Thứ Hai, 20 tháng 5, 2024

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha về cách thức hoạt động của Chúa Thánh Thần

Mạnh mẽ và dịu dàng: Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha về cách thức hoạt động của Chúa Thánh Thần

Huấn từ Kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng ngày 19.05.2024: “Chúng ta hãy nuôi sống mình mỗi ngày bằng Lời Chúa, bằng Lời của Chúa Giêsu”

Antoine Mekary | ALETEIA

Aleteia

19/05/24


Thật yên tâm khi thấy bàn tay cứng rắn, dứt khoát ấy trước hết đã phá vỡ những thói mê đắm của chúng ta, rồi sau khi gieo những hạt giống nhân đức, lại nhẹ nhàng “tưới nước” và “chăm sóc” chúng.

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Dưới đây là bài giảng của ngài:

______________________________


Trình thuật ngày Lễ Ngũ tuần (x. Cv 2:1-11) cho chúng ta thấy hai lĩnh vực hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội: trong chúng ta và trong sứ mạng, với hai đặc điểm: mạnh mẽ và dịu dàng.

Công việc của Chúa Thánh Thần trong chúng ta rất mạnh mẽ, được biểu tượng bằng các dấu hiệu gió và lửa, thường gắn liền với sức mạnh của Thiên Chúa trong Kinh Thánh (x. Xh 19:16-19). Nếu không có sức mạnh như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ có thể tự mình đánh bại sự dữ, cũng như không thể vượt qua “những ham muốn của xác thịt” mà Thánh Phaolô đề cập đến, những động lực của linh hồn: “ô uế, thờ quấy, chia rẽ và đố kỵ” (x. Gl 5:19-21). Có thể chiến thắng chúng nhờ Thánh Thần, Đấng ban cho chúng ta sức mạnh để làm điều đó, vì Người đi vào tâm hồn “khô khan, cứng cỏi và giá lạnh” của chúng ta (x. Ca tiếp liên Veni Sancte Spiritus). Những động lực này làm hỏng các mối quan hệ của chúng ta với người khác và chia rẽ cộng đoàn của chúng ta, tuy nhiên Thánh Thần vẫn đi vào tâm hồn chúng ta và chữa lành mọi sự.

Chúa Giêsu cũng cho chúng ta thấy điều này khi được Thánh Thần thúc đẩy, Ngài lui vào trong hoang mạc bốn mươi ngày và chịu cám dỗ (x. Mt. 4:1-11). Trong thời gian đó, nhân tính của Ngài cũng phát triển, được củng cố và chuẩn bị cho sứ mạng.

Đồng thời, Đấng Phù Trợ đang hoạt động trong chúng ta cũng rất dịu dàng: mạnh mẽ và dịu dàng. Gió và lửa không hủy diệt hay biến bất cứ thứ gì thành tro bụi khi chúng chạm vào: một ngọn lửa tỏa ngập tràn ngôi nhà nơi các môn đệ đang ở, còn ngọn lửa kia nhẹ nhàng đậu trên đầu mỗi người dưới hình dạng lưỡi lửa. Sự dịu dàng này cũng là một đặc điểm trong cách hành động của Thiên Chúa, một đặc điểm mà chúng ta thường gặp trong Kinh thánh.

Thật yên tâm khi thấy bàn tay cứng rắn, dứt khoát ấy trước hết đã phá vỡ những thói mê đắm của chúng ta, rồi sau khi gieo những hạt giống nhân đức, lại nhẹ nhàng “tưới nước” và “chăm sóc” chúng (x. Ca Tiếp liên). Ngài yêu thương bảo vệ những nhân đức này để chúng có thể phát triển mạnh mẽ hơn và để chúng ta có thể nếm được vị ngọt của lòng thương xót và sự hiệp thông với Thiên Chúa sau bao vất vả chiến đấu với sự dữ. Thánh Thần là như thế này: mạnh mẽ, ban cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng, và cũng rất dịu dàng. Chúng ta nói về việc xức dầu của Thánh Thần, Thánh Thần xức dầu cho chúng ta vì Người ở cùng chúng ta. Cũng như một lời cầu nguyện tuyệt vời của Giáo Hội sơ khai nói: “Lạy Chúa, xin cho sự dịu dàng của Chúa và hoa trái tình yêu của Người ở lại với con” (Odes of Solomon, 14:6).

Chúa Thánh Thần, Đấng đã ngự xuống trên các môn đệ và ở bên họ, nghĩa là “Đấng Phù Trợ”, đã biến đổi tâm hồn họ và gieo vào lòng họ “một sự can đảm thanh thản thôi thúc họ truyền lại cho người khác kinh nghiệm của họ về Chúa Giêsu và niềm hy vọng đã thúc đẩy họ” (THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Redemptoris Missio, 24). Sau khi bị nghiêm cấm “không được nhân danh Đức Giêsu nói hay giảng dạy gì cả” (Công vụ 4:18), Thánh Phêrô và Gioan sau đó đã làm chứng trước Công nghị rằng: “Chúng tôi không thể không nói ra những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe” (c. 20). Và các ông đã có được sức mạnh của Chúa Thánh Thần để nói về những điều này.

Điều này cũng đúng với chúng ta là những người đã nhận lãnh Thánh Thần trong Bí tích Rửa tội và Thêm sức. Từ “Phòng Tiệc Ly” của Vương cung Thánh đường này, cũng như các Tông đồ, chúng ta cũng được sai đi để loan báo Tin Mừng cho mọi người, đặc biệt trong thời điểm hiện tại. Chúng ta được sai đi vào thế giới “không chỉ về mặt địa lý mà còn vượt ngoài các biên giới về chủng tộc và tôn giáo, để thực hiện một sứ mạng phổ quát đích thực” (Redemptoris Missio, 25). Nhờ Thánh Thần, chúng ta có thể làm và phải làm điều này bằng chính sức mạnh và sự dịu dàng của Người.

Với cùng một sức mạnh: tức là, không kiêu căng và áp đặt – người Kitô hữu không kiêu căng, vì sức mạnh của họ là một điều gì đó khác biệt, đó là sức mạnh của Thánh Thần – cũng không phải là sự tính toán hay mánh khóe, nhưng bằng sinh lực sinh ra từ lòng trung thành với sự thật mà Thánh Linh dạy bảo trong lòng chúng ta và làm cho chúng phát triển trong chúng ta. Do đó, chúng ta đầu hàng Thánh Thần chứ không đầu hàng sức mạnh của thế gian. Chúng ta không mệt mỏi công bố hòa bình cho những ai muốn có chiến tranh, công bố sự tha thứ cho những ai tìm cách trả thù, chúng ta công bố sự chào đón và tình liên đới cho những người chặn lối các cửa và dựng lên những rào cản, chúng ta công bố sự sống cho những ai chọn cái chết, chúng ta công bố sự tôn trọng cho những ai yêu thích sự hạ nhục, xúc phạm và khước từ, chúng ta công bố sự trung thành với những ai cắt đứt mọi ràng buộc, từ đó dẫn đến sự nhầm lẫn giữa tự do với chủ nghĩa cá nhân trống rỗng và ảm đạm. Chúng ta cũng không bị dọa nạt bởi những gian khổ, chế nhạo hay chống đối, những điều mà ngày nay cũng như mọi thời đại đều không bao giờ thiếu trong hoạt động tông đồ (x. Cv 4:1-31).

Đồng thời khi chúng ta hành động với sức mạnh này, lời công bố của chúng ta phải dịu dàng, chào đón mọi người. Chúng ta đừng quên điều này: mọi người, mọi người, mọi người. Chúng ta không quên dụ ngôn về những người được mời đến dự tiệc nhưng lại không muốn đi: “Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới, gặp ai cũng tập hợp cả lại, bất luận xấu tốt” (x. Mt 22: 9-10). Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sức mạnh để ra đi và kêu gọi mọi người một cách dịu dàng, Ngài ban cho chúng ta sự dịu dàng để chào đón mọi người.

Thưa anh chị em, tất cả chúng ta đều rất cần niềm hy vọng, đó không phải là chủ nghĩa lạc quan; không, nó là một điều khác. Chúng ta cần hy vọng. Niềm hy vọng được miêu tả như một chiếc mỏ neo ở trên bờ, và khi bám vào sợi dây của nó, chúng ta tiến tới niềm hy vọng. Chúng ta cần hy vọng, chúng ta cần hướng cái nhìn của mình tới những chân trời hòa bình, tình huynh đệ, công bình và tình liên đới. Đây là cách sống duy nhất, không có cách nào khác. Đương nhiên, điều đó không phải luôn dễ dàng; thật vậy có những lúc đường đi quanh co và ngược dốc. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng chúng ta không đơn độc, chúng ta chắc chắn rằng, nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần và những ân sủng của Ngài, chúng ta có thể cùng nhau bước đi và làm cho con đường đó ngày càng trở nên lôi cuốn hơn đối với người khác.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy canh tân đức tin của mình trước sự hiện diện của Đấng An ủi, Đấng ở bên chúng ta và tiếp tục cầu nguyện:

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến soi sáng tâm trí chúng con,

Xin đổ đầy trái tim chúng con bằng ân sủng của Người,

Xin dẫn bước con đi,

Xin ban sự bình an của Người cho thế giới. Amen.


[Nguồn: aleteia]


[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/5/2024]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét