Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ gặp riêng Tổng thống Biden tại G7

Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ gặp riêng Tổng thống Biden tại G7

Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ gặp riêng Tổng thống Biden tại G7

Antoine Mekary | ALETEIA

I.Media

13/06/24



Ngài cũng sẽ gặp các vị lãnh đạo của một số quốc gia khác bao gồm Pháp (ông Macron), Ukraine (ông Zelensky), Brazil (ông Lula), Ấn Độ (ông Modi) và Thổ Nhĩ Kỳ (ông Erdogan).

Trước chuyến đi của Đức Giáo hoàng Phanxicô tới Bari để tham dự G7, Vatican đã công bố chương trình cho chuyến đi này vào ngày 13 tháng 6 năm 2024, trong đó Đức Giáo hoàng dự kiến ​​sẽ có bài phát biểu về trí tuệ nhân tạo (AI).

Vị đứng đầu Giáo hội Công giáo cũng sẽ có hàng chục cuộc gặp gỡ song phương. Những cuộc họp riêng được lên lịch với các vị nguyên thủ quốc gia hoặc chính phủ: Tổng thống Biden (Mỹ), Tổng thống Macron (Pháp), Tổng thống Zelensky (Ukraine), Tổng thống Lula (Brazil), Thủ tướng Modi (Ấn Độ) và Tổng thống Erdogan (Thổ Nhĩ Kỳ).


Cảnh báo về trí tuệ nhân tạo

Đức Thánh Cha Phanxicô sắp bước vào một cuộc chạy marathon về ngoại giao chỉ kéo dài vài giờ. Ở tuổi 87, Đức Thánh Cha đến thành phố Bari của Ý với tư cách là thành viên của G7 để vận động các nguyên thủ quốc gia về tính cần thiết của pháp chế toàn cầu để quản lý vấn đề đạo đức trí tuệ nhân tạo. Tòa Thánh đã nghiên cứu về vấn đề này trong nhiều năm và Đức Thánh Cha dành hai thông điệp quan trọng cho vấn đề này vào tháng Giêng.

Nhưng trí tuệ nhân tạo không phải là chủ đề duy nhất trong chương trình nghị sự của Đức Giáo hoàng, ngài sẽ đến ngoại ô Bari, thủ phủ của vùng Puglia bằng trực thăng vào lúc 12:30 trưa.

Chào đón ngài là Thủ tướng Ý Giorgia Meloni. Đức Thánh Cha sẽ bắt đầu vòng đầu tiên của các cuộc gặp song phương sau những cánh cửa đóng kín. Sau cuộc họp với người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế, vị đứng đầu Giáo hội Công giáo sẽ hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.


Cuộc gặp với Tổng thống Zelensky

Hai người đã nói chuyện nhiều lần qua điện thoại từ khi Nga xâm chiếm Ukraine. Một năm trước, ông Volodymyr Zelensky được Đức Thánh Cha tiếp riêng khoảng 40 phút tại Vatican. Đó là một buổi tiếp kiến ​​được công bố rộng rãi, trong đó hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về “sự cần thiết phải tiếp tục các nỗ lực nhân đạo để hỗ trợ người dân”. Tuy nhiên, sau đó tổng thống Ukraine tỏ ra không mấy hào hứng với ý tưởng hòa giải của Vatican, mà muốn Tòa thánh tập trung vào vấn đề ngoại giao nhân đạo.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và Tổng thống Ukraine sẽ diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ vào ngày 15 và 16 tháng Sáu, một sự kiện quốc tế quan trọng trong đó Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin sẽ tham dự.


Cuộc gặp lần thứ 5 với Tổng thống Emmanuel Macron

Sau khi kết thúc cuộc gặp với tổng thống Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp tổng thống Emmanuel Macron. Đây sẽ là cuộc gặp chính thức thứ năm của hai người. Lần gần đây nhất là vào tháng 9, khi Đức Giáo hoàng đến Marseille tham gia Rencontres Méditerranéennes (Cuộc gặp gỡ Địa Trung hải).

Trong ít phút đàm phán kín, các cuộc thảo luận có thể tập trung vào vấn đề hòa bình ở Ukraine và Gaza. Một nguồn tin của Rome cho I.MEDIA biết rằng tình hình chính trị của Pháp cũng có thể là một trong những chủ đề được thảo luận.

Mặc dù dự luật về cái chết êm dịu của Pháp đã bị trì hoãn do Quốc hội giải tán sau các cuộc bầu cử ở Châu Âu, nhưng Đức Giáo hoàng có thể bày tỏ sự thất vọng của ngài trước một văn bản cho phép trợ tử và an tử. Về điểm này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo tổng thống Pháp: “Chúng ta không đùa giỡn với sự sống”.

Sau cuộc gặp gỡ lần thứ tư theo lịch trình với Thủ tướng Canada Justin Trudeau – người đã đến Vatican vào tháng 5 năm 2017 – Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham gia phiên họp chung của G7 lúc 2:15 chiều, tại đây ngài sẽ có bài phát biểu về trí tuệ nhân tạo. Nghi thức chụp ảnh chung tất cả các tham dự viên vào lúc 5:30 chiều, trước khi các cuộc gặp gỡ song phương thứ hai của Đức Thánh Cha bắt đầu.


Tổng thống Joe Biden, một cuộc gặp vì hòa bình?

Trước tiên, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp ông William Samoei Ruto, tổng thống Kenya, quốc gia mà ngài đã đến thăm vào năm 2015. Sau đó, ngài sẽ gặp ông Narendra Modi, Thủ tướng Ấn Độ, người vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội của đất nước ông. Trong chuyến thăm Vatican vào tháng 10 năm 2021, nhà lãnh đạo Ấn Độ đã mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Ấn Độ. Đức Thánh Cha vẫn chưa chính thức chấp nhận lời mời này.

Tổng thống Joe Biden sau đó sẽ gặp riêng vị đứng đầu Giáo hội Công giáo. Đức Thánh Cha đã tiếp ông ông tại văn phòng của ngài ở Vatican vào tháng 10 năm 2021. Đức Giáo hoàng Phanxicô dự kiến ​​sẽ đặt vấn đề hòa bình lên bàn nói chuyện, như ngài đã làm trong cuộc điện đàm vào Tháng Mười năm trước. Hoa Kỳ là quốc gia cung cấp hỗ trợ tài chính và quân sự cho quân đội Israel và Ukraine.


Tổng thống Brazil, mối quan hệ thân tình

Tổng thống Brazil, Luiz Inácio “Lula” da Silva, người đã đến thăm Vatican hơn một năm trước, sẽ gặp lại Đức Thánh Cha Phanxicô trong một cuộc họp riêng. Trở lại nắm quyền sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2022, 20 năm sau chiến thắng bầu cử đầu tiên, vị nguyên thủ quốc gia Brazil có mối quan hệ thân tình với Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Sau khi Tổng thống Jair Bolsonaro lên nắm quyền vào năm 2019, một bức thư của Đức Phanxicô gửi ông Lula đã bị rò rỉ tới giới báo chí Brazil. “Sự thật sẽ chiến thắng những gian dối, sự cứu rỗi sẽ chiến thắng sự kết án,” đức giáo hoàng viết bày tỏ sự thông cảm đối với nhà lãnh đạo Đảng Công nhân trước “những thử thách khó khăn” mà ông đã trải qua cả về mặt chính trị lẫn trong gia đình.


Chuyến đi đến Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong chương trình nghị sự của cuộc gặp gỡ với Tổng thống Erdoğan?

Đức Thánh Cha cũng sẽ có cuộc gặp riêng với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan. Một lần nữa, dự kiến hai vị ​​sẽ thảo luận về các cuộc chiến ở Ukraine và Gaza. Tháng 10 năm ngoái, hai nhà lãnh đạo đã gọi cho nhau để phản ứng trước cuộc xung đột đầy chết chóc giữa Hamas và Israel.

Một chủ đề khác có thể được thảo luận là chuyến tông du có thể diễn ra của Đức Thánh Cha tới Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2025, để đánh dấu kỷ niệm 1700 năm thành lập Công đồng Nicaea. Vị đứng đầu Giáo hội Công giáo có thể đến thăm Phanar, trụ sở của Tòa Thượng phụ Constantinople ở Istanbul, và sau đó là — cùng với Đức Thượng phụ Bartholomew — Iznik, tên hiện tại của Nicaea, thành phố sản sinh ra Kinh Tin kính đầu tiên của Kitô giáo.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp Tổng thống Algeria, Abdelmadjid Tebboune, người cũng được mời tham dự phiên bản G7 lần này. Mối quan hệ giữa Algeria và Tòa thánh luôn đầy căng thẳng. Chưa có vị giáo hoàng nào từng đến thăm đất nước Maghreb này. Đã từng có những đồn đoán về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô để phong chân phước cho 19 vị tử đạo Algeria nhưng Tòa thánh đã bác bỏ vào năm 2018.

Sau chuỗi sự kiện ngoại giao căng thẳng kết thúc — duy nhất trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô —, ngài sẽ trở về Vatican bằng trực thăng, và ngài sẽ hạ cánh lúc 9 giờ 15 tối.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/6/2024]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét