The Speech Was Read By Cardinal Secretary Of State, Pietro Parolin Photo: Vatican Media
Đức Thánh Cha tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu: vấn đề không phải là số sinh
“Tôi cũng vậy, người mang tước hiệu Phanxicô muốn để lại cho quý vị thông điệp này, với lòng khẩn thiết chân thành của một lời cầu nguyện: Chúng ta hãy bỏ lại đằng sau sự chia rẽ và đoàn kết các lực lượng của chúng ta! Và với sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta hãy bước ra khỏi đêm đen của chiến tranh và sự tàn phá môi trường để biến tương lai chung của chúng ta thành bình minh của một ngày mới rạng ngời”, Đức Thánh Cha nói tại Hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu trong bài diễn văn do Ngoại trưởng của ngài đọc.
02 tháng 12, 2023 00:49
(ZENIT News / Dubai, 02.12.2023). - Dưới đây là bài phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn bị cho Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), diễn ra từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 12 tháng 12 năm 2023, tại Thành phố Expo, Dubai. Bài phát biểu được đọc bởi Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, vì Đức Giáo hoàng đã phải hủy bỏ tham dự vì lý do sức khỏe.
*******
Thưa ngài Tổng thống,
Thưa ngài Tổng thư ký Liên hợp quốc,
Thưa các nguyên thủ quốc gia và chính phủ,
Thưa quý vị,
Rất tiếc tôi không thể có mặt cùng quý vị như tôi hằng mong ước. Dù vậy, tôi vẫn ở bên quý vị, vì thời gian rất ngắn ngủi. Tôi ở bên quý vị vì lúc này là thời điểm hơn bao giờ hết, tương lai của tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào hiện tại mà chúng ta lựa chọn.
Tôi ở bên quý vị vì việc hủy hoại môi trường là một hành vi xúc phạm Thiên Chúa, một tội không chỉ mang tính cá nhân mà còn mang tính cơ cấu, một tội gây nguy hiểm rất lớn cho toàn thể nhân loại, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất ở giữa chúng ta và đe dọa gây ra xung đột giữa các thế hệ. Tôi ở bên quý vị vì biến đổi khí hậu là “một vấn đề xã hội toàn cầu và là một vấn đề liên quan mật thiết đến phẩm giá sự sống của con người” (Tông huấn Laudate Deum, 3). Tôi ở bên quý vị để nêu lên câu hỏi mà chúng ta phải trả lời ngay lúc này: Chúng ta đang làm việc cho nền văn hóa sự sống hay một nền văn hóa sự chết? Tôi gửi lời kêu gọi chân thành này đến tất cả quý vị: Chúng ta hãy chọn sự sống! Chúng ta hãy chọn tương lai! Mong rằng chúng ta chú ý đến tiếng kêu khóc của trái đất, mong rằng chúng ta nghe thấy lời cầu xin của người nghèo, mong rằng chúng ta biết nhạy cảm với những hy vọng của lớp người trẻ và ước mơ của các thiếu nhi! Chúng ta có một trách nhiệm rất lớn: bảo đảm rằng tương lai của họ không bị tước đoạt.
Bây giờ rõ ràng sự biến đổi khí hậu đang diễn ra trong hiện tại có nguồn gốc từ sự nóng lên của hành tinh, nguyên nhân chủ yếu là do sự gia tăng khí nhà kính trong khí quyển do những hoạt động của con người, mà trong những thập kỷ gần đây đã chứng tỏ là không bền vững đối với hệ sinh thái. Động lực sản xuất và sở hữu đã trở thành nỗi ám ảnh, dẫn đến lòng tham vô độ khiến môi trường trở thành đối tượng bị bóc lột mất kiểm soát. Khí hậu đang kêu gọi chúng ta ngăn chặn ảo tưởng về sự toàn năng này. Với lòng khiêm nhường và can đảm, một lần nữa chúng ta hãy nhận ra các giới hạn của mình như con đường duy nhất dẫn đến một cuộc sống viên mãn đích thực.
Cái gì cản trở điều này? Sự chia rẽ hiện đang tồn tại giữa chúng ta. Tuy nhiên, một thế giới được kết nối hoàn toàn, giống như thế giới của chúng ta ngày nay, không thể bị ngắt kết nối bởi những người cai trị nó, với các cuộc đàm phán quốc tế “không thể đạt được tiến bộ đáng kể do quan điểm của những quốc gia đặt lợi ích đất nước của họ lên trên lợi ích chung toàn cầu” (Tông huấn Laudato Si', 169). Chúng ta thấy mình phải đối mặt với những lập trường cứng rắn và thậm chí không nhân nhượng nhất quyết bảo vệ lợi tức và lợi ích kinh doanh, đôi khi biện minh cho điều này dựa trên những gì đã làm trong quá khứ và đổ trách nhiệm sang người khác theo định kỳ. Tuy nhiên, nhiệm vụ mà chúng ta được kêu gọi thực hiện hôm nay không phải là về ngày hôm qua mà là về ngày mai: một ngày mai sẽ thuộc về tất cả mọi người hoặc không thuộc về ai cả, dù chúng ta thích hay không thích.
Đáng chú ý cách đặc biệt về điểm này là những cố gắng nhằm đổ lỗi cho người nghèo và tỷ lệ sinh cao. Đây là những lừa dối cần phải kiên quyết gạt bỏ. Đó không phải lỗi của người nghèo, vì gần một nửa thế giới nghèo khó hơn chỉ chịu trách nhiệm cho khoảng 10% lượng khí thải độc hại, trong khi khoảng cách giữa số ít người giàu và đại đa số người nghèo chưa bao giờ lại lớn đến như vậy. Người nghèo là nạn nhân thực sự của những gì đang xảy ra: chúng ta chỉ cần nghĩ đến hoàn cảnh khó khăn của các dân tộc bản địa, nạn phá rừng, những thảm kịch đói khát, mất an ninh lương thực và nước, cũng như tình trạng buộc phải di cư. Tỷ lệ sinh sản không phải là một vấn đề, mà là một nguồn tài nguyên: nó không chống lại sự sống mà ủng hộ sự sống, trong khi một số mẫu ý thức hệ và vị lợi hiện đang được áp đặt bằng một chiếc găng tay bằng nhung trên các gia đình và các dân tộc tạo nên những hình thức thực dân hóa thực sự. Sự phát triển của nhiều quốc gia vốn đã bị đè nặng bởi nợ nần kinh tế nặng nề không nên bị trừng phạt; thay vào đó, chúng ta nên xét đến dấu vết của một số quốc gia chịu trách nhiệm “món nợ sinh thái” đáng lo ngại đối với nhiều quốc gia khác (xem nt. 51-52). Sẽ là công bằng nếu tìm ra những phương tiện phù hợp để thanh toán các khoản nợ tài chính đang đè nặng lên các dân tộc, nhất là đối với khoản nợ sinh thái mà họ đang mắc phải.
Thưa quý vị, cho phép tôi nói với quý vị như là những người anh em chị em, nhân danh ngôi nhà chung nơi chúng ta đang sống, và đặt câu hỏi này: Đâu là con đường để thoát khỏi tình trạng này? Đó là con đường mà quý vị đang theo đuổi trong những ngày này: con đường của sự đoàn kết, chủ nghĩa đa phương. Thật vậy, “thế giới của chúng ta đã trở nên quá đa cực và quá phức tạp đến mức cần phải có một khuôn khổ khác để hợp tác hiệu quả. Chỉ nghĩ đến sự cân bằng quyền lực thì chưa đủ… Đó là vấn đề thiết lập những quy tắc toàn cầu và hiệu quả (Laudate Deum, 42). Về vấn đề này, điều đáng lo ngại là hiện tượng nóng lên toàn cầu lại được đi kèm với sự nguội lạnh nói chung của chủ nghĩa đa phương, sự thiếu tin tưởng ngày càng gia tăng trong cộng đồng quốc tế và đánh mất “nhận thức chung về việc trở thành… một gia đình của các quốc gia” (THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Diễn văn tại Tổ chức Liên Hợp Quốc nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập, New York, 5 tháng 10 năm 1995, 14). Điều cần thiết là phải xây dựng lại lòng tin là nền tảng của chủ nghĩa đa phương.
Điều này là đúng trong việc chăm sóc tạo vật cũng như trong vấn đề hòa bình. Đây là những vấn đề cấp bách nhất và chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nhân loại đang lãng phí bao nhiêu năng lượng vào rất nhiều cuộc chiến tranh hiện nay, chẳng hạn như chiến tranh ở Israel và Palestine, ở Ukraine và ở nhiều nơi trên thế giới: những cuộc xung đột sẽ không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm tăng thêm vấn đề! Biết bao tài nguyên đang bị lãng phí vào các loại vũ khí hủy diệt sự sống và tàn phá ngôi nhà chung của chúng ta! Một lần nữa tôi đưa ra đề nghị này: “Với số tiền chi cho vũ khí và các chi phí quân sự khác, chúng ta hãy thành lập một quỹ toàn cầu để cuối cùng có thể chấm dứt nạn đói” (Tông huấn Fratelli Tutti, 262; xem Thánh Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 51) và thực hiện các công việc vì sự phát triển bền vững của các nước nghèo hơn và chống biến đổi khí hậu.
Nhiệm vụ của thế hệ này là phải chú ý đến tiếng kêu cứu của các dân tộc, của giới trẻ và thiếu nhi, đồng thời đặt nền móng cho một chủ nghĩa đa phương mới. Tại sao không bắt đầu chính từ ngôi nhà chung của chúng ta? Biến đổi khí hậu báo hiệu tính cần thiết phải có sự thay đổi về chính trị. Chúng ta hãy thoát ra khỏi tính hẹp hòi của lợi ích cá nhân và chủ nghĩa dân tộc; đây là những cách tiếp cận thuộc về quá khứ. Chúng ta hãy cùng nhau đón nhận một tầm nhìn khác: điều này sẽ giúp mang đến một cuộc hoán cải sinh thái, vì “không có những thay đổi dài lâu nếu không có những thay đổi về văn hóa” (Laudate Deum, 70). Về vấn đề này, tôi bảo đảm với quý vị về sự cam kết và hỗ trợ của Giáo hội Công giáo gắn kết sâu sắc vào công tác giáo dục và khuyến khích sự tham gia của tất cả mọi người, cũng như thúc đẩy lối sống lành mạnh, vì tất cả đều có trách nhiệm và sự đóng góp của mỗi người đều là căn bản.
Thưa anh chị em, điều cần thiết là phải có một sự đột phá, tất nhiên không phải là sự thay đổi cục bộ, mà là một cách thức mới để cùng nhau tiến bộ. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu bắt đầu ở Rio de Janeiro vào năm 1992, và Thỏa thuận Paris năm 2015 đại diện cho “một khởi đầu mới” (nt., 47). Bây giờ cần phải khởi đầu lại. Mong rằng COP này cho thấy là một bước ngoặt, thể hiện ý chí chính trị rõ ràng và cụ thể có khả năng dẫn đến sự tăng tốc mang tính quyết định cho tiến trình chuyển đổi sinh thái thông qua các phương tiện đáp ứng ba yêu cầu: chúng phải “hiệu quả, mang tính bắt buộc và dễ dàng giám sát” (nt., 59). Và đạt được trong 4 lĩnh vực: sử dụng năng lượng hiệu quả; nguồn tái tạo; loại bỏ nhiên liệu hóa thạch; và giáo dục về lối sống ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Xin chúng ta hãy tiến về phía trước và đừng quay lại. Ai cũng biết rằng nhiều thỏa thuận và cam kết khác nhau “đã được thực hiện rất yếu kém, do thiếu cơ chế phù hợp để giám sát, xem xét định kỳ và trừng phạt trong những trường hợp không tuân thủ” (Laudato Si’, 167). Bây giờ không phải là lúc để trì hoãn mà phải bảo đảm, và không chỉ nói suông về phúc lợi của con cái của quý vị, công dân của quý vị, đất nước của quý vị và thế giới của chúng ta. Quý vị chịu trách nhiệm xây dựng các chính sách có thể đưa ra những phản hồi cụ thể và gắn kết, đồng thời bằng cách này thể hiện sự cao quý trong vai trò của quý vị cũng như chân giá trị của sự phục vụ mà quý vị thực hiện. Cuối cùng, mục đích của quyền lực là để phục vụ. Thật là vô ích khi bám vào một thứ uy quyền mà một ngày nào đó sẽ bị ghi nhớ vì không có khả năng hành động khi cần thiết và khẩn cấp (x. nt., 57). Lịch sử sẽ tri ân quý vị. Cũng như các xã hội nơi quý vị đang sống, thật buồn là đã bị phân chia thành “cơ sở người hâm mộ”, giữa những nhà tiên tri về sự diệt vong và những người bàng quan, những nhà bảo vệ môi trường cấp tiến và những người phủ nhận biến đổi khí hậu… Tham gia tranh cãi là vô ích; trong trường hợp này, cũng như trong trường hợp hòa bình, nó không giúp giải quyết được tình hình. Biện pháp khắc phục là nền chính trị tốt: nếu một tấm gương về tính cụ thể và sự gắn kết xuất phát từ bên trên, thì điều này sẽ mang lại lợi ích cho cấp cơ sở, nơi nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, đã tận tâm chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.
Mong rằng năm 2024 sẽ đánh dấu bước đột phá này. Tôi rất thích ý nghĩ rằng có thể tìm thấy một tín hiệu tốt trong biến cố đã xảy ra vào năm 1224. Vào năm đó, Thánh Phanxicô Assisi sáng tác “Trường ca các Tạo vật”. Khi đó Thánh Phanxicô bị mù hoàn toàn, và sau một đêm đau khổ về thể xác, tinh thần của ngài được nâng lên nhờ một trải nghiệm thần bí. Sau đó, ngài chuyển sang ngợi ca Đấng Tối Cao vì tất cả những thụ tạo mà ngài không còn nhìn thấy nữa, nhưng biết rằng chúng là anh chị em của mình, vì chúng cùng xuất phát từ một Cha và được chia sẻ với những người khác. Do đó, một cảm giác huynh đệ được truyền cảm hứng đã khiến ngài biến nỗi đau của mình thành lời ngợi khen và sự mệt mỏi của mình thành sự cam kết đổi mới.
Ngay sau đó, Thánh Phanxicô thêm một khổ thơ trong đó ngài ca ngợi Thiên Chúa vì những ai tha thứ; ngài làm điều này để làm dịu đi – và thành công – sự xung đột không đáng có giữa chính quyền dân sự và giám mục địa phương. Tôi cũng vậy, người mang tước hiệu Phanxicô muốn để lại cho quý vị thông điệp này, với lòng khẩn thiết chân thành của một lời cầu nguyện: Chúng ta hãy bỏ lại đằng sau sự chia rẽ và đoàn kết các lực lượng của chúng ta! Và với sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta hãy bước ra khỏi đêm đen của chiến tranh và sự tàn phá môi trường để biến tương lai chung của chúng ta thành bình minh của một ngày mới rạng ngời. Cảm ơn quý vị.
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/12/2023]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét