ta có thể chào đón người khác nếu bản thân chúng ta trước hết không có một chân trời rộng mở hướng tới tương lai? Làm thế nào để những người trẻ nghèo hy vọng, khép kín trong đời sống riêng tư của họ, lo lắng về việc quản lý tình trạng bấp bênh của mình, có thể mở lòng để gặp gỡ người khác và chia sẻ? Xã hội của chúng ta, nhiều lần bị nhiễm bởi căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa thoát ly thực tế trống rỗng, cần phải rộng mở, tâm hồn và tinh thần của họ cần được cung cấp dưỡng khí, thì khi đó họ mới có thể đọc cuộc khủng hoảng như một cơ hội và giải quyết nó cách tích cực.
Châu Âu cần khôi phục nhiệt huyết và lòng hăng say. Và tôi có thể nói rằng tôi đã tìm thấy nhiệt huyết và lòng hăng say ở Marseille: nơi người Mục tử của thành phố là Đức Hồng Y Aveline; nơi các linh mục và những người thánh hiến; nơi các giáo dân tận tâm cho công việc bác ái, giáo dục; nơi Dân Chúa đã thể hiện lòng nhiệt thành trong Thánh lễ tại sân vận động Vélodrome. Tôi xin cảm ơn tất cả họ và ngài Tổng thống nước Cộng hòa mà sự hiện diện của ông đã làm chứng rằng toàn thể nước Pháp đang chú ý đến sự kiện ở Marseille. Xin Đức Mẹ, Đấng mà người dân Marseille tôn kính với tước hiệu Notre Dame de la Garde, đồng hành cùng cuộc hành trình của các dân tộc Địa Trung Hải để khu vực này có thể trở thành đúng như tên mà nó được gọi – một bức tranh khảm của nền văn minh và hy vọng.
__________________________________________
Lời chào đặc biệt
Cha gửi lời chào thân ái đến những anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh tham gia buổi tiếp kiến hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ Na Uy, Hà Lan, Nam Phi, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Canada và Hoa Kỳ. Cha gửi lời chào đặc biệt đến lớp phó tế của Học viện Giáo hoàng Bắc Mỹ, cùng với gia đình và bạn bè của họ. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tuôn đổ xuống trên tất cả anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/9/2023]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét