Thứ Năm, 12 tháng 9, 2024

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore (từ ngày 2 đến 13 tháng 9 năm 2024) – Thánh lễ tại Sân vận động Sir John Guise, ngày 08.09.2024

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore (từ ngày 2 đến 13 tháng 9 năm 2024) – Thánh lễ tại Sân vận động Sir John Guise, ngày 08.09.2024

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore (từ ngày 2 đến 13 tháng 9 năm 2024) – Thánh lễ tại Sân vận động Sir John Guise, ngày 08.09.2024

*******

Sáng nay, sau khi rời Tòa Sứ thần Tòa thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã di chuyển bằng xe hơi đến Sân vận động Sir John Guise để cử hành Thánh lễ.

Khi đến nơi, sau khi đi vòng quanh giữa khoảng 35.000 tín hữu bằng xe điện, và sau tiết mục trình diễn đầu tiên một vũ điệu truyền thống, lúc 8 giờ 10 phút (00 giờ 10 phút tại Rome), Đức Thánh Cha chủ trì Thánh Lễ bằng tiếng Anh vào Chúa Nhật thứ 23 Mùa Thường Niên.

Trong Thánh lễ, sau phần công bố Tin Mừng, Đức Thánh Cha có bài giảng.

Cuối Thánh lễ, sau lời cảm ơn của Đức Hồng y John Ribat, M.S.C., Tổng Giám mục Port Moresby, Đức Thánh Cha chủ trì giờ đọc kinh Truyền tin. Tiếp theo, sau phép lành cuối Lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô có cuộc gặp ngắn với Thủ tướng Papua New Guinea, Ngài James Marape, và sau khi chào tạm biệt các nhà chức trách dân sự và tôn giáo, ngài lên xe trở về Tòa Sứ thần Tòa thánh.

Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ:

__________________________________________


Bài giảng của Đức Thánh Cha

Những lời đầu tiên Chúa nói với chúng ta hôm nay là, “Can đảm lên, đừng sợ!” (Is 35:4). Theo cách này, tiên tri Isaia nói với tất cả những ai đang ngã lòng. Ông cũng động viên dân tộc của mình, và mời gọi họ hướng mắt về phía chân trời hy vọng và về tương lai nơi Chúa sẽ đến để cứu chúng ta cho dù đang trong những khó khăn và đau khổ. Vì Chúa thực sự sẽ đến, và vào ngày đó, “mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được” (Is 35:5).

Lời tiên tri này được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Trong trình thuật của Thánh Marcô, có hai điều đặc biệt được nhấn mạnh: khoảng cách của người bị điếc và sự gần gũi của Chúa Giêsu. Khoảng cách của người điếc. Chúng ta thấy anh ta ở một vùng địa lý mà theo ngôn ngữ ngày nay, chúng ta gọi là “vùng ngoại vi”. Lãnh thổ của miền Thập tỉnh nằm bên kia sông Giođan, cách xa trung tâm tôn giáo Giêrusalem. Hơn nữa, người điếc này cũng ở trong một tình trạng xa cách khác: anh ta xa Chúa và xa mọi người vì anh ta không thể giao tiếp, anh ta bị điếc và do đó không thể nghe thấy, và anh ta cũng bị câm và không thể nói. Anh ta bị cắt đứt khỏi thế giới, bị cô lập, là tù nhân của tình trạng câm và điếc của mình, vì vậy anh ta không thể tiếp cận người khác hoặc giao tiếp với họ.

Chúng ta cũng có thể diễn giải hoàn cảnh của người câm điếc theo một nghĩa khác, vì chúng ta cũng có thể bị cắt đứt khỏi sự hiệp thông và tình bạn với Chúa và với anh chị em của mình khi trái tim chúng ta khóa chặt lại, thay vì tai và lưỡi. Thật vậy, có một tình trạng câm và điếc của tâm hồn xảy ra bất cứ khi nào chúng ta khóa cửa lòng, hoặc đóng cửa tâm hồn trước Chúa và tha nhân qua tính ích kỷ, sự thờ ơ, sợ phiêu lưu hoặc dấn thân, sự oán giận, hận thù, và danh sách có thể còn nhiều. Tất cả những điều này làm chúng ta xa cách Chúa, xa cách anh chị em của mình, xa cách chính bản thân và xa cách niềm vui sống.

Anh chị em thân mến, Thiên Chúa phản ứng lại với khoảng cách đó theo cách hoàn toàn ngược lại, bằng sự gần gũi của Chúa Giêsu. Qua Con của Người, trước hết, Thiên Chúa muốn cho thấy Người gần gũi và thương xót, Người chăm sóc chúng ta và vượt qua mọi khoảng cách. Thật vậy, trong trích đoạn Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đi đến các vùng ngoại vi, rời khỏi Giuđêa để gặp gỡ những người dân ngoại (x. Mc 7:31).

Chúa Giêsu chữa lành tình trạng câm và điếc của con người bằng sự gần gũi của Ngài. Thật vậy, bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy xa cách, hoặc chúng ta chọn giữ khoảng cách với Thiên Chúa, với anh chị em mình hoặc với những người khác biệt với chúng ta, là chúng ta khép mình lại, tự đặt rào chắn mình cách biệt với bên ngoài. Rồi cuối cùng chúng ta chỉ xoay quanh cái tôi của bản thân, điếc với lời Chúa và tiếng kêu của người lân cận, và do đó không thể chuyện trò với Thiên Chúa hoặc với người lân cận của chúng ta.

Và anh chị em, những người sống trên miền đất xa xôi này, có lẽ anh chị em cũng tưởng tượng rằng mình bị tách biệt khỏi Chúa và khỏi nhau. Điều này không đúng, không: anh chị em được hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần và trong Chúa Giêsu! Và Chúa nói với mỗi người trong anh chị em, “hãy mở lòng”! Điều quan trọng nhất là mở lòng mình ra với Chúa và với anh chị em của chúng ta, và mở lòng ra với Phúc Âm, biến Phúc Âm thành kim chỉ nam cho cuộc sống của chúng ta.

Hôm nay, Chúa cũng nói với anh chị em rằng: “Hỡi dân Papua New Guinea, hãy can đảm lên, đừng sợ! Hãy mở lòng mình ra! Hãy mở lòng mình ra với niềm vui của Tin Mừng; hãy mở lòng mình ra để gặp gỡ Thiên Chúa; hãy mở lòng mình ra với tình yêu của anh chị em mình”. Ước mong không ai trong chúng ta vẫn bị câm hoặc điếc trước lời mời gọi này. Và, xin Chân phước Gioan Mazzucconi đồng hành với anh chị em trên hành trình này, vì giữa muôn vàn khó khăn và sự thù địch, ngài đã đưa Chúa Kitô vào giữa anh chị em, để không ai còn bị điếc trước sứ điệp tin vui cứu độ, và để tất cả mọi người có thể mở rộng lưỡi mình cất lên bài ca tình yêu của Thiên Chúa. Xin cho điều này xảy ra với anh chị em ngày hôm nay!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/9/2024]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét