Thứ Hai, 10 tháng 6, 2024

Tiếp các tham dự viên cuộc họp “Khủng hoảng nợ ở Nam toàn cầu” được chủ trì bởi Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học

Kêu gọi hành động của các nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức tài chính quốc tế

Tiếp các tham dự viên cuộc họp “Khủng hoảng nợ ở Nam toàn cầu” 
được chủ trì bởi Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học

Tiếp các tham dự viên cuộc họp “Khủng hoảng nợ ở Nam toàn cầu” được chủ trì bởi Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học

Vatican Media


*******

Sáng nay (ND: 5/6/2024), trước giờ Tiếp kiến ​​chung, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các tham dự viên cuộc họp do Viện Hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học chủ trì về chủ đề “Khủng hoảng nợ ở Nam toàn cầu”.

Những chỉ trích về sự toàn cầu hóa được quản lý kém, đại dịch và chiến tranh là những yếu tố làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Phân tích của Đức Thánh Cha về nguyên nhân mang tính cơ cấu của vấn đề nợ nần được nhấn mạnh, không chỉ trong những quyết định kém cỏi của các quốc gia mắc nợ.

Dưới đây là lời chào mừng của Đức Thánh Cha gửi đến những người có mặt trong cuộc họp:

____________________________________________


Lời chào mừng của Đức Thánh Cha

Các bạn thân mến, chào mừng các bạn!

Tôi rất vui được gặp gỡ các bạn hôm nay. Tôi xin chào Đức Hồng y Turkson, Chưởng ấn Viện Hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học, cùng với tất cả các bạn đang tham dự cuộc họp về “Giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở Nam toàn cầu”. Cuộc họp của các bạn nhằm mục đích tham gia vào cuộc đối thoại về việc thực hiện các chính sách nhằm giúp giải quyết vấn đề nợ đang gây đau khổ cho nhiều quốc gia ở Nam toàn cầu cũng như gây khổ sở cho hàng triệu gia đình và cá nhân trên khắp thế giới.

Không phải bất kỳ hình thức tài trợ tài chính nào cũng hữu ích cho con người, nhưng chỉ có sự tài trợ hàm ý trách nhiệm chung giữa người nhận và người cung cấp nó. Lợi ích mà nguồn tài chính này có thể mang lại cho xã hội phụ thuộc vào điều kiện của nó, vào cách nó được sử dụng và vào khuôn khổ giải quyết các cuộc khủng hoảng nợ có thể phát sinh.

Theo sau sự toàn cầu hóa được quản lý yếu kém, và sau đại dịch và chiến tranh, chúng ta thấy mình phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ ảnh hưởng chủ yếu đến các quốc gia ở Nam toàn cầu, gây ra cảnh đau khổ và túng quẫn, đồng thời tước đi cơ hội có một tương lai xứng đáng của hàng triệu người. Do đó, về mặt đạo đức, không một chính phủ nào có thể bắt buộc người dân của mình phải chịu những túng thiếu không phù hợp với phẩm giá con người.

Để cố gắng phá vỡ vòng tròn nợ tài chính, cần phải tạo ra một cơ chế đa quốc gia, dựa trên sự đoàn kết và hòa hợp của các dân tộc, xét đến tính chất toàn cầu của vấn đề và những tác động kinh tế, tài chính và xã hội của nó. Việc thiếu một cơ chế như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tâm lý “mỗi người vì chính mình”, nơi mà kẻ yếu nhất luôn thua cuộc.

Tiếp nối những giáo huấn của các vị tiền nhiệm, tôi xin nhắc lại rằng chính những nguyên tắc công bằng và đoàn kết sẽ dẫn đến việc tìm ra giải pháp. Trên con đường này, điều cần thiết là phải hành động với thiện chí và sự thật, tuân theo quy tắc ứng xử quốc tế với các tiêu chuẩn đạo đức có thể hướng dẫn việc đối thoại giữa các bên. Vì vậy, chúng ta hãy nghĩ đến một cấu trúc tài chính quốc tế mới đầy táo bạo và sáng tạo.

Trong Năm Thánh 2000, Thánh Gioan Phaolô II nói rằng vấn đề nợ nước ngoài “không chỉ mang tính kinh tế mà còn liên quan đến các nguyên tắc đạo đức căn bản và cần phải có một vị trí trong luật pháp quốc tế”. Ngài cũng nhìn nhận rằng “Năm Thánh có thể là một cơ hội thích hợp cho những cử chỉ thiện chí […], nhằm giảm thiểu đáng kể, nếu không muốn nói là xóa bỏ hoàn toàn, khoản nợ quốc tế […] vì lợi ích chung” (Tiếp kiến chung, ngày 3 tháng Mười Một năm 1999). Năm Thánh là một truyền thống của người Do Thái, năm mà các khoản nợ được tha. Tôi muốn lặp lại lời kêu gọi mang tính tiên tri này, một lời kêu gọi cấp bách hơn bao giờ hết, khi xét thấy rằng món nợ sinh thái và nợ nước ngoài là hai mặt của cùng một đồng xu cầm cố tương lai. Các bạn thân mến, vì vậy Năm Thánh 2025 sắp tới kêu gọi chúng ta hãy rộng mở trí lòng để có thể tháo gỡ những nút thắt của các mối ràng buộc đang bóp nghẹt hiện tại, mà không quên rằng chúng ta chỉ là những người trông coi và quản lý chứ không phải là những ông chủ.

Tôi mời gọi các bạn hãy mơ ước và cùng nhau hành động trong việc xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta một cách có trách nhiệm; chúng ta không thể sống trong đó với một lương tâm trong sáng khi biết rằng xung quanh chúng ta có vô số anh chị em đang đói khát và bị đẩy vào tình trạng bị xã hội loại trừ và dễ bị tổn thương. Để điều này trôi qua là một tội, một tội của con người. Ngay cả với một người không có đức tin, đó cũng là một tội xã hội. Những gì các bạn đang làm ở đây là rất quan trọng và tôi cầu nguyện cho các bạn. Xin Chúa chúc phúc cho các bạn. Và tôi cũng xin các bạn đừng quên cầu nguyện cho tôi. Tôi cầu xin Chúa ban phúc lành cho tất cả các bạn. Amen.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/6/2024]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét