Những biện pháp nâng cao sự thăng tiến và bảo vệ nhân quyền và phẩm giá của người cao tuổi
Tổng Giám mục Bernardito Auza
Khâm Sứ và Quan sát viên thường trực Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc
Trình bày của Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza
Sứ thần, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc
Tại Phiên họp thứ bảy của Nhóm Hoạt động mở về Tuổi già,
Mục (5): Những biện pháp nâng cao sự thăng tiến và bảo vệ nhân quyền và phẩm giá của người cao tuổi
12 tháng 12, 2016
Thưa ông Chủ tịch,
Tòa Thánh hân hạnh được tham dự trong Phiên họp của Nhóm Hoạt động Mở về Tuổi già (OEWG) và gửi lời cảm ơn ông vì vai trò tiếp tục là lãnh đạo Chủ tịch của Nhóm từ phiên họp đầu tiên.
Phái đoàn của tôi duy trì cam kết bảo vệ, thăng tiến và có hoạt động thiết thực về nhân quyền cho người già, cũng như tôn trọng nhân phẩm vốn có của họ. Chúng tôi ủng hộ công việc của OEWG từ năm 2010 dùng con đường cụ thể để giải quyết nhiều bất công đối với người già và kêu gọi sự chú ý đến tình trạng bị gạt ra bên lề ngày càng nhiều của họ.
Tầm quan trọng của công việc của OEWG sẽ tăng lên nhiều trong những năm tới. Vào năm 2030,con số người trên 60 tuổi của thế giới được ước tính sẽ tăng 56%, từ 901 triệu lên 1,4 tỷ người. Vào năm 2050, khu vực dân số đó được ước tính sẽ tăng gấp đôi, đạt gần 2,1 tỷ.(1) Sự gia tăng mạnh về dân số già, cùng với tuổi thọ trung bình gia tăng, sẽ đặt một sức nặng lớn cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe và các mạng lưới an toàn xã hội. Chúng ta phải giải quyết những điều đáng quan tâm này và phải làm sao để không đối xử với người già xem họ đơn thuần là gánh nặng đe dọa của kinh tế và xã hội.
Để tránh được sự suy giảm này, chúng ta phải thừa nhận rằng phẩm giá không biến mất vì tuổi tác hay giảm sụt trong sức sản xuất thị trường. Hơn nữa, khi một con người càng lớn tuổi, người đó càng phát triển tính chín chắn, và cho dù bản chất của sự đóng góp xã hội của một người có thể thay đổi, người đó vẫn có thể đóng góp nhiều cho xã hội. Liên quan đến điều này, Đức Thánh Cha Phanxico gần đây khẳng định rằng mỗi người chúng ta được kêu gọi để cam kết xây dựng một xã hội biết chào đón hơn và bao dung hơn, nhưng “để làm được việc này chúng ta phải đối mặt với văn hóa loại bỏ rất có hại, đó là văn hóa gạt người cao tuổi ra bên lề, xem họ không còn hữu ích.” Đức Thánh Cha cổ vũ tất cả “các đoàn thể và tổ chức xã hội giúp đỡ người cao tuổi sử dụng được những khả năng của họ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia tích cực của họ, và đặc biệt bảo đảm nhân phẩm của họ luôn được tôn trọng và trân trọng.”.(2)
Thưa ông Chủ tịch,
Trong những phiên họp trước, vấn đề đã được làm sáng tỏ rằng có nhiều sự đồng thuận về việc nêu ra những lỗ hổng nghiêm trọng còn tồn tại trong việc bảo vệ nhân quyền của người cao tuổi, nhưng lại không nói về những biện pháp giải quyết chúng. Một số ủng hộ cho một cơ cấu mới như hiệp định hay hiệp nghị, trong khi có những ý kiến nói về việc bảo đảm rằng các chính phủ phải hoàn thành những cam kết mà họ đã đưa ra về tôn trọng và thăng tiến quyền của người cao tuổi trong các hiệp định và hiệp nghị khác. Có những ý kiến nhấn mạnh rằng nền tảng cho việc bảo vệ người già phải dựa trên Chương trình Hành động Quốc tế Madrid về Người Cao tuổi và trong những cam kết đã được đưa ra trong quy định thi hành Chương trình Hành động 2030.
Cho dù việc bảo vệ nhân quyền của người cao tuổi được thực hiện dưới hình thức nào, điều quan trọng là phải bảo đảm những biện pháp đã được đồng thuận phải thỏa đáng để bảo vệ, tôn trọng và thực hiện nhân quyền đặc biệt của người già. Kinh nghiệm đã cho chúng ta thấy rằng những hiệp ước, những hiệp định, những hội nghị và tuyên ngôn, trong khi giúp để xây dựng sự đồng thuận và những quy phạm quốc tế, thường thiếu những ý chí chung cần thiết cho việc thi hành trọn vẹn. Và chúng ta không thể để cho những công dân lớn tuổi của chúng ta bị bỏ rơi đàng sau bằng những từ ngữ mà không có sự thực hành.
Thưa ông Chủ tịch,
Để có thể bảo đảm rằng nhân quyền của người lớn tuổi được tôn trọng và những cam kết về sự hạnh phúc cho họ được thực hiện, điều vô cùng quan trọng là những bảo đảm và cam kết đó phải được thực hiện bằng những chính sách và những chương trình cụ thể nhắm giải quyết những nguyên nhân gốc rễ căn bản của những vi phạm nhân quyền của họ và, đôi khi, sự bỏ rơi họ.
Liên quan đến vấn đề này, điều cốt yếu là phải thăng tiến những giá trị và những hệ thống giáo dục đưa ra được một giải pháp thay thế cho “văn hóa loại trừ” mà Đức Giáo hoàng Phanxico nói đến, trong đó xét đoán mỗi con người đơn thuần qua tính hữu dụng của họ. Chúng ta phải kết hợp làm việc với nhau để khám phá ra những con đường mới để tái khẳng định và đề ra vai trò quan trọng mà người lớn tuổi góp phần trong xã hội và làm cho mọi người thấy được vị trí quan trọng của người lớn tuổi trong gia đình của chúng ta, trong các nền văn hóa và các xã hội.
Người cao tuổi không những là một nguồn kiến thức nhưng còn là điểm tham khảo quan trọng trong những lúc có nhiều tranh cãi về giá trị và bấp bênh về tương lai. Vì ở một số nơi người lớn tuổi đã bị mất vị trí phù hợp của họ trong xã hội, đôi khi họ cảm thấy vô dụng và cô đơn. Chính vì điểm này mà chúng ta phải kiên nhẫn giáo dục cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Đây là một trong những lý do quan trọng nhất đàng sau sự đoàn kết và đối thoại đa thế hệ.
Cuối cùng, thưa ông Chủ tịch, điều quan trọng phải ghi nhớ rằng khi chúng ta nói về tuổi già và người lớn tuổi là chúng ta đang nói về một lớp người mà theo thời gian chính chúng ta sẽ là lớp người đó. Những quyết định mà chúng ta đưa ra và công việc chúng ta làm hôm nay sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta ngày mai.
Xin cảm ơn ông Chủ tịch.
1. “World Population Ageing Report, 2015”, United Nations Department of Economic and Social Affairs, Population Division.
2. Pope Francis, Discourse to the Members of the National Association of Elderly Workers and of Senior Italia FederAnziani, 15 October 2016.
Chuyển ngữ: TRI KHOAN 14/12/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét