Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore (từ ngày 2 đến 13 tháng 9 năm 2024) – Thăm xã giao ngài Toàn quyền Papua New Guinea tại Tòa nhà Chính phủ và Gặp gỡ các Nhà Chức trách, Xã hội dân sự và Đoàn ngoại giao tại APEC Haus, ngày 07.09.2024
Thăm xã giao ngài Toàn quyền Papua New Guinea tại Tòa nhà Chính phủ
Sáng nay, sau khi dâng Lễ riêng, Đức Thánh Cha Phanxicô di chuyển bằng xe hơi đến Tòa nhà Chính phủ ở Port Moresby để thăm xã giao Ngài Bob Bofeng Dadae, Toàn quyền Papua New Guinea.
Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được ngài Toàn quyền chào đón tại cổng chính của Tòa nhà Chính phủ. Hai vị cùng nhau tiến đến Hội trường, nơi diễn ra cuộc họp riêng sau nghi thức ký Sổ danh dự và chụp ảnh chung.
Kết thúc buổi gặp gỡ, sau nghi thức tặng quà và giới thiệu gia đình, và sau khi chào tạm biệt ngài Toàn quyền, Đức Thánh Cha Phanxicô di chuyển bằng xe hơi đến Hội trường APEC Haus để gặp gỡ các giới chức chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.
Gặp gỡ các nhà chức trách chính quyền, xã hội dân sự và đoàn ngoại giao tại APEC Haus ở Port Moresby
Vào lúc 10 giờ 25 phút (02 giờ 25 phút tại Rome) đã diễn ra cuộc gặp gỡ các nhà chức trách chính quyền, xã hội dân sự và đoàn ngoại giao tại Apec Haus.
Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được Ngài Bob Bofeng Dadae, Toàn quyền Papua New Guinea, đón tiếp tại lối vào hội trường Apec Haus, tại đây ngài xem vũ điệu chào mừng truyền thống do các thành viên của bộ tộc Motu Koitabu thuộc Tỉnh Port Moresby biểu diễn và được tặng một bản mẫu chiếc thuyền thu nhỏ điển hình của Thái Bình Dương làm quà tặng. Sau đó, hai vị cùng nhau tiến đến Sảnh dành cho các nhà lãnh đạo APEC, nơi các nhà chức trách chính trị và tôn giáo, các thành viên của đoàn ngoại giao, các doanh nhân và đại diện của xã hội dân sự và văn hóa đang hiện diện.
Sau bài diễn văn khai mạc của ngài Toàn quyền, Đức Thánh Cha đã có bài diễn từ.
Cuối buổi họp, Đức Thánh Cha Phanxicô dừng lại chào hỏi một số thiếu nhi và đại diện của các dân tộc bản địa trong trang phục truyền thống và thưởng thức âm nhạc của bộ lạc.
Sau đó, ngài đến Phòng Bi Lateral Room 1 và có cuộc gặp gỡ ngắn và chào hỏi một số vị đại diện của chính phủ, xã hội dân sự và đoàn ngoại giao tại Papua New Guinea, cùng các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia và tổ chức ở Thái Bình Dương, bao gồm Thủ tướng Vanuatu, Tổng thống Nauru, Thủ tướng Vương quốc Tonga và Tổng thư ký Ban Thư ký Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương.
Cuối cùng, sau khi từ biệt Thống đốc, Đức Thánh Cha Phanxicô lên xe trở về Tòa Sứ thần Tòa thánh.
Sau đây là diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước những người hiện diện trong buổi gặp gỡ với các giới chức chính quyền, xã hội dân sự và đoàn ngoại giao:
_____________________________________________
Diễn từ của Đức Thánh Cha
Thưa Ngài Toàn quyền,
Thưa Ngài Thủ tướng,
Thưa Quý vị đại diện của Xã hội dân sự,
Quý vị Đại sứ,
Thưa Quý ông, Quý bà!
Tôi rất vui khi được ở đây với quý vị hôm nay và đến thăm Papua New Guinea. Tôi xin cảm ơn ngài Toàn quyền vì những lời chào thân ái của ngài và tôi xin cảm ơn tất cả quý vị vì sự đón tiếp nồng hậu. Tôi xin gửi lời chào đến người dân đất nước này, cầu chúc họ hưởng nền hòa bình và thịnh vượng. Và tôi cũng xin bày tỏ lời cảm ơn đến các nhà Chức trách Chính quyền vì đã giúp đỡ Giáo hội khi Giáo hội thực hiện nhiều hoạt động, với tinh thần hợp tác lẫn nhau và vì lợi ích chung.
Quê hương của quý vị là một quần đảo với hàng trăm hòn đảo, hơn tám trăm ngôn ngữ, tương ứng với số các nhóm sắc tộc. Điều này cho thấy sự giàu có phi thường về văn hóa và con người. Tôi phải thú nhận rằng điều này làm tôi rất thích thú, cả về mặt thiêng liêng, vì tôi hình dung rằng sự đa dạng rất lớn này là một thách thức đối với Chúa Thánh Thần, Đấng tạo ra sự hòa hợp giữa những khác biệt!
Đất nước của quý vị, ngoài việc bao gồm các hòn đảo và các ngôn ngữ, còn giàu tài nguyên thiên nhiên. Những sự tốt lành này được Chúa ban cho toàn thể cộng đồng. Dù cho các chuyên gia bên ngoài và những công ty quốc tế lớn phải tham gia vào việc khai thác các nguồn tài nguyên ở đây, thì việc cân nhắc đúng mức nhu cầu của người dân địa phương khi phân phối nguồn lợi tức và tuyển dụng lao động, nhằm cải thiện điều kiện sống của họ là điều vô cùng đúng đắn.
Những kho báu về môi trường và văn hóa này đồng thời cũng là một trách nhiệm lớn, vì chúng đòi hỏi mọi người, chính quyền dân sự và mọi người công dân, phải thúc đẩy các sáng kiến phát triển những tài nguyên thiên nhiên và con người theo cách bền vững và công bằng. Một cách thức cải thiện phúc lợi của tất cả mọi người, không loại trừ bất kỳ ai, thông qua các chương trình cụ thể, hợp tác quốc tế, tôn trọng lẫn nhau và các thỏa thuận có lợi cho tất cả các bên.
Một điều kiện cần thiết cho những kết quả lâu dài như vậy là sự ổn định của các thể chế, được thúc đẩy bởi sự đồng thuận về một số điểm trọng yếu giữa các khái niệm và cảm nhận khác nhau trong xã hội. Thật vậy, việc tăng cường sự ổn định của thể chế và xây dựng sự đồng thuận đối với các lựa chọn căn bản là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển toàn diện và công bằng. Nó cũng đòi hỏi một tầm nhìn lâu dài và bầu không khí hợp tác giữa tất cả mọi người, cho dù có sự phân biệt về vai trò và khác biệt về quan điểm.
Tôi đặc biệt hy vọng rằng bạo lực bộ lạc sẽ chấm dứt, vì nó gây ra nhiều nạn nhân, ngăn cản con người sống trong hòa bình và cản trở sự phát triển. Do đó, tôi kêu gọi ý thức trách nhiệm của mọi người để ngăn chặn vòng xoáy bạo lực và thay vào đó kiên quyết dấn bước trên con đường dẫn đến sự hợp tác hiệu quả vì lợi ích của tất cả người dân trong nước.
Thật vậy, những thái độ nói trên có thể tạo ra những điều kiện để vấn đề về tình trạng của Đảo Bougainville cũng có thể tìm được giải pháp dứt khoát đồng thời tránh khơi lại những căng thẳng cũ.
Bằng cách củng cố sự đồng thuận về các yếu tố nền tảng của xã hội dân sự, cùng với việc mỗi người sẵn sàng hy sinh một phần quan điểm của mình vì lợi ích của tất cả mọi người, chúng ta có thể sử dụng các nguồn lực cần thiết để cải thiện cơ sở hạ tầng, giải quyết các nhu cầu về sức khỏe và giáo dục của người dân và tăng cơ hội để có được những công việc đúng phẩm giá.
Đôi khi chúng ta quên rằng con người cần nhiều hơn những nhu cầu căn bản của cuộc sống. Họ cũng cần có niềm hy vọng mạnh mẽ trong tâm hồn. Điều này cho phép họ sống cách trọn vẹn, mang lại cho họ sự hăng hái và lòng can đảm để thực hiện những dự án lớn, và cho phép họ hướng tầm mắt về phía chân trời bao la.
Sự dư thừa của cải vật chất không đủ để tạo ra một xã hội mang lại sự sống, thanh bình, siêng năng và vui tươi, mà nếu không có một cái nhìn về tinh thần rộng mở hơn, xã hội sẽ tự thu mình lại và dẫn đến tình trạng tâm hồn khô cằn. Kết quả là xã hội sẽ bị lạc lối và quên đi trật tự đúng của các giá trị. Hơn nữa, sự khô cằn này làm mất đi động lực tiến lên của xã hội, và như tình trạng xảy ra ở một số xã hội giàu có, nó ngăn cản sự tiến triển của xã hội đến mức xã hội mất hy vọng vào tương lai và không còn tìm thấy lý do để tiếp tục sống.
Đó là lý do tại sao cần phải hướng tinh thần đến những thực tại lớn hơn. Thái độ và hành động của chúng ta phải được giữ vững bởi sức mạnh bên trong, bảo vệ chúng khỏi nguy cơ trở nên tha hóa hoặc mất khả năng nhận thức về giá trị của việc làm và sự cần thiết phải thực hiện công việc với lòng tận tụy.
Các giá trị tinh thần ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng thành phố và mọi thực tại trần gian. Nói cách khác, những giá trị này thấm truyền vào linh hồn, truyền cảm hứng và củng cố mọi kế hoạch. Điều này cũng được làm nổi bật trong logo và chủ đề của Chuyến đi đến Papua New Guinea của tôi. Phương châm tóm tắt điều này trong một từ: Cầu nguyện. Có lẽ một số người quá chú tâm đến “tính chính xác về mặt chính trị” sẽ ngạc nhiên trước sự lựa chọn này. Nếu vậy, họ đã lầm, bởi vì một dân tộc cầu nguyện là dân tộc có tương lai, lấy được sức mạnh và hy vọng từ trên cao. Thậm chí hình ảnh chim thiên đàng trên logo của Chuyến Tông du cũng là biểu tượng của tự do: một sự tự do mà không ai và không điều gì có thể dập tắt được vì nó ở bên trong chúng ta và được Thiên Chúa bảo vệ, Đấng là tình yêu và muốn con cái của Người được tự do.
Với tất cả những người xưng mình là người Kitô hữu – chiếm phần lớn dân tộc của quý vị – tôi thiết tha hy vọng rằng đức tin không bao giờ chỉ giới hạn ở việc tuân giữ các nghi lễ và giới luật. Thay vào đó, ước mong đức tin được ghi đậm dấu ấn bằng tình yêu thương, tình yêu của Chúa Giêsu Kitô và noi gương Chúa trong vai trò là người môn đệ. Bằng cách này, đức tin trở thành văn hóa sống, truyền cảm hứng cho tâm trí và hành động và trở thành ngọn hải đăng soi sáng con đường phía trước. Đồng thời, đức tin cũng có thể giúp toàn xã hội phát triển và tìm ra những giải pháp tốt đẹp và hiệu quả cho những thách thức lớn nhất của xã hội.
Thưa Quý Ông Quý Bà, tôi đến đây để động viên các tín hữu Công giáo tiếp tục cuộc hành trình và củng cố đức tin của họ. Tôi đến đây để cùng mừng vui với họ về những tiến bộ họ đang đạt được cũng như chia sẻ những khó khăn của họ. Như Thánh Phaolô nói, tôi ở đây như một “người góp phần tạo niềm vui cho anh em” (2 Cr 1:24).
Tôi khen ngợi các cộng đoàn Kitô giáo về những công việc bác ái mà họ đang thực hiện trong nước. Tôi cũng thúc giục họ luôn tìm kiếm sự hợp tác với các tổ chức công và với tất cả những người thiện chí, bắt đầu từ những anh chị em thuộc các tông phái Kitô giáo khác và các tôn giáo khác, vì lợi ích chung của tất cả mọi người công dân Papua New Guinea.
Chứng tá sáng ngời của Chân phước Peter To Rot – như Thánh Gioan Phaolô II đã tuyên bố trong Thánh lễ phong chân phước cho ngài – “cho anh chị em thấy cách quảng đại hiến thân phục vụ tha nhân […] và bảo đảm cho xã hội phát triển trong sự chân thật và công bình, hòa hợp và đoàn kết” (Bài giảng, Port Moresby, ngày 17 tháng 1 năm 1995). Ước mong tấm gương của ngài, cùng với gương mẫu của Chân phước John Mazzuccini, PIME, và của tất cả các nhà truyền giáo đã loan báo Tin Mừng trên đất nước của quý vị, mang lại cho quý vị sức mạnh và hy vọng.
Xin Thánh Micae Tổng lãnh Thiên thần, bổn mạng của Papua New Guinea, luôn dõi theo, bảo vệ quý vị khỏi mọi hiểm nguy và bảo vệ Chính quyền cùng toàn thể người dân đất nước này.
Thưa Ngài, Ngài đã nói về phụ nữ. Chúng ta đừng quên rằng chính họ là những người đưa đất nước tiến lên. Phụ nữ có sức mạnh trao tặng sự sống, xây dựng, làm cho một quốc gia phát triển. Chúng ta đừng quên rằng phụ nữ là người ở tuyến đầu trong việc phát triển con người và tinh thần.
Thưa Ngài, thưa quý ông, quý bà!
Tôi bắt đầu chuyến viếng thăm đến giữa quý vị với niềm vui mừng. Tôi cảm ơn quý vị đã mở ra cho tôi những cánh cửa đất nước xinh đẹp của quý vị, rất xa Rome nhưng lại rất gần với trái tim của Giáo hội Công giáo. Vì trong trái tim của Giáo hội là tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, Đấng trên thập giá đã ôm lấy tất cả mọi người. Phúc Âm của Chúa dành cho tất cả mọi người, vì Phúc âm không bị ràng buộc với bất kỳ quyền lực trần gian nào, nhưng tự do nuôi dưỡng mọi nền văn hóa và làm cho Nước Thiên Chúa phát triển trên thế giới. Phúc Âm được hội nhập văn hóa và các nền văn hóa cần được rao giảng Phúc Âm. Ước mong Nước Thiên Chúa được chào đón trọn vẹn trên miền đất này, để tất cả mọi dân tộc trên đất nước Papua New Guinea, với nhiều truyền thống khác nhau, có thể chung sống hòa thuận và mang đến cho thế giới một tấm gương về tình huynh đệ. Cảm ơn quý vị rất nhiều.
[Nguồn: vatican.va]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/9/2024]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét